| Hotline: 0983.970.780

'Không ăn được thì đạp đổ, trút giận lên rừng'

Thứ Sáu 21/10/2022 , 16:51 (GMT+7)

Có tình trạng cháy rừng không phải do nguyên nhân bất cẩn mà do nguyên nhân có chủ đích đến từ các chủ rừng.

Hội nghị công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng toàn quốc năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Ảnh: Phạm Hiếu.

Hội nghị công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng toàn quốc năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Ảnh: Phạm Hiếu.

Gần 50 năm bảo vệ và phát triển rừng của ngành kiểm lâm

Là một đất nước “Tam sơn, tứ hải, nhất phần điền”, bên cạnh diện tích rừng núi rộng lớn, ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống cũng như sự phát triển kinh tế xã hội, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học cao trên thế giới.

Xuyên suốt lịch sử thành lập và phát triển gần 50 năm nay, lực lượng kiểm lâm toàn quốc đã thực thi các nhiệm vụ về quản lý, bảo vệ, phòng, chống cháy rừng cũng như thực hiện các nhiệm vụ về pháp luật liên quan đến kiểm lâm.

“Đặc biệt, các Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh đã thể hiện vai trò nòng cốt trong việc hướng dẫn người dân tham gia công tác phát triển rừng; gây giống, trồng và bảo vệ rừng; phòng cháy, chữa cháy; khai thác, chế biến…”, ông Nguyễn Hữu Thiện, Cục trưởng Cục Kiểm lâm, chia sẻ với báo Nông nghiệp Việt Nam tại Hội nghị công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng toàn quốc năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) ngày 21/10.

Ông Nguyễn Quốc Trị đánh giá những thành quả trong lĩnh vực bảo vệ rừng đóng góp rất nhiều vào kết quả của ngành lâm nghiệp. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Nguyễn Quốc Trị đánh giá những thành quả trong lĩnh vực bảo vệ rừng đóng góp rất nhiều vào kết quả của ngành lâm nghiệp. Ảnh: Phạm Hiếu.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, đánh giá, thời gian qua, lĩnh vực bảo vệ rừng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, điển hình như số vụ vi phạm, số vụ cháy, diện tích thiệt hại đã giảm mạnh. Đó là thành quả trong cả quá trình của lực lượng kiểm lâm. Những thành quả đó đóng góp rất nhiều vào kết quả của ngành lâm nghiệp.

Cụ thể, năm 2022, diện tích rừng trồng đạt hơn 180.000 ha, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2021. Bước sang năm thứ 2, Đề án “1 tỷ cây xanh” đã trồng được 100 triệu cây phân tán.

“Chúng ta không chỉ tính số lượng cây đã trồng được bao nhiêu mà điều quan trọng là cả xã hội đã cùng vào cuộc. Mặc dù nhiều nơi cây không được trồng trên diện tích đất rừng nhưng bể chứa carbon của Việt Nam ngày một tăng”, ông Nguyễn Quốc Trị bày tỏ.

Lực lượng kiểm lâm với gần 50 năm thành lập và phát triển. Ảnh: Dương Giang/TTXVN.

Lực lượng kiểm lâm với gần 50 năm thành lập và phát triển. Ảnh: Dương Giang/TTXVN.

Bên cạnh đó, tính đến thời điểm hiện tại, sản lượng khai thác gỗ của Việt Nam đạt khoảng 13 triệu m3, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm trước và chủ yếu khai thác gỗ rừng trồng. Giá trị xuất khẩu đạt gần 14,5 tỷ USD và dự kiến đạt 16,5 tỷ USD trong năm 2022.

Trong thời gian tới, lực lượng kiểm lâm đặt ra nhiệm vụ bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, đặc biệt là đối với diện tích rừng tự nhiên nhằm duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc khoảng 42%, đảm bảo cơ cấu 3 loại rừng hợp lý (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất).

Thực hiện hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Nâng cao năng suất, chất lượng rừng và năng lực thực thi pháp luật về lâm nghiệp của lực lượng kiểm lâm, các lực lượng tham gia bảo vệ rừng.

Phấn đấu 100% diện tích rừng của các ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ và các chủ rừng là tổ chức thuộc các thành phần kinh tế được quản lý hiệu quả, bền vững. Đảm bảo 15% diện tích hệ sinh thái rừng bị suy thoái được phục hồi và bảo tồn, đặc biệt là hệ thống rừng đặc dụng.

Tăng cường năng lực thực thi pháp luật, giảm căn bản tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, trong đó diện tích rừng bị thiệt hại và số vụ vi phạm giảm 10 - 20% so với năm 2021.

