| Hotline: 0983.970.780

Hai sắc thái của ruộng hoang: [Bài V] Chuyện đồng ruộng với cựu Chủ tịch tỉnh sống ở giữa làng

Thứ Hai 29/07/2019 , 12:10 (GMT+7)

Khi biết ông chuẩn bị về hưu, có sửa sang lại căn nhà ở quê, một số người quen khuyên: “Không sống được ở làng đâu, anh lên thành phố Vĩnh Yên hoặc ra Hà Nội mà sống”. Ông chỉ cười. “Hết quan, hoàn dân”, lẽ đời là thế nhưng giờ đây ít có quan chức to to nào lại về sống ở giữa làng…

> Bài I: Anh hùng phủ lấm bụi mờ

> Bài II: Khi đồng ruộng không khác viện dưỡng lão

> Bài III: Xã bỏ 100% vụ mùa, có cho tiền dân cũng không cấy

> Bài IV: Xã có 155 lá đơn xin trả lại ruộng

 

Ông Phùng Quang Hùng-cựu Chủ tịch Vĩnh Phúc. Ảnh tư liệu của Kiên Cường.

Lời khuyên chân tình đó xuất phát từ thực tế một số lãnh đạo ở các tỉnh, thành một thời “thét ra lửa” nhưng đến khi về hưu, nhà riêng còn bị người đến quấy nhiễu, ném này nọ vào buộc phải chuyển đi. Từ tâm lý khá phổ biến của dân ta bây giờ là rất chăm nghe đài, đọc báo, lướt mạng xem hôm nay có… kỷ luật ai không. Vậy mà, làng đã là điểm tựa để ông vượt qua những sóng gió trên trường đời mà điển hình nhất là vụ bị kỷ luật cảnh cáo khi đã về hưu.

Tôi ngẫm, suy cho cùng, thước đo đúng đắn nhất với cán bộ chính là lòng dân. Về làng, lúc ông làm ấm trà với các cụ già, khi rít điếu thuốc cùng với đám thanh niên, bận rộn nhưng vẫn sắp xếp đi ăn cỗ cưới hầu như không sót nhà nào và cửa vườn luôn mở để đón lũ trẻ vào tập đá bóng. Không gì vui bằng tiếng trẻ con cười giòn giữa một chiều hè lộng gió. Lân la tôi hỏi lý do tại sao xã có hai sân vận động rộng thênh thang mà lại đến đây để đá bóng, chúng hồn nhiên trả lời: “Chú không biết à? Sân này cỏ rất êm lại có sẵn nước lạnh uống miễn phí, thỉnh thoảng còn được cho ổi, khế, xoài nữa…”.

Ông là Phùng Quang Hùng - cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc hiện đang sống ở giữa làng tại xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương nơi năm xưa từng giữ chức chủ nhiệm hợp tác xã, nức tiếng cả miền Bắc với vụ ngô đông trên nền đất ướt. Ngày hợp tác xã đón danh hiệu anh hùng lao động, lợn mổ phát cho toàn dân mỗi nhà 1kg, rượu tưng bừng, sân vận động đặc kín người nghe ca sĩ tận thủ đô về cầm micro biểu diễn. Vậy mà, giờ đây Hợp Thịnh là xã đầu tiên trong huyện bỏ trắng vụ đông, vụ mùa cũng đang bỏ tiếp, chung cảnh ngộ với nhiều tỉnh thành…


Ruộng đồng manh mún nên thu nhập của nông dân vẫn bọt bèo.

Tôi “vào đề” luôn chuyện nông dân đang chán ngán ruộng đồng, ông trầm giọng rằng chuyện đó không mới vì mười mấy năm trước khi còn làm Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã thấy manh nha. Bởi thế nên ông mới nghĩ đến chuyện phải miễn thủy lợi phí cho nông dân bởi nếu không họ sẽ bỏ tiếp: “Vướng mắc ghê lắm vì bỏ thủy lợi phí là chống lại các hợp tác xã bởi đang có thu nhập tốt từ nguồn này. Tôi thuyết phục hội đồng nhân dân tỉnh, chơi bài “khích tướng” với Bí thư, Chủ tịch tỉnh rằng miễn thủy lợi phí không đáng bao nhiêu, tính ra chỉ mất hơn 30 tỉ mà dân ơn các anh cả đời, mà Vĩnh Phúc trở thành địa phương đi tiên phong trong việc này”.

