Hải cười, sờ lên đầu mình:
- Cũng may mà chưa đến nỗi như Tưởng Giới Thạch lúc bị bắt ở Tây An. Em có biết chuyện gì xảy ra với Tưởng khi đó không? Chỉ sau một đêm suy nghĩ, tóc ông ta đã bạc trắng.
- Anh gặp chuyện gì trắc trở trong công việc à. Đừng giấu, hãy nói cho em biết đi. Biết đâu em có thể giúp anh điều gì đó.
- Không. Công việc chuyên môn thì không có gì trắc trở cả. Nhưng đúng là có việc. Đang cần đến sự hợp tác, giúp đỡ của em đây.
- Anh nói đi. Nói đi. Chỉ cần anh yêu cầu là em sẵn sàng, bất kể đó là việc gì.
- Được. Nhưng hãy ăn sáng đã. Rồi đến lúc ngồi cà phê, anh sẽ nói.
Khi hai người đã ngồi bên nhau trước hai phin cà phê, Hải mới cho Dung biết về cuộc đối thoại đêm qua với bố mình và những suy nghĩ, trăn trở của anh. Càng nghe, Dung càng ngạc nhiên, đến mức cô há hốc miệng ra:
- Thật thế hả anh?
- Rất thật. Thật như là anh và em đang sánh vai nhau trước hai cốc cà phê này vậy.
- Thế ý anh thế nào?
- Tìm mọi cách tác động đến những người đứng đầu các cơ quan chức năng, và bố anh, bố em, để mọi người dừng dự án đó lại, không cấp phép đầu tư, nếu Tập đoàn Thành Hưng không thay đổi đánh giá tác động môi trường của dự án, không đầu tư công nghệ tiên tiến nhất để xử lý chất thải.
- Bắt đầu từ đâu?
- Trước hết, chúng mình sẽ làm việc với Giám đốc Sở Môi trường, rồi lần lượt đến các vị khác. Một mặt, đề nghị các chuyên gia, các nhà khoa học trên cả nước và báo chí lên tiếng, cảnh báo. Tạo thành một áp lực rộng rãi về dư luận. Rồi cuối cùng sẽ tác động đến bố anh, bố em.
- Được. Chúng mình sẽ hành động ngay, để cứu lấy môi trường.
Rời quán ăn, họ đến thẳng phòng TS. Nguyễn Văn Lưu, Giám đốc Sở Môi trường. Thấy họ, ông Lưu vui vẻ:
- Chà, thật là một cặp trời sinh, thanh mai trúc mã. Cô Dung hôm nay đến đây có việc gì thế? Đúng là rồng đến nhà tôm. Mời cô uống nước đi.
- Em theo anh Hải đến đây chơi, thăm anh thôi.
Hải vào đề luôn:
- Em muốn trao đổi với anh về dự án dệt-nhuộm của Tập đoàn Thành Hưng. Theo khoản 4, điều 22 Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005, thì dự án chỉ được phê duyệt, cấp phép đầu tư sau khi đánh giá tác động môi trường của dự án được duyệt. Anh đã thẩm định, và đã phê duyệt bản đánh giá tác động môi trường của dự án dệt - nhuộm của Tập đoàn Thành Hưng rồi phải không?
- Tất nhiên là thế. Nhưng, đây có phải là lĩnh vực mà Hải được phân công đâu, tại sao cậu lại quan tâm đến chuyện đó?
- Tuy không được phân công, nhưng với trách nhiệm của một công dân, em thấy cần phải lên tiếng. Anh biết đấy, Bộ Kế hoạch đã nhiều lần cảnh báo trước làn sóng công nghệ của nước láng giềng nhập khẩu vào ta. Tất cả đều là công nghệ cũ kỹ, lạc hậu, có khả năng gây ô nhiễm môi trường rất cao. Điều này đã có tiền lệ trong các ngành nhiệt điện, mía đường, xi măng lò đứng...
Dự án dệt - nhuộm của Thành Hưng đầu tư vào tỉnh ta cũng không ngoại lệ. Đó là một công nghệ hết sức lạc hậu. Họ lợi dụng nhân công giá rẻ và chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của ta, để đẩy ô nhiễm sang ta.
