| Hotline: 0983.970.780

Hai sắc thái của ruộng hoang: [Bài VI] Sự thấp thỏm của những đại điền chủ kiểu mới

Thứ Ba 30/07/2019 , 14:55 (GMT+7)

Rút bớt nông dân ra khỏi nông nghiệp, khuyến khích tích tụ ruộng đất là quy luật tất yếu để cho người nông dân cùng cánh đồng của họ lớn lên trong cơ chế thị trường. Tuy nhiên, những đại điền chủ kiểu mới ấy vẫn còn thấp thỏm bởi chưa có một chính sách nào “bảo hiểm” cho họ…

> Bài I: Anh hùng phủ lấm bụi mờ

> Bài II: Khi đồng ruộng không khác viện dưỡng lão

> Bài III: Xã bỏ 100% vụ mùa, có cho tiền dân cũng không cấy

> Bài IV: Xã có 155 lá đơn xin trả lại ruộng

> Bài V: Chuyện đồng ruộng với cựu Chủ tịch tỉnh sống ở giữa làng
 

Anh Trần Xuân Lưỡng kiểm tra khu gieo mạ khay 

Chiếc máy bay nhỏ gắn 4 cánh quạt bốc thẳng lên trên mặt ruộng, cách ngọn cây lúa chừng 1m rồi nhả ra một luồng khí đều và căng như một dải lụa. Trên bờ, người già, trẻ nhỏ và cả đám thanh niên vừa chăm chú dõi mắt theo vừa chỉ trỏ, nói cười về chuyện lần đầu tiên được thấy trong đời. Đó là cảnh máy bay đi phun thuốc trừ sâu trên khu ruộng nhà anh Trần Xuân Lưỡng ở xã Quang Hưng, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

Với tốc độ 15 phút/1ha, vừa bay vừa nghỉ để đổ tiếp thuốc nên hơn 13ha của anh chỉ cần nửa buổi là xong, thay cho 10 lao động phải vất vả đeo bình phun đi mấy ngày ròng rã thân ngập trong hóa chất như trước. Mỗi vụ 2-3 lần máy bay của một công ty giống có trụ sở ở Bắc Giang lại về phun thuốc thuê cho anh như vậy.

Vốn là một hàng xáo có hạng chuyên đi thu mua lúa trong vùng, tính anh Lưỡng xởi lởi, dễ gần nên cứ tháng ba, ngày tám bà con hay tìm đến hỏi vay tiền và hứa đến mùa sẽ trả bằng lúa. Nhưng rồi người trả, người không, nợ lai rai qua nhiều vụ mà xét hoàn cảnh của ai khó khăn quá anh cũng chẳng nỡ đòi riết. Cũng trong quá trình đi thu mua lúa ấy, thấy cánh đồng Lò Gạch người bỏ không, người cho thuê kiểu “xôi đỗ”anh mới quyết định thuê lại để cấy.

Tại cuộc họp của hai thôn có diện tích trên đồng Lò Gạch, anh thuyết trình: “Thưa bà con, thay vì cho bà con vay tiền rồi đến vụ thu lại bằng lúa kiểu mua lẻ như trước giờ đây tôi muốn chuyển sang được thuê ruộng để đủ thóc cho hoạt động xay xát của mình, mong bà con ủng hộ cho”.

Thấy giá anh đề xuất hợp lý, ruộng đồng lại đang cấy vụ ăn, vụ thua nên bà con nhất loạt gật đầu, ký tên vào hợp đồng. Tiếng là thời gian thuê 15 năm nhưng có lẽ cũng là suốt đời họ bởi với giá 200.000 đ/sào/năm tính ra vẫn còn lãi hơn tự cấy mà lại nhàn hạ, ung dung không lo gì giông gió.

Giai đoạn đầu anh tích tụ được 12,5ha, về sau thuê thêm 1ha nữa, đủ rộng để quây vùng, chủ động tưới tiêu, làm lệch vụ với bà con phần để tiện cách ly về thời gian cho lúa giống, phần để giảm giá thuê lao động lúc cao trào.

