| Hotline: 0983.970.780

Gỡ khó Thông tư 13 về chuyển mục đích sử dụng rừng

Thứ Ba 25/10/2022 , 08:35 (GMT+7)

Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp) đang xây dựng dự thảo nhằm sửa đổi một số nội dung vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư số 13 về chuyển đổi đất rừng.

284795104_1427234564383025_5573571984102563653_n

Cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) tuần tra, kiểm đếm. Ảnh: QD.

Khó bố trí quỹ đất trồng rừng thay thế

Thực hiện Luật Lâm nghiệp 2017, Bộ NN-PTNT ban hành Thông tư số 13/2019/TT-BNNPTNT (gọi tắt là Thông tư 13) ngày 25/10/2019 quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020.

Thông tư 13 đã cụ thể hóa các quy định về trồng rừng thay thế được quy định tại Luật Lâm nghiệp và Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018. Thông tư hướng dẫn cụ thể cho từng trường hợp chủ đầu tư tự thực hiện trồng rừng thay thế hoặc nộp tiền về Quỹ tỉnh, hướng dẫn chi tiết về trình tự, thủ tục, thành phần hồ sơ,… tạo điều kiện thuận lợi để Chủ dự án thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế.

Đồng thời, đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện một cách đồng bộ, phù hợp với Luật Lâm nghiệp và các quy định hiện hành khác có liên quan, giúp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong công tác trồng rừng thay thế.

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, Thông tư 13 đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện quy định của pháp luật về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, góp phần nâng cao diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ và hỗ trợ trồng rừng sản xuất trên địa bàn toàn quốc.

Mặc dù vậy, theo báo cáo của Cục Kiểm lâm - Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), đến thời điểm hiện tại, Thông tư 13 cũng thể hiện nhiều tồn tại, vướng mắc. Đối với đối tượng đất trồng rừng thay thế, theo quy định tại Thông tư 13, kinh phí sử dụng trồng rừng thay thế chỉ được thực hiện đối với rừng phòng hộ, đặc dụng và hỗ trợ trồng rừng sản xuất. Tuy nhiên, hiện quỹ đất lâm nghiệp để trồng rừng phòng hộ, đặc dụng cơ bản đã có rừng nhưng chất lượng rừng không cao (chủ yếu là keo, bạch đàn tái sinh), khả năng phòng hộ kém bền vững... dẫn đến việc bố trí quỹ đất trồng rừng thay thế ở các địa phương gặp nhiều khó khăn.

Việc thanh lý rừng trồng đối với diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng bị thiệt hại do thiên tai đến nay vẫn chưa có quy định hướng dẫn trình tự, thủ tục thanh lý rừng trồng và quản lý, sử dụng số tiền thu được từ thanh lý rừng trồng không thành rừng, rừng trồng không có khả năng thành rừng do Thông tư số 18/2013/TT-BTC ngày 20/02/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn trình tự, thủ tục thanh lý rừng trồng và quản lý, sử dụng số tiền thu được từ thanh lý rừng trồng không thành rừng, rừng trồng không có khả năng thành rừng đã hết hiệu lực.

Thông tư 13 chưa quy định biện pháp bảo đảm thực hiện trồng rừng thay thế của chủ dự án tự trồng rừng thay thế. Trên thực tế, hiện nay, một số chủ dự án tự trồng rừng thay thế sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án trồng rừng thay thế và quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác nhưng chậm tổ chức thực hiện trồng rừng thay thế hoặc không trồng đủ diện tích phải trồng theo phương án, thậm chí có biểu hiện chây ì, gây khó khăn trong công tác quản lý ở địa phương.

Thông tư 13 cũng chưa quy định về tiêu chí lựa chọn địa phương để thực hiện trồng rừng thay thế đối với nguồn tiền nộp về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam. Từ đó việc lựa chọn phân bổ kinh phí trồng rừng thay thế cho các địa phương còn chưa thống nhất, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, đặc biệt là khi thực hiện kiểm tra, kiểm toán.

Thông tư 13 mới chỉ quy định xử lý rủi ro do thiên tai, chưa có quy định xử lý rủi ro do các nguyên nhân khác, trong khi đó việc xử lý rủi ro do các nguyên nhân khác cũng đã được quy định tại Điều 20, Thông tư số 15/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/10/2019 của Bộ NN-PTNT về hướng dẫn một số nội dung quản lý đầu tư công trình lâm sinh. 

