| Hotline: 0983.970.780

Hai sắc thái của ruộng hoang: [Bài IV] Xã có 155 lá đơn xin trả lại ruộng

Thứ Sáu 26/07/2019 , 08:01 (GMT+7)

Năm 2013 Báo Nông nghiệp Việt Nam tiên phong viết về nông dân huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương làm đơn xin trả lại ruộng. Vừa qua tôi mới hay một xã ở tỉnh Thái Bình có tới 155 lá đơn xin trả lại ruộng, lá đầu tiên viết cách đây đúng 15 năm.

> Bài I: Anh hùng phủ lấm bụi mờ

> Bài II: Khi đồng ruộng không khác viện dưỡng lão

> Bài III: Xã bỏ 100% vụ mùa, có cho tiền dân cũng không cấy
 

 

Những lá đơn đầu tiên xin trả lại ruộng của người dân xã Hòa Bình, viết cách đây đã 15 năm.

Ông Vũ Đình Mầm - cựu cán bộ địa chính xã Hòa Bình (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) giở chiếc túi mở cho tôi xem chồng đơn dày cộm. Cái đánh máy, cái viết tay trên giấy học trò.

Mấy lá đầu tiên nét chữ siêu vẹo như những luống cày vụng đã nhòe mờ đi còn mấy lá gần đây vẫn còn thơm mùi mực mới. Tôi cùng hai cán bộ nông nghiệp đếm một hồi lâu mới thống nhất chốt ở con số 155 lá đơn. Hộ ít trả lại vài miếng còn hộ nhiều trả lại tới 9 sào.

Hầu như tháng nào ông Mầm cũng nhận được những lá đơn như vậy cho đến tận gần đây. Để tăng thêm sức nặng, phần cuối nhiều lá đơn còn chua thêm dòng chữ: “Nếu về sau Nhà nước có lấy đất với mục đích gì tôi cũng không có ý kiến”.

Thực tế vừa rồi ở Hòa Bình quy hoạch một khu dân cư khoảng 1,5 ha có lấy vào diện tích của những hộ dân đã viết đơn trả lại ruộng nhưng không ai đòi hỏi quyền lợi gì. Dù tiền đền bù ở đây đang vào khoảng 38 triệu đồng/sào cộng thêm một số khoản hỗ trợ khác. Dù xã vẫn còn chừng 2% hộ thuộc diện nghèo.

Có hai loại đối tượng không cấy, thứ nhất viết đơn xin trả lại, thứ hai chỉ bỏ không. Lúc đầu, người ta trả lại một phần diện tích, phần lớn là chỗ đất bạc màu, trũng hay ngập úng hoặc cao hay thiếu nước.

Cấy tay, giờ đây đã rất nhiều người bỏ.

Vài năm gần đây, ruộng tốt, nằm sát chân đường rộng thênh thang vẫn cứ nằng nặc trả, mà trả lại bằng hết. Lúc đầu, đối tượng trả lại là người già hoặc ốm thì giờ đây theo ông Mầm ước đến 60-70% trả ruộng là người trẻ, khỏe để đi làm công nhân hay làm ngoài. Con cái cũng không còn cấy hộ bố mẹ nữa mà chỉ muốn cất khỏi gánh nặng ruộng đồng. 

Tổng diện tích làm đơn xin trả lại ruộng của xã khoảng trên dưới 20 ha nằm rải rác khắp xứ đồng. Những lá đơn đầu tiên năm 2004 viết bởi dân thôn Nam Tiền nhưng hiện nay viết nhiều lại thuộc về thôn Việt Hưng. Lẽ thường, có người chán phải có kẻ thèm nhưng suốt 15 năm trời nhận 155 đơn xin trả lại ruộng ông Mầm khẳng định chẳng nhận  một đơn nào xin ruộng cả.
 

Một người dân đi qua cánh đồng bị bỏ hoang.

Nhiều xã của Thái Bình bỏ ruộng nhưng tại sao lại chỉ có Hòa Bình xuất hiện đơn xin trả lại ruộng? Tôi hỏi một cán bộ nông nghiệp đi cùng thì chị trả lời do lãnh đạo xã này mấy nhiệm kỳ trước muốn quản lý thật chặt chẽ đất đai, lãnh đạo về sau cứ thế mà tiếp nối khiến cho dân quen nề, quen nếp: “Đó là một điều rất tốt để có thể rút đất của người chán ra, kết nối với nhu cầu của người thèm”.