Với 2 máy cấy, 2 máy làm đất, 1 máy gặt anh không chỉ dư sức làm hết diện tích nhà mình mà còn có thể “ôm” thêm 10-20ha nữa nếu liền vùng, liền thửa. Lãnh đạo nhiều xã hay các giám đốc hợp tác xã cứ chuẩn bị đến vụ lại gọi điện cho anh đến nóng ran cả máy, bảo rằng có ruộng bà con bỏ, mời đến cấy. Ngặt nỗi thửa hình chữ nhật, thửa hình thang, thửa hình tam giác lại nằm rải rác khắp các xứ đồng nên dù muốn mở mang thêm diện tích anh cũng đành bó tay…

Vết tích cái nhà kho bị đốt trụi của anh Lưỡng

“Nhà nước nên khuyến khích hỗ trợ người tích tụ đất tiền điện để bơm lấy nước, tiêu nước, một phần tiền mua máy bay phun thuốc (giá trị vài trăm triệu/cái-PV) như đang hỗ trợ với các loại máy móc nông nghiệp khác” 

Anh Trần Xuân Lưỡng

Biết đoàn khách nào đến tham quan, xã, huyện cũng thường dẫn đến mô hình của anh Lưỡng, tôi hỏi, có được hỗ trợ gì không? Anh chỉ cười buồn, ngậm ngùi: Trừ năm 2017 lúa bị bệnh lùn sọc đen mất mùa 100% tôi được hỗ trợ 12 triệu, ngoài ra không được một cái gì cả! Nước tưới hay tiêu bà con kêu một tiếng với trưởng thôn là được đáp ứng ngay, đằng này tôi phải tự túc hết. Ruộng dân cấy hợp tác xã phải mang máy bơm ra phục vụ, ruộng của tôi phải tự mua máy bơm, tự kéo điện 3 pha ra. Viết đơn xin được hỗ trợ điện cho thủy lợi huyện lại bảo về xã, xã lại bảo không nằm trong đối tượng được. 

Đường giao thông nội đồng nhỏ chỉ hơn 1m nhiều đoạn sạt lở mà không ai nhòm ngó, tu bổ kể từ khi cho tôi thuê khiến ngay cả một cái xe lôi cũng không vào nổi, viết đơn gửi lên xã xin đề nghị làm mãi cũng không chấp nhận. Chỉ cách có một bờ thửa mà ruộng của dân được nhiều ưu ái còn của tôi thì không thì bất công quá…”.

Không chỉ thế, ở nông thôn không tránh khỏi hiện tượng ghen ăn, tức ở. Tối ngày 26/12/2017 kho chứa vật tư nông nghiệp và dụng cụ sản xuất của gia đình anh bỗng dưng bốc cháy, tổng thiệt hại lên đến hơn 100 triệu đồng.Theo anh, công an có về xác minh hiện trường sau đó thông báo vụ cháy không phải do chập điện mà là do có sự tác động từ bên ngoài. Tuy nhiên từ đó đến nay vẫn không tìm ra thủ phạm.

Anh Lưỡng đang vận hành máy bơm nước.

Ngày 9/4/2018 công an mời anh lên để cho biết tin tạm đình chỉ điều tra.Trong lá đơn kêu cứu gửi UBND tỉnh Thái Bình, anh viết: “Là một nông dân đi đầu trong phong trào tích tụ ruộng đất và sản xuất nông nghiệp cánh đồng mẫu lớn, tôi phải vất vả đầu tư công sức và tiền của mới có được cánh đồng như ngày hôm nay và cũng để làm gương cho bà con. Nhưng bị kẻ xấu đốt cháy, làm hại gia đình, tôi không biết kêu ai…

Hiện giờ gia đình tôi rất lo sợ, nếu còn bị kẻ xấu làm hại thế này thì tôi không có thể an tâm lao động, sản xuất được vì số tiền và công bỏ ra để sản xuất 12ha ruộng quá nhiều… Các công ty tôi ký hợp đồng làm lúa giống họ cũng rất ái ngại đầu tư…

Xin quý lãnh đạo thương đến người nông dân chân lấm, tay bùn, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, dầm mưa dãi nắng mà chẳng được là bao, nay lại bị thiệt hại hết này, xin giúp gia đình tôi tìm ra thủ phạm để an tâm tiếp tục sản xuất”.
 

Chân dung chị Lanh - người cấy nhiều lúa nhất nhì tỉnh Thái Bình

Chị Trần Thị Lanh - Trưởng thôn Giáo Nghĩa của xã Bình Minh kể, năm 2012 địa phương tiến hành dồn điền đổi thửa, mỗi hộ chỉ còn 1-2 thửa, năm 2015 các công ty bắt đầu về tận làng mở xưởng đã lác đác thấy có người chán ruộng, bỏ ruộng. Là chủ cơ sở sản xuất gạch, những ngày mùa, công nhân của chị đồng loạt xin nghỉ để về cấy bằng tay, thu hoạch cũng bằng tay, hầu hết công đoạn nặng nhọc đều bằng tay hết. 

