| Hotline: 0983.970.780

Hai giống ngô sinh khối triển vọng

Thứ Ba 28/09/2021 , 14:18 (GMT+7)

Sau nhiều năm dày công, Viện Nghiên cứu Ngô đã chọn tạo được hai giống ngô lai VN172 và ĐH 17-5 triển vọng dành cho ngô sinh khối.

TS. Vương Huy Minh (phải) tại mô hình thử nghiệm giống VN172 tại huyện Mộc Châu (Sơn La). Ảnh: TL.

TS. Vương Huy Minh (phải) tại mô hình thử nghiệm giống VN172 tại huyện Mộc Châu (Sơn La). Ảnh: TL.

Giữa cái nắng hanh khô của tiết trời cuối thu, TS Vương Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô vẫn miệt mài đi kiểm tra, ghi chép kết quả của hai giống ngô sinh khối VN172 và ĐH17-5 tại khu thí nghiệm trình diễn ngô sinh khối. Đây là những giống đã được Bộ NN-PTNT công nhận và cho sản xuất thử.

Qua khảo nghiệm cơ bản và khảo nghiệm sản xuất tại các tỉnh phía Bắc, VN172 và ĐH17-5 chứng tỏ nhiều đặc tính nổi trội. Trong khảo nghiệm sản xuất, VN172 có năng suất sinh khối trung bình 65,2 tấn/ha, cao hơn đối chứng 5,3%. ĐH17-5 có năng suất sinh khối trung bình tại các điểm khảo nghiệm đạt 63,5 tấn/ha, cao hơn đối chứng 3,4%.

Ngoài ưu thế về năng suất sinh khối, VN172 và ĐH17-5 còn đảm bảo nhiều tiêu chuẩn chất lượng. Với VN172, tỷ lệ vật chất khô đạt 28,79%, hàm lượng tinh bột 23,9%, protein thô 9,49%, chất khoáng 5,33%. Còn giống ĐH 17-5 có tỷ lệ vật chất khô 23,16%, hàm lượng tinh bột 16,8%, protein thô 8,1%, chất khoáng 6,97%.

Từ năm 2019 đến 2021, giống ngô VN172 và ĐH17-5 đã được thử nghiệm diện rộng trong nhiều mô hình ở các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Sơn La, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thanh Hóa.... Đặc biệt, ở vụ xuân hè năm 2019 và 2020, giống ĐH17-5 và VN172 cho năng suất sinh khối đạt trên 80 tấn/ha ở ruộng trình diễn trong mô hình tại Mộc Châu (Sơn La).

Nhiều mô hình sản xuất thử khác của 2 giống cũng đã được thực hiện tại Nam Phương Tiến (Chương Mỹ, Hà Nội), Minh Châu (Ba Vì, Hà Nội), Thiệu Hóa (Thanh Hóa), Trạm Tấu (Yên Bái) và Xín Mần (Hà Giang)... với tổng diện tích gần 100 ha.

Cán bộ Viện Nghiên cứu Ngô tại khu thí nghiệm trình diễn. Ảnh: TL.

Cán bộ Viện Nghiên cứu Ngô tại khu thí nghiệm trình diễn. Ảnh: TL.

Khác với ngô lấy hạt, các giống ngô sinh khối chưa được công nhận nhiều. Xu hướng chung của thế giới là tạo ra các giống chuyên biệt. Hiện các giống ngô lai để trồng làm ngô sinh khối cần phải lựa chọn theo 6 tiêu chí chính.

Cụ thể: Trồng được nhiều thời vụ; duy trì tỷ lệ lá xanh cao cho đến lúc thu hoạch; năng suất hạt tốt, có chứa hơn 70% năng lượng trao đổi (ME) và mức carbonhydrate cao hơn các bộ phận xanh của cây; chịu được mật độ tương đối dày; năng suất chất khô cao, năng suất hạt cao; chống đổ tốt, kháng bệnh thối rễ và thối thân, ít nhiễm sâu bệnh thường gặp khác.

“Để chọn tạo được một giống ngô chất lượng, chúng tôi phải thu thập hàng nghìn vật liệu khác nhau từ nhiều nơi trên thế giới; từ hàng nghìn cặp lai. Quá trình đánh giá, chỉ những tổ hợp lai nào đáp ứng được mục tiêu chọn tạo mới được đưa ra khảo nghiệm và sản xuất thử”, ông Vương Huy Minh cho biết.

Tại Viện Nghiên cứu Ngô, công việc chọn tạo giống được thực hiện nghiêm ngặt. Để kiểm soát hoàn toàn quá trình lai tạo, cán bộ nghiên cứu của Viện phải thụ phấn, lai tạo thủ công trên hơn 3 ha ruộng thí nghiệm. Hơn 40 cán bộ nghiên cứu phải làm việc cật lực trong vòng một tháng/vụ mới hoàn thành khối lượng công việc này.

TS Vương Huy Minh bên các giống ngô sinh khối triển vọng của Viện Nghiên cứu Ngô. Ảnh: Bá Thắng.

TS Vương Huy Minh bên các giống ngô sinh khối triển vọng của Viện Nghiên cứu Ngô. Ảnh: Bá Thắng.

“Thời gian ngô thụ phấn khá ngắn, nên cán bộ kỹ thuật trong Viện phải làm việc nghiêm túc và tuân thủ quy trình. Dù trời nắng hay mưa, kể cả ngày nghỉ, lễ, Tết, công việc thụ phấn, lai tạo giống vẫn phải được thực hiện", TS Vương Huy Minh cho biết.

Với chủ trương phát triển chăn nuôi gia súc trong những năm gần đây, sản xuất ngô sinh khối làm thức ăn xanh đang là lựa chọn của người dân ở nhiều vùng trong cả nước. Phát triển các giống ngô sinh khối chuyên biệt là một hướng đi quan trọng trong chọn tạo giống ngô hiện nay. Hai giống ngô VN172 và ĐH17-5 được chọn tạo thành công góp phần quan trọng vào chương trình phát triển ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi gia súc ở Việt Nam.

Hiện nay, giá bán 1 kg cây ngô thời điểm thu hoạch sinh khối (khoảng 75-90 ngày sau gieo), bao gồm cả thân và bắp là từ 850.000 – 1 triệu đồng/tấn. Nông dân đạt doanh thu khoảng 34-40 triệu đồng/ha/vụ, trừ chi phí còn lãi 24 - 30 triệu đồng/ha/vụ.

Nếu 1 ha chuyên canh ngô sinh khối, canh tác 3 vụ/năm, nông dân sẽ thu lãi khoảng 80-90 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều so với cây trồng khác. Đó là những động lực để Viện Nghiên cứu Ngô tiếp tục chọn tạo ra những giống ngô lai chuyên dụng để sản xuất sinh khối.

Xem thêm
Nuôi lợn thịt theo hướng tuần hoàn, giá bán tăng 4 - 5 ngàn đồng/kg

HÀ TĨNH Nuôi lợn theo hướng tuần hoàn trên nền đệm lót sinh học chuồng luôn khô thoáng, không mùi hôi, không nước thải, giá cao hơn lợn nuôi truyền thống từ 4 - 5 ngàn đồng/kg.

Phòng, chống bệnh động vật, khống chế dịch tả heo Châu Phi

Kiên Giang Bệnh dịch tả heo Châu Phi đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng xấu đến chăn nuôi, môi trường và nguồn cung thực phẩm.

Phòng trừ sâu đục lá cà chua Nam Mỹ

SƠN LA Thiệt hại do sâu đục lá cà chua Nam Mỹ gây ra có thể lên tới 80 - 100% nếu không có các biện pháp quản lý hiệu quả.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...