Thuốc nhuộm và chất tẩy vải là những hóa chất vô cùng độc hai, có thể gây ung thư, lại được sản xuất từ nước họ, giá chỉ rẻ bằng một nửa, thậm chí bằng một phần ba so với hàng được sản xuất từ châu Âu hay Nhật Bản. Giá rẻ, đương nhiên là chất lượng kém, và có độ độc cao hơn.
Thế nhưng phần đánh giá tác động môi trường lại rất sơ sài, qua loa, chung chung và mơ hồ. Công nghệ xử lý chất thải cụ thể là công nghệ gì? Chất thải trước khi được xả vào môi trường đạt mức độ an toàn như thế nào? Khí thải cũng vậy, trước khi khí thải được xả vào không gian đã được xử lý bằng công nghệ nào? Hệ thống cảnh báo, đo lường ra sao? Đều không được nói đến.
Như vậy, cả chất thải, khí thải xả ra môi trường lẫn vải sợi sử dụng đều chứa đựng nguy cơ tồn dư chất độc rất cao. Về chất thải, thì môi trường của mình sẽ bị bức tử. Dân mình lãnh đủ. Tỷ lệ người mắc ung thư sẽ tăng cao. Còn vải sợi mà tồn dư chất độc thì khi may thành hàng hóa xuất khẩu, sẽ bị các nước như Mỹ, EU, Nhật, Hàn... từ chối. Còn nếu tiêu thụ trong nước thì người mặc cũng nhiễm độc.
- Tất cả những điều đó, mình đều biết cả, biết rõ. Nhưng... cậu nói thế để làm gì?
- Em đề nghị anh. Nếu anh đã thẩm định, đã phê duyệt rồi thì hãy hủy quyết định phê duyệt đó, để yêu cầu họ phải làm rõ những vấn đề trên, kỳ đến khi nào họ thực hiện đủ những yêu cầu của mình, thì mới chấp nhận.
Ông Lưu nhăn mặt, và bỗng dưng ông quay sang Dung:
- Cô Dung, cô thấy ý kiến của cậu Hải thế nào?
- Em rất đồng tình với anh Hải. Nên nhớ, đây là đất nước mình chứ không phải đất nước của họ, nên họ không cần bảo vệ. Họ tìm mọi cách để xả thải ra môi trường của chúng ta một cách ít tốn kém nhất, và chỉ đầu tư để sản xuất một thời gian ngắn, thu được lợi nhuận tối đa rồi rút. Nhưng còn chúng ta, thì đây là quê hương, là đất nước của ta. Nếu ta không cương quyết bảo vệ và giữ gìn, thì quê hương ta sẽ chỉ còn là một vùng đất bẩn thỉu, hôi thối và ngột ngạt.
- Ý kiến của cô cậu rất có lý, rất thuyết phục. Nhưng không thể được đâu. Vì tỉnh ta là tỉnh nghèo, GDP đầu người rất thấp. Nên Thường vụ đã có chủ trương: Để tăng GDP, chúng ta chỉ còn một cách duy nhất là trải thảm để chào đón các nhà đầu tư. Mà muốn các nhà đầu tư đổ tiền vào, thì phải có những chính sách ưu đãi riêng, không nên cứng nhắc.
- Nhưng anh còn là một nhà khoa học. Mà phẩm chất đầu tiên của nhà khoa học là trung thực, thẳng thắn. Không lẽ anh nhìn thấy nguy cơ môi trường bị tàn phá như thế, mà anh vẫn không thấy lương tâm cắn rứt ư?
- Nhà gì thì nhà, cũng phải chấp hành ý kiến của tổ chức. Phải lấy cái lợi ích lớn, là lợi ích kinh tế của toàn tỉnh, làm mục tiêu tối thượng.
Lưu liếc nhìn đồng hồ, và nói một câu đưa đẩy:
- Thôi thế này vậy nhé. Mình sẽ báo cáo những điều tâm huyết mà hai bạn vừa trình bày với hai cụ. Để hai cụ cho ý kiến. Rất có thể hai cụ sẽ lắng nghe, và có những chỉ đạo phù hợp. Còn trước mắt, Hải chỉ nên làm tốt nhiệm vụ được Sở phân công, không nên can thiệp vào những gì ngoài lĩnh vực phụ trách của mình. Xin lỗi hai bạn, mình phải đi dự một cuộc họp bên Ủy ban.