Còn ông Mai Văn Vinh, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hòa Bình, thì giải thích: Tất cả những người không có nhu cầu cấy ruộng cần phải viết đơn để chính quyền tổng hợp lại, tạo điều kiện cho các cá nhân khác có nhu cầu nhận đất yên tâm cải tạo, không lo bị đòi lại giữa chừng.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp Kiến Xương vụ xuân năm ngoái huyện bỏ 108 ha, vụ mùa bỏ 129 ha… Còn vụ mùa năm nay ước lượng diện tích bỏ cũng tương tự, tập trung ở các xã An Bồi, Bình Minh, Hòa Bình, Thanh Nê, Vũ An, Vũ Quý… trong đó có nhiều ha bỏ hẳn. Toàn tỉnh Thái Bình vụ xuân 2018 bỏ hoang 490 ha tập trung ở Quỳnh Phụ, Kiến Xương, Đông Hưng, Thái Thụy…

Ai mà không có đơn trả lại, vẫn coi như là đang cấy, vẫn phải đóng 3 khoản dịch vụ bắt buộc của HTX gồm thủy nông 13,5 kg thóc/sào/năm (thủy lợi phí đã được miễn nhưng đây là để duy tu hệ thống, tưới, tiêu nước vào ruộng-PV), khoa học kỹ thuật 1 kg thóc/sào/năm, bảo vệ thực vật 1,5 kg thóc/sào/năm.  

Sau khi có diện tích bị trả lại, trưởng thôn được mời lên để bố trí  dồn đổi lại một chỗ nếu có thể. Chuẩn bị vào vụ mới, loa các thôn lại ra rả thông báo ai có nhu cầu nhận ruộng thì đăng ký nhưng chẳng có ai hồi đáp. Điều này khác hẳn với không khí của một thời chưa xa, hồi chia đất năm 1993, khi ruộng đồng và nông dân là một thực thể không thể tách biệt…

Xưa muốn đi làm công nhân phải rời làng lên thành phố, giờ chẳng phải đi đâu, công ty, nhà máy đã về ngay giữa làng. Sáng ăn cơm nhà rồi đi làm, trưa tranh thủ về ăn cơm nhà rồi đi làm tiếp, chiều lại về nấu nướng cho kịp bữa tối để ăn xong còn ghé mắt xem con cái học hành. Mỗi tháng đút túi 5-6 triệu, chẳng rủi ro giông gió, được mùa mất giá như làm nông thì sao lại không chọn?
 

Chị Xá bên những thửa ruộng hoang ở xã Hòa Bình.

Những lúc đi chỉ đạo dịch bệnh, chị Nguyễn Thị Xá cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Thái Bình thấy xót cho những cánh đồng lau sậy ở xã Hòa Bình.

Chị mơ ước khi về hưu sẽ hồi sinh, biến chúng thành cánh đồng lúa chín vàng. Vậy là trước khi cầm sổ hưu, chị đến đặt vấn đề với xã xin mượn đất. Dù khá ngạc nhiên nhưng địa phương vẫn ủng hộ hết lòng về mọi thủ tục.  

Trên cánh đồng hoang đó, diện tích thuộc những hộ làm đơn xin trả lại ruộng thì không vấn đề gì nhưng của khoảng 100 hộ không có đơn  lại khá phức tạp. Thôn phải tổ chức họp để chị Xá gặp gỡ từng người xin chữ ký suốt từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2018 mới xong. Tất cả được hơn 10 ha, tương đối liền vùng, liền khoảnh. Lúc này, khó khăn không ở dưới thôn xã nữa mà đến từ phía sau lưng, gia đình chị.

Hay tin vợ mượn đất khai hoang, lo cho sức vóc đã không lấy gì làm khỏe của chị, người chồng lập tức triệu tập ngay hai đứa con trên Hà Nội về họp mặt gia đình và tuyên bố: Nếu mẹ chúng mày không từ bỏ chuyện mượn ruộng thì sau này đừng trách bố...

Đến nước này, chị chỉ còn mỗi nước van xin: “Biến cánh đồng cỏ dại thành cánh đồng lúa chín vàng là ước nguyện của cả đời em. Có gì chỉ mong anh giúp đỡ em về mặt tinh thần mà thôi”. Mềm lòng trước sự tha thiết ấy, người chồng đành gật đầu nhưng chỉ cho chị thời hạn một vụ trong khi hợp đồng mượn ruộng lại kéo dài tới 5 năm.

Lúc đầu máy cắt cỏ xuống làm nhưng lau sậy ken dày tầng tầng, lớp lớp cao gấp rưỡi, gấp đôi thân người, chuột bọ làm ổ lúc nhúc bên trong khiến lưỡi cưa không thể quay nổi. Vậy là chị phải thuê máy có công suất lớn hơn, cắt từng đoạn lau sậy một rồi lôi dần ra. Cắt xong đến đâu, cho máy cày xuống nhưng nó cứ hộc lên như thú dữ, khói phun mịt mù mà chỉ nhúc nhích được chút ít vì rễ cây kết lại dày như những tấm đệm, vơ lại, chất từng đống to như đụn rạ.

Khó khăn nào đâu đã hết, làm đất xong cấy lúa xuống cây mạ cứ vàng như bị luộc vì ngộ độc hữu cơ phải phun chế phẩm vi sinh để xử lý. Rồi úng ngập phải mua mạ cấy dặm, rồi chuột bọ từ các gò hoang xung quanh ồ ạt tràn xuống…

Chị Xá ngập người trong thửa ruộng hoang mọc đầy lau sậy ở xã Hòa Bình.

