| Hotline: 0983.970.780

Đàn đại gia súc miền núi phía Bắc tăng nhanh

Thứ Sáu 09/08/2019 , 08:31 (GMT+7)

Từ ngày 7 - 8/8, tại Tuyên Quang, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ với chủ đề “Giải pháp phát triển chăn nuôi đại gia súc các tỉnh miền núi phía Bắc”.

Hướng tới chăn nuôi an toàn, hiệu quả

Những năm trở lại đây, tổng đàn đại gia súc tại các tỉnh miền núi phía Bắc tăng nhanh. Cụ thể, năm 2018 tổng đàn bò thịt của toàn vùng đạt hơn 1,02 triệu con tăng 3,29% so với năm 2017; đàn bò sữa đạt 28.685 con tăng trên 9% so với cùng kỳ. Toàn vùng có hơn 50.000 con ngựa, chiếm 94% tổng đàn của cả nước; hơn 945 ngàn con dê, cừu, chiếm 36,98% tổng đàn của cả nước; có gần 2,4 triệu con trâu, chiếm 29,04% tổng số trâu bò trên cả nước…

11-37-37_1
Các đại biểu tham quan mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa.

Tại diễn đàn, nhiều vấn đề như: Một số tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi đại gia súc nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; quy trình thực hành chăn nuôi tốt, cho chăn nuôi bò thịt tại Việt Nam; thực trạng và giải pháp phát triển chăn nuôi đại gia súc và giới thiệu mô hình sản xuất bền vững tại các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Giang, Bắc Kạn… đã được nhiều đại biểu đưa ra thảo luận.

Ông Tiến Hồng Phúc, Phó Trưởng phòng Gia súc lớn, Cục Chăn nuôi cho biết, khu vực miền núi phía Bắc có nhiều đồng cỏ, cao nguyên độ cao từ 600 - 700 m nên ngành chăn nuôi trâu, bò ngựa, dê... phát triển mạnh. Vì vậy, tổng đàn đại gia súc tăng theo từng năm.

Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, các địa phương cần thực hiện tốt việc bình tuyển giống chất lượng cao, gắn chăn nuôi với xây dựng vùng đồng cỏ đảm bảo ổn định nguồn thức ăn; triển khai chính sách hỗ trợ đối với người chăn nuôi, đặc biệt chăn nuôi nông hộ; thực hiện tốt quy trình phòng chống dịch bệnh của ngành thú ý; động viên kịp thời những điển hình trong chăn nuôi…
 

Mô hình chăn nuôi tiêu biểu

Trong chương trình của diễn đàn, các đại biểu đã tham quan mô hình liên kết nuôi trâu, bò vỗ béo tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Qua tìm hiểu, các đại biểu đều đánh giá cao về cách làm sáng tạo của nông dân.

Mô hình chăn nuôi liên kết được hình thành từ năm 2017 gắn liền với việc thành lập HTX Tiến Quang, xã Vinh Quang. Khi mới thành lập HTX chỉ có 7 thành viên với 30 con trâu bò. Qua 2 năm triển khai, đến nay HTX đã thu hút được 35 thành viên với hơn 350 con trâu bò. Đây là mô hình liên kết chăn nuôi trâu, bò vỗ béo lớn nhất tỉnh Tuyên Quang.

Gia đình anh Lê Văn Tứ, thôn Liên Nghĩa, xã Vinh Quang chăn nuôi từ nhiều năm nay, nhưng phải đến năm 2017 qua học hỏi, tìm hiểu các mô hình trong và ngoài tỉnh anh quyết định đầu tư chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. Lúc đầu gia đình anh chỉ chăn nuôi 2 con, sau đó khi liên kết được với HTX Tiến Thành ở huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) nhận thấy mô hình này có nhiều tiềm năng, anh bàn với 1 số hộ trong thôn thành lập HTX Tiến Quang.

Năm 2017, từ nguồn vốn tích lũy cộng vay thêm ngân hàng, anh Tứ đầu tư 500 triệu đồng xây dựng chuồng trại kiên cố, có hệ thống vệ sinh, máng chăn nuôi, quạt làm mát, cân đo theo dõi trọng lượng… và 12 con bò giống. Do thực hiện tốt các khâu chăm sóc đảm bảo quy trình an toàn sinh học, đàn bò của gia đình anh phát triển khá tốt.

Sau 3 tháng vỗ béo, trung bình mỗi con bò anh thu lãi khoảng 5 triệu đồng, cá biệt có con lãi hơn 10 triệu đồng. Đến nay, khu chuồng chăn nuôi của gia đình anh có hơn 50 con trâu, bò. Bên cạnh đó, nguồn phân bò được anh tái sử dụng để nuôi giun quế phục vụ nhu cầu thị trường cũng giúp kiếm được khoản lời kha khá.

Hoạt động theo chuỗi liên kết nên từ nguồn con giống đảm bảo mạnh khỏe, nguồn thức ăn an toàn, kỹ thuật chăm sóc, vệ sinh tiêu độc khử trùng đến khâu tiêu thụ sản phẩm các thành viên của HTX đều được hỗ trợ. Đây là điểm tựa vững chắc giúp người nông dân yên tâm đầu tư chăn nuôi phát triển kinh tế.
 

Giải pháp bền vững

Hàng năm, bằng nguồn kinh phí Trung ương và địa phương, hệ thống khuyến nông các tỉnh, thành phố đã triển khai xây dựng được khoảng 450 - 500 điểm trình diễn khuyến nông lĩnh vực chăn nuôi, để chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ mới trong sản xuất cho khoảng 9.188 hộ nông dân tham gia và hưởng lợi từ các dự án, mô hình này. Trong đó, các tỉnh miền núi phía Bắc chiếm 40 - 45% các mô hình trình diễn khuyến nông.

11-37-37_2
Từ chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, gia đình anh Đặng Văn Cảnh, thôn Tiên Hóa 2, xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa thu lãi 12 đến 14 triệu đồng/tháng.

Nhằm giúp người chăn nuôi có kiến thức, kinh nghiệm, hằng năm Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, đào tạo Trung ương và hệ thống khuyến nông địa phương đẩy mạnh hoạt động đào tạo tập huấn với các hình thức đa dạng phong phú.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã mở 26 lớp tập huấn ToT cho cán bộ khuyến nông các cấp; 36 lớp tập huấn cho 1080 nông dân. Các buổi tập huấn, tập trung vào các nội dung như: Bồi dưỡng phương pháp khuyến nông và kỹ thuật vỗ béo gia súc; kỹ thuật chăn nuôi trâu sinh sản; kỹ thuật phòng chống rét cho trâu bò; kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò theo hướng quy mô trang trại, an toàn dịch bệnh; kỹ thuật chế biến thức ăn cho trâu bò...

Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, cơ cấu sản xuất chăn nuôi tại khu vực chuyển đổi nhanh theo hướng trang trại, hộ lớn, hộ chuyên nghiệp, xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình liên kết trong sản xuất.

Tuy có nhiều khởi sắc, nhưng ngành chăn nuôi các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn còn chưa bền vững; giá trị gia tăng thấp; công tác quản lý còn nhiều thiếu sót, bất cập; việc áp dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi còn chậm. Đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi còn thấp, chưa thu hút được các doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Lực lượng cán bộ làm công tác chăn nuôi còn thiếu và yếu. Trong chăn nuôi còn tiềm ẩn những yếu tố về phát sinh dịch bệnh và môi trường...

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.