| Hotline: 0983.970.780

Hàng trăm ha đất nông nghiệp bị ảnh hưởng do đập ngăn mặn xuống cấp

Thứ Sáu 15/09/2023 , 18:00 (GMT+7)

Các công trình đập ngăn mặn sau nhiều năm sử dụng bị hư hỏng, xuống cấp khiến cho hàng trăm ha đất nông nghiệp bị ảnh hưởng, thậm chí chấp nhận bỏ hoang.

Đập ngăn mặn Đồng Hương sau gần 20 năm sử dụng đã xuống cấp, không còn phát huy được hiệu quả. Ảnh: L.K.

Đập ngăn mặn Đồng Hương sau gần 20 năm sử dụng đã xuống cấp, không còn phát huy được hiệu quả. Ảnh: L.K.

Cách đây 20 năm, đập ngăn mặn, trữ ngọt Quỳnh Lưu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) được đầu tư xây dựng. Mục đích của công trình là ngăn nước mặn xâm nhập, trữ nước ngọt và tiêu thoát nước lũ nhằm đảm bảo điều kiện sản xuất cho 150ha đất lúa của người dân thuộc thôn Châu Thuận Đông và Phú Quý.

Sau một thời gian dài sử dụng cùng với tác động của nước biển, đến nay, con đập này đã xuống cấp trầm trọng. Đập có tất cả 5 cửa van tiêu thoát lũ, ngăn mặn nhưng bây giờ tất cả đều không còn vận hành. Hệ thống bi lăn bị ô xy hóa do nước mặn nên phải sử dụng sức người để kéo. Cùng với đó, nhiều thiết bị sắt thép của công trình cũng hoen gỉ, các mảng bê tông nứt vỡ.

Các đập ngăn mặn xuống cấp ảnh hưởng đến hàng trăm ha đất sản xuất lúa của người dân. Nhiều diện tích năm suất giảm, có những diện tích phải bỏ hoang. Ảnh: L.K.

Các đập ngăn mặn xuống cấp ảnh hưởng đến hàng trăm ha đất sản xuất lúa của người dân. Nhiều diện tích năm suất giảm, có những diện tích phải bỏ hoang. Ảnh: L.K.

Trước tình trạng này, chính quyền địa phương đã nhiều lần tiến hành sữa chữa nhưng do hư hỏng quá nặng nên công tác khắc phục cũng không mang lại nhiều tác dụng. Điều này khiến cho năng lực điều tiết nước để ngăn mặn, giữ ngọt của công trình không còn hiệu quả. Đặc biệt, những năm gần đây, hiện tượng triều cường dâng cao, nước mặn xâm nhập sâu vào đồng ruộng khiến cho việc sản xuất lúa của bà con càng thêm phần khó khăn.

Ông Trần Châu Dũng (trú thôn Phú Quý, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) cho biết: “Nếu như trước đây, khi con đập này vẫn hoạt động tốt thì bà con canh tác đều đặn 2 vụ lúa mỗi năm. Thế nhưng, đến nay do đập hư hỏng nên chỉ có thể sản xuất được 1 vụ nhưng năng suất cũng rất thấp. Đó là chưa kể mỗi khi gieo sạ, nước mặn xâm nhập gây chết lúa non, phải gieo đi gieo lại nhiều lần, rất tốn kém và mất công”.

Hệ thống van vận hành bị gỉ sét, hư hỏng không còn năng lực vận hành. Ảnh: L.K.

Hệ thống van vận hành bị gỉ sét, hư hỏng không còn năng lực vận hành. Ảnh: L.K.

Tình trạng xuống cấp tương tự cũng đang xảy ra đối với đập ngăn mặn Đồng Hương tại thôn Châu Tử (xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn). Được đầu tư và đưa vào sử dụng từ năm 2007, đến nay hạng mục cống điều tiết nước của đập thể vận hành, bề mặt bê tông, cửa van đã mục nát. Nước mặn thông qua các cống, van này tràn qua cánh đồng khiến cho 100ha đất nông nghiệp bị ảnh hưởng, trong đó có hơn 30ha lúa của người dân bị nhiễm mặn, không sản xuất được, đành bỏ hoang.

Ông Nguyễn Mạnh, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp 2, xã Bình Nguyên cho biết, khoảng 10 năm qua, hệ thống đóng mở của đập ngăn mặn Đồng Hương bị hư hỏng gần như hoàn toàn, không sử dụng được. Trong vụ đông xuân, khi thủy triều lên ngập từ 80 – 100ha nên phải chờ nước rút, độ mặn thích hợp mới gieo sạ. Do đó, khu vực này thường sạ muộn hơn so với lịch thời vụ chung của toàn tỉnh kéo theo đó năng suất lúa bị sụt giảm.

Các hạng mục bằng bê tông đã nứt gãy. Ảnh: L.K.

Các hạng mục bằng bê tông đã nứt gãy. Ảnh: L.K.

“Trong nhiều lần tiếp xúc cử tri HĐND các cấp từ huyện đến tỉnh, chúng tôi cũng đề nghị nhà nước đầu tư kinh phí để khắc phục hệ thống đóng mở này nhằm đảm bảo điều kiện cho người dân tiếp tục sản xuất”, ông Mạnh nói.

Trước những kiến nghị của người dân và chính quyền địa phương, UBND huyện Bình Sơn đã tiến hành thành lập đoàn kiểm tra hiện trạng và xác nhận tình trạng hư hỏng của 2 đập ngăn mặn ở xã Bình Châu và Bình Nguyên. Đồng thời chỉ đạo các phòng ban liên quan tham mưu để UBND huyện bố trí kinh phí sữa chữa. Dự kiến kinh phí sữa chữa 2 công trình này khoảng gần 900 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bình Sơn cho biết: “Đến nay, UBND xã Bình Châu và UBND xã Bình Nguyên đã có tờ trình dự toán kinh phí gửi cho UBND huyện. UBND huyện Bình Sơn đã giao cho Phòng NN-PTNT và Phòng Tài chính  - Kế hoạch kiểm tra, xem xét hồ sơ để trình UBND huyện quyết định hỗ trợ kinh phí trong thời gian sớm nhất”.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.