Tỉnh Hà Giang có mật độ sông, suối tương đối dày. Hầu hết các sông có độ nông sâu không đều độ dốc lớn, nhiều ghềnh thác. Đây là môi trường sống lý tưởng của các loài cá quý như bống, chiên, lăng, mỵ, rầm xanh… sinh sống.
Tuy nhiên, việc người dân đánh bắt theo hình thức tận diệt khiến số lượng loài cá quý trên ngày càng khan hiếm. Duy trì và nhân rộng tổng đàn, hằng năm tỉnh Hà Giang đều tổ chức các đợt thả tái tạo cá trên các con sông Lô, sông Gâm, sông Chảy, sông Nho Quế.
Thả tái tạo nguồn lợi thuỷ sản trên các dòng sông, từ năm 2016 đến năm 2021, hàng năm tỉnh Hà Giang đều thực hiện khả khoảng hơn 5.000 con cá đặc sản các loại. Những con giống được lựa chọn thả đều đảm bảo chất lượng và có khả năng sinh tồn cao.
Như trong năm 2016, tỉnh thực hiện thả tái tạo 7.000 con giống cá lăng chấm và 3.000 con giống cá chiên. Năm 2017 thả tái tạo tại sông Gâm huyện Bắc Mê là 2.000 con giống cá lăng chấm và 1.000 con giống cá chiên. Năm 2018 thực hiện thả 1.000 con cá rầm xanh là 1000 con, 1.000 con con cá anh vũ...
Ông Nguyễn Anh Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Thuỷ sản tỉnh Hà Giang cho biết, việc lựa chọn những con cá được thả tái tạo về môi trường tự nhiên đều được chọn lọc kỹ lưỡng. Làm sao để cá được thả đảm bảo đủ kích cỡ, có sức khoẻ tốt; có khả năng thuần thục và thích nghi nhanh với môi trường sống trên sông nước.
Việc thực hiện thả tái tạo sẽ mở ra hi vọng tái tạo quần đàn từ đó giúp cân bằng hệ sinh thái; phục hồi và phát triển một số loài cá đang có nguy cơ tuyệt chủng do khai thác quá mức và điều kiện môi trường sống không thuận lợi.
Mới đây, đầu tháng 4/2022, UBND huyện Hoàng Su Phì đã tiến hành thả gần 5 tạ cá giống truyền thống xuống lưu vực lòng hồ thủy điện Sông Chảy. Việc thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản là chính sách có ý nghĩa thiết thực của huyện Hoàng Su Phì nhằm bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản đang có dấu hiệu suy giảm trên địa bàn, bảo vệ môi trường sinh thái.
Theo lãnh đạo huyện Hoàng Su Phì thì thông qua hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, cũng nhằm tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản cho hiện tại và thế hệ mai sau, ngăn chặn các hành vi khai thác, đánh bắt thuỷ sản bằng phương tiện hủy diệt; chung tay bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học, góp phần phát triển bền vững nghề cá trên địa bàn.
Sau khi thả cá giống, chính quyền huyện Hoàng Su Phì cũng đã thành lập đoàn tuần tra, kiểm tra khu vực thả cá bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản, thực hiện nhắc nhở người dân không đánh bắt cá trong khoảng thời gian từ 5 đến 7 ngày; ngăn chặn các hình thức đánh bắt cá mang tính hủy diệt; đảm bảo đàn cá giống sau khi thả khoẻ mạnh, tỷ lệ sống cao nhất, có điều kiện để tồn tại, phát triển, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học cũng như bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản trên vùng hồ sông Chảy.
Song song với việc thả tái tạo các nguồn giống cá quý, cá bản địa về môi trường tự nhiên, ngành NN-PTNT tỉnh Hà Giang cùng các địa phương cũng tập trung vào giải pháp tuyên truyền có tính lan tỏa cao, để nhân dân tiếp cận được. Qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ suy nghĩ tới hành động của người dân trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tăng cường quản lý hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản trên địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng xung điện, thuốc nổ, hóa chất để khai thác thủy sản.
Ngành chức năng tỉnh Hà Giang cũng khuyến khích người dân tích cực tham gia thả giống thủy sản vào môi trường tự nhiên nhằm cân bằng hệ sinh thái và tái tạo lại nguồn lợi thủy sản, góp phần phát triển nghề khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững.