| Hotline: 0983.970.780

Hàng loạt 'tàu ma' nằm ở biên giới sông Hồng

Thứ Sáu 03/03/2023 , 10:28 (GMT+7)

Trước khung cảnh cả trăm con 'tàu ma' hoen gỉ nằm ở biên giới sông Hồng thuộc địa phận xã Bản Vược (huyện Bát Xát, Lào Cai), ai thấy cũng không khỏi rùng mình.

IMG_1379

Những con "tàu ma" nằm ở biên giới sông Hồng thuộc địa phận xã Bản Vược (huyện Bát Xát, Lào Cai). Ảnh: Hải Đăng.

"Tàu ma" trên sông biên giới

Bản Vược nằm cách trung tâm thành phố Lào Cai khoảng 20km. Khu vực này trước đây khá sôi động bởi không chỉ là ngã ba, điểm đầu để rẽ đi các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Bát Xát.

Muốn lên Mường Vi, Bản Xèo, Mường Hùm… hay rẽ nhánh sang Cốc Mỳ, Trịnh Tường… các xe đều phải đi qua đây.

Bản Vược còn có một tên gọi khác, theo cách dân dã, “cây 0” (km 0). Chỉ cần nhắc tên, địa danh này, ai đã từng buôn bán hàng hóa qua biên đều biết, thậm chí rõ tận đường đi, lối vào. 

Từ đây ra cửa khẩu phụ Bản Vược chỉ vào bước chân, bên kia bờ sông Hồng là nước bạn Trung Quốc. 

Trái với cảnh sầm uất của những năm trước, khu vực cửa khẩu phụ giờ vắng tanh, không người qua lại. Ở đây chỉ còn vài chục nóc nhà, đó là những hộ dân chờ được di dời đi theo quy hoạch mới xây dựng khu cửa khẩu phụ Bản Vược.

Không còn hàng hóa qua lại, những bến bãi nằm ở biên giới sông Hồng cỏ mọc, lau sậy cao tận đầu người. Các bậc thềm đá cho tàu cập bến lên xuống hàng hóa không có bước chân người đi lại nay rêu phong phủ kín.

Tuy nhiên, cả trăm con tàu ở cửa khẩu phụ Bản Vược vẫn nằm đó, như dấu tích một thời huy hoàng của nơi này. Các con tàu này ở trạng thái không thể thoạt động. Tất cả đều hoen rỉ do nắng, mưa và đã lâu không được chăm sóc bảo trì, bảo dưỡng…

“Mấy năm nay dịch bệnh toàn để không, trước chạy sầm uất lắm, bây giờ có hàng đâu mà ai thuê. Ở đây tàu để không mấy năm rồi”, một người dân cho biết.

Tàu nằm trên bãi bồi, cái nằm dưới sông, được chằng, neo lại với nhau bằng những sợi dây thừng.

Qua cửa khoang lái, bên trong những con tàu các thiết bị đều đã hỏng. Chỉ còn lại bánh lái tàu, tay ga số là còn nguyên hình dạng, nhưng cuốn dày đặc mạng nhện do lâu ngày không ai sử dụng.

Khu cảnh ảm đạm, tiêu điều qua những ô cửa của các con tàu ở đây khiến người ta mường tượng tới những cảnh trong phim kinh dị, những con “tàu ma” không người, vật vờ trên sông. Thế nhưng, chúng đều có chủ sở hữu nhưng không hiểu tại sao đến thời điểm này người ta vẫn không di dời đi mà để mặc ở trên sông biên giới, sông Hồng.

IMG_1351

Không khỏi rùng mình khi vào bãi "tàu ma" ở sông biên giới. Ảnh: Hải Đăng

Vì sao không di dời?

Leo qua các con tàu tại khu vực có nhiều “tàu ma” nhất trên sông biên giới, hầu hết đều hư hỏng nặng. Bên trong các khoang tàu một số đã thấm nước, cỏ mọc, cá bơi bên trong. Trước đây, mỗi khoang tàu này có thể vận chuyển được hàng chục tấn hàng hóa.

Các con tàu ở đây được đánh số thứ tự với ký hiệu HG, mà theo người dân đây là tên viết tắt của chủ sở hữu. 

Theo ông Ngô Hoàng Sơn, Chủ tịch UBND xã Bản Vược, các con tàu sắt này của nhiều đơn vị gồm Công ty Hương Giang, Thiên Hà, Bắc Sông Hồng…

“Mặc dù, các bến bãi, tàu nằm trên địa phận của xã nhưng việc neo đậu dưới sông do biên phòng quản lý, vì xã chỉ quản lý trên bờ”, ông này cho hay.

Liên quan, việc biên giới sông Hồng có nhiều tàu cũ nát neo đậu, theo trung tá Phạm Minh Xuân, Đồn trưởng Đồn biên phòng Bát Xát (Lào Cai), do mới luân chuyển công tác nên đang nắm bắt lại việc này, tuy nhiên số tàu trên sông là của nhiều công ty.

Cũng theo trung tá Phạm Minh Xuân, các công ty đã cam kết cắt bỏ làm sắt vụn những con tàu này và dùng cẩu cẩu lên dần dần. Có nhiều tàu được các công ty bán thanh lý.

Trong khi đó, quy định đối với việc neo đậu tàu thuyền tại Điều 65 Nghị định 58/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải thì “khi tàu thuyền đã neo đậu an toàn tại vị trí được chỉ định, máy chính của tàu phải được duy trì ở trạng thái sẵn sàng hoạt động khi cần thiết; tàu thuyền phải được chiếu sáng vào ban đêm khi tầm nhìn bị hạn chế và duy trì đủ các báo hiệu, dấu hiệu cảnh báo theo quy định”…

Trong khi đó, ghi nhận những “tàu ma” neo đậu tại đây, chủ yếu là tàu đã cũ nát, xuống cấp, không trong trạng thái vận hành được. Vì vậy, có thể gây nguy hiểm khi xảy ra mưa bão, nước lũ dâng cao…

Chủ một cơ sở chuyên thu mua phế liệu ở Vĩnh Phúc cho biết, các tàu sắt cũ nằm ở sông biên giới nên việc lai dắt tàu đi nơi khác khá phức tạp. Tàu được làm bằng sắt hộp và tôn nên giá thu mua rẻ, chưa kể việc cắt tàu xong phải vận chuyển đi nơi khác, chi phí cao. Do vậy, cũng không dễ để thanh lý số tàu sắt nói trên.

Tới nay, sau nhiều năm, cả trăm con tàu sắt tiếp tục nằm phơi mưa nắng… Mặc cho những con tàu một thời hoàng kim đang biến thành những “tàu ma" trên sông biên giới, bất chấp các quy định an toàn hàng hải.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.