Tính đến ngày 31/12/2021, diện tích đất có rừng bao gồm cả rừng trồng chưa khép tán là 14.713.674 ha. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên là 10.171.492 ha; diện tích rừng trồng là 4.542.182 ha. Diện tích đất có rừng đủ tiêu chuẩn để tính tỷ lệ che phủ toàn quốc là 13.923.108 ha, tỷ lệ che phủ là 42,02%.

Nhiều điểm nóng của nạn phá rừng

Bên cạnh những thành tựu đạt được, Tổng cục trưởng Nguyễn Quốc Trị cũng cho rằng công tác kiểm lâm còn nhiều hạn chế. Cụ thể như việc kết nối số liệu, thông tin tại nhiều địa phương chưa hiệu quả, chưa có sự thống nhất, quy hoạch lâm nghiệp chưa đồng bộ với các quy hoạch khác…

Có tình trạng cháy rừng không phải do nguyên nhân bất cẩn mà do nguyên nhân có chủ đích đến từ các chủ rừng. Ảnh minh họa: TL.

Có tình trạng cháy rừng không phải do nguyên nhân bất cẩn mà do nguyên nhân có chủ đích đến từ các chủ rừng. Ảnh minh họa: TL.

“Theo dõi diễn biến tài nguyên rừng là trách nhiệm, nghĩa vụ tuy nhiên có những tỉnh cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa công bố hiện trạng rừng mặc dù thời hạn theo quy định là tháng 2 vừa qua”, ông Nguyễn Quốc Trị cho biết.

Đặc biệt, lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp cho hay còn có tình trạng cháy rừng không phải do nguyên nhân bất cẩn mà do nguyên nhân có chủ đích đến từ các chủ rừng.

“Tất cả những chủ đích từ công tác cán bộ đến quản lý, đi kèm tâm lý ‘không ăn được thì đạp đổ’ đã dẫn đến việc con người ‘trút giận’ lên rừng, khiến rừng phải chịu trận”, ông Trị nhấn mạnh.

9 tháng đầu năm 2022, các cơ quan chức năng đã phát hiện 3.263 vụ phá rừng, giảm 14 ha (giảm 2%) so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh: TL.

9 tháng đầu năm 2022, các cơ quan chức năng đã phát hiện 3.263 vụ phá rừng, giảm 14 ha (giảm 2%) so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh: TL.

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, hiện nay, mặc dù số vụ vi phạm đã giảm nhưng còn tồn tại nhiều điểm nóng về phá rừng. 9 tháng đầu năm 2022, các cơ quan chức năng đã phát hiện 3.263 vụ phá rừng, giảm 14 ha (giảm 2%) so với cùng kỳ năm 2021.

Diện tích bị tác động là 863 ha, giảm 14 ha so với cùng kỳ 2021 (giảm 2%), phá rừng tập trung tại các tỉnh Tây Nguyên, khu vực phía Bắc tại các tỉnh Bắc Cạn, Sơn La, Điện Biên…, khu vực miền Trung tại Nghệ An, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Quảng Ngãi…

Nạn phá rừng tập trung tại các tỉnh Tây Nguyên, khu vực phía Bắc và khu vực miền Trung. Ảnh: TL.

Nạn phá rừng tập trung tại các tỉnh Tây Nguyên, khu vực phía Bắc và khu vực miền Trung. Ảnh: TL.

Số liệu tổng hợp trên cho thấy, tình hình vi phạm phá rừng đối với rừng tự nhiên còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, nhất là khu vực Tây Nguyên và một số địa phương khu vực phía Bắc, miền Trung. Một số địa phương có tình trạng xử lý vi phạm thiếu kiên quyết, nhất quán; thậm chí có biểu hiện né tránh trách nhiệm, làm ngơ, tiếp tay cho người phá rừng, gây thiệt hại lớn đối với tài nguyên rừng, kỷ cương pháp luật không được thực hiện nghiêm túc, gây bức xúc trong xã hội.

9 tháng đầu năm 2022, khu vực Tây Nguyên phát hiện 1.915 vụ vi phạm các quy định của nhà nước về lâm nghiệp, diện tích rừng bị thiệt hại 359,8 ha, chiếm gần 41% tổng diện tích rừng bị thiệt hại cả nước.

Tương tự, khu vực phía Bắc phát hiện 2.515 vụ vi phạm các quy định của nhà nước về lâm nghiệp, diện tích rừng bị thiệt hại 402,7 ha, chiếm 45% tổng diện tích rừng bị thiệt hại cả nước, tập trung tại các tỉnh Bắc Kạn, Điện Biên, Sơn La…

Xem thêm
Ngành gỗ Bình Định đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Cục Hải quan Bình Định vừa đối thoại với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định về những vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan khi tham gia xuất nhập khẩu.

Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng

Với mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng đạt 49,2%, tỉnh Gia Lai đang chủ trương trải 'thảm đỏ' đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.