| Hotline: 0983.970.780

Hành trình gian nan của người đầu tiên đi bộ vòng quanh thế giới

Chủ Nhật 27/11/2022 , 19:38 (GMT+7)

Dave Kunst là người đàn ông đầu tiên đi bộ vòng quanh Trái Đất với quãng đường lên tới 23.255 km, hành trình trải dài trong suốt 4 năm.

Sinh ngày 16/7/1939, Dave Kunst dành phần lớn thời gian đầu đời ở Minnesota với một cuộc sống bình lặng. Nhưng vào ngày 20/7/1969, ông không giấu nổi cảm giác phấn khích khi chứng kiến  các phi hành gia Apollo hạ cánh trên Mặt Trăng và quyết định tìm kiếm cuộc phiêu lưu của riêng mình.

A1

Dave Kunst và vợ hai, Jenni Samuel, người ông gặp trên hành trình đi bộ vòng quanh Trái Đất của mình, hồi năm 2015. Ảnh: Facebook/Dave Kunst.

Quá buồn chán, Dave bắt đầu nảy sinh nhiều ý tưởng khác nhau. Theo Star Tribune, ông từng cân nhắc phiêu lưu đến vùng cực của Nam Mỹ hay lái xe qua vùng hẻo lánh của Australia.

Nhưng ông chủ của Dave tại một rạp chiếu phim địa phương đã gợi ý ông làm điều mà chưa ai từng làm trước đây. Tại sao anh không đi bộ vòng quanh thế giới? Dave, lúc đó 30 tuổi, ngay lập tức cảm thấy hứng thú. Ông rủ em trai mình, John, cùng tham gia và lập kế hoạch cho hành trình.

“John và tôi chưa bao giờ đến nơi nào khác”, Dave kể. “Chúng tôi khá bỡ ngỡ về vấn đề này. Chúng tôi đã trải tấm bản đồ thế giới ra giữa phòng khách và cố gắng vẽ nhiều vòng tròn nhất co thể”.

Ngày 20/6/1970, hai anh em lên đường với một con la tên Willie Makeit. Tờ Los Angeles Times lúc bấy giờ đưa tin hàng nghìn người đã tụ tập về Waseca để xem họ khởi hành và ban nhạc trường trung học ở địa phương đã chơi ca khúc "King of the Road" khi họ bước những bước đầu tiên trên hành trình của mình.

“Tôi chủ yếu làm việc này vì bản thân mình”, Dave Kunst nói. “Tôi quá chán với cuộc sống ở Waseca, mệt mỏi với công việc của tôi, mệt mỏi với những con người không muốn suy nghĩ và mệt mỏi vì vợ tôi. Đi bộ là một cách hoàn hảo để thay đổi tất cả những điều đó”.

Nhưng Dave không bao giờ tưởng tượng được cuộc hành trình sẽ đưa mình đến đâu.

Hướng về phía đông, Dave và John đầu tiên đi bộ đến thành phố New York, sau đó vượt Đại Tây Dương đến Lisbon, Bồ Đào Nha. Theo trang web chính thức của Dave Kunst, trên đường đi, hai người đã thu thập chữ ký và con dấu từ các thị trưởng và quan chức thành phố ở những nơi họ ghé qua.

Tại Monaco, họ đã có buổi tiếp kiến ​​với Công chúa Grace. Tại Italy, họ được gặp nhà thám hiểm người Na Uy nổi tiếng Thor Heyerdahl. Và ở Venice, hai anh em đã gây chú ý khi họ đi bộ qua thành phố, vì la và ngựa bị cấm trên các cây cầu và con đường hẹp ở nơi đây.

Sau khi đi bộ qua châu Âu, họ nhặt được một con chó ở Thổ Nhĩ Kỳ, mặc cả với một người lái lạc đà ở Iran, người muốn đổi lạc đà của anh ta lấy con la của họ, và vật lộn với cái nóng chết người ở Sa mạc Tử thần của Afghanistan.

A2

Dave ở Pháp vào năm 1971. Ảnh: Facebook/Dave Kunst.