Thông tư 13 chưa quy định cụ thể chế độ báo cáo kết quả thực hiện trồng rừng thay thế của chủ dự án tự trồng rừng thay thế hoặc các đơn vị, tổ chức được giao kinh phí trồng rừng thay thế.

Một bản làng tại vùng đệm Vườn Quốc gia Cúc Phương. Ảnh: PH.

Cư dân sinh sống tại một bản làng vùng đệm Vườn Quốc gia Cúc Phương. Ảnh: QD.

Xây dựng Thông tư thay thế Thông tư 13

Theo Thông tư 13, chủ dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác có nghĩa vụ phải trồng rừng thay thế. Trường hợp chủ dự án không có điều kiện tự trồng rừng thay thế thì thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế bằng hình thức nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng để tổ chức trồng rừng.

Nếu chủ dự án tự trồng rừng thay thế nhưng còn thiếu so với diện tích phải trồng do không có đủ diện tích đất để tự trồng rừng thì thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế bằng hình thức nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng đối với phần diện tích còn thiếu.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Thiện, Cục trưởng Cục Kiểm lâm, nhận định, trong thời gian qua, việc thực hiện Thông tư 13 về quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác là một điểm mới và được các cơ quan chức năng, các địa phương đánh giá có ý nghĩa trong công tác phát triển rừng.

“Trong quá trình triển khai, thực hiện đã có những nội dung không thể lường trước hết được về trình tự, thủ tục. Cùng với việc hệ thống văn bản pháp luật của các ngành liên quan khác có sự thay đổi dẫn đến việc cần có những điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn”, ông Nguyễn Hữu Thiện chia sẻ.

Chính vì thế, Tổng cục Lâm nghiệp đã giao Cục Kiểm lâm chủ trì xây dựng dự thảo Thông tư thay thế nhằm sửa đổi các nội dung còn vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư 13 từ trình tự, thủ tục, các biện pháp thực hiện…

“Cần đảm bảo khi thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng một diện tích rừng tự nhiên nhất định sang mục đích khác, bắt buộc phải trồng rừng thay thế lại bằng 3 diện tích đã chuyển đổi. Còn đối với rừng trồng, phải trồng rừng thay thế bằng đúng diện tích đã chuyển đổi”, Cục trưởng Cục Kiểm lâm cho hay.

Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, việc xây dựng dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 13 sẽ vừa đảm bảo mục tiêu cải cách thủ tục hành chính vừa góp phần giữ, bảo vệ và phát triển rừng trong tương lai.

Theo báo cáo của các địa phương, từ ngày 1/1/2020 (từ khi Thông tư 13 có hiệu lực) đến ngày 31/3/2022, tổng diện tích chuyển đổi phải trồng rừng thay thế đạt gần 22.000ha.

Tổng diện tích đã trồng là gần 15.000 ha (đạt 68,4% tổng diện tích phải trồng). Trong đó, diện tích trồng rừng đặc dụng là hơn 1.900 ha; diện tích trồng rừng phòng hộ là gần 8.000 ha; hỗ trợ trồng rừng sản xuất là hơn 5.000 ha.

Tổng số tiền trồng rừng thay thế đã thu từ ngày 1/1/2020 đến 31/3/2022 là hơn 944 tỷ đồng. Tổng số tiền đã phân bổ để thực hiện trồng rừng thay thế là gần 629 tỷ đồng, bằng 66,61% số tiền đã thu. Số tiền còn phải giải ngân để tiếp tục trồng rừng thay thế và chăm sóc, bảo vệ rừng đã trồng trong những năm tiếp theo là hơn 315 tỷ đồng.

Xem thêm
Trưởng ban Nội chính Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre

Bến Tre Đến nay, có 8/17 chỉ tiêu đạt trên 80% so với mục tiêu Nghị quyết, tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 4,97%, thu nhập bình quân đầu người đạt 56,8 triệu người/năm.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giá vé máy bay Tết Ất Tỵ tăng trung bình 20%

Cục Hàng không Việt Nam ghi nhận giá vé máy bay dịp Tết Ất Tỵ tăng trung bình 20%, vé phổ thông chặng TP.HCM - Hà Nội khoảng 2,9 triệu đồng.

Về xứ Tuyên ở nhà trên núi

Nông thôn xứ Tuyên đang dần tìm lại bóng dáng làng xưa với niềm tự hào kiêu hãnh, cũng bởi lẽ đó nhiều khách phương xa muốn tìm về!