| Hotline: 0983.970.780

Hai lần lên xứ đá biên cương

Thứ Năm 20/06/2024 , 14:33 (GMT+7)

Con người, núi đồi và cả… hương rượu ngô miền biên viễn luôn nồng nàn, say đắm lạ kỳ như cách đây tròn một năm - thời điểm tôi cùng đồng nghiệp lên cao nguyên Hà Giang.

Ngô và đá tai mèo là 2 đặc sản nổi tiếng ở cao nguyên Hà Giang. Ảnh: Đào Thanh.

Ngô và đá tai mèo là 2 đặc sản nổi tiếng ở cao nguyên Hà Giang. Ảnh: Đào Thanh.

Vào dịp hè năm ngoái, cùng với nhà báo Nguyễn Kiên Trung, chúng tôi lên xứ đá Hà Giang đúng dịp cây ngô, thứ cây lương thực quý giá và gắn bó với người dân vùng cao nguyên đá bị khô hạn. Nắng ròng rã khiến những vạt ngô trên các sườn núi đá héo úa trong nỗi phập phồng lo lắng về cảnh mất mùa của chính quyền và người dân bản. Vậy mà một năm đã qua.

Nhà báo Kiên Trung bảo với chúng tôi, lần này trở lại Hà Giang nhất định phải ghé bản làng Khau Vai ở huyện Mèo Vạc để được gặp lại anh Lương Văn Hùng, cán bộ văn hóa xã nhưng làm kinh tế du lịch giỏi nhất nhì xã.

Đường từ Bắc Mê sang Mèo Vạc khoảng 80km, chúng tôi đi mất hơn 4 giờ đồng hồ. Khoảng 16 giờ, chúng tôi hẹn anh Hùng 18 giờ sẽ có mặt tại nhà anh. Cả đoàn ai cũng nghĩ đi ô tô tốc độ 40km/h là đủ cho cả quãng đường miền núi quanh co. Nhưng mãi đến khi chiều xuống, nắng tắt dần, những dãy núi mờ mờ sương phủ trộn lẫn màu khói bếp ban chiều của nhà dân treo lơ lửng trên đầu núi chúng tôi mới đi được nửa quãng đường. Sau đó thì trời tối hẳn.

Một khóm hoa tam giác mạch dọc trên đường lên cao nguyên đá Hà Giang. Ảnh: Đào Thanh.

Một khóm hoa tam giác mạch dọc trên đường lên cao nguyên đá Hà Giang. Ảnh: Đào Thanh.

Khoảng 20 giờ 30 phút, anh Lương Văn Hùng vẫn đợi cơm chúng tôi. Hôm nay, nhà anh có khách, hai mâm cỗ chật người đã ngồi đó từ trước, khi chúng tôi đến cùng nhập vào làm mâm thứ ba, ngồi sát cạnh nhau, ấm cúng. Anh Hùng mời chúng tôi chén rượu ngô. Những người phụ nữ nơi đây cũng nâng chén rượu đầy và thân tình tươi cười mời khách. Họ bảo, ở cao nguyên còn nghèo, nhưng thứ giàu nhất chính là lòng hiếu khách và tình cảm. Tình cảm ấy cũng đầy như những chén rượu ngô.

1.

Năm nay, cơ ngơi của anh Lương Văn Hùng đã lớn lên rất nhiều. Từ số lượng lồng cá đến thuyền du lịch, bãi đỗ xe… đều được mở rộng hơn so với mùa hè năm ngoái. Anh được bà con hàng xóm tin cậy bởi sự tháo vát, đức hi sinh và cả sự nhẫn nhịn đến lạ kỳ.

Anh Lương Văn Hùng - người nuôi cá lồng giỏi nhất ở vùng Mèo Vạc. Ảnh: Đào Thanh.

Anh Lương Văn Hùng - người nuôi cá lồng giỏi nhất ở vùng Mèo Vạc. Ảnh: Đào Thanh.

Chúng tôi biết về anh trong chuyến công tác cách đây đúng tròn một năm và nể phục "gã trai" Nùng miền núi. Anh là một trong ba đứa trẻ ở làng Khau Vai của 20 năm về trước dám yêu chữ hơn yêu con bò, hơn yêu nương đá, cây ngô.

Dám đi bộ vượt qua cả chục ki lô mét đường để đến trường học chữ từ tiểu học rồi lên tới đại học. Có lẽ chính cái sức bền trong ý chí đi bộ của đứa bé mười tuổi năm nào đã tạo cho con người anh thêm bản lĩnh, rắn rỏi.

