| Hotline: 0983.970.780

Hành trình kỳ lạ của 6 người đàn ông Mèo Vạc: Số phận Và Mý Mua

Thứ Sáu 01/08/2014 , 13:15 (GMT+7)

Ly Mý Na kể: “Trước khi bị lạc nhau, thằng Mua liên tục xin lỗi mọi người vì đã nghe theo lời rủ rê của Vừ Xì Già để rồi bị lừa sang Trung Quốc. Hắn nói rằng, nếu mà trở về được kiểu gì cũng tìm bố vợ hỏi tội, không biết nó có về được không”. / Hai năm làm người rừng

Sau cuộc bỏ trốn và lưu lạc, đến nay trong số 6 người đàn ông ở huyện Mèo Vạc (Hà Giang) đi sang Trung Quốc làm thuê đã có 5 người may mắn được trở về. Cả Vừ Già Pó và Ly Mý Na đều đã trải qua những cuộc hành trình kỳ lạ, vậy số phận những người còn lại thì sao?

Khi biết tin Ly Mý Na về bên biên giới tỉnh Lạng Sơn, Vừ Già Pó xin trưởng bản Lũng Lầu và chính quyền xã Khâu Vai được đi đón, dù Pó cũng chẳng biết tỉnh Lạng Sơn nằm ở chỗ nào.

Nhiều người không đồng ý nhưng Pó vẫn cứ nằng nặc đi cho bằng được. Kể cả ý tưởng đi về Hà Nội rồi mới bắt xe lên Hà Giang cũng là của Pó.

Pó nói với anh Lò Văn Hạnh, Chủ tịch MTTQ xã Khâu Vai, thế này: Thằng Na về rồi, vợ nó biết rồi, bố mẹ nó biết rồi. Anh em mình đưa nó xuống Thủ đô một chuyến cho biết rồi bắt xe về Hà Giang cho tiện. Có xe to, hôm trước em về một lần rồi.

Là Pó khoe vậy. Trong đoàn mới chỉ có Pó là được đi Hà Nội. Nghĩ cũng phải, ở vùng cao như Khâu Vai, như Mèo Vạc có ai được đi lại nhiều như Pó? Người ta đã tính rằng, chỉ riêng quãng đường Vừ Già Pó đi bộ khi bị lạc lên đến 5.800km. Đi qua rất nhiều nước, qua cả dãy Himalaya, qua cả vùng chiến sự giữa Ấn Độ và Pakistan.

Nhìn bề ngoài, Vừ Già Pó không khác gì một chàng trai Mông điển hình. Dáng đậm, da ngăm khỏe mạnh và rất vui tính. Ít ai biết rằng, sau cuộc hành trình lưu lạc có lẽ là kỷ lục thế giới, người đàn ông chỉ mới 37 tuổi này đã trở thành ông ngoại.

Nghe kể, sau khi Pó mất tích khoảng hơn một năm thì con gái lớn là Vừ Thị Chúa (18 tuổi) đi lấy chồng rồi sinh con. Họ không tổ chức đám cưới, chờ Pó về.

Toàn bộ cuộc hành trình kỳ lạ suốt hai năm trời, Vừ Già Pó vẫn nhớ như in. Từng miếng ăn người ta cho, từng bộ quần áo, từng cốc nước... rồi cả những lần bị đánh đập, những lần bị tra tấn thừa sống thiếu chết, những lần đi lạc vào khu vực chiến sự đầy rẫy xe tăng, súng ống mà đời Pó chưa bao giờ nhìn thấy (có lẽ là khu vực biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan).

Một cuộc hành trình mà bất cứ ai cũng nghĩ rằng “thoát chết được đã là may”, vậy mà Pó vừa kể vừa cười ha hả như thể người ta vừa đi du lịch về vậy. Dù tiếng Kinh nói còn bập bẹ nhưng Pó lại khoe là nhờ đi lạc mà anh biết cả... tiếng Anh.

Tại đồn cảnh sát Zila Neelum, thị trấn Athmuqam, Pakistan, nơi Pó bị giam giữ, nhiều lúc anh nghĩ rằng đời mình có lẽ không còn cơ hội quay về Lũng Lầu, về với vợ con được nữa.

Không có việc gì làm, Pó lò dò theo dõi mấy tay cảnh sát sở tại nói chuyện với nhau. Tất nhiên là chẳng hiểu gì, nhưng nhìn vào động tác tay chân của họ, cuối cùng cũng bỏ bụng được vài ba chữ. “Có việc gì cần là tao gọi pô - lít ơi (police - cảnh sát). Chỉ một chữ thôi mà bọn họ cũng hiểu rồi chạy đến”, Vừ Già Pó cười ha hả.

Như Pó kể thì tiếng Anh cũng chẳng cần phải học nhiều, cuối năm ngoái, một người đàn ông mở máy tính cho Pó xem hình ảnh cờ và tiền của các nước. Đến hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng, Pó nhảy cẫng lên hét “nhà tao, nhà tao”, vậy mà họ gật đầu, thế là hiểu chứ còn gì nữa.

Giữa tháng 5 vừa rồi, khi đang bị giam giữ ở Pakistan, một buổi sáng sớm Pó thấy có mấy pô -  lít vào áp giải lên xe rồi đưa đến một “nhà tù” rất lớn mà sau này anh mới biết đó là máy bay. Đi chừng nửa ngày lại chuyển sang một “nhà tù” khác. Đến lúc mở cửa ra thấy người Việt Nam, Pó mừng rớt nước mắt.

