| Hotline: 0983.970.780

Hài hòa lợi ích trong bản quyền giống lúa OM 18

Thứ Sáu 10/06/2022 , 07:05 (GMT+7)

Các địa phương vùng ĐBSCL và doanh nghiệp nắm quyền khai thác giống lúa OM 18 cần hài hòa lợi ích để đảm bảo nông dân có điều kiện tiếp cận giống lúa này.

Nhu cầu cao về giống lúa OM 18

Khoảng 2 năm trở lại đây, giống lúa OM 18 phát triển mạnh ở vùng ĐBSCL và trở thành giống lúa chủ lực trong sản xuất của hầu hết các địa phương trong vùng.

Tại tỉnh Hậu Giang, giống lúa OM 18 chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu giống và tăng đều qua các năm. Nếu như vụ đông xuân 2020 - 2021 giống OM 18 chiếm 28,2% thì đến vụ đông xuân 2021 - 2022 đã tăng lên 36,7%; vụ hè thu 2021 là 59,4% thì đến vụ hè thu 2022 tạm tính đã tăng lên mức 69,6%, tương đương khoảng 53.000ha. Đây là diện tích khá lớn theo đánh giá của ngành nông nghiệp Hậu Giang.

OM 18 là giống lúa chủ lực của tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Kim Anh.

OM 18 là giống lúa chủ lực của tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Kim Anh.

Tại TP Cần Thơ, trong vụ hè thu 2022, giống lúa OM 18 là giống chủ lực, đứng thứ hai trong cơ cấu giống gieo sạ của thành phố sau giống OM 5451, chiếm tỷ lệ 9,3%, tập trung chủ yếu tại các huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh và Thới Lai.

Ở tỉnh Sóc Trăng, nhu cầu sử dụng giống lúa OM 18 cũng tương đối cao, vụ hè thu 2021 lượng giống OM 18 gieo sạ chiếm 36,6% và đông xuân 2021 - 2022 là 25,3%.

Đặc biệt, tỉnh Kiên Giang - một trong những địa phương có diện tích trồng lúa lớn ở khu vực ĐBSCL, trong cơ cấu giống của tỉnh 2 vụ mùa gần đây cũng tập trung vào các giống lúa chất lượng cao như ST24, ST25 và OM 18. Số liệu thống kê từ ngành nông nghiệp Kiên Giang cho thấy có tới 98,1% giống lúa chất lượng cao được đưa vào gieo sạ.

Hài hòa lợi ích trong bản quyền giống lúa OM 18

Ông Nguyễn Thành Phước, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng tính toán, trong vụ đông xuân 2021 - 2022, giống lúa OM 18 được gieo sạ trên diện tích khoảng 45.000ha, tức cần trên dưới 4.000 tấn lúa giống OM 18. Thế nhưng, qua các buổi kiểm tra thực tế, các đại lý chỉ cung ứng được số lượng giống rất nhỏ do vấn đề bản quyền lúa giống. Một số giống đang “hot” doanh nghiệp nắm quyền khai thác giống lúa lại không chia sẻ bản quyền.

Hơn nữa, theo ông Phước, với giá bán lúa OM 18 trung bình chỉ từ 5.500 - 6.000 đồng/kg, nhưng một ký lúa giống OM 18 ở tỉnh Sóc Trăng lại ở mức từ 15.000 - 16.500 đồng/kg, gần gấp 3 lần, tương đối cao, nông dân khó chấp nhận, dẫn đến tình trạng nông dân tự nhân giống và trao đổi giống nội bộ.

Mẫu giống lúa OM 18 của Viện Lúa ĐBSCL. Ảnh: TL.

Mẫu giống lúa OM 18 của Viện Lúa ĐBSCL. Ảnh: TL.

“Bản quyền lúa giống vẫn phải đặt ra, nhưng vấn đề là khai thác bản quyền như thế nào để cùng phát triển. Chuyện trả tiền bản quyền lúa là bình thường, nhưng kể từ khi chủ sở hữu giống lúa chuyển giao quyền khai thác giống lúa cho doanh nghiệp, các giống lúa được nông dân chấp nhận, lại ít khi được chia sẻ bản quyền đối với các hợp tác xã hoặc các nơi sản xuất giống tại địa phương, đây là thực trạng rất khó khăn”, ông Phước băn khoăn.

Theo quan điểm cá nhân, ông Phước chỉ ra có một số doanh nghiệp yêu cầu các đơn vị được nhượng quyền khai thác phải đóng logo giống bản quyền của doanh nghiệp họ, đây là vấn đề đại kỵ trong kinh doanh, từ đó dẫn đến việc chưa tìm được tiếng nói chung trong việc chia sẻ bản quyền.

“Các đơn vị phải phát triển làm sao để giảm chi phí, giảm giá thành cho bà con nông dân, trong điều kiện bão giá vật tư hiện nay, phân bón, thuốc BVTV, nhân công, lúa giống cũng cao như vậy nữa thì nông dân thiệt thòi nhiều”, ông Phước chia sẻ.

Ông Bạch Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang đưa ra thực tế hiện nay, trên địa bàn tỉnh, bà con nông dân mua giống OM 18 cấp xác nhận để sản xuất chủ yếu từ các cửa hàng vật tư nông nghiệp. Hàng năm đơn vị đều có các cuộc thanh tra về chất lượng giống lúa, qua đó đã phát hiện một số trường hợp giống không đạt chất lượng.

Số lượng doanh nghiệp được tiếp cận và chia sẻ bản quyền giống lúa OM 18 còn rất thấp. Ảnh: Kim Anh.

Số lượng doanh nghiệp được tiếp cận và chia sẻ bản quyền giống lúa OM 18 còn rất thấp. Ảnh: Kim Anh.

Thời gian qua, số lượng doanh nghiệp được tiếp cận và chia sẻ bản quyền giống lúa OM 18 còn rất thấp. Điển hình tại tỉnh An Giang, Trung tâm Kỹ thuật Dịch vụ nông nghiệp (Sở NN-PTNT tỉnh An Giang) vừa hợp tác với Tập đoàn Lộc Trời - đơn vị đang nắm quyền khai thác giống lúa OM 18 với số lượng 200 tấn giống lúa cấp xác nhận. Ngoài việc Trung tâm Kỹ thuật Dịch vụ nông nghiệp phải trả chi phí bản quyền và lúa giống, bao bì của Trung tâm cũng phải in ấn mã code của doanh nghiệp.

Ông Trần Thanh Tuyến, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Dịch vụ nông nghiệp tỉnh An Giang cho hay: “Thông thường khi sản xuất một giống lúa, chúng tôi phải thực hiện kiểm định đồng ruộng 3 lần, trước khi đóng gói bao bì phải đảm bảo đạt chuẩn cấp giống xác nhận mới đưa ra thị trường. Riêng đối với giống lúa OM 18, Tập đoàn Lộc Trời sẽ thực hiện công tác kiểm nghiệm”.

Cần sự minh bạch trong lợi ích kinh tế

Để tránh những tác động từ việc chuyển giao quyền sở hữu giống lúa, vài năm trở lại đây, Viện Lúa ĐBSCL chỉ thực hiện ủy quyền cho một số đơn vị cùng với viện lúa khai thác, đầu tư và phát triển giống lúa.

Nhu cầu giống lúa OM 18 hiện rất lớn, nhưng việc cung ứng giống còn hạn chế. Ảnh: Trọng Linh.

Nhu cầu giống lúa OM 18 hiện rất lớn, nhưng việc cung ứng giống còn hạn chế. Ảnh: Trọng Linh.

Đề tài nghiên cứu giống lúa OM 18 để được công nhận, phải trải qua quá trình 7 - 8 năm từ sản xuất thử; tiếp tục làm khảo nghiệm; hợp thức hóa rồi mới công nhận, chi phí ước tính đầy đủ khoảng 15 - 18 tỷ đồng/giống, tùy theo mức độ khó của giống lúa. Thế nhưng, từ năm 2017 đến nay Viện Lúa ĐBSCL chỉ thu về được khoảng 2 - 3 tỷ đồng.

"Trong câu chuyện bản quyền giống, hiện nay đa phần các trung tâm giống ở các địa phương đã thực hiện cổ phần hóa. Quan hệ một cách sòng phẳng, anh sử dụng kết quả của tôi thì anh phải trả lại chi phí cho tôi”, TS Nguyễn Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL phân tích.

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Ngọc Thạch cũng khẳng định, lo ngại của các địa phương là đúng, bởi không chia sẻ được bản quyền giống lúa OM 18, các đơn vị sẽ khó khăn trong tổ chức sản xuất vì không đảm bảo giống để cung cấp. Doanh nghiệp đang nắm giữ quyền khai thác cũng có lý do riêng để lo ngại, không tin tưởng khi các bên chưa tìm được tiếng nói chung. Điều này dẫn đến ngành giống không phát triển được, bà con nông dân lại chịu thiệt vì không có giống tốt để sản xuất.

Giống lúa OM 18 ngày càng mở rộng diện tích lớn tại ĐBSCL. Ảnh: Trọng Linh.

Giống lúa OM 18 ngày càng mở rộng diện tích lớn tại ĐBSCL. Ảnh: Trọng Linh.

TS Nguyễn Ngọc Thạch cho rằng, vấn đề bản quyền giống lúa OM 18 đang có 2 mặt. Doanh nghiệp đang năm quyền khai thác giống lúa OM 18 phải trả chi phí bản quyền cho Viện Lúa ĐBSCL, tương đương 200 đồng/kg, đồng thời phải gánh thêm nhiều chi phí tổ chức, truyền thông phát triển giống lúa. Ngược lại, các đơn vị muốn chia sẻ bản quyền phải đáp ứng được những ràng buộc cũng như sự kiểm soát từ phía doanh nghiệp này đưa ra.

Ông Thạch cũng chỉ ra 3 vấn đề cần minh bạch trong việc hợp tác này là minh bạch trong diện tích sản xuất, sản lượng sản xuất và chất lượng sản phẩm, có như thế mới hài hòa lại được lợi ích giữa các bên. "Bởi thực tế, hiện nay các đơn vị sản xuất kinh doanh giống hoạt động đôi khi không được minh bạch lắm, giống trên thị trường có rất nhiều nhưng chất lượng thì không ai nói được hết”, ông Thạch chia sẻ.

Để cùng tháo gỡ vướng mắc trong chia sẻ bản quyền giống lúa OM 18, vừa qua, ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đã có buổi làm việc trực tiếp với Tập đoàn Lộc Trời, đơn vị đang nắm giữ quyền khai thác giống lúa OM 18. Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang cho hay, đơn vị đã thỏa thuận thành công về việc chia sẻ bản quyền với Tập đoàn Lộc trời và sẽ ký kết hợp đồng nhượng quyền vào cuối tháng 6 này với số lượng giống không giới hạn.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.