Nhưng vào ngày 21/10/1972, bi kịch đã xảy ra. Một phóng viên đã đưa tin nhầm rằng hai anh em đi lên đường với rất nhiều tiền. Mặc dù trên đường đi, hai anh em chỉ kêu gọi những người mà họ gặp quyên góp tiền cho Quỹ Trẻ em, người phóng viên lại viết rằng họ đang trên đường mang tiền đến cho Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF). Một băng cướp đọc được tin liền quyết định nhắm đến họ.

Như báo chí đưa tin, 6 tên cướp đã tấn công Dave và John ở nơi cách thành phố Kabul, Afghanistan, gần 145 km về phía nam. Toán cướp bắn chết John và để lại Dave trên đường với vết đạn ở ngực. Vượt qua nghịch cảnh, Dave đã sống sót trong 8 giờ vật lộn giữa sa mạc cho đến khi có người tình cờ lái xe qua và cứu ông.

Dave được đưa về nhà ở Minnesota trong vài tháng để hồi phục, nhưng ông vẫn quyết tâm với hành trình của mình. Vì vậy, sau khi hoàn toàn lành lặn, ông một lần nữa lên đường để “cái chết của John không vô ích”.

Ngày 1/3/1973, Dave trở lại Afghanistan, đến đúng nơi John đã bị giết hại. Nhưng ông không tiếp tục chuyến đi một mình. Lần này, Dave đi cùng một người anh em khác, Pete. “Tôi muốn đảm bảo rằng hành trình được hoàn thành vì John”, Pete, cựu lính thủy đánh bộ Mỹ, nói.

Hai anh em đi bộ qua đèo Khyber ở Pakistan. Họ được cho là những người phương Tây đầu tiên thực hiện hành trình này kể từ thời Alexander Đại đế. Sau đó, họ đặt chân đến Ấn Độ. Mặc dù ban đầu họ dự định đưa Trung Quốc và Liên Xô vào lộ trình, nhưng cả hai nước đều từ chối cho họ nhập cảnh. Vậy nên, hai người lên đường đến Australia.

Nhưng giữa chặng đường du ngoạn Australia của Dave Kunst, mọi thứ bắt đầu diễn ra không như ý muốn. Sau khi Pete phải trở lại Mỹ để làm việc, con la của Dave đã chết vì lên cơn đau tim. Hành trình có nguy cơ đổ vỡ. Nhưng may mắn cho Dave, một phụ nữ Australia tên Jenni Samuel đã tình nguyện lái xe hơn 1.600 km cùng ông. Cô giúp Dave kéo chiếc xe thồ trong lúc ông đi bộ.

A3

Pete Kunst cùng những người thổ dân ở Pakistan. Ảnh: Facebook/Dave Kunst.

Từ Australia, Dave vượt Thái Bình Dương trở về Mỹ. Sau đó, từ Newport Beach, California, ông đi bộ về nhà ở Waseca, Minnesota. Hành trình của ông kéo dài 4 năm, ba tháng, 16 ngày. Theo trang web của Dave, ông đã vượt qua bốn lục địa và 13 quốc gia, đi bộ 23.255 km và làm hỏng 21 đôi giày.

Tuy nhiên, ở nhà, Dave vẫn không cảm thấy trọn vẹn. Ông đã hoàn thành chuyến phiêu lưu vĩ đại của mình và lập kỷ lục Guinness khi là người đầu tiên đi bộ vòng quanh Trái Đất, song vẫn thấy thiếu một thứ gì đó. Không lâu sau, ông ly dị vợ và bay tới Australia để ở bên Jenni Samuel.

Họ cùng nhau trở lại Mỹ một năm sau, kết hôn và chuyển đến California, nơi họ sống yên bình từ đó đến nay.

Hiện tại, Dave Kunst nói rằng những ngày phiêu lưu đã ở lại phía sau ông. “Tôi không phải một nhà thám hiểm đích thực”, ông nói với truyền thông hồi năm 2006. “Nhưng bạn không cần là một nhà thám hiểm vĩ đại để có một hành trình vĩ đại”.

(Theo ATI)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm