| Hotline: 0983.970.780

Hà Giang: Phát triển chăn nuôi đại gia súc tại 4 huyện cao nguyên đá

Thứ Năm 16/01/2020 , 08:41 (GMT+7)

Vùng cao nguyên đá của Hà Giang gồm 4 huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ.

Một góc phiên chợ mua bán trâu bò tại huyện Đồng Văn (Hà Giang).

Với kinh nghiệm và truyền thống nuôi trâu, bò, ngựa... từ lâu đời nên đại gia súc đã gắn liền với cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây (chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông).

Ngoài cung cấp sức kéo trong nông nghiệp và vận chuyển hàng hóa; trâu, bò, ngựa còn là nguồn thu nhập có giá trị kinh tế cao so với các loài gia súc khác. Vì vậy, nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đã vươn lên thoát nghèo bền vững và từng bước có tích lũy từ đầu tư phát triển chăn nuôi trâu, bò, ngựa theo hướng hàng hóa gắn với mở rộng diện tích trồng cỏ.

Nhằm tận dụng và phát huy lợi thế của vùng cao nguyên đá, trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã có nhiều chính sách cụ thể và hiệu quả hỗ trợ cho ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi đại gia súc nói riêng phát triển hiệu quả và bền vững.

Những năm qua, ngành Nông nghiệp của Hà Giang đã đưa giống cỏ VA06 có năng suất và chất lượng cao vào trồng đại trà (chủ yếu tập trung tại 4 huyện cao nguyên đá, chiếm trên 62% diện tích trồng cỏ của toàn tỉnh) nâng tổng số diện tích trồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc của toàn tỉnh, tính đến cuối 2019, đạt trên 18.200 ha.

Bên cạnh đó, được sự ưu tiên nguồn vốn của UBND tỉnh, Trung tâm Giống cây trồng và Gia súc Phó Bảng, huyện Đồng Văn đã phối hợp với Phòng NN- PTNT Mèo Vạc triển khai Đề án Thụ tinh nhân tạo trên đàn bò và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể đã có 490 bê con ra đời từ thụ tinh nhân tạo có tầm vóc và thể trọng lớn hơn so với các bê con được phối giống tự nhiên từ 6 – 8 kg; hiện Trung tâm đang triển khai Đề án thụ tinh nhân tạo trên đàn trâu và ngựa.

Đây chính là nền tảng quan trọng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng các loài đại gia súc tại 4 huyện cao nguyên đá. Ngoài ra, tỉnh Hà Giang đã đề ra chính sách hỗ trợ nhằm phát triển, mở rộng diện tích trồng cỏ và đầu tư cho công tác khuyến nông nhằm tuyên truyền sâu rộng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi gia súc (chủ yếu là phát triển chăn nuôi trâu,bò và đàn ngựa) đến với người nông dân....

Nhằm thúc đẩy phát triển chăn nuôi đại gia súc hàng hoá, tỉnh Hà Giang tiếp tục thực hiện Chương trình chuyển đổi đất trồng ngô, rau màu kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi (chủ yếu tập trung tại 4 huyện vùng cao nguyên đá); ban hành các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích các hộ mở rộng qui mô chăn nuôi theo theo hướng gia trại, trang trại (điển hình là Nghị quyết 209/2015/ NQ – HĐND, ngày 10/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang về Ban hành các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh...).

Mở các chợ gia súc tại trung tâm các xã, cụm xã nhằm tạo môi trường thuận lợi để người dân trao đổi, mua bán trâu, bò, ngựa thương phẩm; trâu, bò, ngựa làm sức kéo trên cơ sở các quy định của tỉnh và của Nhà nước; tiếp tục hỗ trợ 3 loại vắc xin tiêm phòng như tụ huyết trùng, nhiệt thán, lở mồm long móng để đảm bảo không để xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc nói chung và trâu, bò, ngựa nói riêng...

Từ những điều kiện thuận lợi đó, nhiều hộ gia đình 4 huyện vùng cao nguyên đá đã mở rộng phát triển chăn nuôi đại gia súc theo qui mô gia trại, trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Giang cho biết:

Phát triển chăn nuôi đại gia súc hàng hóa là một trong những hoạt động sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân Hà Giang nói chung và đồng bào 4 huyện vùng cao nguyên đá nói riêng xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu bền vững.

Tỉnh Hà Giang đã có nhiều chính sách hỗ trợ như chuyển đổi đất trồng ngô năng suất thấp sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi; hỗ trợ vốn vay cho các hộ mở rộng qui mô chăn nuôi gia súc; hỗ trợ 100% kinh phí tiêm phòng văc xin cho đàn gia súc và thành lập hệ thống thú y từ tỉnh đến tận các thôn, bản nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả trong phát triển chăn nuôi gia súc nói chung và chăn nuôi đại gia súc nói riêng.

Xem thêm
Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.