| Hotline: 0983.970.780

GS.TSKH Trần Hồng Uy - cây đại thụ của ngành ngô Việt Nam

Thứ Sáu 16/03/2018 , 13:45 (GMT+7)

GS.TSKH Trần Hồng Uy sinh ngày 2/2/1938 tại thôn Hương Gián, xã Thái Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Thủa thiếu thời GS đã có những hoài bão phục vụ nông nghiệp nước nhà...

Cách đây đã hơn hai mươi năm không khi nào thấy vắng bóng hình ảnh một nhà khoa học cùng đồng nghiệp và bà con nông dân bên ruộng thí nghiệm hay trên những cánh đồng ngô bát ngát hứa hẹn những mùa vàng bội thu, đó là hình bóng của GS.TSKH Trần Hồng Uy - cây đại thụ của ngành ngô Việt Nam, nhà khoa học của nông dân.
 

Người sinh ra dành cho cây ngô

GS.TSKH Trần Hồng Uy sinh ngày 2/2/1938 tại thôn Hương Gián, xã Thái Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Thủa thiếu thời GS đã có những hoài bão phục vụ nông nghiệp nước nhà. Bởi vậy, đã thôi thúc giáo sư thi vào một trong những trường đại học lớn lúc bấy giờ là Học viện Nông lâm Hà Nội (1952 - 1961).

14-16-42_img_1999
GS Trần Hồng Uy trong một lần đi thực tế

Sau khi tốt nghiệp đại học, GS được phân công về công tác tại Ty Nông nghiệp tỉnh Hà Bắc, là Phó Hiệu trưởng trường Trung cấp Nông nghiệp, Phó Phòng Cây lương thực của Ty Nông nghiệp Hà Bắc (1961), năm 1968 GS được vinh dự tuyển chọn đi nghiên cứu sinh tại Rumani, chuyên ngành Di truyền chọn giống ngô. Sau khi tốt nghiệp học vị phó tiến sỹ, ông được phân công về làm Trại trưởng Trại Ngô Sông Bôi (1973). Cái duyên của nhà khoa học và may mắn cho ngành ngô Việt Nam có thêm một nhà khoa học lớn, một kiến trúc sư tài ba. Kể từ đây, cuộc đời và sự nghiệp của GS đã gắn bó với cây ngô, đi suốt cả cuộc đời.

Từ thủa hàn vi xây dựng Trại hay Trung tâm đến Viện nghiên cứu. Từ kỹ sư nông nghiệp đến phó tiến sỹ, tiến sỹ khoa học. Từ phó giáo sư đến Giáo sư. Từ trại trưởng, giám đốc trung tâm, viện trưởng, GS luôn mang hết tâm trí, sức lực để đóng góp cho sự nghiệp cây ngô, kể cả lúc lâm chung, GS vẫn đau đáu một điều làm sao để cây ngô phát triển, có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp nước nhà. Từ những hoài bão, khát vọng ấy, đã góp phần cho ngành ngô Việt Nam vượt qua khó khăn, thăng trầm để đạt được những thành tựu như ngày hôm nay, cả cuộc đời dành trọn cho cây ngô, cây đại thụ của ngành ngô Việt Nam.
 

Nhà chiến lược tài ba

Cách đây hơn 45 năm, khi đất nước vẫn còn chia cắt, công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, giành độc lập cho dân tộc đang trong giai đoạn vô cùng cam go và ác liệt, song với tầm nhìn chiến lược, xác định vai trò, vị trí quan trọng của cây ngô trong cơ cấu cây trồng nông nghiệp nước nhà, Đảng và Nhà nước đã quan tâm sâu sắc tới cây ngô, do vậy ngày 13/2/1971, Bộ Nông trường đã ra Quyết định số 75/QĐ-TC về việc thành lập Trại ngô Sông Bôi, đóng tại xã Phú Thành - huyện Lạc Thủy - tỉnh Hòa Bình với tiền thân 13 cán bộ và 25 công nhân.

Năm 1973, trại được bổ sung thêm một cán bộ đó là PTS Trần Hồng Uy, trại đã xây dựng được tập đoàn công tác, khảo sát tuyển chọn được một số giống ngô địa phương tốt, kịp thời phục vụ sản xuất bước đầu xây dựng được đội ngũ khoa học và công nhân kỹ thuật nòng cốt của trại.

