Vành đai xanh bảo vệ môi trường sinh thái Thủ đô
Ngày 17/5, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội tổ chức lễ Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập lực lượng Kiểm lâm Việt Nam (21/5/1973 – 21/5/2023). Dự lễ kỷ niệm có Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT, UBND TP. Hà Nội, các sở, ban, ngành thành phố, Chi cục Kiểm lâm các tỉnh có rừng giáp ranh.
Phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đánh giá cao kết quả của lực lượng kiểm lâm Hà Nội. Tuy nhiên, trước yêu cầu, thách thức của biến đổi khí hậu, Thứ trưởng cũng yêu cầu lực lượng kiểm lâm Hà Nội cần làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng; phối hợp với các huyện, thị xã có rừng quản lý chặt chẽ diện tích rừng hiện có, nhất là diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trên địa bàn...
Hiện nay, Hà Nội có hơn 27.000ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó, diện tích có rừng là hơn 18.000ha, được quy hoạch thành rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất.
Rừng ở thành phố Hà Nội không lớn nhưng có giá trị và ý nghĩa quan trọng, là vành đai xanh bảo vệ môi trường sinh thái cho Thủ đô; là nơi lưu trữ nguồn tài nguyên động, thực vật phong phú nên công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng luôn được Chi cục Kiểm lâm chú trọng triển khai.
Đối với nhiệm vụ phát triển rừng, từ năm 2008 đến nay, Chi cục phối hợp với các địa phương triển khai kế hoạch trồng rừng thay thế được 180ha, trồng mới 1.000ha rừng, chăm sóc 3.535ha rừng, khoán bảo vệ 6.500ha rừng/năm…
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu thời gian tới, lực lượng kiểm lâm Hà Nội phải thực hiện tốt công tác tham mưu với Sở NN-PTNT phối hợp các sở, ban ngành TP và UBND 7 huyện, thị xã có rừng xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng theo phương châm “bốn tại chỗ”.
Song song đó, đẩy nhanh tiến độ số hóa diện tích rừng trên địa bàn Hà Nội; sớm hoàn thành công tác rà soát, đo đạc, cắm mốc ranh giới 3 loại rừng và giao đất gắn với giao rừng cho các chủ rừng, các địa phương xây dựng phương án quản lý vảo vệ, phát triển rừng bền vững.
Lưu ý về cơ chế, chính sách, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị Chi cục Kiểm lâm tham mưu cho Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các huyện, thị xã tham mưu đề xuất TP phát triển kinh tế dưới tán rừng, thực hiện nông lâm kết hợp để phát triển kinh tế địa phương.
Cùng với đó, đề xuất tham mưu UBND Thành phố quan tâm, bố trí cơ sở vật chất, nguồn lực nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, ưu tiên cho công tác bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về lâm nghiệp; giáo dục tư tưởng chính trị, nâng cao nhận thức và trình độ chuyên môn cán bộ, công chức Kiểm lâm.
Chưa phát huy hết tiềm năng về rừng
Ôn lại truyền thống vẻ vang của ngành kiểm lâm, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên cho biết: Ngày 21/5/1973, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 101/CP quy định về hệ thống tổ chức và nhiệm vụ quyền hạn của lực lượng kiểm lâm nhân dân. Kể từ đó, ngày 21/5 hàng năm được lấy làm ngày thành lập lực lượng kiểm lâm Việt Nam.
Trải qua 50 năm hoạt động, được sự quan tâm của UBND thành phố và chỉ đạo chuyên môn của Bộ NN-PTNT; sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương, hệ thống kiểm lâm Hà Nội đã không ngững phát triển lớn mạnh và trưởng thành. Đặc biệt, với cố gắng của tập thể cán bộ công chức, người lao động Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể:
Thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, quản lý nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng trên địa bàn thành phố. Tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng, phổ biến kiến thức, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; xây dựng lực lượng và cơ sở vật chất phục vụ công tác bảo vệ và phóng cháy chữa cháy rừng
Lực lượng kiểm lâm đã góp phần quan trọng trong công tác phát triển rừng như chăm sóc rừng, trồng rừng mới, trồng rừng thay thế. Thực hiện tốt công tác thi hành pháp luật, xử lý hàng nghìn vụ vi phạm, tịch thu hàng nghìn m3 gỗ các loại, nhiều loại động vật hoang dã quý hiếm, đóng góp thu ngân sách thành phố hàng trăm tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Lê Minh Tuyên, do nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn thành phố đang gia tăng sức ép lên diện tích rừng và đất lâm nghiệp, công tác quản lý bảo vệ rừng còn gặp khó khăn nhất định.
Rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn thành phố phần lớn chưa được giao đất gắn với giao rừng. Vì vậy rừng chưa có chủ thực sự quản lý theo quy định của pháp luật dẫn đến khó khăn trong công tác xử lý trách nhiệm khi rừng bị phá, xâm lấn, hủy hoại, xây dựng trái phép và cháy rừng; ranh giới 3 loại rừng (sản xuất, đặc dụng, phòng hộ) chưa được cắm mốc. Hồ sơ, bản đồ 3 loại rừng còn nhiều bất cập do lịch sử để lại, số liệu giữa hồ sơ và thực tế còn sai số lớn.
Mặt khác, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy rừng còn hạn chế, trang thiết bị còn thô sơ, hệ thống đường lâm nghiệp kết hợp phòng cháy chữa cháy rừng chưa đáp ứng được yêu cầu. Kinh tế phát triển nghề rừng chưa phát triển mạnh, chưa phát huy hết tiềm năng từ rừng.
Ghi nhận những kết quả, đóng góp của lực lượng kiểm lâm Hà Nội trong 50 năm, UBND TP. Hà Nội đã tặng Bằng khen cho 6 tập thể, 22 cá nhân. Nhiều tập thể, cá nhân đã được Bộ NN-PTNT tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng lực lượng kiểm lâm vững mạnh và phong trào thi đua lập thành tích chào mừng 50 năm ngày thành lập lực lượng kiểm lâm Việt Nam.