Sáng nay (5/3), Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Công thương, Tổ chức Tài chính quốc tế IFC, Nhóm Ngân hàng Thế giới đã tổ chức Diễn đàn Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản Việt Nam năm 2019.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì diễn đàn quan trọng này nhằm thảo luận các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thương mại nông sản, nhất là XK nông sản Việt Nam trong năm 2019.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng lãnh đạo Bộ Công thương và các tổ chức quốc tế chủ trì diễn đàn |
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), năm 2018, đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai xây dựng và phát triển mô hình 1.096 chuỗi (tăng 350 mô hình so với năm 2017), 1.426 sản phẩm và 3.174 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi nông sản An toàn thực phẩm. Năm 2018, số doanh nghiệp nông lâm thủy sản thành lập mới là 2.200 doanh nghiệp (tăng 12,3% so với năm 2017), nâng tổng số doanh nghiệp nông nghiệp lên 9.235 doanh nghiệp (tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên 1 doanh nghiệp là 17,8 tỷ đồng).
Đầu tư vào nông nghiệp có sự tham gia của các tập đoàn lớn như Vingroup, T&T, Nafoods, Vinamilk, TH True Milk, Dabaco Việt Nam, Masan, Lavifood, Đồng Giao, Thương mại và đầu tư Biển Đông...
Bên cạnh đó, cả nước có 13.400 HTX nông nghiệp, số HTX thành lập mới năm 2018 là 1.935 HTX (tăng 63% so với năm 2017); đến năm 2018, cả nước có khoảng 35.500 trang trại (tăng 1.500 trang trại so với năm 2017);
Hiện nay, cả nước có trên 7.000 cơ sở chế biến NLTS quy mô công nghiệp, trong đó ngành Trồng trọt có khoảng 830 cơ sở, nhà máy; ngành chăn nuôi có 910 cơ sở giết mổ tập trung; ngành thủy sản hiện có 760 doanh nghiệp; ngành lâm nghiệp có 4.500 doanh nghiệp chế biến gỗ. Số hộ gia đình đầu tư sản xuất quy mô lớn, hàng hóa và tham gia liên kết với trên 25,5 ngàn hộ tham gia liên kết sản xuất với các đơn vị sản xuất được cấp chứng nhận VietGAP và 619,3 ngàn hộ tham gia liên kết sản xuất theo cánh đồng lớn.
Năm 2018, ngành nông nghiệp cũng đã thường xuyên phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tổ chức tốt các hội nghị, diễn đàn kết nối tiêu thụ và quảng bá các mặt hàng nông sản là thế mạnh của địa phương, doanh nghiệp. Đồng thời, kết nối doanh nghiệp tiêu thụ, phân phối với doanh nghiệp, người sản xuất để giảm thiểu các khâu trung gian và nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Trong năm 2018, đã tổ chức được 15 hội chợ, triển lãm về nông nghiệp trên cả nước.
Xây dựng thương hiệu cho nông sản là hướng đi cần thiết và phù hợp cho phát triển ngành nông nghiệp và các mặt hàng nông sản trong thời gian tới. Việt Nam đã có 2 thương hiệu quốc gia là Chè Việt Nam, được đăng ký và bảo hộ với 73 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và thương hiệu Gạo Việt Nam. Hiện nay, đang xây dựng 2 thương hiệu quốc gia cho tôm và cá tra.
Về hệ thống phân phối nông sản, cả nước có khoảng 8.600 chợ các loại đang hoạt động (trong đó có 2.180 chợ thành thị và 6.420 chợ nông thôn) và có khoảng 1.223 siêu thị, trung tâm thương mại trên cả nước. Hệ thông phân phối lớn có sự tham gia của các doanh nghiệp lớn trong nước như Vinmart, Saigon Co.op, Hapro... và một số doanh nghiệp FDI như BigC, AEON, Metro...
Đối với thị trường xuất khẩu, trong năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt mức 40,02 tỷ USD (tăng 9,6% so với năm 2017), chiếm tỷ trọng 16,4% trong tổng xuất khẩu cả nước và thặng dư thương mại đạt 8,72 tỷ USD. Trong đó một số mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cao gồm: Thuỷ sản đạt 8,8 tỷ USD (tăng 6,3%); đồ gỗ và lâm sản đạt 9,3 tỷ USD (tăng 15,7%); gạo đạt 3,1 tỷ USD (tăng 16%); rau quả đạt 3,8 tỷ USD (tăng 9,2%); cà phê đạt 3,5 tỷ USD (tăng 1,2% so với năm 2017).
Hiện nay, hàng hóa nông nghiệp của Việt Nam đang được xuất khẩu sang 180 nước và vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 15 trên thế giới, với 10 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, 6 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD (tôm, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng rau quả, hạt điều, cà phê, gạo). Việt Nam đã tham gia và ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs), tham gia Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) qua đó tạo thêm nhiều cơ hội cho ngành nông nghiệp xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp.
Trong năm 2018, đã tổ chức các hội chợ triển lãm về nông nghiệp tại các thị trường quốc tế như: Trung Quốc, Pháp, Bỉ, Nga, Nhật Bản... Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thị trường, nhất là những thị trường lớn cho các mặt hàng như thịt bò, sữa vào Malaysia; thịt lợn, gà, trứng vào Singapore; thịt lợn, sữa, thủy sản, gạo vào Trung Quốc; thịt gà vào Nhật Bản, thịt lợn đông lạnh vào Myanmar; vú sữa vào Hoa Kỳ; chôm chôm vào New Zealand; chanh leo vào EU...
Bước sang năm 2019, ngành nông nghiệp được dự báo là sẽ đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Bên cạnh đó, đây là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng chuẩn bị hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 của ngành nông nghiệp, đòi hỏi toàn ngành nông nghiệp cùng các bộ ngành liên quan cần có các giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh XK cũng nhiêu thị trường nội địa.