GS Trần Hồng Uy trong một lần đi thực tế

Trải qua 10 năm gian khó, với sự trưởng thành của trại, ngày 25/6/1981 Bộ Nông nghiệp đã ban hành Quyết định số 129-TCCB/QĐ về việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu ngô Sông Bôi trực thuộc Bộ Nông nghiệp trên cơ sở Trại ngô Sông Bôi. Trong thời gian từ khi thành lập trung tâm đến năm 1987, trung tâm có nhiều đóng góp cho khoa học và thực tiễn sản xuất:

- Chọn tạo thành công bộ giống ngô thụ phấn tự do: TH2B, TSB1, TSB2, Q2, MSB49… góp phần làm nên cuộc cách mạng ngô đông ở các tỉnh phía Bắc.

- Nghiên cứu hoàn thiện qui trình canh tác ngô đông trên đất 2 vụ lúa, góp phần phát triển cây ngô Việt Nam cả về diện tích và sản lượng.

- Hợp tác quốc tế về cây ngô không ngừng được mở rộng.

- Đội ngũ cán bộ khoa học chuyên sâu được đào tạo bài bản, cơ sở vật chất đáp ứng ngày càng tốt hơn cho công tác nghiên cứu.

Có thể nói giai đoạn này, Trung tâm Nghiên cứu ngô có sự chuyển biến vượt bậc về chất, thành quả ấy không thể tách rời sự đóng góp to lớn của GS.TS Trần Hồng Uy. Với công trình chọn tạo và phát triển ngô đông trên đất 2 vụ lúa giáo sư được vinh dự nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ.

Với những thành tích xuất sắc đóng góp cho sản xuất ngô giai đoạn 1981-1987, xuất phát từ yêu cầu phát triển ngô của cả nước, đầu năm 1988 Viện Nghiên cứu Ngô được thành lập trên cơ sở Trung tâm Nghiên cứu ngô Sông Bôi. Đây là một bước chuyển mình đánh dấu sự phát triển của ngành ngô Việt Nam, đồng thời mở ra cơ hội mới cũng như thách thức mới cho giai đoạn mở cửa, hội nhập, cạnh tranh của đất nước nói chung trong đó có cây ngô.

Với tầm nhìn chiến lược, đánh giá được thuận lợi và khó khăn mà ngành ngô sẽ gặp phải, GS đã chèo lái con thuyền Viện Nghiên cứu Ngô và cây ngô Việt Nam vượt qua thác ghềnh, tiếp tục phát triển với những định hình chiến lược:

- Tăng cường công tác đào tạo, tuyển dụng cán bộ chất lượng cao.

- Đột phá cơ chế nghiên cứu và chuyển giao TBKT.

- Nghiên cứu ứng dụng ưu thế lai ở ngô.

- Tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu chuyên sâu.

Với những định hướng chiến lược trên cùng với sự quan tâm, sự chỉ đạo sát sao của Bộ Nông nghiệp, sự ủng hộ của các doanh nghiệp, bạn bè quốc tế; Viện Nghiên cứu Ngô đã đạt được những thành tựu:

- Tham gia công tác qui hoạch, đào tạo cán bộ, nghiên cứu giải quyết những vấn đề khoa học về cây ngô.

- Xây dựng hệ thống nghiên cứu chọn tạo giống, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cây ngô.

- Xây dựng hệ thống các biện pháp canh tác nâng cao năng suất chất lượng.

- Chọn tạo và phát triển thành công bộ giống ngô lai năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng rộng, đủ sức cạnh tranh, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của nông dân và doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam.

Với những thành tích trên, Viện Nghiên cứu Ngô và cá nhân GS.TSKH Trần Hồng Uy được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

GS Trần Hồng Uy trong một lần đi thực tế

Nhìn lại chặng đường phát triển của viện, từ thủa hàn vi khi mới thành lập trại, đến một Viện Nghiên cứu Ngô ngày càng hiện đại, cán bộ công nhân viên chức của Viện luôn biết ơn và trân quí những đóng góp to lớn của GS.TSKH Trần Hồng Uy, một nhà chiến lược tài ba của ngành ngô Việt Nam.
 