Nhận được sự chấp thuận từ bên trong, bên ngoài ông “đi đường ngầm” với các chuyên gia, các lãnh đạo liên quan đến ngành thủy lợi, vòng cuối cùng mới đến Bộ trưởng Bộ NN-PTNT lúc ấy, ông Cao Đức Phát.

Tại cuộc họp, khi ông đề xuất ý kiến miễn thủy lợi phí ngay lập tức nhiều đại biểu xúm lại phản đối rầm rầm vì bảo đang hội nhập WTO mà hỗ trợ cho nông dân thế là vi phạm. Cũng may trước đấy ông đã cẩn trọng giao cho cấp phó tìm hiểu nát nước các tài liệu xem thế giới này bao nhiêu quốc gia tham gia WTO, bao nhiêu miễn, giảm thủy lợi phí. Châu Á có Thái Lan, Malaysia còn Nga thì miễn một nửa… nên lúc đó mới tự tin “cãi” lý: “Mấy nước đó có phải là WTO hay là WC? Sao họ lại miễn, giảm được thủy lợi phí?”.

Nhóm phản biện đang hăng hái bỗng thấy hớ đành phải ngồi im còn hội trường được một mẻ cười ồ lên khoái trá. “Ông Phát bực lắm, ra giải lao bảo với tôi rằng: “Anh Hùng làm thế này rối tinh, rối mù cả nước lên, không có tiền thủy lợi phí thì lấy nguồn nào ra mà kiên cố hóa kênh mương?”. Tôi trả lời: “Vĩnh Phúc kiên cố hóa xong rồi. Anh không gỡ chuyện thủy lợi phí dân sẽ bỏ ruộng. Quê tôi bắt đầu bỏ ruộng. Thuế nhà nước miễn hết rồi thì đóng thủy lợi phí là khoản đóng góp nặng nhất, 1 sào 20 kg/vụ, không miễn cho dân thì họ thu nhập cái gì?”.

Ông Phát bảo: “Làm gì có chuyện dân bỏ ruộng?”. Vừa hay ông Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và PTNT ở gần đó nghe thấy liền nhắc: “Có nhiều tỉnh đã bắt đầu bỏ ruộng rồi anh ạ!”. Thấy thế ông Phát mới thôi, tôi tranh thủ nói luôn: “Cái chúng tôi cần ở Bộ là sự ủng hộ còn kinh phí thì tỉnh lo được anh ạ”… Năm 2006 Vĩnh Phúc miễn thủy lợi phí toàn tỉnh thì đến 2008 Thủ tướng quyết định miễn thủy lợi phí toàn quốc…”, ông Hùng hồi ức.

Sau hơn 10 năm áp dụng, chính sách miễn thủy lợi phí có nhiều ý kiến trái chiều bởi ý thức bảo vệ, duy tu công trình thủy lợi có kém đi. Trước đây, khi chưa miễn việc quản lý, tu sửa mương máng thuộc trách nhiệm của hợp tác xã nhưng từ hồi miễn đã giao cho các công ty thủy lợi, đôi khi là quá xa tầm tay với của họ. Quản lý lỏng lẻo, phí duy tu thấp dẫn tới hệ thống kênh mương xuống cấp, kêu lên trên cũng không được sửa chữa ngay, không ít địa phương lâm vào tình trạng chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn.

Thêm một điều quan trọng nữa, do kinh phí được ngân sách cấp bù nên việc sử dụng khá lãng phí và không cân bằng. Những hộ dân ở đầu nguồn thường có tâm lý sử dụng nước vô tội vạ trong khi các hộ dân ở cuối nguồn hay lâm vào tình trạng thiếu nước.

