| Hotline: 0983.970.780

Hàng nghìn ha rừng ở Hải Phòng trước nguy cơ hỏa hoạn

Chủ Nhật 06/10/2024 , 11:21 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Gần 1 tháng sau bão, những cây gỗ và cành, lá rụng tại các khu rừng ở Hải Phòng đã trở thành vật liệu dễ cháy làm cho nguy cơ hỏa hoạn tăng cao.

Một khu rừng trồng tại xã Trân Châu, huyện Cát Hải gần 1 tháng sau bão. Ảnh: Đinh Mười.

Một khu rừng trồng tại xã Trân Châu, huyện Cát Hải gần 1 tháng sau bão. Ảnh: Đinh Mười.

Tính đến đầu tháng 10/2024, sơ bộ thống kê, toàn thành phố Hải Phòng có hơn 7,2 nghìn ha rừng bị thiệt hại, trong đó thiệt hại hoàn toàn hơn 900 ha và thiệt hại từ 50-70% có hơn 2,3 nghìn ha. Diện tích bị thiệt hại nặng tập trung chủ yếu tại các khu vực rừng trồng.

Các địa phương có diện tích rừng thiệt hại nhiều như huyện Cát Hải khoảng 4.181,25 ha; huyện Thủy Nguyên khoảng 1.359 ha; huyện Tiên Lãng khoảng 838 ha; quận Đồ Sơn khoảng 559,77 ha; quận Kiến An khoảng 82,07 ha; huyện An Lão thiệt hại khoảng 70 ha,…

Hiện tại, thời tiết đã ổn định việc thống kê, khắc phục hậu quả đã cơ bản nhưng nguy cơ cháy rừng đang trở thành mối đe dọa lớn đối với các khu rừng bị ảnh hưởng, đặc biệt tại nhưng khu vực rừng trồng, sát khu dân cư.

Trước thực tế này, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành công điện yêu cầu UBND các quận, huyện tăng cường phòng cháy chữa cháy rừng cũng như tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở về quản lý, bảo vệ rừng sau bão.

Những cây gỗ bị đổ, cành và lá cây rụng đã khô, trở thành vật liệu dễ cháy nằm ngổn ngang tại nhiều cánh rừng. Ảnh: Đinh Mười.

Những cây gỗ bị đổ, cành và lá cây rụng đã khô, trở thành vật liệu dễ cháy nằm ngổn ngang tại nhiều cánh rừng. Ảnh: Đinh Mười.

Sở NN-PTNT được giao đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tổ chức quản lý, bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng hiện có, tăng cường công chức kiểm lâm xuống các vùng trọng điểm nguy cơ cao.

Giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà và các chủ rừng có trách nhiệm quản lý, bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng được yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời thực hiện chế độ báo cáo cho cơ quan kiểm lâm sở tại khi có những biến động về rừng.

Các đơn vị liên quan như công an, quân đội,… cũng được giao sẵn sàng xây dựng các phương án, bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư tham gia chữa cháy rừng. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó cháy rừng và tăng cường tuần tra, đấu tranh, ngăn chặn phá rừng, buôn bán lâm sản trái phép.

Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở NN-PTNT tuyên truyền, phổ biến bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trong trường học. Còn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc được giao chỉ đạo tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Cùng với đó cần nhanh chóng thành lập các tổ đội tham gia chữa cháy rừng tại địa phương để sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng khi có yêu cầu.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.