| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng ngành hàng lúa gạo mới

Góc nhìn về hành động trọng tâm phát triển ngành lúa gạo bền vững

Thứ Sáu 01/09/2023 , 10:15 (GMT+7)

Hai lĩnh vực công nghệ mà ngành lúa gạo có điều kiện thuận lợi để đạt vị thế tiên phong trong nông nghiệp là cơ giới hóa/tự động hóa và công nghệ số, hai lĩnh vực này có thể tích hợp, đóng góp tạo ra một ngành lúa gạo khác biệt về trình độ công nghệ.

 

Trong thời gian 2020-2022, Đảng và Nhà nước đã có các chỉ đạo chiến lược trực tiếp cho sự phát triển của ngành hàng lúa gạo đến năm 2030 bao gồm:

- Giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, sản lượng lúa hàng năm bảo đảm ít nhất 35 triệu tấn, làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia (Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 39/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội).

- Đổi mới chính sách quản lý và sử dụng đất trồng lúa theo hướng linh hoạt, hiệu quả; đẩy mạnh áp dụng công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến; thúc đẩy tích tụ, tập trung, sử dụng linh hoạt, hiệu quả đất lúa (Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành TW Đảng khóa XIII).

Có thể nói, lúa gạo là ngành hàng rất đặc biệt trong nông nghiệp khi nhận được sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng và Nhà nước về quỹ đất lúa cần giữ, quản lý và sử dụng đất lúa, áp dụng công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến. Sự chỉ đạo này mang tính chiến lược làm nền tảng cho sự phát triển ngành lúa gạo bền vững lâu dài.

Mô hình ruộng lúa bờ hoa ở ĐBSCL.

Mô hình ruộng lúa bờ hoa ở ĐBSCL.

Chuyển đổi và giữ môi trường đất lúa đến 2030

Theo Bộ Tài nguyên - Môi trường, diện tích đất lúa cả nước vào năm 2020 là 3,9 triệu ha, trong đó phân bổ theo các vùng sinh thái: Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - 1,8 triệu ha, Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) - 560 ngàn ha, Trung du miền núi phía Bắc - 580 ngàn ha, Bắc Trung bộ & Duyên hải miền Trung - 700 ngàn ha, Đông Nam bộ  - 120 ngàn ha - Tây Nguyên - 185 ngàn ha. Tỷ lệ diện tích đất lúa trên đất lúa cả nước ở ĐBSCL chiếm 46%.

Từ năm 2011 đến năm 2020, diện tích đất lúa giảm khoảng 200 ngàn ha, trong đó ĐBSCL giảm khoảng 130 ngàn ha ở giai đoạn sau năm 2018. Đối chiếu với số liệu của Tổng cục Thống kê thời kỳ trên, diện tích gieo trồng lúa cả nước năm 2020 đạt 7,2 triệu ha, giảm 400 ngàn ha so với năm 2011 và 600 ngàn ha so với năm 2015, năm có diện tích gieo trồng lúa lớn nhất. Diện tích gieo trồng giảm chủ yếu ở ĐBSH; ở ĐBSCL diện tích gieo trồng ít biến động xung quanh 4,0 triệu ha, do những năm sau đất lúa giảm nhưng diện tích vụ thu đông gia tăng.

Một số ghi nhận về chuyển đổi quỹ đất lúa như sau:

- ĐBSCL là vùng sinh thái đặc thù, vừa là đồng bằng phì nhiêu cho sản xuất lúa, vừa bị tác động bởi biến đổi khí hậu ngày càng tăng, nhưng hiện tại và tương lai vẫn là vùng trọng điểm sản xuất lúa cả nước. Vì vậy, việc chuyển đổi đất lúa cần đạt đa mục tiêu: Tăng thu nhập cho nông dân, đóng góp cho an ninh lương thực quốc gia và có tính đến khả năng xuất khẩu . Từ góc nhìn này, có thể thấy Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao ở ĐBSCL đến năm 2030 mà Thủ tướng giao Bộ NN-PTNT xây dựng để phê duyệt là rất cấp thiết. Trong quá trình phát triển vùng lúa kiểu mẫu này, các mô hình từ đây cũng đồng thời lan tỏa đến các vùng lúa khác, trong đó vùng lúa còn lại ở ĐBSCL

