Ở Sóc Trăng có vùng đất ven biển trồng lúa thường xuyên bị ảnh hưởng thời tiết bất lợi vào mùa khô hạn, xâm nhập mặn. Đồng ruộng chịu thử thách khắc nghiệt nhưng cũng chính là nơi kiểm chứng sức sống mạnh mẽ các giống lúa ST. Trong gần 30 năm qua, nhóm tác giả nghiên cứu nhóm giống lúa ST không ngừng miệt mài chọn tạo, nâng cao khả năng chống chịu sâu bệnh, thích ứng thời tiết dị thường trước biến đổi khí hậu (BĐKH).
Tuy nhiên, tỉnh Sóc Trăng đã phát huy đặc điểm đa dạng sinh học ngọt, mặn, lợ, biến bất lợi thành lợi thế, mở ra vùng sáng phát triển kinh tế nông nghiệp đa canh. Vùng nước mặn và lợ ven biển Đông hình thành khu vực nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, canh tác luân canh tôm - lúa. Vùng chủ động nguồn nước ngọt trồng lúa 2 vụ/năm và phát triển rau màu, cây ăn trái. Quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất, định hình và chọn lọc những giống lúa có tính thích nghi cao. Trong đó, việc phóng thích những giống lúa thơm ST đưa vào sản xuất, khả năng thích nghi tốt từ vùng tôm - lúa ở Bán đảo Cà Mau đến nhiều địa phương chuyên canh lúa 2 vụ/năm trong vùng ĐBSCL.
Các giống lúa ST có đặc điểm vượt trội về phẩm chất hạt gạo dài, cơm thơm. Từ thành quả ban đầu ST3, lần lượt nối tiếp ra đời ST5, ST20… và đến mấy năm gần đây hai giống ST24, ST25 đạt danh tiếng vang dội tại các cuộc thi gạo ngon trong nước và thế giới. Đẳng cấp gạo Việt được sản xuất từ giống lúa lai tạo trong nước trở thành hiện tượng đặc biệt, góp phần sôi động trong phân khúc thị trường gạo ngon thế giới từ đó kích hoạt vùng sản xuất mở rộng. Giống lúa thơm ST25 ngắn ngày, năng suất cao. Nhất là lúa thương phẩm bán giá cao và lợi nhuận cao hơn các giống lúa thơm khác trong vùng.
Anh hùng lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua "cha đẻ" bộ giống lúa ST nổi tiếng cùng với các cộng sự là cán bộ nghiên cứu nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Sau khi phóng thích giống ST25, từ hơn 2 năm qua nhóm cán bộ nông nghiệp Trại nghiên cứu và sản xuất giống lúa Hồ Quang (Sóc Trăng) liên lục nghiên cứu chọn các dòng mới có tính kháng đổ ngã hơn. Vì vậy độ ổn định năng suất giống lúa ST25 cao hơn dòng trước đây. Tuy nhiên, giống ST24 vẫn cứng rạ hơn ST25 và nhận được sự phản hồi tốt từ nông dân.
Vào đầu tháng 9 vừa qua, Gạo Ông Cua ST25 đã được một nhà nhập khẩu ký kết hợp tác phân phối độc quyền vào thị trường Anh. Ưu điểm ST25 là có gạo thơm mới quanh năm nên luôn chuẩn mực độ thơm dẻo. Thủ tục xuất khẩu gạo dễ dàng, thông thoáng và thị trường Châu Âu dành riêng cho Việt Nam 30.000 tấn/năm gạo miễn thuế nhập khẩu.
Tín hiệu thị trường tốt, tiềm năng phát triển lúa gạo hàng hoá đặc sản ST25 với quy mô lớn mở ra. Sức sống ST25 đang phủ rộng đến một số vùng miền trong nước. Kỹ sư Hồ Quang Cua nói, đầu năm 2019 Bộ NN-PTNT công nhận đặc cách giống lúa ST24 và đến cuối năm công nhận giống lúa ST25, nhưng chỉ công nhận cho sản xuất ở vùng ĐBSCL. Sau đó chúng tôi hợp đồng với các cơ quan khảo kiểm nghiệm Tây Nguyên, miền Trung, miền Bắc tiếp tục khảo nghiệm để xin công nhận ở các vùng còn lại của Việt Nam.
Kết quả khảo nghiệm hơn 2 năm qua, cùng với sự tìm chọn giống mới của nông dân trên khắp cả nước cho thấy ST24, ST25 có phổ thích nghi rộng rãi. Đó là do ST24, ST25 mang gen lúa thơm ở miền Nam quanh năm nhiệt độ cao lẫn mang gen giống Tám Thơm Bắc bộ chịu nhiệt độ thấp. Nhưng qua đánh giá giống lúa ST không nên trồng ở vùng lúa 3 vụ vì vừa bị lẫn rất nhiều, vừa phải trồng trên nền lúa hữu cơ chưa kịp phân hủy nên phẩm chất thấp hơn các vùng khác.
Các vùng canh tác ST25 cho phẩm chất gạo cao như: Vùng ven biển ở ĐBSCL mỗi năm chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn, chỉ trồng một vụ lúa vào mùa mưa, mùa khô nuôi tôm. Vùng luân canh lúa - nuôi rươi ở khu vực cửa sông đồng bằng Bắc bộ. Ở Tây Nguyên chủ yếu là tỉnh Đắk Lắk. Ngoài ra ở ĐBSCL lúa ST25 khả năng thích nghi khá tốt ở vùng lúa 2 vụ trước đây từng bị nhiễm mặn do xâm nhập mặn nhưng hiện đã có hệ thống đập ngăn mặn.