Tuy nhiên nói gì thì nói, miễn thủy lợi phí đã cất đi một chút gánh nặng trên vai người nông dân trong bối cảnh khoảng cách thu nhập nông nghiệp với các ngành nghề khác ngày càng rộng. Tôi nghĩ thế nhưng dằn lòng không nói ra với ông bởi câu chuyện giữa chúng tôi đang trên đà hào hứng…

Tôi kể với ông về chuyện nông dân miền Bắc có những đặc tính rất đặc biệt là chán ruộng, bỏ ruộng nhưng phần lớn không muốn “nhả” ra bởi hai lý do chính: Đề phòng con cái lên thành phố làm ăn chẳng may sau này thất nghiệp còn có chỗ mà quay lại; đề phòng các khu công nghiệp, khu đô thị sau này mở rộng sẽ lấy vào ruộng còn được đền bù.

Ông cười mà rằng: “Phải có quy hoạch lâu dài, vĩnh viễn cho đất, chỗ nào làm khu đô thị, khu công nghiệp, chỗ nào trồng lúa thì người dân sẽ thôi mong ngóng chuyện đền bù. Tuy nhiên, quy hoạch thì có nhưng lại thường xuyên thay đổi nên đã phá vỡ lòng tin của người dân. Họ nghĩ lãnh đạo đời này không làm khu công nghiệp, đô thị ở đó nhưng đời sau biết đâu lãnh đạo khác lên lại thay đổi chính sách nên mình cứ giữ lại ruộng để phòng thân.

Xã Hợp Thịnh mấy tháng đầu năm mà đã xây gần trăm cái nhà, cái nào cũng 1-1,2 tỉ thậm chí 2 tỉ. Thứ nhất bởi họ có thu nhập đặc biệt là lớp trẻ ra ngoài làm công ty rất biết cách tích cóp. Thứ nữa là tâm lý muốn bằng anh, bằng em, bằng bạn, bằng bè, bằng hàng xóm. Tôi cũng thế, đến nhà ai chúc Tết cũng xui họ làm nhà. Miền Bắc nói chung là khác miền Nam ở điều đó! Tuy có nợ nần nhưng nông thôn vẫn có tiềm lực bởi vì bán ruộng, bởi có đất giãn dân được phân với giá rẻ 200-300 triệu nhưng bán lại cái là tiền tỉ.

Nông dân chán ruộng nhưng việc tích tụ đất đai hiện nay rất khó bởi những người không có việc làm vẫn ở lại quê cấy tí ruộng lấy thóc ăn. Tư duy đó không phải ngày một ngày hai là có thể mất đi được.

Một hiện tượng khá phổ biến hiện nay là chỉ cấy vụ xuân, lấy ít thóc sạch để ăn còn vụ mùa, vụ đông bỏ trắng. Còn chuyện con cái một khi đã lên thành phố rồi về sau mà chẳng may thất nghiệp thì cũng sẽ chẳng quay lại với đồng ruộng đâu bởi vì sợ lỗ, sợ vất vả. Bố mẹ có giao lại đất chúng lại cho người khác thuê hoặc bán hết thôi…”.

Người ta đang hi vọng chuyện dồn điền đổi thửa sẽ cải thiện được tình trạng chán ruộng của nông dân? Tôi gợi mở. Ông lắc đầu rồi kể lại chuyện năm 1997 Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ra nghị quyết dồn ghép ruộng đất, lấy huyện Vĩnh Tường làm thí điểm.

Lúc ấy đang là Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy mới 42 tuổi ông đã một mình một ý kiến phản đối rằng lòng dân đang không yên vì rất sợ chia lại ruộng bởi bao năm khoán rồi, cứ năm nay ruộng này, năm sau ruộng khác. Đến năm 1993 khi được chia đất lâu dài họ rất mừng, chăm lo hết sức cho ruộng đồng, đổ nhiều công, nhiều phân bón xuống nên ngại phải chuyển sang cho nhà khác.