- Xu hướng chuyển đổi đất lúa ở các vùng ngoài ĐBSCL thời gian qua cho thấy ít có biến động lớn về diện tích gieo trồng và kết quả là sản lượng lúa không giảm, có nơi tăng như vùng Tây Nguyên. Đây là xu hướng tích cực phù hợp với cách tiếp cận đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ (trừ vùng Đông Nam bộ bao gồm TP Hồ Chí Minh). Các vùng này vẫn có những đồng bằng nhỏ phì nhiêu, năng suất từ 5,5 tấn đến trên 6,0 tấn/ha, trừ một số tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc có năng suất 4-5 tấn/ha. Các địa phương năng suất lúa thấp cần được đầu tư và hỗ trợ về khuyến nông để nâng cao khả năng đảm bảo tối thiểu an ninh lương thực tại chỗ, đồng thời tăng thu nhập thông qua sản xuất lúa địa phương đặc sản, lúa hữu cơ …, kết hợp với du lịch sinh thái như nhiều mô hình đang được thực hiện ở nhiều nơi.

- Có thể hiểu “đất lúa” theo nghĩa là đất phù hợp về sinh thái để trồng lúa, như vậy sẽ có sự linh hoạt hơn trong bố trí hệ thống sản xuất trên đất lúa. Theo nghĩa này vùng chuyên canh lúa không nhất thiết phải trồng hai vụ lúa mà có thể là một vụ lúa có luân canh với thủy sản, rau màu. Một hệ thống sản xuất linh hoạt trên nền đất lúa giúp tăng tính đa dạng sản xuất và đáp ứng yêu cầu thị trường biến động của lúa gạo, trong khi vẫn giữ được đất lúa.

- Sự chuyển đổi đất lúa sang mục đích nông nghiệp khác cần đảm bảo tính tập trung tối thiểu khi chuyển đổi, để tránh chuyển đổi manh mún, phá vỡ tính tập trung của vùng lúa hoặc tạo ra các mâu thuẫn giữa các mục tiêu sản xuất. khác nhau.

- Do sự khác biệt giữa các vùng sản xuất lúa, để khuyến khích các vùng, các địa phương do lợi thế về sinh thái có điều kiện sản xuất lúa hàng hóa giữ quỹ đất lúa lâu dài, Nhà nước cần có chính sách đầu tư về cơ sở hạ tầng sản xuất và thương mại lúa gạo cho vùng, hỗ trợ địa phương, nông dân, doanh nghiệp và hợp tác xã để có điều kiện phát triển kinh tế lúa gạo hiệu quả. 

- Giữ đất lúa cần gắn kết với nâng cao chất lượng đất thông qua các giải pháp ngăn chặn thoái hóa đất, tôn tạo độ phì để diện tích đất lúa giảm nhưng được bù đắp bởi sự gia tăng năng suất đất trong khi giảm được lượng phân bón hóa học.

Ruộng lúa bờ hoa là một trong những mô hình quản lý quản lý dịch hại tổng hợp dễ thực hiện, không tốn chi phí nhưng mang lại hiệu quả.

Ruộng lúa bờ hoa là một trong những mô hình quản lý quản lý dịch hại tổng hợp dễ thực hiện, không tốn chi phí nhưng mang lại hiệu quả.

Tích tụ, tập trung, sử dụng linh hoạt, hiệu quả đất lúa

Như đã nêu trên, thúc đẩy “tích tụ, tập trung” đất lúa là một chủ trương lớn vì sẽ dẫn đến sự thay đổi diện mạo ngành lúa gạo Việt Nam, trong đó dẫn đến sự thay đổi về cơ cấu quy mô hộ sản xuất lúa và tác động đến gia tăng hiệu quả sản xuất lúa và thu nhập người trồng lúa.

Việc tích tụ, tập trung đất lúa đã được diễn ra từ nhiều năm nay với nhiều mô hình thành công trên cả nước. Tuy nhiên tiến trình diễn ra chậm, có lẽ do các khuôn khổ pháp lý và chính sách chưa đủ. Cũng có thể do nhận thức trong xã hội còn khác nhau vì lo ngại tích tụ, tập trung đất sẽ dẫn đến ra đời “lớp địa chủ mới” hoặc lấy đi sinh kế của nông dân sản xuất nhỏ.

Thực tế ở Việt Nam, tích tụ đất lúa hay đất nông nghiệp nói chung khó xảy ra ở quy mô lớn, hình thành đại điền vì quyền chuyển nhượng đất vẫn thuộc về quyết định của từng nông dân độc lập, còn đối với phương thức tập trung đất lúa thì nông dân vẫn giữ quyền sử dụng đất và hưởng lợi từ cho thuê hay góp vốn bằng quyền sử dụng đất của mình. Ở ĐBSCL, tích tụ đất lúa thường dưới 10ha; ở ĐBSH, nhiều mô hình tập trung đất lúa lên đến vài trăm ha. 

