| Hotline: 0983.970.780

Hàng trăm tỷ đồng biến rừng đặc dụng thành điểm du lịch

Thứ Hai 15/07/2024 , 15:39 (GMT+7)

Bắc Kạn thu hút đầu tư vào Khu Bảo tồn loài – sinh cảnh Nam Xuân Lạc và Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ, biến nơi này thành các điểm du lịch hấp dẫn.

Rừng Nam Xuân Lạc có hệ động, thực vật phong phú. Ảnh: Ngọc Tú. 

Rừng Nam Xuân Lạc có hệ động, thực vật phong phú. Ảnh: Ngọc Tú. 

Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Nam Xuân Lạc (huyện Chợ Đồn) có diện tích hơn 4.155ha, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt hơn 2.552ha, phân khu phục hồi sinh thái gần 1.600ha, vùng đệm trong 8ha, trên địa bàn các xã Xuân Lạc, Bản Thi, Đồng Lạc.

Khu bảo tồn này có 670 loài thực vật bậc cao, trong đó 63 loài có giá trị bảo tồn, 54 loài quí hiếm, 50 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, 9 loài được ghi trong Danh lục đỏ IUCN. Một số loài thực vật quý hiếm như nghiến, trai, đinh, các loài lan và một số loài dược liệu quý khác.

Về động vật, khu bảo tồn này ghi nhận sự có mặt của 129 loài thú thuộc 7 bộ, 12 họ, trong đó 59 loài có giá trị bảo tồn, 47 loài chim, 12 loài bò sát, một số loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam, một số loài đặc biệt quý hiếm như khỉ đen, khỉ mốc, cu li lớn, cu li nhỏ, gấu chó, vạc hoa.

Ngoài giá trị đa dạng sinh học, khu bảo tồn này còn sở hữu loạt hệ thống di tích mỏ chì kẽm lớn nhất Việt Nam ở xã Bản Thi, được khai thác từ thời Pháp thuộc. Nhiều di tích từ thời Pháp khai thác quặng hiện vẫn còn, như hệ thống đường lò, cáp tời quặng, đường xếp đá xuyên những cánh rừng.

Hệ thống cáp tời quặng từ thời thực dân Pháp khai thác quặng ở Bản Thi hiện vẫn còn khá nguyên vẹn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Hệ thống cáp tời quặng từ thời thực dân Pháp khai thác quặng ở Bản Thi hiện vẫn còn khá nguyên vẹn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Ông Lường Quốc Hải, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn loài – sinh cảnh Nam Xuân Lạc cho biết, hệ thống đường kè đá do thực dân Pháp xây dựng để khai thác khoáng sản dài khoảng 20km nên rất thuận lợi cho phát triển du lịch. Du khách có thể di chuyển tương đối dễ dàng để trải nghiệm khu bảo tồn. Trong khu bảo tồn còn có nhiều hầm đá và 2 thung lũng có cảnh quan đẹp đã lập bản đồ quy hoạch làm khu hành chính dịch vụ, đây là những điểm nhấn thú vị trong rừng Nam Xuân Lạc.  

Theo đề án được UBND tỉnh Bắc Kạn phê duyệt, Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Nam Xuân Lạc sẽ xây dựng 5 điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, gồm: Cầu Mục-Lũng Trang, Lũng Lỳ, Bản Thi 1, Bản Thi 2 với tổng số 9 tuyến du lịch. Tổng mức đầu tư khái toán của đề án hơn 330 tỷ đồng, bao gồm nguồn vốn kêu gọi đầu tư xã hội hóa và nguồn hợp pháp khác trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Mới đây, Ban quản lý Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Nam Xuân Lạc đã phát thông báo mời thuê dịch vụ môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong khu bảo tồn.

Còn tại Khu Dự trữ thiên nhiên nhiên Kim Hỷ,  tỉnh Bắc Kạn dự kiến thu hút hơn 136 tỷ đồng gồm vốn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa, thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ sẽ phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm, du lịch khám phá cảnh quan thiên nhiên và du lịch văn hóa.

Mục tiêu của đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ nhằm tạo nguồn tài chính bền vững đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Đồng thời, đây cũng là sản phẩm đặc sắc góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch của tỉnh, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương và tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Khu Dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ được bao bọc bởi những bản làng đồng bào người Tày với nhiều nét văn hóa độc đáo là điều kiện thuận lợi phát triển du lịch. Ảnh: Ngọc Tú. 

Khu Dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ được bao bọc bởi những bản làng đồng bào người Tày với nhiều nét văn hóa độc đáo là điều kiện thuận lợi phát triển du lịch. Ảnh: Ngọc Tú. 

Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ có diện tích rừng và đất rừng hơn 15.000ha nằm trên địa bàn các xã Văn Lang, Lương Thượng, Kim Hỷ, Côn Minh (huyện Na Rì) và các xã Cao Sơn, Vũ Muộn, Sỹ Bình (huyện Bạch Thông). Qua điều tra thực địa, phân tích đánh giá, các chuyên gia nhận định, nơi đây giàu tiềm năng phát triển các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ lưu giữ nhiều giá trị văn hóa di tích lịch sử lâu đời của cộng đồng dân cư bản địa.

Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 12/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn về phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 xác định phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ đã được định hướng trở thành một trong những trọng điểm du lịch của tỉnh. 

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.