Thứ nữa năm 1988 nghị quyết 10 (Khoán 10) hợp tác xã rất mạnh, chủ nhiệm là “vua” của địa phương, bao quát hết sân còn chủ tịch xã không là gì cả. Hợp tác xã chỉ đạo việc chia ruộng lúc đó rất hợp với lòng dân đang muốn bung hết ra sau thời bao cấp. Còn năm 1997, gió đã đổi chiều, hợp tác teo tóp, chủ nhiệm hết quyền lực, chủ tịch ủy ban xã mới lên, ít có kinh nghiệm nông nghiệp nên rón ra rón rén.

“Mà suy cho cùng đổi kiểu đó cũng không có mấy ý nghĩa bởi thửa to cũng chỉ là 2-3 sào. Những nhà đổi ruộng cũng chẳng có thu nhập gì hơn mà chỉ là gọn vùng, gọn thửa tí nhưng lại mất công phải đi đổi chác, thủ tục lằng nhằng nên dân không thích, thôn xã cũng ngại. Vất vả được cái gì? Người chỉ đạo không có, người thực hiện không có, dân không đồng tình thì chỉ có nước thất bại.

Hai năm sau tổng kết, y như rằng Vĩnh Tường chỉ làm được 1/3 rồi chịu chết. Bây giờ tình hình vẫn cứ như thế thôi. Vĩnh Phúc đã “bơm” nhiều tiền cho dồn điền đổi thửa rồi vẫn chưa thành công. Theo tôi Nhà nước không nên nhúng tay trực tiếp vào việc này mà chỉ cần có chính sách rồi để sao cho người dân tự nguyện dồn đổi”, ông nhận định.

Nông nghiệp miền Bắc kém vì không tích tụ được ruộng đất. Thời phong kiến bao đất đai địa chủ lấy hết nên khi mới được chia ruộng nông dân rất quý, giờ lại sinh chán. “Chúng ta đang lúng túng trong việc giải quyết hậu Khoán 10 là ruộng đồng manh mún. Hơn nữa sản xuất nông nghiệp thu nhập chẳng mấy, đụng vào đất đai là đụng vào phức tạp, ai sẽ làm đây? Ta cứ nói sửa Luật Đất đai mà từ lâu có sửa được đâu?”, ông hỏi ngược lại tôi.

Mạch chuyện đang tuôn trào, ông khoát tay bảo: “Thôi ra ao câu cá, được con nào tí còn có cái nấu cho mà ăn không thì đói”. Sau khi 3-4 con rô phi to bằng chiếc dép được giật lên, giãy đành đạch trên bờ, vài nắm rau trong vườn đã được vặt, câu chuyện giữa chúng tôi lại tiếp tục.

 

Tôi hỏi ông một chính sách đột phá cho khu vực tam nông tương tự như Khoán 10 tiếp theo phải chăng là đến lúc phải có, ông lắc đầu…

Tích tụ ruộng đất kiểu trang trại, gia trại, nông hộ theo hình dung của ông sẽ chỉ chiếm một phần nhỏ còn phần chính phải là doanh nghiệp - yếu tố quyết định cuộc chơi này bởi họ sống chết vì thương hiệu của mình. Để khuyến khích, Nhà nước phải có chính sách cụ thể hóa về đất đai, chuyển nhượng thì thế nào, cho thuê thì thế nào, bao nhiêu năm.

Anh nông dân đuổi theo con nghé mới tậu trên thửa ruộng hoang.
Bán ruộng giờ cũng không mấy ai mua, nếu có cũng phần lớn là nông dân ham ham gom ít một nhưng sản xuất không ăn thua bởi kiến thức không có, vốn không có, thị trường không có, tuổi tác lại cao. Vì thế vẫn phải doanh nghiệp nhảy vào bởi họ có sẵn đầu ra, vốn và tư tưởng đổi mới

Riêng với thuê phải có giấy tờ bảo lãnh kiểu bìa xanh, bìa tím hay bìa vàng để xác nhận với thời gian cho thuê ít nhất từ 20 năm trở lên để nông dân và doanh nghiệp cùng yên tâm. Một khi doanh nghiệp muốn thuê trả mức giá gấp rưỡi, gấp đôi so với lợi nhuận từ việc trồng lúa, ruộng đất sau khi hết thời gian vẫn là của mình thì làm sao dân lại không hưởng ứng?

