Mua gia cầm không rõ nguồn gốc
Chiều 9/4, thông tin từ Trạm Chăn nuôi & Thú y huyện Kiến Thụy cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại 2 hộ chăn nuôi ở thôn Tiền Anh, xã Ngũ Đoan khiến hơn 6.000 gia cầm phải tiêu hủy.
Cụ thể, tại hộ ông Vũ Hữu Huyền, thôn Tiền Anh có nuôi 5.751 con gia cầm (2.942 con vịt; 2.809 con gà), gà theo hình thức thả vườn, vịt nuôi thả trên đầm nuôi cá, cơ sở chăn nuôi nằm ở vùng bãi ven sông, cách biệt khu dân cư, xung quanh có 11 hộ nuôi gia cầm.
Ngày 15/8, ông Huyền mua 700 con ngan 1 ngày tuổi của thương lái, không rõ nguồn gốc về nuôi thì từ ngày 15-20/8, đàn ngan ốm và chết rải rác đến hết. Tiếp đó, ngày 21/8, đàn vịt 35 ngày tuổi bị tiêu chảy phân xanh, trắng và chết rải rác, đến gày 24/8 thì đàn gà có biểu hiện tiêu chảy phân xanh, trắng, ho, khó thở.
Sáng 31/8, Chi cục Chăn nuôi & Thú y TP Hải Phòng đã phối hợp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật huyện Kiến Thụy và Ban chỉ đạo phòng chống dịch xã Ngũ Đoan tiến hành kiểm tra tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm tại xã Ngũ Đoan đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm gửi Chi cục Thú y vùng II xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm dương tính với vi rút cúm gia cầm A/H5N6, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật xã Ngũ Đoan đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm của gia đình ông Huyền theo quy định.
Tại hộ ông Bùi Hữu Quang, thôn Đồng Rồi, xã Ngũ Đoan có nuôi 420 con (20 con gà, 390 con vịt, 10 con ngan), toàn bộ đàn gia cầm cũng được mua từ thương lái, không rõ nguồn gốc. Dù đàn vịt đã được tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm gia cầm tuy nhiên, ngày 27/8 đàn gia cầm có biểu hiện ốm, chết.
Chiều 31/8/2020, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã lấy bệnh phẩm gửi Chi cục Thú y vùng II xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh và cũng cho kết quả dương tính vi rút cúm gia cầm A/H5N6. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch xã Ngũ Đoan đã tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm của hộ ông Quang theo quy định.
Theo Chi cục Chăn nuôi & Thú y TP Hải Phòng, dịch xảy ra tại hộ chăn nuôi nói trên, 1 hộ không thực hiện tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm gia cầm, 1 hộ có tiêm vắc-xin, nhưng chưa đủ thời gian 21 ngày để tạo miễn dịch theo quy định. Đàn gia cầm không có miễn dịch phòng bệnh, trong khi chủ cơ sở, hộ chăn nuôi tiếp tục nhập con giống gia cầm không rõ nguồn gốc, mang mầm bệnh về nuôi bổ sung đàn làm dịch bệnh phát sinh và lây lan gây tác hại. Mặt khác vùng nước nơi chăn thả thuộc khu vực bãi ven sông, thường xuyên tiếp xúc với chim di cư (nguồn mang mầm bệnh tự nhiên) nguy cơ làm mầm bệnh xâm nhập, gây bệnh.
Mặt khác, qua kiểm tra tại 2 hộ chăn nuôi này, mật độ chăn nuôi cao, liên tiếp nuôi gối đàn, không thực hiện đúng quy định về vệ sinh tiêu độc khử trùng sau mỗi lứa nuôi và thời gian để trống chuồng ít nhất 03 tuần trước khi tái đàn, gây ô nhiễm môi trường chăn nuôi. Mặt nước nuôi thủy cầm bị ô nhiễm nghiêm trọng, trong khi thời tiết diễn biến khắc nghiệt càng làm cho sức đề kháng của đàn gia cầm giảm sút, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh xâm nhập gây bệnh.
Tập trung khống chế dịch bệnh
Trước tính hình dịch bệnh xảy ra, Sở NN-PTNT TP Hải Phòng đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi & Thú y và Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh các huyện, quận triển khai các biện pháp phòng, chống dịch như: phân bổ hóa chất triển khai “Tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường” phòng, chống dịch bệnh động vật và phục vụ công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm đợt 2 năm 2020 trên địa bàn TP Hải Phòng.
Đối với các giải pháp trước mắt, tại huyện Kiến Thụy, tổ chức giám sát chặt chẽ đàn gia cầm trên địa bàn xã Ngũ Đoan, đặc biệt đối với đàn gia cầm nuôi xung quanh đàn gia cầm mắc bệnh nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch lây lan ra diện rộng. Bố trí lực lượng trực 24/24 giờ kiểm soát chặt chẽ, không cho vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra - vào vùng có dịch. Thực hiện khử trùng tiêu độc chuồng trại chăn nuôi, nơi chôn hủy gia cầm bệnh 1 lần/ngày liên tục trong 7 ngày, khử trùng, tiêu độc khu vực xung quanh 2 lần/tuần...
Đối với các xã chưa có dịch, tăng cường giám sát dịch tới tận các hộ chăn nuôi, phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch lây lan và thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc khu vực chăn nuôi và môi trường xung quanh. Khi phát hiện gia cầm có dấu hiệu bất thường phải báo cáo với chính quyền địa phương, Trạm Chăn nuôi và Thú y để có các biện pháp xử lý kịp thời, không lây lan dịch bệnh.
Đối với các huyện, quận chưa có dịch, tăng cường công tác giám sát dịch tới tận các cơ sở, hộ chăn nuôi; hướng dẫn thực hiện các biện chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh phòng dịch, chăn nuôi an toàn sinh học. Đặc biệt chỉ nhập về nuôi con giống gia cầm khỏe mạnh, rõ nguồn gốc, có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y. Khi phát hiện gia cầm có dấu hiệu bất thường phải báo cáo với chính quyền địa phương, Trạm Chăn nuôi và Thú y để có các biện pháp xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan.
Theo kết quả giám sát sự lưu hành virus cúm gia cầm 8 tháng đầu năm 2020 của Chi cục Chăn nuôi & Thú y TP Hải Phòng, tại 15 chợ buôn bán gia cầm sống trên địa bàn thành phố phát hiện: 1,09% mẫu dương tính virus cúm gia cầm A/H5N6 và 07/15 chợ có mẫu dương tính virus cúm A/H5N6 luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch tại các địa phương trên địa bàn.