| Hotline: 0983.970.780

Hạn hán khốc liệt, nhiều diện tích cà phê bị cháy khô

Thứ Sáu 19/04/2024 , 08:42 (GMT+7)

GIA LAI Tình trạng khô hạn khắc nghiệt kéo dài tại huyện biên giới Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) đã khiến cho nhiều diện tích cà phê bị cháy khô, nguy cơ chết cả vườn cây.

Cạn kiệt nguồn nước tưới, nhiều vườn cà phê tại xã Ia Lang bị cháy khô. Ảnh: Tuấn Anh.

Cạn kiệt nguồn nước tưới, nhiều vườn cà phê tại xã Ia Lang bị cháy khô. Ảnh: Tuấn Anh.

Bất lực nhìn cà phê cháy khô

Vùng biên giới huyện Đức Cơ đang phải đối mặt với nắng hạn gay gắt, đồng khô ruộng khát, cây cối tiêu điều. Khô hạn khốc liệt đã gây thiệt hại nhiều diện tích cây trồng của người dân. Đặc biệt, cây cà phê đang phải đối mặt với thiệt hại nghiêm trọng khi nhiều diện tích đang bị khô cháy trước sự bất lực của người dân cũng như chính quyền địa phương.

Ghi nhận thực tế cho thấy, từ UBND xã Ia Lang (huyện Đức Cơ) đến làng Kluh Yeh, rất nhiều vườn cà phê dọc hai bên đường đã bất đầu bị cháy, là vàng khô. Nguồn nước tưới từ các giếng khoan, khe suối thời điểm này gần như không còn nên nhiều hộ dân chỉ còn biết nhìn vườn cà phê của gia đình chết cháy.

Ngồi dưới gốc cây cà phê hướng về ánh nắng mặt trời, anh Rơ Mah Glil (làng Kluh Yeh, xã Ia Lang) chưa bao giờ cảm thấy bất lực như lúc này khi vườn cà phê 1ha của gia đình ngày càng teo tóp, lá vàng khô.

Anh Glil cho biết, hiện khoảng hơn nửa vườn cà phê của gia đình đã cháy khô, chết mòn theo từng ngày. Nếu trong vài ngày tới không có nước tưới, cả vườn cà phê của gia đình sẽ có nguy cơ phải phá bỏ.

Theo các hộ dân, nếu trong vài ngày nữa không có mưa, vườn cà phê có nguy cơ mất trắng. Ảnh: Tuấn Anh.

Theo các hộ dân, nếu trong vài ngày nữa không có mưa, vườn cà phê có nguy cơ mất trắng. Ảnh: Tuấn Anh.

“Các hồ, suối ở đây đã cạn rồi, không có nguồn nước tưới thì vườn cà phê chỉ còn cách chờ chết thôi. Gia đình đã cố gắng đi tìm nguồn nước nhưng không còn, thực sự hết cách rồi. Giờ chỉ còn biết cầu trời mưa xuống nhanh để cứu cà phê”, anh Glil buồn bã.

Cách đó không xa, vườn cà phê của gia đình anh Joanh (làng Kluh Yeh, xã Ia Lang) còn thê thảm hơn khi đã bị cháy khô hết toàn bộ hơn 600 cây. Để cứu vãn, anh Joanh đã thuê người khoan giếng với hi vọng có nước tưới cho cây trồng. Tuy nhiên sau mấy ngày khoan, nước vẫn không có, vườn cà phê thì nguy có mất trắng.

“Trước đây, vườn cà phê của gia đình còn rất xanh tươi, hoa trổ bông rất đẹp. Nhưng chỉ khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, tình trạng hạn hán khiến nguồn nước cạn kiệt, dẫn đến cà phê dần héo úa, cháy khô”, anh Joanh cho biết.

Ông Nguyễn Văn Thân, cán bộ địa chính - nông nghiệp xã Ia Lang cho biết, trước tình hình khô hạn kéo dài, chính quyền địa phương cũng đã xác định có nhiều diện tích cà phê của người dân bị cháy khô. Hiện địa phương đang thông báo cho các thôn làng nhanh chóng kê khai diện tích cà phê bị chết do nắng hạn, đồng thời thành lập các tổ để kiểm tra, xác minh diện tích cà phê bị chết cháy cũng như mức độ thiệt hại để hỗ trợ người dân phục hồi đối với cây lâu năm này.