Thấy thế, chị mới sắm máy làm đất, máy gặt để làm dịch vụ, giải phóng sức lao động cho bà con. Tuy nhiên, sau mỗi một vụ, các thôn bỏ ruộng mỗi lúc một nhiều. Tiếc của chị đánh tiếng xin mượn để vỡ hoang, bà con hay tin gọi cho tơi tới. Từ 5 sào phút chốc lên 5 mẫu là quá sức của gia đình chị vì bà con bỏ ruộng mỗi mảnh một vùng, một cánh đồng... 

Đầu tiên, chị thuyết phục các đồng nghiệp cùng là trưởng thôn ở trong xã rằng: “Các bác cố gắng dồn bà con đang cấy vào một chỗ tốt, còn chỗ xấu thì để em mượn, khi nào Nhà nước sờ đến thì em sẽ trả lại ruộng ngay”.

Sau đó, các trưởng thôn họp dân lại để phổ biến: “Cô Lanh muốn mượn ruộng hoang của làng ta để sản xuất nhưng ngặt nỗi toàn kiểu “xôi đỗ”, khó làm nên bà con dồn đổi ruộng tốt, ruộng gần vào một chỗ để mình cấy, còn ruộng xấu cũng dồn lại một chỗ để cô ấy cấy...”. Lời nói phải nhưng người nghe, kẻ không nên mới có những thửa ruộng “hoa báo” nằm giữa vùng canh tác của mình chị Lanh cũng đành phải chịu. 

Có ruộng lớn ở 6 thôn,chị mạnh tay mua sắm máy móc với 2 máy cày, 1 máy gieo hạt, 20.000 khay mạ, 3 máy cấy 3 trong 1 vừa cấy, vừa phun, vừa bón phân, 2 máy gặt đập liên hợp, 1 máy sấy công suất hơn 10 tấn/mẻ... Cơ giới hóa đồng bộ giúp cho chị làm đất một lèo, cấy xong chỉ trong vài buổi.

Máy cấy xuống đồng. Chị Lanh: “Mượn ruộng chẳng khác gì chăn vịt thả đồng”

Những thửa ruộng xen kẹt của dân bên trong không còn là bạn đồng cùng các thửa ruộng của chị nữa vì bà con cấy tay chậm dẫn đến không cùng trà, khi thu hoạch cũng thế, còn sót mỗi mình chưa kịp gặt, chuột bọ thi nhau vào cắn phá. Bởi thế dần dà chủ của những thửa ruộng này cũng muốn đổi đất để ra chỗ cấy riêng của những người vẫn còn nặng nghiệp nông gia. 

“Cấy lúa mà chỉ có 2 - 3ha, máy móc sẽ thường xuyên bị “đói” dẫn đến không có hiệu quả kinh tế, phải từ 10ha trở lên máy móc mới “no mồi”, sản xuất mới có nhiều lãi”.

Chị Trần Thị Lanh.

Vụ trước chị cấy 25ha, mới đây bà con gọi cho mượn thêm 2ha thành ra 27ha, thuộc vào dạng cấy nhiều nhất nhì tỉnh Thái Bình. Vẫn còn có nhiều người đánh tiếng cho mượn ruộng nhưng vì ở đó thôn chưa tổ chức dồn đổi được nên chị chưa dám gật đầu.

Khác với cách thuê ruộng của anh Lưỡng, cách mượn ruộng của chị Lanh không tốn một đồng nào dựa trên nguyên tắc cùng có lợi. Người vẫn cấy thì được ruộng gần, ruộng tốt còn người không cấy cho chị mượn ruộng được lợi là lúc cần cấy lại sẽ không phải vỡ hoang, đỡ được vài chục ngàn đồng/sào không phải đóng 4 khâu dịch vụ bắt buộc là thủy lợi nội đồng, khoa học kỹ thuật, bảo vệ thực vật và diệt chuột nữa. Còn chị được lợi là có tới 27ha để cho máy móc thỏa sức vẫy vùng. 

Ruộng lớn, với 3 khâu cơ bản nhất của nhà nông là cày, cấy và gặt tự làm bằng máy đã đỡ được cho chị Lanh khoảng 400.000 đ/sào lại thêm được cái thuận lợi mua phân gio, giống má, vật tư nông nghiệp với giá bán sỉ. Lúc trước, còn manh mún, chị cấy lúa thương phẩm, nay tích tụ được nhiều chị chuyển sang sản xuất giống. Ngoài làm cho mình, chị còn dịch vụ thêm bên ngoài khoảng 70ha nữa, tổng lãi cũng được khoảng 500-600 triệu/năm. 