Anh Hùng là người đầu tiên dám làm những chiếc lồng to rồi mua cả tạ cá giống về thả xuống sông trong nỗi lo lắng của người thân và cả những đố kỵ, nghi ngờ của người trong làng. Thế rồi đàn cá lồng thả theo cách của Hùng cứ lớn nhanh như thổi, để rồi người ta ganh ghét thả thuốc sâu khiến những con cá béo múp trong lồng sắp đến ngày được thu hoạch nổi lên chết trắng mặt hồ.

Đến khi người chủ mưu bị công an bắt, anh Hùng còn xin khoan hồng cho họ. Cái lương thiện, bao dung trong tâm hồn anh đã cảm hóa được người dân bản ở Khau Vai và các bản làng lân cận.

Một góc sông Nho Quế, nơi anh Hùng nuôi cá lồng và làm du lịch. Ảnh: Đào Thanh.

Một góc sông Nho Quế, nơi anh Hùng nuôi cá lồng và làm du lịch. Ảnh: Đào Thanh.

Anh bảo, mình mong muốn được sống như một hạt ngô giống tốt, một cây sa mộc kiên cường nơi vùng đất khô cằn. Muốn có nhiều người trong làng, trong xã quanh năm không chỉ biết đi bộ, leo núi, ngắm sông và uống những chén rượu ngô thật đầy mà còn biết nuôi cá lồng, biết làm du lịch cải thiện cuộc sống. Từ gian khó, giờ đây Hợp tác xã dịch vụ du lịch - thủy sản Châu Kiệt của anh đã giải quyết việc làm cho cả vài chục lao động địa phương. Mỗi tháng có cả nghìn lượt khách nước ngoài nườm nượp tìm về khám phá làng Khau Vai và hẻm núi, lòng sông quê anh.

Anh Lương Văn Hùng đưa thuyền dẫn đoàn chúng tôi đi trên một khoảng sông hẹp của dòng Nho Quế. Không phải hẻm Tu Sản nổi tiếng của vùng Hà Giang, mà là một hẻm sông của riêng người Khau Vai. Hẻm sông ấy nối liền đôi bờ hai tỉnh Hà Giang và Cao Bằng.

Chúng tôi lênh đênh trên dòng nước trong xanh màu ngọc bích tuyệt đẹp, hai bên bờ núi cao vời vợi được tạo hóa vun đắp từ ngàn năm để kiến tạo nên những dãy núi, phiến đá, hang động… nhiều hình thù lạ lẫm, kỳ vỹ.

Nhà báo Trần Quốc Doanh (áo cam) và anh Lương Văn Hùng (áo đen) cùng đoàn chúng tôi trên hẻm nhỏ của lòng sông Nho Quế. Ảnh: Đào Thanh.

Nhà báo Trần Quốc Doanh (áo cam) và anh Lương Văn Hùng (áo đen) cùng đoàn chúng tôi trên hẻm nhỏ của lòng sông Nho Quế. Ảnh: Đào Thanh.

Qua giọng kể tiếng Kinh còn lơ lớ của anh, những khúc sông quanh năm râm mát không có bóng nắng mặt trời; những khúc sông có vách đá hình thù cơ thể của người đàn ông, phụ nữ… càng trở nên sống động, hấp dẫn.

Thuyền chúng tôi dừng lại ở trước cửa hang dơi, nơi có những sóng nhũ đá trải qua cả trăm, nghìn năm mà tồn tại với đất trời cứ nối liền nhau vây kín mặt hang. Anh Hùng bảo rằng, đi qua hang sang phía bên kia là đất Trung Quốc. Ở trong lòng hang rất đẹp và mát, có cả bàn cờ tiên, vào đó như lạc vào cõi tiên. Được ngồi trong hang mà uống rượu cùng bạn quý, khách thân thì bao nhiêu rượu ngô cũng sẽ hết.

Một góc sông Nho Quế nhìn từ trên cao. Ảnh: Đào Thanh.

Một góc sông Nho Quế nhìn từ trên cao. Ảnh: Đào Thanh.

2.

Không giống như lần công tác dài ngày của mùa hè năm ngoái, đi và viết về đất và người Hà Giang; về sức sống bền bỉ của người Mông, người Lô Lô… ở vùng cao nguyên đá phía Đông; người Nùng, người Dao… ở cao nguyên đất phía Tây; lần này, lên Hà Giang, chúng tôi thực hiện đề tài chủ đạo là viết loạt bài về rừng. Chuyến đi được lên kế hoạch từ câu chuyện giữ rừng ở Hà Giang sau vụ cháy rừng thảm khốc khiến hai kiểm lâm viên hi sinh.

Chúng tôi lựa chọn rừng Du Già là điểm đến, bởi cách đây ba năm về trước, Du Già từng là điểm nóng về phá rừng ở Hà Giang. Đã có năm cán bộ kiểm lâm phải rơi vào lòng lao lý. Sau chuyến đi, anh Kiên Trung đã có bài viết: "Đứng lên sau nỗi đau Du Già".