Mong muốn được đầu tư công trình thủy lợi

Xuôi về xã Ia Kriêng (huyện Đức Cơ), diện tích cà phê bị cháy khô cũng đang xảy ra trên diện rộng. Một số hộ dân chua chát cho biết, nếu trong vài ngày tới không có nước, cà phê của phần lớn bà con trong vùng sẽ bị chết khô.

Để cứu vườn cà phê, nhiều hộ dân tập trung khoan giếng nhưng vẫn không có nước. Ảnh: Tuấn Anh.

Để cứu vườn cà phê, nhiều hộ dân tập trung khoan giếng nhưng vẫn không có nước. Ảnh: Tuấn Anh.

Theo báo cáo của UBND xã Ia Kriêng, trên địa bàn xã đã có hơn 14ha cà phê bị cháy khô với mức độ thiệt hại từ 30 - 50%, giá trị ước tính hàng trăm triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Ia Kriêng cho biết, trên địa bàn xã hiện có 2 nhánh suối nhỏ nhưng đã khô cạn. Mặt khác, trên địa bàn chưa có hệ thống thủy lợi để tích nước vào mùa khô. Trong khi đó, người dân cũng đã tích cực khoan giếng nhưng phần lớn đều đã cạn kiệt nguồn nước.

“Bây giờ chịu thôi, khe suối cũng như giếng khoan hết nước thì không còn giải pháp nào cả. Bây giờ chỉ còn cách hỗ trợ thiệt hại cho người dân theo Nghị định 02 của Chính phủ. Theo đó, xã sẽ thống kê mức độ thiệt hại rồi đề xuất cấp trên hỗ trợ người dân phục hồi cây trồng”, ông Quang chia sẻ.

Theo ông Quang, về giải pháp lâu dài, cần phải xây dựng hệ thống thủy lợi mới có thể đảm bảo nguồn nước tưới. Hiện địa phương đã đề xuất lên tỉnh Gia Lai xây dựng hệ thống đập thủy lợi trên địa bàn nhưng vẫn chưa được phê duyệt kế hoạch.

Nông dân bất lực nhìn những vườn cà phê bị cháy khô. Ảnh: Tuấn Anh.

Nông dân bất lực nhìn những vườn cà phê bị cháy khô. Ảnh: Tuấn Anh.

Thời gian qua, huyện Đức Cơ sẽ là một trong những địa phương chịu thiệt hại nghiệm trọng nhất do khô hạn. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện đã có gần 170ha cây trồng, chủ yếu là cà phê bị thiệt hại do thiếu nước tưới.

Trước tình hình này, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Đức Cơ đã chỉ đạo các địa phương tập trung ứng phó với hạn hán, thiếu nước trên địa bàn. Theo đó, chủ động nạo vét các ao, hồ, giếng nước để phục vụ sinh hoạt. Đồng thời thống kê các diện tích cây trồng bị thiếu nước, thiệt hại để có biện pháp xử lý.

Ông Nguyễn Quốc Tư, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đức Cơ cho biết, những diện tích cà phê bị cháy khô trên địa bàn phần lớn do người dân chủ quan không làm hồ chứa nước hoặc giếng khoan để chủ động nguồn nước tưới trong mùa khô hạn. Trong khi đó, nhiều hộ dân mặc dù đã chủ động được nguồn nước tưới nhưng với tình hình hạn hán kéo dài như năm nay thì cũng đang cạn kiệt.

“Giải pháp nước tưới lúc này rất khó khăn do không có mạch nước ngầm để hỗ trợ người dân chống hạn. Cách duy nhất là chờ mưa và tổ chức kiểm kê diện tích cà phê bị thiệt hại để đề nghị hỗ trợ theo quy định của nhà nước”, ông Nguyễn Quốc Tư, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đức Cơ nói và cho biết, về lâu dài, thiết tha mong tỉnh Gia Lai quan tâm đầu tư công trình thủy lợi, nhất là tại xã Ia Lang và ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm trên cây cà phê để người dân chủ động được nguồn nước tưới.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.