| Hotline: 0983.970.780

Hà Tĩnh: Khan giống tái đàn

Thứ Hai 18/05/2020 , 09:07 (GMT+7)

10.000 con lợn nái trên địa bàn Hà Tĩnh đã phải tiêu hủy hoặc giảm đàn do ảnh hưởng của DTLCP, khiến việc tìm kiếm lợn giống tái đàn hậu dịch gặp khó khăn.

Trong chuyến công tác tại Hà Tĩnh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu người chăn nuôi chỉ được tái đàn lợn khi đảm bảo các điều kiện an toàn sinh học. Ảnh: Võ Dũng. 

Trong chuyến công tác tại Hà Tĩnh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu người chăn nuôi chỉ được tái đàn lợn khi đảm bảo các điều kiện an toàn sinh học. Ảnh: Võ Dũng. 

Khuyến khích tái đàn cả trang trại và nông hộ

Trao đổi với Báo NNVN, ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh thông tin, hậu dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) toàn tỉnh mất hơn 44.000 con lợn (từ 406.000 con giảm còn 362.000 con). Tổng đàn giảm một phần do dính bệnh phải tiêu hủy, phần nữa bà con không tái sản xuất do lo ngại dịch bệnh.

Trong tổng số 44.000 con lợn mất đi có đến 10.000 con lợn nái; trong đó, khoảng 4.000 con tiêu hủy do dịch, số còn lại bà con bán đi hoặc lợn ốm chết, giảm đàn.

Hậu dịch, tỉnh Hà Tĩnh khuyễn khích tái đàn cả trong trang trại và nông hộ, song tập trung mạnh ở khối trang trại vì việc đảm bảo an toàn dịch bệnh ở các đơn vị lớn được thực hiện cực kỳ chặt chẽ. Con số tổng hợp đến thời điểm này cũng cho thấy, tỷ lệ chăn nuôi trang trại toàn tỉnh cũng đã tăng lên đạt 55%, cao hơn trước đây từ 15 – 25%.

“Mặc dù chúng tôi khuyến khích tái đàn cả trong trang trại và nông hộ nhưng việc tăng đàn đang gặp 2 khó khăn chính. Một là khan giống, hai là dịch bệnh giảm nhưng chưa hết hẳn nên bà con đầu tư tái sản xuất có tâm lý dè dặt”, ông Hùng nhấn mạnh.

Phân tích về yếu tố khan giống, ông Hùng cho hay, 22.000 con lợn giống đang nuôi trong trang trại là giống ngoại (2 máu), trong khi 13.000 con lợn nái dân nuôi là nái lai (3 – 4 máu). Do đó, việc lựa chọn lợn giống để tái sản xuất của khối trang trại và nông hộ cũng khác nhau.

Hiện hầu hết con giống các trang trại sản xuất ra chỉ đủ phục vụ hoạt động tái sản xuất của chính trang trại trại đó, còn con giống sản xuất trong nông hộ thiếu hụt nghiêm trọng, thậm chí một số vùng chăn nuôi nông hộ đảm bảo an toàn dịch bệnh cũng không thể mua được con giống, giá lợn giống hiện nay đã tăng lên 2,5 – 2,8 triệu đồng/con có trọng lượng 7kg.

“Người chăn nuôi nông hộ ở Hà Tĩnh rất chuộng giống lợn nái lai vì nó dễ nuôi, có sức chống chịu tốt và giá rẻ hơn lợn nái ngoại. Tuy nhiên, thời điểm này với số nái lai hiện có thì con giống sản xuất ra không thể đáp ứng đủ nhu cầu chăn nuôi của 26.000 hộ”, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y nhẩm tính.

Từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn tập trung toàn bộ nguồn lực đẩy mạnh tái sản xuất hậu DTLCP.

Theo ông Lê Tiến Cát, giám đốc công ty, giai đoạn này tái đàn là phù hợp và cực kỳ cần thiết, nhưng chỉ nên tái đàn mạnh ở khối trang trại, còn nông hộ vẫn phải giám sát chặt chẽ công tác đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Hay nói cách khác, muốn tăng đàn, tái đàn an toàn thì quan trọng nhất vẫn là vấn đề môi trường, phải đảm bảo cách ly “nội bất xuất ngoại bất nhập”. Tái đàn mà để dịch bệnh bùng phát thì thiệt hại lần thứ hai này sẽ khiến người chăn nuôi khánh kiệt.

DTLCP cuốn bay 10.000 con lợn nái của tỉnh Hà Tĩnh, khiến cho việc tái đàn thời điểm này gặp khó khăn do khan giống. Ảnh: Võ Dũng.

DTLCP cuốn bay 10.000 con lợn nái của tỉnh Hà Tĩnh, khiến cho việc tái đàn thời điểm này gặp khó khăn do khan giống. Ảnh: Võ Dũng.

Trong quá trình chống chọi với DTLCP, Công ty Lâm nghiệp Hương Sơn vẫn bảo toàn được đàn nái bố mẹ 350 con. Hiện giá lợn đang cao, để nâng cao hiệu quả sản xuất công ty đang đề xuất cơ quan chức năng chấp thuận chủ trương mở rộng thêm 4 dãy chuồng nuôi 2.000 con lợn thịt, với tổng mức đầu tư 3,5 – 4 tỷ đồng.

Ngoài nguồn lực tự có của doanh nghiệp, trang trại còn được Bộ NN-PTNT hỗ trợ khoảng 200 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ xử lý môi trường chăn nuôi cho các xã biên giới để lắp thêm máy móc, thiết bị xử lý môi trường. Đây là nguồn lực kích cầu hết sức kịp thời, góp phần giúp các trang trại chăn nuôi khôi phục sản xuất bền vững.

Chuyển đổi công nghệ và kỹ thuật chăn nuôi

Một doanh nghiệp khác đã và đang được tỉnh Hà Tĩnh đánh giá cao trong việc thực hiện các giải pháp vượt qua “bão” DTLCP và tăng đàn, tái đàn hiện nay là Công ty CP Chăn nuôi Mitraco (thuộc Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh).

Trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành, mỗi tháng bình quân công ty dành hàng tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch (vượt 4 – 5 lần so với định mức).

Khi dịch bệnh tạm ổn, doanh nghiệp bắt tay ngay vào việc tái cấu trúc chăn nuôi, đẩy mạnh sản xuất thông qua việc chuyển đổi công nghệ và kỹ thuật chăn nuôi gắn với thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn sinh học và bảo vệ môi trường trong các trang trại liên kết với nông dân, góp phần tăng cường công tác quản lý dịch bệnh, tăng hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp và người chăn nuôi.

Cụ thể, duy trì lại chăn nuôi lợn nái liên kết thường xuyên ở 30 - 35 hộ tại các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Kỳ Anh, Hương Khê; chuyển đổi công nghệ từ chuồng hở sang chuồng kín bằng cách cho hộ dân liên kết ứng trước tiền gia công để đầu tư, bình quân mỗi trại khoảng 300 triệu đồng. Hiện đã có khoảng 15 trại đầu tư chuyển từ chuồng hở sang chuồng kín.

Ông Hồ Sỹ Huy Thảo, Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Mitraco cho rằng, việc sử dụng chuồng hở chăn nuôi trong giai đoạn hiện nay không còn phù hợp, bởi thời tiết ở Hà Tĩnh nắng nóng kết hợp gió Lào thường tác động tiêu cực đến sức đề kháng và tăng trưởng của gia súc.

Trong khi công nghệ khép kín, sử dụng công nghệ làm mát, đảm bảo điều kiện nhiệt độ cho lợn phát triển, đặc biệt là thay đổi tư duy chăn nuôi cách ly người ra vào trại, không nuôi thêm gia súc, gia cầm nào trong khu vực chăn nuôi lợn của người dân.

Xét về hiệu quả, chăn nuôi chuồng kín có thể tăng năng suất, sản lượng thêm 20 – 30% so với chuồng hở, góp phần gia tăng giá trị kinh tế cho người chăn nuôi liên kết. Nhưng điều quan trọng nhất là chăn nuôi chuồng kín có tính an toàn cao, khả năng bị dịch bệnh ít hơn.

Việc bảo vệ thành công đàn nái của Công ty CP Chăn nuôi Mitraco đã góp phần đắc lực giúp người chăn nuôi liên kết ở Hà Tĩnh tái đàn, tăng đàn, cung cấp lượng thịt ổn định cho thị trường. Ảnh: Võ Dũng.

Việc bảo vệ thành công đàn nái của Công ty CP Chăn nuôi Mitraco đã góp phần đắc lực giúp người chăn nuôi liên kết ở Hà Tĩnh tái đàn, tăng đàn, cung cấp lượng thịt ổn định cho thị trường. Ảnh: Võ Dũng.

“Thành công lớn nhất chúng tôi đạt được có lẽ là việc vượt qua khủng hoảng, bảo vệ an toàn đàn nái cấp ông bà, bố mẹ đúng như tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN-PTNT.

Đây cũng chính là yếu tố thuận lợi, nhanh nhất phục vụ cho việc tái đàn, bổ sung đàn, tăng đàn tại trang trại và tại địa phương; cung cấp con giống cho hộ liên kết, cung cấp sản lượng thịt cho thị trường sau khủng hoảng dịch bệnh, giảm áp lực khan hiếm hàng hóa; góp phần tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, xây dựng nông thôn mới”, ông Hồ Sỹ Huy Thảo nói.

Tính đến thời điểm này, công ty đang duy trì được 200 nái ông bà; 2.500 nái bố mẹ. Dự kiến trong năm nay công ty sẽ tăng đàn tại chỗ lên đạt khoảng 3.000 con và đến tháng 6/2021 tăng đủ theo thiết kế chuồng trại 4.000 con nái ở các Trại Kỳ Phong, Thạch Vĩnh và 3 trại nái gia công.

Theo ông Thảo, muốn tăng đạt 4.000 con nái bố mẹ vào năm sau thì năm nay bắt buộc công ty phải nhập được 200 con nái ông bà với tổng vốn đầu tư từ 6 – 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện việc nhập nái ông bà, cụ kỵ đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến hệ thống giao thông đình trệ.

Công ty đang tích cực tìm kiếm đơn vị đủ năng lực cung cấp giống nái ông bà ở thị trường trong và ngoài nước để kịp thời nhập bổ sung vào tổng đàn.

Mặc dù dịch bệnh đã giảm song chưa hết hoàn toàn, do đó ngành chuyên môn Hà Tĩnh khuyến cáo người chăn nuôi tái đàn, tăng đàn phải thận trọng, đặc biệt là chăn nuôi trong nông hộ. Nếu chưa đủ điều kiện đảm bảo an toàn sinh học thì tuyệt đối không tái đàn.

Đối với khối doanh nghiệp, trang trại, trong 3 năm qua gần như đã dốc hết nguồn lực chống chọi với “bão” giá, các loại dịch bệnh như tai xanh, lở mồm long móng, DTLCP nên thời điểm này, dù giá thịt lợn tăng cao nhưng chưa thể bù đắp được thiệt hại các đơn vị đã phải gánh. Thiết nghĩ các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần tiếp tục hỗ trợ tăng hạn mức cho vay, cho gia hạn trả nợ giúp các doanh nghiệp, trang trại ổn định sản xuất lâu dài.

Xem thêm
Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.