| Hotline: 0983.970.780

Hải Dương đưa vải thiều lên máy bay để quảng bá với du khách quốc tế

Thứ Ba 30/05/2023 , 15:36 (GMT+7)

Hiện tại, công tác xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, mở cửa thị trường đã được tỉnh Hải Dương, doanh nghiệp hoàn tất, sẵn sàng tiêu thụ hết 60.000 tấn vải.

Bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Dương cho biết, năm 2023, tổng diện tích vải toàn tỉnh hơn 10.000 ha, sản lượng ước đạt 60.000 tấn. Qua kiểm tra, đánh giá, theo dõi tình hình thời tiết, sâu bệnh gây hại, sinh trưởng và phát triển của các trà vải, ngành nông nghiệp nhận định năm nay tiếp tục là một năm vải được mùa.

Năm 2023, tổng diện tích vải toàn tỉnh Hải Dương hơn 10.000 ha, sản lượng ước đạt 60.000 tấn. Ảnh: TL.

Năm 2023, tổng diện tích vải toàn tỉnh Hải Dương hơn 10.000 ha, sản lượng ước đạt 60.000 tấn. Ảnh: TL.

Do đó, ngay từ đầu vụ, các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ vải đã được tỉnh đặc biệt quan tâm đẩy mạnh bằng những chương trình hành động rất cụ thể. Trong đó có sự tham gia của tất cả các sở, ngành liên quan, địa phương, tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến thôn, xóm...

Đối với thị trường trong nước, đây vẫn được xác định là thị trường tiêu thụ chính của vải thiều Thanh Hà khi chiếm 70% sản lượng (30% xuất khẩu). Tuy nhiên, hiện nay thị hiếu của người tiêu dùng trong nước đã thay đổi rất lớn theo hướng chỉ sử dụng vải quả đạt các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng cao… như sản phẩm xuất khẩu. Do đó, đòi hỏi công tác quản lý về chất lượng ở các vùng trồng phải được thực hiện nghiêm túc, bài bản.

Đặc biệt, từ rất sớm, tỉnh Hải Dương đã chủ động kết nối với Tập đoàn AEON Việt Nam để xúc tiến việc tiêu thụ vải Thanh Hà thông qua các kênh bán hàng của tập đoàn và thông qua nhà nhập khẩu của AEON đưa vải thiều tiêu thụ tại thị trường Nhật Bản.

Bên cạnh đó, tỉnh đã làm việc với các đơn vị cung ứng suất ăn trên các chuyến bay, nhất là hãng hàng không Vietnam Airlines để đưa vải thiều lên các chuyến bay, phục vụ nhu cầu và giới thiệu tới khách hàng trong và ngoài nước. Đồng thời, tăng cường kết nối với hệ thống bán hàng trong nước như Big C, Biggreen, Winmart… để gia tăng kênh tiêu thụ và đưa sản phẩm vải Thanh Hà đến gần hơn với người tiêu dùng cả nước.   

Đối với thị trường xuất khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường tiềm năng của vải Thanh Hà và cần được đặc biệt quan tâm, vì 50% sản lượng vải chín sớm được tiêu thụ tại thị trường này. Do đó, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở phối hợp chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp, hỗ trợ quản lý vùng trồng, đáp ứng theo các yêu cầu của thị trường Trung Quốc.

Đối với thị trường Nhật Bản, năm 2023 là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản. Nhân dịp này, các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng hợp tác kinh tế trên nhiều lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp giữa 2 nước sẽ được đẩy mạnh. Đây cũng là cơ hội để sản lượng nhập khẩu vải của Nhật Bản sẽ tăng lên, phục vụ cho nhu cầu của người dân Nhật Bản và kiều bào Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc tại đây.

Ngay từ đầu vụ, các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ vải đã được tỉnh Hải Dương đẩy mạnh bằng những chương trình hành động rất cụ thể. Ảnh: TL.

Ngay từ đầu vụ, các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ vải đã được tỉnh Hải Dương đẩy mạnh bằng những chương trình hành động rất cụ thể. Ảnh: TL.

Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam cho rằng, không chỉ phía cơ quan quản lý nhà nước khẩn trương triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại mà phía các doanh nghiệp cũng tích cực chăm sóc các bạn hàng, thị trường cũ, tìm kiếm thêm nhiều bạn hàng, thị trường mới.

Hiện tại, nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu không có sự khác nhau quá lớn về những yêu cầu đối với quả vải (nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, an toàn, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thơm ngon…). Cho nên, ngay từ khi kết thúc vụ vải trước, doanh nghiệp đã cùng các HTX họp rút kinh nghiệm, chỉ rõ những điểm làm được, chưa làm được để kịp thời khắc phục vào vụ sau.

“Để có được quả vải chất lượng phục vụ khách hàng trong nước và xuất khẩu, doanh nghiệp đã thành lập HTX, liên kết chặt chẽ với các hộ trồng để kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất theo những yêu cầu, quy định. Muốn quả vải Thanh Hà rộng cửa tiêu thụ thì chúng tôi luôn xác định, bán vải không chỉ bán sản phẩm quả vải đơn thuần mà phải bán cả câu chuyện về quả vải đó. Câu chuyện đó sẽ được thể hiện qua việc minh bạch quá trình sản xuất, bao bì, tem nhãn… Có như vậy, khi nhắc tới vải là khách hàng nhớ ngay tới vải Thanh Hà”, ông Tiến cho hay.

Xem thêm
Kon Tum ưu tiên thu hút các dự án chăn nuôi công nghệ cao

Tỉnh Kon Tum chú trọng thu hút các dự án chăn nuôi công nghệ cao, quy trình khép kín từ khâu sản xuất, con giống đến chế biến, phân phối sản phẩm ra thị trường.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Điều ước của 'tỷ phú mía' xứ Thanh

THANH HÓA Theo ông Trần Ngọc Chế, để nông dân yên tâm gắn bó với cây mía, cần chính sách ưu đãi vay vốn của để mở rộng diện tích và cơ giới hóa đồng bộ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.