Cán bộ Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Du Già tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Đào Thanh.

Cán bộ Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Du Già tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Đào Thanh.

Đường lên rừng Du Già, huyện Bắc Mê mưa xối xả, trắng xóa mù mịt núi rừng, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Du Già lẫn vào trong mưa. Và trong màn mưa dày đặc ấy, chúng tôi quyết tâm ghé thăm những cánh rừng ở Thượng Tân để tìm hiểu công việc cũng như đời sống anh em kiểm lâm viên nơi đây.

Đến căn nhà nổi của Trạm kiểm lâm Thượng Tân nằm lênh đênh trên lòng sông Gâm cũng may trời vừa kịp hửng nắng. Theo chiếc thuyền của anh Bàn Văn Phương, người Dao bản địa xã Thượng Tân, chúng tôi ngược dòng sông Gâm lênh đênh cùng cán bộ kiểm lâm đi chinh phục rừng đặc dụng Du Già.

Trên đỉnh núi cao dọc đôi bờ sông, những cây nghiến vươn mình kiêu hãnh nổi bật trên nền rừng xanh thẫm. Những cây nghiến cổ thụ cả trăm năm tuổi, rễ vươn mình bám chắc vào những khối đá rộng lớn cả vài chục mét vuông rồi hút dinh dưỡng nuôi thân cây vạm vỡ, hùng vĩ mà cho những cành lá sum suê mỡ màng đầy sức sống.

Một thác nước tuyệt đẹp dọc đường vào rừng đặc dụng Du Già. Ảnh: Đào Thanh.

Một thác nước tuyệt đẹp dọc đường vào rừng đặc dụng Du Già. Ảnh: Đào Thanh.

Mất khoảng 3 giờ đồng hồ đi thuyền và leo núi, chúng tôi cũng đến được những gốc cây nghiến cổ thụ cổ thụ cả trăm năm tuổi. Quãng rừng chúng tôi đi, chỉ là một góc quá bé nhỏ so với cả nghìn ha rừng mênh mông mà mỗi cán bộ kiểm lâm nơi đây đảm nhận bảo vệ. Thế mới thấy nỗi vất vả đến nhường nào của anh em kiểm lâm viên ở Hà Giang.

Rừng đặc dụng Du Già tại huyện Bắc Mê với trên 14.000ha rừng tự nhiên và rừng phục hồi tái sinh phân bố đều trên các xã Minh Sơn, Minh Ngọc, Lạc Nông và Thượng Tân. Hạt trưởng Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Du Già Lệnh Thế Tuyển bảo rằng, ở Du Già, đâu đâu cũng là bạt ngàn rừng, những cánh rừng già và rất giàu gỗ quý. Cũng bởi thế nên công tác giữ rừng còn nhiều gian nan. Anh em kiểm lâm ở đây vất vả, trung bình mỗi cán bộ phải quản lý bảo vệ khoảng 3.000ha rừng.

Sau mưa lớn, nước dâng lên nhưng sông Gâm vẫn trong xanh, từng đợt sóng xô theo ánh nắng chiều dát vàng lấp lánh. Gió sông mát rượi phảng phất, miên man đưa chúng tôi trở về căn nhà nổi tại Trạm Thượng Tân, ăn trưa xong là khoảng 14 giờ chiều.

Chia tay các anh cán bộ kiểm lâm ở Trạm Kiểm lâm Thượng Tân, chúng tôi còn lưu luyến những tình cảm thân thương gần gũi. Chúng tôi thêm yêu rừng, khâm phục về những ước mơ, khát vọng và sự hi sinh thầm lặng của họ để đổi lại những cánh rừng mãi còn xanh.

Dù nhiều lần đến công tác Hà Giang, nhưng kỷ niệm của hai chuyến đi dài ngày cùng đồng nghiệp ở tòa soạn Hà Nội cho tôi nhiều cảm xúc đậm sâu. Cả hai chuyến đi của chúng tôi đều trải dài dọc hai dải đất phía Tây và phía Đông của miền biên viễn, mênh mang, hùng vỹ, đẹp đẽ đến lạ kỳ.

Xem thêm
Chọn phương án tối ưu để Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước dừng hoạt động

Chiều 6/1, Thủ tướng chủ trì phiên họp thảo luận việc kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Nông nghiệp Bình Dương đóng góp từ 18.000-19.000 tỷ đồng/năm

Năm 2024, ngành NN-PTNT tỉnh Bình Dương đạt nhiều thành tựu nổi bật, duy trì đóng góp từ 18.000-19.000 tỷ đồng/năm.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Điều tra việc đào bới trái phép mộ chúa Nguyễn Phúc Khoát

Nơi an nghỉ của chúa Nguyễn Phúc Khoát bị kẻ xấu đào bới trái phép. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.