Người thầy mẫu mực

Mỗi khi về Viện Nghiên cứu Ngô, ai cũng được nghe một chữ, chữ đó chỉ dành riêng để tôn vinh những nhà khoa học có công đóng góp cho nghiên cứu khoa học và công tác giảng dạy, truyền bá kiến thức cho các thế hệ, đó là chữ “Thầy”, chữ “Thầy” mới chỉ được kính tặng cho hai GS đó là GS.TSKH Trần Hồng Uy và GS.TS Ngô Hữu Tình. Hai vị giáo sư đáng kính nhất của Viện.

Có một lần chúng tôi đi công tác tại xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Khi vào thăm một gia đình dân tộc Mông, gia đình đang canh tác giống ngô LVN10, tôi có hỏi cô chủ: Cô có biết giống ngô này là của ai không? Cô liền trả lời của GS.TS Trần Hồng Uy. Tôi lại hỏi tiếp: Chị có biết GS giờ ở đâu không? Chị trả lời: Anh tưởng tôi không biết à, GS ở trong lòng chúng tôi đã từ lâu rồi… Không phải chỉ ở miền núi phía Bắc mà ở cả các tỉnh đồng bằng sông Hồng, Đồng Nai, Đăk Lăk nơi đâu cũng có mặt GS để truyền dạy kiến thức cho nông dân về giống, kỹ thuật canh tác mới.

Có một nhà thơ đã viết đùa trêu ông hai câu thơ: “Hoan hô tiến sỹ Trần Hồng - Uy hiếp dân trồng toàn bộ ngô lai”, cũng nhờ đó mà cây ngô được phát triển mạnh mẽ, đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả. Tạo được tiếng vang đã khó, nhưng tạo được tượng đài nhà khoa học của nông dân, trong lòng những người dân càng khó khăn hơn gấp bội.

GS Trần Hồng Uy trong một lần đi thực tế

Ngoài truyền bá kiến thức mới cho người dân, gần gũi với nông dân, giải quyết những vấn đề mới phát sinh trong sản xuất ngô, GS Trần Hồng Uy còn đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ cao, uyên thâm về kiến thức chọn tạo, đó là các tiến sỹ, thạc sỹ, công nhân kỹ thuật đủ sức gánh vác nhiệm vụ nặng nề của Viện trong những năm vừa qua. Nhiều học trò của Thầy đã trưởng thành, giữ các trọng trách cao của Viện, các Sở, Ban ngành của các địa phương.

Trong cuộc sống thầy sống giản dị, chân thành, giàu lòng nhân ái, thường xuyên truyền đạt những kiến thức mới, bác học, với phương châm phải lấy thực tiễn là thước đo để đánh giá hiệu quả trong công tác nghiên cứu khoa học, phương châm ấy đã trở thành qui luật bất biến của Viện. Nhưng điều lớn lao hơn mà giáo sư đã để lại cho hậu thế là một kho kiến thức về cuộc sống, tác phong sinh hoạt, tư duy khoa học, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Rất vinh dự cho tôi được làm việc cùng với GS trong một thời gian không dài, không ít lần bị Thầy cho nếm những trận đòn, với tấm lòng rộng lượng và cao cả của Thầy tôi lại đứng dậy. Qua mỗi lần vấp ngã, tôi như được trưởng thành hơn trong cuộc sống, chín chắn và bản lĩnh hơn trong công việc, tư duy mạch lạc hơn trong khoa học...

Ngày mai (16/3 tức ngày 29/1 âm lịch) vừa tròn 10 hôm, ngày mất của GS.TSKH và di cốt về nơi an nghỉ cuối cùng, thay mặt cho toàn thể CBCNVC và người lao động của Viện xin thắp lên nén nhang thơm vĩnh biệt GS.TSKH Trần Hồng Uy, cây đại thụ, nhà chiến lược tài ba, người Thầy mẫu mực của ngành ngô Việt Nam.

(Viện trưởng Viện NC Ngô)

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm