| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội ấn tượng với xây dựng nông thôn mới ở 3 xã của Gia Lâm

Thứ Năm 23/11/2023 , 13:40 (GMT+7)

Ngày 23/11, đoàn thẩm định nông thôn mới TP Hà Nội đã đi thực tế, đánh giá, chấm điểm nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tại 3 xã Yên Thường, Trung Mầu, Ninh Hiệp.

Hầu hết các thành viên của đoàn thẩm định đều đánh giá cao kết quả xây dựng nông thôn mới tại 3 xã Yên Thường, Trung Mầu, Ninh Hiệp-nơi đang xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Gia Lâm. Nhờ đó mà bộ mặt của 3 địa phương này đã thay đổi rõ rệt so với trước đây. Đường làng, ngõ xóm khang trang, nhiều nơi ô tô ra vào được, hệ thống cây xanh hai bên đường được trồng rất đẹp, hệ thống hồ ao được bảo tồn, kè bờ an toàn, mỹ quan, hệ thống cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm ngày càng hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người dân đô thị.

Điều đặc biệt, như bà Nguyễn Thị Kim Hồng, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Gia Lâm khẳng định, trong quá trình triển khai thực hiện mục tiêu nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, cả 3 xã đều không để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản. Kết quả của việc xây dựng nông thôn mới là nhân dân hưởng lợi nên nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân thông qua kết quả lấy phiếu về sự hài lòng của mặt trận tổ quốc các cấp…

Cánh đồng hoa ở xã Trung Mầu. Ảnh: NNVN.

Cánh đồng hoa ở xã Trung Mầu. Ảnh: NNVN.

Xuống Trung Mầu - xã từng là “vùng sâu, vùng xa” của huyện Gia Lâm nhưng giờ đây đường đi lại rất thuận tiện vì được thảm nhựa phẳng lì, đường ra đồng cũng được bê tông hóa giúp cho ô tô, xe máy di chuyển dễ dàng để chở người, chở hàng hóa lưu thông đi muôn nơi.  Vùng đất bãi ven sông Đuống của xã rộng 80ha trước đây vẫn chỉ trồng ngô, khoai, đậu cho hiệu quả thấp... nay chuyển sang trồng cây ăn quả như bưởi, cam đạt tiêu chuẩn VietGAP, OCOP rộng 50-60 ha, cho hiệu quả kinh tế 400-500 triệu/ha.

Ở ngoài bãi cũng như trong đồng, bà con bắt đầu chuyển từ cây lúa sang hoa, cây cảnh, rộng 70 ha, cho thu nhập 500-600 triệu/ha. Tổng giá trị từ trồng trọt của Trung Mầu đã đạt hơn 56 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, người dân còn phát triển đàn bò, đàn lợn theo hướng tập trung, an toàn sinh học. Không chỉ làm nông nhiều lao động địa phương tham gia làm việc tại nhà máy, xí nghiệp trong vùng nên thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn khá cao.

Nhờ nguồn lực đó mà từ năm 2016 đến tháng 6/2023, xã huy động được hơn 154 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới nâng cao, giúp cho người dân được hưởng lợi từ chính đời sống vật chất, tinh thần của mình được cải thiện.

Một khu nhà vườn đẹp ở Trung Mầu. Ảnh: NNVN.

Một khu nhà vườn đẹp ở Trung Mầu. Ảnh: NNVN.

Đến Yên Thường nơi có truyền thống chuyên canh rau màu, hiện toàn xã có 45,7ha trồng rau theo hướng an toàn, VietGAP với tổng sản lượng rau mỗi năm trên 1.000 tấn, giá trị vài chục tỉ đồng. Bên cạnh cây rau là thế mạnh, ở đây xã cũng có gần 26ha cây ăn quả, chủ yếu là ổi, bưởi, nhãn cho thu nhập 200-400 triệu đồng/ha…

Tiếp xúc với đoàn thẩm định, ông Nguyễn Văn Khoát, Bí thư Chi bộ thôn Yên Khê đại diện cho dân làng đã vui mừng cho biết thời quan qua quê hương mình thay đổi hẳn nhờ chương trình nông thôn mới. Cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư mạnh với hệ thống đường ngõ xóm và trục chính nội đồng của xã đã được trải bê tông rộng rãi, sạch đẹp. Môi trường được cải thiện rõ rệt. Thiết chế văn hóa được bổ sung.

Nghề  trồng rau ở Yên Thường được Nhà nước hỗ trợ xây dựng theo quy trình VietGAP trở thành thương hiệu nổi tiếng của cả thành phố, cung cấp hàng đi khắp nơi, giúp cho kinh tế của người dân được đảm bảo.

Đoàn thẩm định của thành phố xuống xã Ninh Hiệp. Ảnh: Tư liệu.

Đoàn thẩm định của thành phố xuống xã Ninh Hiệp. Ảnh: Tư liệu.

Tại xã Ninh Hiệp - địa phương vốn có thế mạnh là buôn bán, sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2022, đã được huyện Gia Lâm chỉ đạo, triển khai ngay xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023. Địa phương đã chọn hai điểm nhấn của chương trình nông thôn mới kiểu mẫu là lĩnh vực an ninh trật tự và văn hoá.

Theo ông Nguyễn Văn Thiết, Chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp với lĩnh vực an ninh trật tự, Ninh Hiệp là một trong những điểm sáng không chỉ của huyện mà của cả thành phố. Trong ba năm qua, trên địa bàn xã không có công dân cư trú phạm tội, phạm tội hình sự không vượt quá 5 vụ/năm; tệ nạn xã hội giảm liên tục giúp người dân yên tâm lao động, sản xuất để tạo ra hiệu quả kinh tế cao, chất lượng cuộc sống ở mức tốt.

Sau khi đi thực tế các xã, ông Ngọ Văn Ngôn, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội đã nhận định từ khi bắt tay vào triển khai, Hà Nội luôn xác định xây dựng nông thôn mới là hành trình có bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc. Ở những địa phương như huyện Gia Lâm, ngày mai lên quận, hôm nay vẫn phải xây dựng nông thôn mới.

“Chúng ta xây dựng nông thôn mới không phải vì thành tích mà bởi vì muốn không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đây cũng là mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt của Chương trình số 02 của giai đoạn trước và Chương trình số 04 của giai đoạn 2021 – 2025 hiện nay”

Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.