| Hotline: 0983.970.780

Hà Giang: Không để dịch lở mồm long móng lan rộng

Thứ Năm 28/11/2019 , 09:10 (GMT+7)

Sau các tỉnh Bắc Trung bộ và ĐBSCL thì dịch lở mồm long móng (LMLM) cũng đã leo lên núi đá Hà Giang.

14-09-10_1
Tính đến ngày 27/11, dịch LMLM trên địa bàn tỉnh Hà Giang về cơ bản được khống chế.

Cụ thể, Hà Giang vừa phát hiện 73 con trâu, bò bị lở mồm long móng (LMLM). Không để dịch lan rộng, các ngành chức năng đã tập trung các giải pháp dập dịch.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Giang, số trâu, bò phát hiện có bệnh LMLM ở tại các xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ; Tân Lập, huyện Bắc Quang; thị trấn Yên Bình và Tân Bắc, huyện Quang Bình.

Ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng cho biết, hạn chế dịch bệnh bùng phát ra diện rộng, ngay sau khi phát hiện có dịch bệnh, chi cục đã phối hợp với các địa phương nắm bắt tình hình dịch cũng như số lượng gia súc mắc bệnh; khoanh vùng, tiêu độc khử trùng và hướng dẫn người dân biện pháp phòng, điều trị bệnh. Hiện tại, việc dập dịch LMLM về cơ bản đã đảm bảo.

Ngày 3/11, tại huyện Quang Bình phát hiện 46 con trâu, bò của 30 hộ dân bị dịch LMLM. Số gia súc bị mắc bệnh tập tại thôn Thượng Sơn, thị trấn Yên Bình với 19 con; thôn Nà Mo, Đồ Thượng, Mỹ Bắc, xã Tân Bắc với 27 con.

Khi dịch bùng phát, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện này phối hợp với UBND thị trấn Yên Bình, xã Tân Bắc mang thuốc phòng, chống về giúp đỡ các hộ gia đình điều trị vết thương ở móng, miệng gia súc; cách ly điều trị, quét dọn chuồng trại, phun thuốc tiêu độc khử trùng; tiêm phòng bổ sung những con chưa bị dịch. Tính đến ngày 26/11, có 46/46 con gia súc bị mắc bệnh đã cơ bản hoàn thành điều trị triệu chứng, ăn cỏ bình thường trở lại.

Gia đình anh Làn Văn Nét, thôn Thượng Sơn, thị trấn Yên Bình, có 2 con trâu bị LMLM từ đầu tháng 11. Ngay sau khi bị dịch, anh được cán bộ thú y địa phương đến giúp tiêm thuốc kháng sinh điều trị triệu chứng; sử dụng axit chua vệ sinh vết thương ở chân, miệng cho trâu. Sau 21 ngày điều trị, cả 2 con trâu đã khỏe bình thường trở lại.

Anh Nét cho biết: “Con trâu là đầu cơ nghiệp” nếu không quan tâm nó, để nó bị dịch bệnh thì đói nghèo sẽ đeo bám. Vì vậy hằng năm, anh thực hiện tiêm phòng vắc xin LMLM, tụ huyết trùng theo định kỳ; tích cực nghe hướng dẫn quy trình chăn nuôi, phòng dịch của cán bộ thú y. Năm nay, để phục vụ những ngày đông giá, nguồn thức ăn khan hiếm, anh đã trồng thêm cỏ voi, làm cây rơm rạ tích trữ.

Huyện Quản Bạ hiện có hơn 23.000 con trâu, bò. Chăn nuôi đại gia súc đang là hướng đi chính trong phát triển kinh tế của người dân nơi đây. Đảm bảo hiệu quả phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, hằng năm công tác cấp thuốc tiêm phòng được thực hiện kịp thời.

Cuối tháng 10, tại xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ có 5 hộ chăn nuôi bị dịch LMLM trên 14 con bò. Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh, ngành chuyên môn đã hướng dẫn bà con kỹ thuật phòng và điều bị bệnh. Ngoài tiêm vắc xin, bà con còn được hướng dẫn cách vệ sinh vết thương cho gia súc. Đến ngày 11/11, con bò cuối cùng bị bệnh đã khô miệng.

Ông Phạm Ngọc Pha, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quản Bạ cho biết, việc lực lượng cán bộ chuyên môn thường xuyên được đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản; ý thức chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc của người dân được nâng lên cũng là những thuận lợi cho công tác phòng, chống dịch.

Năm 2019, tỷ lệ tiêm phòng LMLM của huyện Quản Bạ đạt 100% trên 2 vụ. Vì vậy khi dịch xảy ra, việc xử lý được tiến hành kịp thời. Đến nay trên địa bàn không xã nào có gia súc bị LMLM. Huyện có 8.000 hộ chăn nuôi đại gia súc thì có khoảng 20% hộ nuôi từ 7 đến 20 con trâu, bò.

Trong những ngày mùa đông, thời tiết giá rét, cùng với công tác phòng, chống dịch các ngành chuyên môn của tỉnh Hà Giang cũng chủ động tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng chống đói, rét cho đàn gia súc; thực hiện trồng cây thức ăn trong vụ đông, tích trữ rơm, rạ, cỏ khô, xây dựng bể ủ, và cách ủ cỏ dự trữ thức ăn.

Hiện nay, Hà Giang có 290.000 con trâu, bò. Năm 2019, tỷ lệ tiêm phòng bệnh LMLM cho trâu, bò đạt hơn 80%. Tỉnh xác định rõ, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh cho đàn gia súc sẽ giúp hạn chế thiệt hại. Từ đó giúp người dân yên tâm sản xuất, mở rộng phát triển chăn nuôi, góp phần thực hiện thắng lợi Đề án “Nửa triệu con gia súc” của tỉnh.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.