Hải Dương là tỉnh nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng có diện tích đất nông nghiệp khoảng 106.600 ha. Diện tích gieo trồng cây hàng năm khoảng 155.000 ha, trong đó diện tích gieo cấy lúa chiếm 115.000 ha, chủ yếu là gieo cấy các giống lúa thuần chất lượng (chiếm 70%).
Tuy nhiên hiện nay một số giống lúa thuần đang được bà con nông dân trong tỉnh gieo cấy bị nhiễm sâu bệnh, đặc biệt là bệnh bạc lá vụ mùa làm ảnh hưởng lớn tới năng suất, chất lượng gạo.
Với mục đích chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về các giống lúa mới ngắn ngày có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh, đáp ứng được yêu cầu của nông dân và thị trường, vụ mùa 2020 Trung tâm Khuyến nông Hải Dương đã xây dựng mô hình trình diễn thâm canh giống lúa Nếp Hương của Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang.
Qua đó đánh giá đặc điểm nông sinh học, khả năng sinh trưởng, phát triển, năng suất cũng như khả năng chống chịu của giống đối với sâu bệnh và điều kiện bất thuận của thời tiết, từ đó có căn cứ để mở rộng ra sản xuất đại trà trên địa bàn tỉnh.
Qua 16 ha thử nghiệm tại 2 xã Lam Sơn (huyện Thanh Miện) và Hùng Thắng (huyện Bình Giang), Nếp Hương đã thể hiện là giống lúa có nhiều ưu điểm. Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hải Dương đánh giá, đây là giống cảm ôn ngắn ngày với thời gian sinh trưởng vụ mùa 95 – 105 ngày, vụ xuân 120 – 125 ngày; giống có dạng hình đẹp; đẻ nhánh khỏe; trỗ tập trung; tỷ lệ bông hữu hiệu cao (300 – 310 bông/m2) ở vụ mùa; khóm gọn; lá đòng dài; đứng và cứng cây.
Đặc biệt giống Nếp Hương có khả năng chống chịu sâu bệnh cao, chống đổ tốt, dễ gieo cấy và có thể gieo cấy trên các chân đất vàn, vàn cao. Giống có dạng bông dài (23 – 26cm), nhiều gié, nhiều hạt, hạt bầu tròn, màu sáng, năng suất đạt 75 tạ/ha (tương đương 250 – 270 kg/sào).
Qua hạch toán sơ bộ cho thấy giống Nếp Hương đem lại hiệu quả kinh tế đạt 30.525.000 – 35.484.000 đ/ha (tương đương 1.102.000 – 1.281.000đ/sào).
Ông Nguyễn Phú Thụy, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Dương cho biết: “Giống Nếp Hương được đưa vào sản xuất thử từ vụ mùa 2017. Năm đó nhiều giống lúa thuần bị mất mùa do bệnh bạc lá nhưng Nếp Hương vẫn đạt năng suất từ 1,8 – 2 tạ/sào. Từ đó cho đến nay chúng tôi đã cấy được 5 – 6 vụ, trên các chân đất khác nhau giống lúa này đều thích ứng tốt”.
Ông Trương Công Thưởng, nông dân xã Lam Sơn, huyện Thanh Miện có 5 mẫu ruộng cấy giống lúa Nếp Hương. Vụ mùa 2020 là vụ thứ hai ông cấy giống này và đánh giá Nếp Hương có chất lượng tốt nhất tại xã Lam Sơn hiện tại.
“Với những ưu điểm dễ chăm bón, rất ít sâu bệnh, cứng cây, lá dày nên đỡ nhiễm bạc lá, có khả năng chống đổ, năng suất cao nên vụ chiêm tới đây bà con sẽ cấy giống lúa Nếp Hương này. Tuy nhiên điều mà nông dân nơi đây lo lắng nhất đầu ra sản phẩm. Tất cả đều mong muốn khi đã đưa giống lúa này vào cấy đại trà thì doanh nghiệp sẽ về thu mua sản phẩm cho chúng tôi”, ông Thưởng bày tỏ.
Qua kết quả khảo nghiệm sản xuất, Trung tâm Khuyến nông Hải Dương đánh giá, giống lúa Nếp Hương có nhiều đặc tính ưu việt, tiềm năng năng suất cao, chống chịu sâu bênh tốt, chất lượng gạo ngon, cơm dẻo, có mùi thơm nhẹ, phù hợp với điều kiện sản xuất tại Hải Dương, các địa phương nên bố trí vào trà xuân muộn, mùa sớm, mùa trung, trên chân đất vàn, vàn cao. Trung tâm cũng khuyến cáo, đây là giống có tiềm năng năng suất cao, số hạt trên bông nhiều nên phải bón phân cân đối, đủ lượng.
Theo ông Phùng Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang, nông dân ở các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... đã đưa giống Nếp Hương vào sản xuất đại trà. Nhiều thương lái tại địa phương đã đến thu mua, vì giống lúa nếp này có thể tiêu thụ được rộng rãi, giá cả phải chăng.
“Người dân Hải Dương không phải lo lắng về vấn đề đầu ra, vì nơi đây là cái nôi tiêu thụ lúa nếp. Chưa kể đến việc lúa Nếp Hương có hạt to, đẹp và chủ yếu để xuất khẩu nên sức tiêu thụ rất lớn. Thị trường xuất khẩu chính của lúa Nếp Hương là Trung Quốc, Lào và các nước châu Phi”, ông Phùng Văn Quang chia sẻ.