Tôi ra cánh đồng thôn Phương Ngải, thửa nào của chị tít tắp chẳng thấy bờ bao giống như ở trời tây còn thửa nào của dân thì nhỏ bé, thấp thoáng những ông bà già còng lưng cắm cúi. Bà Lê Thị Tám có 3 sào ruộng ở Hậu Đồng giải thích về chuyện đổi ruộng cho chị Lanh như sau: “Lúc trước, vì thửa ruộng của tôi nằm ở giữa khiến cho máy móc của cô Lanh khó di chuyển. Cô ấy dùng mạ khay, cấy máy nên tốc độ nhanh còn nhà mình mạ sân, cấy tay, tốc độ chậm, làm cái gì cũng thành sau, thành muộn nên tôi vui vẻ đổi”. Còn bà Phạm Thị Hồng kể vụ này cho chị Lanh mượn 3 sào ở khu Tiền Đồng mà chỉ cấy có 4 sào. 

Rất nhiều người già đang lom khom cấy tay trên cánh đồng này chỉ để lấy gạo ăn như thế, không chỉ cho bản thân mà còn gửi chút “gạo sạch” cấp cho con cháu trên phố. Mùa đến, mùa đi, họ thêm ốm o và sẽ có lúc phải ngã xuống trong khi lớp trẻ nhất định không chịu tiếp nối nghiệp của mình. 

Chị Lanh (bìa trái) đang nói chuyện với hai người đổi ruộng, cho mình mượn ruộng.

Với bình quân mỗi khẩu 1,5 sào ruộng thì để có được 27ha chị phải mượn bằng miệng của 500 người. Nhiều người cho mượn mà còn rối rít cảm ơn chị bởi không chỉ đỡ phải đóng phí cho hợp tác xã, đỡ phải làm cỏ khi cấy lại mà còn đỡ ảnh hưởng đến những người xung quanh bởi mỗi thửa ruộng hoang là một cái bẫy tự nhiên dẫn dụ chuột bọ. 

Tôi hỏi chị Lanh với cách mượn ruộng này có thực sự yên tâm sản xuất, chị trả lời rằng nó không khác gì nuôi vịt thả đồng. Đầu tư tới hơn 2 tỉ nhưng vẫn phải vất vả chạy đồng vì nay người ta cho mượn, mai lại có thể đòi. Bởi thế chị gửi gắm ước vọng Nhà nước làm sao phải tuyên truyền cho người dân rằng họ chỉ có hai con đường khi muốn từ bỏ ruộng đồng là bỏ hoang thì sẽ bị thu hồi còn muốn giữ lại thì phải tìm người cấy hộ. Làm sao để những người thuê ruộng hay mượn ruộng như chị có khoảng thời gian ít nhất 5-10 năm, có những chính sách đảm bảo cho việc tích tụ dài lâu. 

Theo báo cáo năm 2018 của Thái Bình, diện tích đất đã tập trung, tích tụ theo hình thức thuê và chuyển nhượng được 1.792,8ha trong đó: Tích tụ từ 10ha trở lên: 454,96ha. Tích tụ từ 2ha đến dưới 10ha: 1.337,84ha. Chủ yếu là thuê với giá từ 60 đến 80kg thóc/sào/năm hoặc từ 300.000 đến 500.000 đồng/sào/năm, thời hạn bình quân 5 năm.

Hầu hết các mô hình tích tụ đều có hiệu quả hơn từ 1,5 đến 2 lần so với sản xuất thông thường bởi áp dụng đồng bộ được các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tiết kiệm được chi phí, kiểm soát được đầu vào và đầu ra của sản phẩm. Tuy nhiên diện tích đó vẫn còn quá ít và chuyện tích tụ còn nhiều bấp bênh.

Xem thêm
Công tác nhân sự đại hội Đảng các cấp phải thực hiện nghiêm, đúng nguyên tắc

Ngày 20/11, Đảng ủy Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tổ chức đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 cụm khu vực huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Quảng Nam sẽ là trung tâm sản xuất, cung ứng giống sâm Ngọc Linh

Mục tiêu đến năm 2035, tỉnh Quảng Nam phấn đấu trồng 10.000ha sâm Ngọc Linh, phát triển sâm Ngọc Linh thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Sóc Trăng ‘vướng’ phân định ranh giới quản lý khu vực biển

Việc phân định ranh giới quản lý khu vực biển đang ảnh hưởng đến tiến độ cung ứng vật liệu cát phục vụ thi công cao tốc của Sóc Trăng.