Hoàng đàn được biết đến là loài thực vật rừng đang bị đe dọa tuyệt chủng tại Việt Nam, được xếp vào nhóm 1A - nhóm thực vật rừng có giá trị đặc biệt về khoa học và môi trường, có giá trị cao về kinh tế, nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.
Đây là loài đặc hữu, hiếm của Việt Nam, trước đây phân bố chủ yếu ở các dải núi đá vôi cao chót vót thuộc các huyện phía nam của tỉnh Lạng Sơn như Hữu Lũng, Bắc Sơn. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở các bản Lân Cốc, Nà Nọc (xã Hữu Liên, Hữu Lũng).
Hoàng đàn là cây có giá trị cao vì cho chất gỗ mềm, nặng vừa, ít co rút, cong vênh, không mối mọt, mùi thơm dịu, được ưa dùng làm đồ mỹ nghệ cao cấp, đồ thờ cúng (bài vị, đồ thờ tế, làm hương…), tinh dầu được dùng làm thuốc, nước hoa...
Cũng chính vì đa giá trị nên hoàng đàn đã bị khai thác đến mức kiệt quệ. Theo thống kê, đến những năm 90 ở Lạng Sơn chỉ còn 82 cây sống rải rác trên các khu rừng, trong vườn một số hộ dân thuộc các xã Hữu Liên, Yên Thịnh (huyện Hữu Lũng) và xã Vạn Linh (huyện Chi Lăng).
Trước thực tế đó, để hoàng đàn không bị tuyệt chủng, từ năm 2013 đến nay, Ban Quản lý (BQL) Rừng đặc dụng Hữu Liên đã tập trung nghiên cứu, nhân giống loài cây này.
Ông Lê Văn Hùng, Trưởng phòng Bảo tồn và Dịch vụ môi trường rừng (BQL Rừng đặc dụng Hữu Liên) cho biết: Qua theo dõi, đơn vị đã tuyển chọn được 4 cây đủ tiêu chuẩn để thu hái hạt và tiến hành gieo ươm. Ròng rã thử nghiệm liên tục từ năm 2014 đến năm 2017, BQL đã gieo ươm thành công gần 1.000 cây giống. Năm 2017, 30 cây con được đưa ra trồng tại vườn thực vật của BQL.
Để cho ra được cây giống đạt chất lượng, BQL đã áp dụng nhiều phương pháp khác nhau như giâm hom, nuôi cấy mô, chiết cành, gieo hạt… Tuy nhiên, qua theo dõi chỉ có phương pháp nhân giống bằng gieo hạt là đảm bảo cây non giữ được đúng hệ gen nguyên bản. Cây con sau khi đem trồng có khả năng thích ứng tốt với điều kiện ngoại cảnh và tạo cơ sở cho việc lai tạo sau này.
Khả năng tự tái sinh, nảy mầm ngoài tự nhiên của cây hoàng đàn rất kém. Những cây nảy mầm được thường kém phát triển, dễ chết, trong khi nguồn cây bố mẹ để nhân giống ít, tính đa dạng di truyền không cao.
Sau khi ươm cây giống thành công, BQL Rừng đặc dụng Hữu Liên đã đưa cây con vào rừng trồng thử. Tuy nhiên, qua theo dõi nhận thấy hiệu quả không cao, bởi đây là loài phát triển chậm, sau 3 - 4 năm mới ra lá thật, 15 - 20 năm mới ra hoa, kết quả.
Vì vậy, để nhanh chóng nâng số lượng cá thể cây, BQL đã phối hợp với chính quyền xã phát cây con (mỗi hộ từ 1 đến 2 cây) và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho những người có uy tín trên địa bàn. Những hộ được nhận cây phải cam kết với BQL làm tốt công tác chăm sóc, không cho, tặng, bán hoặc đưa cây ra ngoài địa bàn xã.
Ngoài ra, BQL đã tặng cây con cho các trường học trên địa bàn để trồng trong khuôn viên trường. Bên cạnh việc bảo tồn, giáo viên sẽ kết hợp tuyên truyền, giáo dục các em học sinh về tầm quan trọng cũng như giá trị của cây hoàng đàn.
Sau nhiều nỗ lực, hiện BQL Rừng đặc dụng Hữu Liên đã trồng thành công được gần 800 cây hoàng đàn. Trong đó, tại vườn thực vật của BQL trồng được hơn 500 cây, tại các hộ dân và trường học trên địa bàn trồng được 250 cây. Ngoài ra, một số hộ dân có cây trồng tại vườn nhà tuổi đời từ 15 - 20 năm đã cho quả, cũng được BQL hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật nhân giống. Vì vậy, thời gian tới số lượng cây trên địa bàn sẽ tiếp tục tăng lên.
Ông Phạm Văn Cấp, Giám đốc BQL Rừng đặc dụng Hữu Liên cho biết: BQL sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc nhân giống cây con. Khi cây đủ cứng cáp sẽ giao cho các hộ dân ở khu vực chân núi hoặc có môi trường lập địa giống với môi trường trên rừng để từng bước đưa giống cây này trở lại với rừng tự nhiên.
Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với các đơn vị nghiên cứu khoa học để xây dựng bộ cơ sở dữ liệu, thông tin về đặc tính sinh trưởng, phát triển, giá trị của cây hoàng đàn. Phối hợp với chính quyền địa phương và người dân triển khai trồng nhân rộng, gắn việc bảo tồn, phát triển với việc hướng đến các giá trị gia tăng, tạo sinh kế lâu dài cho người dân…