| Hotline: 0983.970.780

Hà Tĩnh: Trình Chính phủ phê duyệt Đề án tỉnh nông thôn mới trong tháng 6

Thứ Sáu 08/05/2020 , 11:30 (GMT+7)

Các Bộ ngành Trung ương đang tập trung chỉ đạo, phối hợp tỉnh Hà Tĩnh hoàn thiện đề án thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM trước năm 2025.

Đoàn công tác Trung ương góp ý Đề án xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM vào sáng nay (8/5). Ảnh: Thanh Nga.

Đoàn công tác Trung ương góp ý Đề án xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM vào sáng nay (8/5). Ảnh: Thanh Nga.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh văn phòng điều phối NTM Trung ương vừa dẫn đầu đoàn công tác Trung ương làm việc với tỉnh Hà Tĩnh nhằm đưa ra các ý kiến góp ý, sớm hoàn thiện Đề án tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) trình Bộ NN-PTNT, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

9 tháng qua, kể từ ngày Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chọn Hà Tĩnh thí điểm chỉ đạo điểm về xây dựng “Tỉnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 – 2025”, Ban chỉ đạo NTM Hà Tĩnh đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành Trung ương xây dựng dự thảo Đề án.

Dự thảo này đã được đưa lên “bàn cân”, tiếp nhận nhiều góp ý của các chuyên gia, Bộ ngành Trung ương và hiện đang ở giai đoạn “nước rút”, tập trung hoàn thiện theo hướng “Lấy Hà Tĩnh làm căn cứ lý luận cũng như thực tiễn để Trung ương tổng kết, đánh giá, ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia tỉnh đạt chuẩn NTM và định hướng cho phong trào xây dựng NTM các giai đoạn tiếp theo”.

Theo đánh giá của đoàn công tác Trung ương, trong vô vàn khó khăn Hà Tĩnh đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò cộng đồng trong xây dựng NTM.

Hà Tĩnh chuẩn bị trình Chính phủ phê duyệt Đề án trong tháng 6/2020. Ảnh: Thanh Nga.

Hà Tĩnh chuẩn bị trình Chính phủ phê duyệt Đề án trong tháng 6/2020. Ảnh: Thanh Nga.

“Không phải ngẫu nhiên Trung ương chọn Hà Tĩnh thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM. Bài học thành công trong giai đoạn 2010 – 2020 đã rõ. Tuy nhiên, Đề án tỉnh NTM chưa nêu bật lên được vai trò của cộng đồng trong quá trình thực hiện Chương trình giai đoạn mới, vì vậy, Hà Tĩnh cần hoàn thiện thêm nội dung này để đảm bảo xây dựng NTM bền vững”, ông Phương Đình Anh, Trưởng phòng Nghiệp vụ (Văn phòng điều phối NTM Trung ương) nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh văn phòng điều phối NTM Trung ương cho rằng, xây dựng đề án phải xác định được vai trò tỉnh NTM là gì, để từ đó đưa ra giải pháp định hướng phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn toàn diện, đi vào chiều sâu và gắn với đô thị hóa.

"Trọng tâm cần làm bây giờ là xây dựng lộ trình hoàn thiện hạ tầng giao thông thiết yếu; thu nhập của người dân và chuỗi giá trị liên kết sản xuất nông nghiệp...", ông Tiến nói. 

Đề án xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM của Hà Tĩnh đặt mục tiêu, đến cuối năm 2023 có 100% số xã đạt chuẩn; cuối năm 2025 có tối thiểu 50% xã đạt chuẩn nâng cao và 10% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh  có 100% huyện đạt chuẩn NTM; 100% thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Ít nhất 4 huyện đạt chuẩn huyện NTM nâng cao.  

Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn trên 72%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 95%; hộ nghèo dưới 2,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 60 triệu đồng; trên 80% Khu dân cư đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và trên 12.000 Vườn mẫu đạt chuẩn.

Có tối thiểu 300 sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận đạt chuẩn OCOP, trong đó 35 sản phẩm đạt chuẩn 5 sao.

Trên cơ sở đánh giá thực trạng, các chỉ tiêu, tiêu chí đều được xây dựng thành nhóm nhiệm vụ thực hiện chung, nhóm thực hiện chi tiết... Trong đó, hướng đến nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cư dân nông thôn thông qua xây dựng mô hình điển hình, như: Sản xuất theo chuỗi giá trị lúa gạo; mô hình chuyển đổi, tích tụ ruộng đất gắn với thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo nguyện vọng của người sản xuất; mô hình cây ăn quả có múi theo hướng GAP, hữu cơ; chế biến các sản phẩm từ hươu, nhung hươu.

Vai trò cộng đồng trong xây dựng NTM đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Ảnh: Thanh Nga.

Vai trò cộng đồng trong xây dựng NTM đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Ảnh: Thanh Nga.

Xây dựng Khu dân cư NTM kiểu mẫu thông minh và mô hình kiến trúc nông thôn bằng giải pháp: Nâng cấp nâng chuẩn các Khu dân cư NTM kiểu mẫu, trong đó ưu tiên cao việc ứng dụng công nghệ thông minh trong điều hành, quản lý, giám sát tại thôn; ứng dụng khoa học công nghệ trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm từ vườn…

Sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu số NTM để quản lý, điều hành Chương trình; cung cấp điểm bán, giới thiệu sản phẩm; thông tin cửa hàng… về sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.

Ngoài ra, phát triển tối thiểu 7 tour tuyến du lịch cộng đồng gắn với NTM, như: Trải nghiệm các hoạt động sản xuất nông nghiệp, trải nghiệm tại các vườn mẫu, thôn kiểu mẫu; tour trải nghiệm các nghề, làng nghề truyền thống; tham quan, mua sắm các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP và sản phẩm đặc trưng của địa phương; tour du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, chữa bệnh bằng y học cổ truyền; tour du lịch cộng đồng, du lịch Homestay...

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

350 gian hàng tại Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP Phú Thọ

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 237 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, chiếm 85% là nhóm ngành thực phẩm.