| Hotline: 0983.970.780

Giữ rừng bằng công nghệ

Thứ Sáu 07/06/2024 , 15:58 (GMT+7)

Ngoài thiết bị bay flycam, đơn vị còn đầu tư thêm hệ thống bẫy ảnh, giăng mắc trên các đường mòn, lối mở. Nhờ vậy, công tác bảo vệ rừng đạt hiệu quả cao hơn.

Từ vài năm nay, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên (Công ty Nam Tây Nguyên), nằm trên địa bàn huyện biên giới Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, đã làm khá tốt công tác bảo vệ rừng nhờ áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, một trong số đó là đầu tư công nghệ.

Nam Tây Nguyên hiện quản lý khoảng 27.000ha rừng và đất rừng; trong đó có gần 24.000ha rừng tự nhiên và rừng trồng, khoảng 3.000ha đất lâm nghiệp khác là diện tích bị lấn chiếm từ lâu.

Địa bàn rừng của Công ty Nam Tây Nguyên khá rộng, trải dài trên diện tích khoảng 120km, thuộc địa giới hành chính các xã Quảng Trực, Quảng Tâm và Đắk Ngo (Tuy Đức). Nhiều diện tích rừng, đất rừng nằm xen kẽ với đất người dân lấn chiếm nên công tác quản lý bảo vệ rừng gặp không ít khó khăn. Tại lâm phần quản lý của đơn vị xuất hiện các “điểm nóng” về lấn chiếm, tranh chấp đất rừng.

Ông Nguyễn Ngọc Bình (đội mũ cối) Chủ tịch, Giám đốc Công ty Nam Tây Nguyên cùng các thành viên công ty đi tuần rừng. Ảnh: Hồng Thủy.

Ông Nguyễn Ngọc Bình (đội mũ cối) Chủ tịch, Giám đốc Công ty Nam Tây Nguyên cùng các thành viên công ty đi tuần rừng. Ảnh: Hồng Thủy.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Nam Tây Nguyên, tâm sự: Xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, nơi có phần lớn diện tích rừng của Nam Tây Nguyên là một trong những địa phương khó khăn nhất của tỉnh, dân bản địa phần lớn là đồng bào thiểu số, đời sống còn rất khó khăn, chủ yếu mưu sinh gắn liền với rừng và đất rừng. Vì thế, tình trạng lấn chiếm đất rừng, phá rừng làm nương rẫy diễn biến phức tạp. Với trách nhiệm nặng nề, chúng tôi luôn xác định nhiệm vụ then chốt là quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Chúng tôi đã xây dựng phương án Quản lý bảo vệ rừng giai đoạn 2020-2030,  xác định các biện pháp cơ bản trong quản lý phát triển tài nguyên rừng bền vững, nâng cao hiệu quả sử dụng rừng, thu hút nguồn lực, đầu tư tái tạo rừng. Bên cạnh đó, xây dựng các phương án, chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế, chuyển giao kỹ thuật, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước ổn định, nâng cao đời sống cho người dân. Từ đó, giảm thiểu tình trạng phá, lấn chiếm đất rừng.

“Ngoài ra, từ mấy năm nay, chúng tôi còn triển khai lắp đặt thiết bị camera tự động (bẫy ảnh) tại những khu vực đường mòn, lối mở. Các thiết bị này sử dụng pin và được cài đặt tự động kích hoạt, chụp lại ảnh khi có động phía trước. Ngoài bẫy ảnh, công ty Nam Tây Nguyên còn đầu tư cả flycam để giám sát từ xa. Nhờ vậy đã phát hiện sớm nhiều vụ xâm lấn đất rừng, chặt phá cây, kịp thời ngăn chặn”, ông Bình nói.

'Tổ bay'  flycam đang kiểm soát tình hình trong rừng bằng công nghệ. Ảnh: HT.

"Tổ bay"  flycam đang kiểm soát tình hình trong rừng bằng công nghệ. Ảnh: HT.

“Lâm phần quản lý của chúng tôi rất rộng. Nên những chiếc bẫy ảnh được đặt ở các điểm trọng yếu trong rừng đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều: kịp thời nắm bắt tình hình khi có các đối tượng nghi ngờ xâm phạm đến rừng, ghi nhận hình ảnh của động vật hoang dã, phục vụ nghiên cứu đa dạng sinh học”, anh Thọ, nhân viên bảo vệ rừng Công ty Nam Tây Nguyên, nói.

Đến năm 2020, Công ty Nam Tây Nguyên tiếp tục đầu tư thêm thiết bị bay flycam để phục vụ công tác QLBVR. Sau khi được tập huấn về kỹ thuật bay, Công ty đã lập các “tổ bay” 4 người. Anh Thọ cho biết, mỗi lần bay, flycam bay mỗi lần được 1 tiếng rưỡi với 3 lần thay pin, quét được diện tích 300ha rừng.

“Chúng tôi bay và “quét”, chụp ảnh với cao độ trung bình từ 100 - 300m, sau đó các hình ảnh được xuất ra máy tính, tách ra để lấy điểm ảnh, độ cao…Từ các điểm ảnh này ghép lại thành 1 ảnh lớn, xuất ra bằng các phần mềm chuyên dụng của ngành nông nghiệp hoặc Google earth để thấy được hiện trạng rừng và đất rừng, giúp chúng tôi nắm rõ được hiện trạng rừng nhanh và thực tế, rất hiệu quả trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu trong công tác giữ rừng”, anh Thọ nói tiếp.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bình, trong điều kiện lâm phần rộng và tình hình phức tạp, việc ứng dụng công nghệ đã giúp cho công tác quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị đạt hiệu quả cao hơn. Việc liên tục quét hình ảnh đã giúp cho Công ty nắm rõ về hiện trạng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ việc xâm hại rừng và lấn chiếm đất rừng.

Những năm gần đây, số vụ phá rừng trên lâm phần của đơn vị đều giảm.“Chúng tôi đang từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu rừng và đất rừng của lâm phần. Có thể nói, Nam Tây Nguyên là đơn vị tiên phong áp dụng các công nghệ giám sát rừng từ xa, nên có một số đơn vị lâm nghiệp trên địa bàn đã liên hệ nhờ hỗ trợ, hướng dẫn, chúng tôi rất sẵn lòng chia sẻ, vừa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng chung, vừa góp phần vào nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh”, ông Bình nói.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

C.P. Việt Nam bàn giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam vừa phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, ban giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.