Hải Phòng có diện rừng và đất lâm nghiệp không lớn so với một số tỉnh, nhưng rừng có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng của địa phương.
Rừng góp phần quan trọng trong bảo vệ hệ thống đê điều và bảo vệ đời sống, nâng cao sinh kế của người dân cũng như trong việc ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học, giá trị cảnh quan.
Hiện nay, thành phố Hải Phòng có hơn 13 nghìn ha rừng, 265,18 ha, trong đó rừng tự nhiên hơn 9 nghìn ha, rừng trồng hơn 4 nghìn ha. Phân theo mục đích sử dụng, thì rừng đặc dụng là gần 6 nghìn ha, rừng phòng hộ gần 7 nghìn ha, rừng sản xuất là 355 ha. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 8,64%.
Có được những con số ấn tượng này phần lớn nhờ sự nỗ lực của lực lượng kiểm lâm trong suốt 50 năm qua. Sau 5 thập kỷ xây dựng và phát triển, lực lượng kiểm lâm Hải Phòng đã không ngừng rèn luyện, phấn đấu trưởng thành, thể hiện tốt vai trò trong công tác quản lý và bảo vệ rừng.
Đơn vị cũng đã tham mưu cho Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hải Phòng ban hành kịp thời các chủ trương, Nghị quyết, kế hoạch, cơ chế chính sách, dự án về bảo vệ và phát triển rừng, xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng.
Cùng với đó, đã làm tốt công tác phối hợp với các lực lượng công an, quân đội, cảnh sát PCCC, bộ đội biên phòng, nhân dân địa phương, dân quân tự vệ, các tổ đội xung kích, các đơn vị liên quan trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.
Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng dưới nhiều hình thức phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, nhằm nâng cao nhận thức, đảm bảo các chính sách đã ban hành được thực hiện kịp thời và hiệu quả góp phần thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng tại cơ sở trong thời gian vừa qua.
Đồng thời thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan tuần tra, kiểm tra rừng, kiểm tra hoạt động quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn thành phố đối với các chủ rừng, các cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh lâm sản, động vật rừng thực hiện theo quy định của pháp luật.
Ông Phạm Văn Hiển – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hải Phòng cho biết, đáp ứng những yêu cầu về nhiệm vụ trong tình hình mới, lực lượng kiểm lâm Hải Phòng không ngừng rèn luyện nâng cao phẩm chất và năng lực công tác. Tổ chức thực hiện nghiêm túc chức trách, nhiệm vụ được giao và chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan, tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng nhân dân để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Mặt khác, sẽ thực hiện số hóa toàn bộ các dữ liệu về rừng, hệ thống hạ tầng lâm nghiệp và phòng cháy chữa cháy rừng. Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc gỗ thông minh (iTwood) cho gỗ rừng trồng của hộ gia đình, các cơ sở chế biến, để nâng cao hiệu quả quản lý gỗ hợp pháp.
Đồng thời ứng dụng hệ thống camera giám sát chuyên dụng trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; công nghệ viễn thám, GIS, AI trong cập nhật diễn biến rừng, giám sát cháy rừng, dự báo nguy cơ mất rừng và suy thoái rừng. Khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ DNA mã vạch trong truy xuất nguồn gốc giống và lâm sản.
“Trong những năm tiếp theo, lực lượng kiểm lâm Hải Phòng quyết tâm tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống đoàn kết, khắc phục khó khăn, đổi mới phương thức lãnh đạo, năng động, sáng tạo, củng cố tổ chức bộ máy và cán bộ, xây dựng lực lượng đủ mạnh, phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương trên địa bàn thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan và các tổ chức chính trị xã hội, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, mãi mãi xứng đáng là người chiến sỹ tiên phong trong sự nghiệp quản lý bảo vệ và phát triển rừng, thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ”, ông Hiển khẳng định.
Ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng chúc mừng cán bộ ngành kiểm lâm nhân dịp 50 năm ngày thành lập, khẳng định ý nghĩa vai trò to lớn của rừng.
Thời gian tới, với chức năng nhiệm vụ của mình, lực lượng kiểm lâm cần tiếp tục tham mưu tốt hơn với hành phố Hải Phòng về quy hoạch phát triển rừng mang tính bền vững, tăng cường công tác quản lý rừng, định hướng phát triển đất lâm nghiệp, hướng dẫn tổ chức cá nhân trồng rừng theo đúng quy định pháp luật.
Đồng thời làm chủ đầu tư thực hiện nhiệm vụ khi thu hồi rừng phải hoàn trả, trồng thay thế, hướng dẫn các địa phương liên quan đến địa phương xây dựng NTM kiểu mẫu bổ sung cây xanh, trồng cây xanh phù hợp, quản lý chặt chẽ động vật quý hiếm, hoang dã; gắn chuyển đổi số trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; có mối quan hệ tốt với các chủ rừng trong công tác quản lý và bảo vệ rừng.