“Hồi tôi còn làm Chủ tịch tỉnh, anh Phạm Nhật Vượng ở tập đoàn Vingroup có liên lạc bảo đại ý rằng bạn bè xung quanh nhiều người đã chết vì ung thư nên rất muốn được tham gia vào sản xuất nông nghiệp sạch.

Tôi trả lời Vĩnh Phúc đang có diện tích đất nông nghiệp chừng 40.000ha đấy. Anh Vượng mới bảo 40.000ha thì Vingroup thừa sức làm được, tới đây sẽ xây dựng hệ thống siêu thị ở 63 tỉnh thành để đem nông sản sạch vào trong đó bán…

Tôi mới bàn hãy làm thử trước 500ha đã. Tuy anh Vượng không biết gì về nông nghiệp cũng như chắc không biết gì về cả ô tô lẫn máy bay nhưng vẫn cứ đầu tư vào bởi có kinh tế khắc sẽ có nhiều chuyên gia tìm đến giúp. Đáng tiếc là hệ thống nhà lưới rất hiện đại của Vingroup ở Vĩnh Phúc hiện nay không mở rộng thêm được là bao bởi vì vướng mắc nhiều thứ.”

“Tại sao pháp luật cho phép sự chuyển nhượng đất nông nghiệp nhưng lại không hình thành nên thị trường như chúng ta mong muốn? Là bởi người hăng say làm ruộng giờ có ít. Thêm vào đó là trình độ nông dân còn thấp. Suy cho cùng, thấp là đúng. Bao nhiêu năm sống trong bao cấp nên lứa tuổi lớn thì sợ sệt, chậm đổi mới còn lớp trẻ thì phần lớn thoát ly ra thành phố làm công nghiệp, dịch vụ. Cũng sẽ đến một lúc nào đó chúng trở về nhưng chưa phải bây giờ. Quê tôi, kể cả dân miền núi vẫn chờ công nghiệp vào lấy đất. Con cái đi công nhân hết, không chịu làm ruộng nữa chỉ còn lại những người 40-50 tuổi trở lên. Chỉ gọi là có ít thóc đủ ăn khỏi đong còn tiền thì tìm cái khác, làm công nghiệp, làm dịch vụ và làm tất cả những nghề có thể nên vẫn cứ giữ ruộng”.

Bất cứ chính sách gì nếu không xuất phát từ thực tiễn chỉ như một cái cây không có rễ, chẳng sớm thì muộn sẽ chết? Câu hỏi của tôi khiến ông bật cười ha hả: “Tôi kể với anh một chuyện rằng, năm 2004, ngành nông nghiệp họp tại Thái Bình để phát động phong trào xây dựng cánh đồng 50 triệu. Hội nghị rất lớn, ngồi bàn chủ tọa có tới 1 ủy viên Bộ Chính trị và 4 ủy viên Trung ương gồm các ông Lê Huy Ngọ - Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, ông Nguyễn Đức Triều - Chủ tịch Hội Nông dân, ông Đinh Thế Huynh - Tổng Biên tập Báo Nhân dân, ông Bùi Sĩ Tiếu - Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình... Cuộc họp đó người ta vẽ ra viễn cảnh quê hương cánh đồng 5 tấn thóc năm xưa giờ sẽ là quê hương của cánh đồng 50 triệu.

Toàn báo cáo điển hình nào là trồng thuốc lào 200 triệu/ha, trồng hoa hồng 150 triệu/ha, rồi hoa nọ, rau kia. Phấn đấu xã 50 triệu, huyện 50 triệu, tỉnh 50 triệu, đảng bộ nào trong sạch vững mạnh phải có cánh đồng 50 triệu… Trưa hôm đó ông Trần Mạnh Báo - Tổng giám đốc Công ty giống Thái Bình rủ tôi đi ăn cơm, mấy anh em có đôi chén, mặt phừng phừng mãi 1h30 mới về để kịp họp lúc 2h. Vừa vào đến cửa ông Lã Văn Lý lúc đó là Chánh văn phòng Bộ NN-PTNT đã gọi toáng lên: “Hùng, Hùng, tôi tìm mãi mà không thấy chú đâu? Ông Ngọ đang bắt tôi đi tìm chú để phát biểu”.