Tiến trình tích tụ đất lúa sẽ giúp tăng quy mô hộ trồng lúa, giảm tỷ lệ hộ quy mô nhỏ, tăng tỷ lệ hộ có quy mô phù hợp với từng vùng sinh thái, ví dụ ở ĐBSCL, tăng tỷ lệ hộ có quy mô 2 - 5ha, giảm tỷ lệ hộ có quy mô dưới 1,5ha. Tăng quy mô hộ sản xuất lúa dẫn đến giảm số nông dân trồng lúa và tạo điều kiện nâng cao vị thế của nông dân, hình thành lớp nông dân mới theo hướng tri thức hóa và trẻ hóa.

Áp dụng công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến

Thời gian qua, Việt Nam đã đạt các thành tựu khoa học công nghệ đóng góp đưa ngành lúa gạo lên vị trí tiên tiến trong khu vực. Năng suất lúa của Việt Nam dẫn đầu ASEAN và chất lượng gạo Việt đã được nâng cao, có khả năng cạnh tranh ở thị trường thế giới. Hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ phục vụ ngành lúa gạo cần được tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả với nguồn lực tốt hơn từ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và doanh nghiệp.

Đơn vị: Tạ/ha.

Đơn vị: Tạ/ha.

Hai lĩnh vực công nghệ mà ngành lúa gạo có điều kiện thuận lợi để đạt vị thế tiên phong trong nông nghiệp là cơ giới hóa/tự động hóa và công nghệ số, hai lĩnh vực này có thể tích hợp, đóng góp tạo ra một ngành lúa gạo khác biệt về trình độ công nghệ.

Về cơ giới hóa, ngành lúa gạo đến nay đã đạt được mức độ cơ giới hóa khá cao và có điều kiện để tiến đến cơ giới hóa đồng bộ mà các ngành khác trong trồng trọt khó đạt được. Vì vậy, cần thúc đẩy áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa ở mức cao nhất có thể ở tất cả các vùng với thiết bị phù hợp; nơi có điều kiện hình thành cánh đồng lớn hướng đến cơ giới đồng bộ. Ở ĐBSCL, hiện nay trong các khâu sản xuất lúa còn khoảng trống cơ giới hóa ở khâu gieo sạ và chăm sóc. Gần đây đã xuất hiện các mô hình cơ giới hóa/tự động hóa hai khâu này thành công, vì vậy cần thúc đẩy áp dụng rộng để tiến đến đạt cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa vào năm 2030.

Các mô hình áp dụng công nghệ số đang triển khai trong sản xuất lúa cho thấy có sức lan tỏa nhanh như thiết bị bay không người lái, hệ thống cảm biến mực nước thông minh, thiết bị bơm tưới, rút nước tự động điều khiển từ xa bằng điện thoại, hệ thống cảm biến giám sát độ mặn, ảnh vệ tinh giám sát diễn biến sản xuất..., cho thấy ngành lúa gạo có tiềm năng đi tiên phong áp dụng công nghệ số trong sản xuất và toàn bộ chuỗi giá trị. Tương lai không xa, sản xuất lúa sẽ là ngành đầu tiên trong trồng trọt áp dụng kỹ thuật canh tác chính xác bằng công nghệ số. Ứng dụng công nghệ số cũng giúp hình thành một cách làm ăn mới trong sản xuất và kinh doanh lúa gạo hiệu quả, minh bạch, tiết kiệm tài nguyên và giảm phát thải khí nhà kính. 

Trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương trực tiếp cho ngành lúa gạo như nêu trên, có thể thấy tầm quan trọng của tài nguyên đất lúa, chính sách quản lý, sử dụng đất lúa và áp dụng công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến là nền móng cho sự phát triển bền vững ngành lúa gạo. Tinh thần chỉ đạo đó cần được hiện thực bằng hành động trọng tâm của ngành nông nghiệp từ trung ương đến địa phương để kích hoạt sự cho thay đổi diện mạo ngành lúa gạo thời gian tới, đặc biệt khi các đề  án, chương trình, dự án mang tính đột phá liên quan đến phát triển ngành lúa gạo được phê duyệt triển khai.

Xem thêm
Lô hàng sầu riêng, mít của Việt Nam bị Trung Quốc cảnh báo không đạt chuẩn kiểm dịch

Cục Bảo vệ thực vật nhận được cảnh báo đối với lô hàng trái cây tươi (sầu riêng và mít) xuất khẩu từ Việt Nam không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Điện gió của T&T Group tại Lào sẽ được xuất khẩu về Việt Nam

Điện từ dự án điện gió Savan 1 của T&T Group tại Lào sẽ được bán cho Việt Nam, qua đó góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.