Chi phí đầu tư cao
Cải thiện năng suất cây trồng đồng thời đảm bảo ATTP là một trong những trọng tâm của công nghệ khoa học thực vật, trong đó có việc sử dụng thuốc BVTV. Theo thống kê, để mỗi hoạt chất thuốc BVTV cho thể được đưa ra thị trường, các công ty nghiên cứu và phát triển phải sàng lọc trung bình khoảng 160.000 hoạt chất khác nhau, tiêu tốn 286 triệu đô la Mỹ trong giai đoạn khoảng 11 năm. Việc đầu tư dài hạn này nhằm đảm bảo tính an toàn và hiệu lực của thuốc BVTV tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt theo các quy định về đăng kí và quản lý lưu hành trên toàn thế giới.
Ảnh: Đồ họa |
Từ đầu thế kỷ 21, tổng chi phí để giới thiệu một hoạt chất mới ra thị trường đã tăng khoảng 55% so với thời gian trước đó. Thời gian trung bình để có được một sản phẩm thuốc BVTV hoàn toàn mới từ lúc phát minh đến khi ra thị trường hiện nay là 11 năm, tăng 30% so với năm 1995. Điều này cho thấy giai đoạn nghiên cứu và phát triển rất khắc nghiệt với ngày càng nhiều các yêu cầu đánh giá về số liệu về an toàn và độc học được yêu cầu bởi các cơ quan Chính phủ nhằm đảm bảo tính an toàn và hiệu quả của sản phẩm khi được chấp thuận để sử dụng.
Xu hướng BVTV trên thế giới
Hiện trên thế giới xu hướng chính trong ngành BVTV là khuyến khích Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và Thực hành nông nghiệp tốt (GAP), trong đó phải bao gồm việc sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm và an toàn.
Để làm được việc này, tất cả các bộ phận liên quan phải được tập huấn, được cung cấp các giải pháp thuốc BVTV chất lượng cao và được điều chỉnh bởi một hành lang pháp lý và chính sách thích hợp nhằm khuyến khích áp dụng mô hình IPM và đảm bảo các thuốc BVTV mới được đăng kí và lưu hành.
Thử thách đó chỉ được tháo gỡ thông qua sự phối hợp giữa nhiều cá nhân tổ chức khác nhau, từ chính phủ, doanh nghiệp, nông dân, đơn vị SX, chế biến và thu mua xuất khẩu hàng nông sản.
Ảnh minh họa |
Với sự phát triển của khoa học và yêu cầu về thực phẩm và SXNN quy mô lớn, các giải pháp thuốc hoá học dành cho con người, động vật và cây trồng đang là một trong các trọng tâm nghiên cứu của các nhà khoa học trên toàn cầu. Giống như mọi loại thuốc chữa bệnh khác, thuốc BVTV chắc chắn là một phát minh quan trọng trong ngành nông nghiệp – đang giúp nông dân trên toàn thế giới chống lại sâu bệnh, cỏ dại và sự tấn công của dịch bệnh, hạn hán do thời tiết thay đổi và là công cụ không thể thiếu hướng đến phát triển bền vững.
Theo TS Nguyễn Trường Thành (nguyên Trưởng Bộ môn Thuốc, Cỏ dại và Môi trường – Viện BVTV): Thuốc BVTV chỉ được coi là độc hại khi dư lượng của chúng trong nông sản, môi trường (kể cả trong cơ thể người và vật nuôi) đạt một mức độ nào đó đủ gây hại mà thôi. Chúng ta đã loại bỏ các thuốc có độ độc cấp tính nhóm 1 (trừ thuốc trừ chuột), các thuốc có độ độc mãn tính nguy hiểm. Nhưng nhìn chung, thuốc BVTV vẫn luôn được coi là nhóm chất độc hại cần được quản lý, sử dụng thận trọng. Bản thân thuốc BVTV không có tội. Vấn đề là con người sử dụng chúng ra sao để vừa kiểm soát được dịch hại, vừa an toàn cho con người, vật nuôi và môi trường.
Trong khuôn khổ Diễn đàn tăng trưởng châu Á vừa được tổ chức tại Hà Nội, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã có các cuộc tiếp xúc và làm việc song phương với đại diện Tổ chức CropLife Việt Nam – thành viên của PSAV (đồng chủ trì nhóm công tác PPP về hóa chất nông nghiệp). Theo đó, một trong những đề nghị mà phía CropLife Việt Nam đưa ra là mong muốn Bộ NN-PTNT cân nhắc tầm quan trọng của các sản phẩm thuốc BVTV đối với SXNN và kinh nghiệm quốc tế để có lộ trình cụ thể cho mọi quyết định pháp lý. Mọi đề xuất cắt giảm cần được tham vấn rộng rãi, dựa vào nền tảng khoa học và các tiêu chuẩn quốc tế đang được công nhận. Các biện pháp hạn chế và cấm sử dụng thuốc BVTV một cách đột ngột sẽ khiến nông dân mất đi công cụ quan trọng để bảo vệ cây trồng, giảm năng suất và thu nhập nông hộ, đồng thời sẽ hạn chế cơ hội đầu tư và giới thiệu giải pháp tiên tiến từ các tập đoàn phát triển công nghệ trên thế giới... |