“Về nhà mới biết vì tao đi lạc mà vợ mất hai con bò, mỗi con 20 triệu để có tiền cho tao về. Nhưng thế cũng được, bò sau này sẽ mua được chứ người mà lạc mất thì có mua lại được đâu”, Pó lại nói bằng tiếng Mông, lại cười cười.

Ông Nông Văn Ngay, Phó Chủ tịch UBND xã Khâu Vai, cho hay: Thời gian gần đây, tình trạng người dân trên địa bàn trốn sang Trung Quốc làm thuê khá nhiều. Huyện Mèo Vạc có khoảng hơn 40 km đường biên giới, giáp 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc) có rất nhiều đường mòn, nên rất khó quản lý người dân vượt biên trái phép. Những người như anh Pó, anh Na may mắn trở về được, còn như Và Mý Mua không biết bao giờ mới trở về.

Ba người đàn ông khác ở Mèo Vạc đã trở về từ trước là Ly Mý Tử, Ly Mý Cho và Ly Mý Mua. Hành trình của họ không ly kỳ như Vừ Già Pó và Ly Mý Na nhưng cũng hết sức khổ cực.

Ly Mý Tử (SN 1987) là em trai Ly Mý Na. Khi có ý định chạy trốn khỏi “địa ngục trần gian” ở bên Trung Quốc, Tử và Na không chạy cùng với nhau. Tử, Mua, Cho đi một nhóm và cũng bị lạc nhau giữa rừng sâu. Sau gần 5 ngày đêm lưu lạc, cuối cùng họ gặp nhau trong nhà giam của Trung Quốc.

“Khi trời vừa chập tối, theo kế hoạch, chúng tao rời khỏi khu rừng. Không tiền bạc, không giấy tờ tùy thân, những ngày sau đó chỉ đi lang thang và nhặt nhạnh ăn những thứ gì vứt lại được trên đường. Chúng tao đi được 5 ngày 5 đêm, do đói quá, khát quá nên mọi người bắt đầu lạc nhau”, Tử kể.

Sau khi lạc hai người còn lại, Tử sống giữa rừng hơn một tháng, cuối cùng bị công an Trung Quốc bắt giữ và giam giữ đúng 3 tháng 20 ngày. Tại đây, Tử gặp lại hai người “bạn đồng hành” là Mua và Cho.

Một ngày, 3 người họ được hộ tống lên một chiếc xe thùng bịt kín, đi hết một ngày, một đêm thì đến Cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh). Thấy Bộ đội Biên phòng Việt Nam, họ biết mình đã thoát nạn.

Tử, Cho, Mua về được một thời gian thì Vừ Già Pó trở về. Cả 4 người kéo nhau sang xã Lũng Pù tìm Vừ Xì Già để hỏi tội nhưng Già đã bị công an bắt đi.

“Hắn tìm đến Lũng Lầu nhiều lần, nhưng lần nào bọn tao cũng từ chối. Cuối cùng hắn nói sang bên đó làm việc nhẹ nhàng nhưng lương cao, thấy ở quê khổ quá nên anh em mới bàn nhau theo. Ai ngờ bị nó lừa, phải đi lạc, may mà không chết”, mấy người đàn ông nói bằng tiếng Mông như thế.

Chúng tôi theo Vừ Già Pó, Ly Mý Tử và anh Lò Văn Hạnh, Chủ tịch MTTQ xã Khâu Vai đưa Ly Mý Na về Lũng Lầu. Cả bản Lũng Lầu, cả xã Khâu Vai vui như mở hội.

Theo tiếng Mông, Ly Mý Na có nghĩa là con chuột. Dân bản Lũng Lầu phấn khởi: Con chuột đi lạc đã về với bản rồi. Chỉ có duy nhất gia đình Và Mý Mua là buồn. Đến thời điểm hiện tại Mua đang ở đâu? Liệu có trở về được như Pó, như Na, như Tử không? Không ai biết được.

Và Mý Mua mới 24 tuổi, đã có vợ và một đứa con. Từ ngày Mua mất tích, căn nhà trên sườn dốc nơi cao nguyên đá trở nên hoang lạnh, trống trải. Không có Mua, không có người lao động nên cô vợ Vừ Thị Mỷ (SN 1994) đã đưa con gái Vừ Thị Pà về nhà bố mẹ đẻ ở.

Điều khó hiểu ở chỗ, bố đẻ của Pà chính là Vừ Xì Già, người đã môi giới cho nhóm của Pó, của Na và chính con rể mình đi sang Trung Quốc.

Ly Mý Na kể: “Trước khi bị lạc nhau, thằng Mua liên tục xin lỗi mọi người vì đã nghe theo lời rủ rê của Vừ Xì Già để rồi bị lừa sang Trung Quốc. Hắn nói rằng, nếu mà trở về được kiểu gì cũng tìm bố vợ hỏi tội, không biết nó có về được không”. (Hết)

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bưu điện Việt Nam sẵn sàng 18.000 tỷ đồng chi trả lương hưu tháng 5

Bưu điện Việt Nam chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) tháng 5/2024 cho hơn 3,3 triệu người sau kỳ nghỉ lễ 30/4.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm