| Hotline: 0983.970.780

Vì sao Bắc Kạn khó tái đàn lợn?

Thứ Ba 05/05/2020 , 07:10 (GMT+7)

Việc tái bùng phát bệnh dịch tả lợn châu Phi ở một số huyện cộng với giá con giống quá cao, khiến người nuôi lợn tỉnh Bắc Kạn e ngại tái đàn.

Chuồng lợn của 1 hộ gia đình được quây kín, cho thấy ý thức phòng dịch của các hộ dân đã được nâng cao. Ảnh: Toán Nguyễn.

Chuồng lợn của 1 hộ gia đình được quây kín, cho thấy ý thức phòng dịch của các hộ dân đã được nâng cao. Ảnh: Toán Nguyễn.

Bóng ma dịch bệnh lởn vởn

Vào đầu tháng 4 vừa qua, dịch tả lợn châu Phi đã tái xuất hiện ở xã Vân Tùng (huyện Ngân Sơn), khiến một hộ dân có 69 con lợn mắc bệnh, trong đó 58 con lợn thịt và 11 con lợn con phải tiêu hủy, tổng trọng lượng lên đến gần 3,1 tấn, thiệt hại lên 250 triệu đồng.

Ông Phan Kim Hiểu, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Ngân Sơn cho biết: Ngay sau khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trở lại, huyện đã khoanh vùng dập dịch và hiện không lây lan dịch bệnh sang các khu vực khác. Tuy nhiên đến nay cũng không xác định được nguyên nhân dịch tả lợn châu Phi tái phát do đâu, bởi gia đình này trước khi dịch bùng phát thì không bị dịch và họ thực hiện tốt việc vệ sinh chuồng trại.

Theo ông Hiểu, hiện nay quanh khu vực có dịch của huyện Ngân Sơn, đa số các hộ chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ một vài con.

Vừa qua chờ xã Trung Hòa hết dịch, thì huyện Ngân Sơn mới đủ điều kiện công bố hết dịch. Nhưng người dân chăn nuôi vẫn không mặn mà tái đàn, do lo lắng dịch bệnh có thể quay lại bất cứ lúc nào và nhất là giá con giống đắt, lên đến hơn 2 triệu đồng/con.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tính đến ngày 26/4, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có 7 xã thuộc 5 huyện bị tái xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, gây tâm lý hoang mang cho người chăn nuôi. Điều đó lý giải tại sao bà con rất lo lắng chuyện dịch bệnh, và tâm lý rụt rè trong việc tái đàn là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên đứng ở khía cạnh khác, đây cũng là cơ hội cho những người chăn nuôi có thu nhập cao từ nuôi lợn. Tất nhiên họ phải có ý thức giữ gìn vệ sinh chuồng trại, vệ sinh môi trường khu vực xung quanh và có nhiều biện pháp đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi thì mới hy vọng thành công.

Ông Quang, một hộ chăn nuôi lợn ở trung tâm xã Thanh Vận là ví dụ cụ thể. Gia đình ông có 26 con lợn trưởng thành khoảng 60 – 70kg, nếu tính theo giá lợn hiện tại, thì đàn lợn có giá trị lên tới hơn 100 triệu đồng. Vì vậy, khu chăn nuôi đã được gia đình quây bạt kín, không cho người lạ đến gần, chỉ có một hai người trong nhà và phải khử trùng sạch sẽ mới được phép ra vào cho lợn ăn và vệ sinh chuồng trại.

Đa số vẫn lưỡng lự tái đàn

Chia sẻ vấn đề tái đàn lợn ở địa phương, ông Triệu Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới cho biết, cả xã bây giờ chỉ còn 240 con lợn. Con số này quá nhỏ với chỉ tiêu giao được cấp trên giao tái đàn của xã là 1.400 con (tương đương với 17%), nên chắc chắn địa phương sẽ khó thực hiện được chỉ tiêu này.

Ông Huy giải thích có nhiều lý do khó tái đàn, như giá lợn giống rất cao, lên tới gần 200.000 đồng/kg khiến nhiều hộ dân không đủ khả năng mua con giống.

Thứ nữa, giá con giống cao nhưng lại thiếu nên muốn mua cũng không dễ. Đặc biệt là tâm lý lo sợ dịch bệnh tả lợn châu Phi quay trở lại nên nhiều hộ có khả năng tái đàn cũng lưỡng lự không dám đầu tư.

Cả xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới hiện chỉ có 240 con lợn, chỉ đạt 17% so với chỉ tiêu được giao tái đàn của xã là 1.400 con. Ảnh: Toán Nguyễn.

Cả xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới hiện chỉ có 240 con lợn, chỉ đạt 17% so với chỉ tiêu được giao tái đàn của xã là 1.400 con. Ảnh: Toán Nguyễn.

Ngay cả những trang trại lợn lớn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn cũng đang gặp khó khăn nêu trên. Ví dụ điển hình như trang trại Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông, hiện đang nuôi tới hơn 600 con lợn nái nhưng vẫn thiếu lợn giống trầm trọng.

Theo chủ trang trại, doanh nghiệp đã phải rất khó khăn mới nhập được thêm gần 11.000 lợn con về nuôi, nhưng cũng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu. Dù giá lợn giống cao ngất ngưởng, nhưng cũng không dễ nhập về, bởi ngay cả các đơn vị cung ứng nhiều lợn ở các tỉnh dưới xuôi cũng khan hiếm con giống.

Dịch bệnh chính là nguyên nhân khiến đàn lợn cả nước, chứ không riêng gì địa phương nào suy giảm. Tuy nhiên với tỉnh Bắc Kạn lại càng khó khăn, bởi ngoài giống lợn bản địa cho sinh sản thấp, thì nguồn cung giống hầu hết phụ thuộc vào vận chuyển từ các tỉnh miền xuôi lên.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn, lợn giống được nhập về lên tới hàng chục ngàn con, trong khi đó tỉnh có đàn nái địa phương khoảng 10.800 con. Điểm yếu của nái địa phương là tỷ lệ đẻ thấp, chỉ rơi vào 14 con/năm, vì vậy Bắc Kạn vẫn đang thiếu khoảng 40.000 đến 50.000 con giống/năm.

Nhưng không vì thiếu giống mà buông lỏng, tỉnh vẫn phải kiểm soát nghiêm ngặt và áp dụng những biện pháp phòng chống dịch chặt chẽ trong việc vận chuyển lợn con và lợn giống. Đó là quan điểm nhất quán, nhất là khi dịch bệnh chưa được khống chế triệt để.

Trang trại lợn Mỹ Thanh đang nuôi tới 600 con lợn nái nhưng vẫn thiếu trầm trọng lợn giống. Ảnh chụp qua camera: Toán Nguyễn.

Trang trại lợn Mỹ Thanh đang nuôi tới 600 con lợn nái nhưng vẫn thiếu trầm trọng lợn giống. Ảnh chụp qua camera: Toán Nguyễn.

Chia sẻ với Báo NNVN, ông Đỗ Xuân Việt, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn thông tin: Thực tế cho thấy, trên địa bàn tỉnh lên tới 80% hộ chăn nuôi ý thức phòng dịch kém, đa số là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chuồng trại sơ sài là nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan. Chúng tôi khuyến cáo những hộ đảm bảo vệ sinh chuồng trại và phòng dịch tốt hãy tái đàn để hạn chế dịch bệnh.

Cũng theo ông Việt, để phát triển đàn lợn trên trên địa bàn một cách lâu dài và bền vững thì ngành chăn nuôi và thú y tỉnh định hướng phát triển chăn nuôi theo hướng nông trại và gia trại, những hộ vốn lớn và có đầy đủ kiến thức về chăn nuôi, phòng dịch mới nên chăn nuôi lợn. Qua đó đảm bảo đủ về số lượng, nhưng lại giảm được nguy cơ dịch bệnh từ việc chăn nuôi nhỏ lẻ như đã từng xảy ra.

Ông Nguyễn Ngọc Cương, Phó Giám đốc Sở NN- PTNT Bắc Kạn thông tin: Việc tái đàn lợn, lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương phải thực hiện với quyết tâm cao nhất, mục tiêu chung là vừa đáp ứng đủ nhu cầu, vừa giảm giá thành thịt lợn, nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng dịch. Sở NN- PTNT có nhiệm vụ tổng hợp báo cáo gửi UBND tỉnh để có hướng chỉ đạo tái đàn.

Sở NN- PTNT Bắc Kạn cũng đã phối hợp với các địa phương tuyền truyền để bà con nhân dân nâng cao ý thực vệ sinh chuồng trại, phòng chống dịch bệnh. Chỉ khuyến khích những hộ dân nào có chuồng trại hợp vệ sinh, đảm bảo an toàn sinh học và có khả năng về tài chính hãy nên tái đàn.

Còn không thì bà con được khuyến cáo chuyển sang chăn nuôi các lĩnh vực khác như chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản, hay làm các mô hình kinh tế khác. Với mục đích để giảm nguy cơ rủi ro dịch bệnh gây thiệt hại cho người chăn nuôi, đồng thời bù đắp những thiếu hụt về thịt lợn đã xảy ra.

Tuy nhiên với việc vừa thiếu con giống, giá con giống lại cao, cộng với việc dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở nhiều nơi như vừa qua, Bắc Kạn sẽ khó hoàn thành việc tái đàn lợn như mục tiêu đề ra.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.