Ngồi chưa nóng chỗ, tôi đã bị gọi lên. Tôi dẫn chứng, Vĩnh Phúc có 370ha hoa hồng của huyện Mê Linh 15 năm nay mà vẫn chỉ dừng lại ở 370ha, không phát triển thêm được. Lúc đắt thì 10 bông bán được 1.000đ còn lúc rẻ gần như là cho không. Thế mà bây giờ Thái Bình, Hải Dương mở ra trồng hoa hồng khắp tỉnh thì bán cho ai? Thuốc lào đâu đâu cũng phát triển thì để dân hút thay cơm à?

Một người nông dân dừng tay nghỉ chốc lát khi đang khai hoang ruộng.

Tôi cũng nghe một số người dự buổi ngày hôm đó thuật lại, các chủ tọa sau khi bị ông Hùng “quại” cho một thôi một hồi thì giật mình nghĩ lại. Bí thư huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình hồi đó mới chân ướt chân ráo đi tham quan mô hình trồng hoa hồng ở huyện Mê Linh về trồng có 20ha mà còn đang “chết” nặng nên nghe thấy thế không lên phát biểu nữa. Còn lãnh đạo Thái Bình lúc ra giải lao mới nhăn nhó bảo rằng: “Hôm nay chú dội nước đá lên đầu anh rồi!”. Ông Hùng cười: “Em nói thật với anh, nói cái gì cũng phải có thực tiễn kẻo mà ăn đòn đấy!”.

Bởi ông nhớ năm 1992 khi còn là Phó Chủ tịch huyện Tam Dương đã cùng với ông Trần Văn Đăng - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú cũ và mấy Bí thư huyện nữa về Thái Bình học tập. Hồi ấy, ở Thái Bình người ta đang khoán sản 1 năm thu 1 sào tới 90kg thóc, trong đó 18kg chi riêng cho thuốc trừ sâu. Lạ quá, ông mới hỏi thu nhiều thế thì lo được gì cho dân? Họ trả lời: Lo phun thuốc định kỳ, trong đó phun trên mạ xuân hồi tháng chạp hết 3kg/sào, lúc thời tiết rét chẳng có sâu bệnh gì sống nổi cả.

Xã ông hồi trước cũng có lạm thu như thế nhưng kể từ năm 1988 khi lên làm Chủ nhiệm HTX Hợp Thịnh (huyện Tam Dương) thay vì tiếp tục thu 90kg/sào ông đã cắt xuống còn 60kg, rồi xuống 40kg, vụ cuối cùng chỉ còn lại 17kg/sào. Nhận thấy càng thu nhiều dân lại càng chây ỳ không nộp, một cái xã bé tí thế mà nợ tới 1.096 tấn thóc sản nên ông mới đề ra chính sách ai đang nợ 1 tấn thóc sản chẳng hạn, nếu nộp luôn sẽ được trừ ngay cho 7 tạ. Thấy hợp lý, dân tình ai cũng hồ hởi khiêng thóc đi nộp.

Quay trở lại chuyện Thái Bình, thu nhiều khiến dân kiệt quệ ông mới nhận định kiểu gì cũng có chuyện. Mấy năm sau dân Thái Bình “nổi lên” thật. Sự kiện đã thức tỉnh Trung ương phải có những chính sách mới thích hợp hơn, nâng cao chất lượng đời sống cho nông dân toàn quốc. Nhân chuyện này, ông Trần Mạnh Báo - Tổng giám đốc Công ty giống Thái Bình mới có mấy câu thơ dịp gặp ông Hùng rằng: “Thái Bình là đất ăn chơi/Tay gậy tay bị khắp nơi tung hoành/Gậy Thái Bình đập tan tham nhũng/Bị Thái Bình làm sáng nội cương. Bao giờ đất nước ấm êm/Nhân dân cả nước biết ơn Thái Bình”…

------

Mời đọc kỳ tiếp: Sự thấp thỏm của những đại điền chủ kiểu mới

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.