Đợt mẹ chị ốm nặng, bệnh viện trả về, phải đưa sang cấp cứu ở một bệnh viện khác, thấy vợ cứ cầm điện thoại gọi mua mạ, chỉ đạo cấy, chỉ đạo phun anh chồng đã nóng mắt bảo: “Chẳng lẽ lại đập cái điện thoại đi”. Chị phải vội vã phân bua: “Nếu bây giờ bỏ ruộng mà cứu được mẹ thì em bỏ ngay nhưng em không phải là bác sĩ. Là kỹ sư em có thể cứu được lúa anh à…”.

Khó khăn chồng chất khó khăn khiến chị nhiều phen ngồi khóc tu tu giữa cánh đồng nhưng rồi lại tự động viên mình. Làm ngày làm đêm, đến tối 29 Tết người ta vẫn còn thấy bóng chị ở ngoài ruộng, sáng mồng 3 Tết lại đến tiếp. Chị làm bởi tình yêu ruộng đồng, bởi suy nghĩ mình là cán bộ chỉ đạo nông nghiệp mà thất bại thì dân sẽ cười chê.

Sau bao “giông gió”, vụ đầu tiên chị xuất được trên 30 tấn lúa giống cho một công ty, thu hơn 200 triệu đồng, trừ chi phí cũng lãi khoảng 30-40 triệu. Đến lúc này, chồng chị liền nhắc lại lời hứa lúc nào. Tiếc đứt ruộng bởi khai hoang là công đoạn khó nhọc nhất, tốn kém nhất, bao mồ hôi, nước mắt đã vượt qua vụ đầu thì những vụ sau chỉ việc đều đặn sản xuất rồi thu lời thế mà chị vẫn phải chuyển nhượng ruộng cho một người khác…

Ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch Tập đoàn ThaiBinh Seed: Tôi thấy chuyện bỏ ruộng có nhiều yếu tố tích cực

Ngày nay người nông dân vẫn ở nông thôn nhưng không còn thiết tha với đồng ruộng và con trâu, cái cày. Tuy nhiên, không phải lo lắng về việc họ bỏ ruộng. Điều đó chứng tỏ đời sống nông dân đã thay đổi, đã tốt hơn, không phải lo nồi cơm đầy vơi nữa. Đó là tất yếu của sự phát triển xã hội ở nông thôn, chứng tỏ kinh tế ở khu vực này đã thay đổi về bản chất. 

Tôi tin rằng đến một lúc nào đó vấn đề sẽ được giải quyết bằng cách chuyển giao lại đất của những hộ bỏ ruộng sang cho các hộ yêu ruộng. Lao động trong nông nghiệp sẽ ít đi nhưng ruộng đất sẽ lớn lên, phù hợp để tổ chức lại sản xuất. 

Đừng sợ tích tụ đất đai sẽ hình thành địa chủ bởi vì ngày xưa địa chủ đi cùng sự bần cùng hóa người nghèo, bóc lột bằng cách cho thuê để lấy địa tô cao. Còn ngày nay Nhà nước làm sao để kiểu bóc lột đó có ngóc đầu lên được? Sự tích tụ đất đai vì thế chỉ là tổ chức lại sản xuất mà thôi. 

Tất cả những gì đang diễn ra ở Việt Nam cũng từng diễn ra trên thế giới. Hai năm trước, tôi có dịp sang Mỹ, được cán bộ khuyến nông của trường Đại học Missouri dẫn đi thăm một doanh nghiệp nông nghiệp. Gia đình này đã 5 đời làm nông nghiệp, hiện trở thành một công ty nông nghiệp  có 600 ha đất nhưng chỉ cần 4 người làm. Mọi người trong gia đình làm và hưởng lương theo kết quả làm việc của mình, được chia cổ tức theo cổ phần. Việc hình thành công ty này bắt đầu từ tích tụ đất. 

Sau khi kinh tế phát triển, những người nông dân không muốn làm nông nghiệp đã vào thành phố ở và bán ruộng cho những người thích làm nông nghiệp ở lại sản xuất, kinh doanh và chuyển thành doanh nhân nông nghiệp. 

Do có diện tích rất lớn nên sản xuất ở đây được cơ giới hoá toàn bộ từ làm đất, tưới nước, phun thuốc trừ sâu, thu hoạch, chế biến đến bảo quản theo một chu trình khép kín với những máy móc hiện đại và được ứng dụng công nghệ mới nhất 4.0. Việc ra đời những công ty gia đình làm nông nghiệp kiểu này ở Mỹ rất phổ biến.

-------

Mời đọc kỳ tiếp: Chuyện đồng ruộng với cựu Chủ tịch tỉnh sống ở giữa làng

Xem thêm
Đề nghị kỷ luật nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Phạm Văn Vọng

Ông Phạm Văn Vọng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...

Hà Nội dự chi gần 38 tỷ đồng hỗ trợ khôi phục sản xuất

Theo đề xuất, đối tượng hỗ trợ là các tổ chức, cá nhân có diện tích sản xuất cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại do bão số 3 và sau bão.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Siêu bão Man-yi đi vào Biển Đông trở thành cơn bão số 9

Cơ quan khí tượng cho biết, bão Man-yi đã vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 9. Bão đang giật cấp 15 và di chuyển rất nhanh hướng vào các tỉnh Trung Trung bộ.