Ngày 1/4 tại Hải Dương, Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam tổ chức Hội nghị thảo luận về những vướng mắc thực thi Luật Trồng trọt trong lĩnh vực giống cây trồng.
Hội nghị được tổ chức nhằm lắng nghe, chỉ ra những điểm còn vướng mắc, tìm sự thống nhất giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp trong việc thực thi những quy định của pháp luật xoay quanh việc sản xuất, kinh doanh giống cây trồng.
Làm rõ thêm việc gia hạn lưu hành
TS Nguyễn Trọng Khanh, Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đánh giá, Luật Trồng trọt được xem là thành tựu mới trong công tác quản lý và thực thi luật pháp về giống cây trồng. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm cần phải có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn để đảm bảo tính minh bạch, tránh tình trạng mỗi chủ thể hiểu theo một cách khác nhau. Từ đó, dễ phát sinh mâu thuẫn trong cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống.
Cụ thể, tại Khoản 4 Điều 13 Luật Trồng trọt quy định: “Việc cấp quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng được thực hiện đồng thời với việc cấp bằng bảo hộ giống cây trồng khi tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký công nhận lưu hành giống cây trồng đề nghị và đáp ứng các điều kiện về bảo hộ giống cây trồng theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ”.
Theo ông Khanh, ở đây mới đề cập đến công nhận lưu hành giống mới đi kèm với bằng bảo hộ. Tuy nhiên, trên thực tế, còn 2 đối tượng là giống hết thời hạn phải gia hạn lưu hành, có bằng bảo hộ và giống phải gia hạn lưu hành nhưng không có bằng bảo hộ. Câu hỏi đặt ra là phải ứng xử với 2 loại giống này như thế nào?
Nếu ứng xử 3 trường hợp này như nhau thì sẽ xảy ra việc giống được lưu hành nhưng không có bằng bảo hộ lại ngang bằng với giống được lưu hành nhưng có bằng bảo hộ. Như vậy, giá trị của việc cấp bằng bảo hộ theo Luật Sở hữu trí tuệ không có giá trị.
Cũng theo ông Khanh, tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 31 quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành giống cây trồng. Trong đó, tại Khoản 1 chỉ nêu 1 chủ thể (tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành), nhưng tại Khoản 2 lại có 2 chủ thể (tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc tổ chức, cá nhân được ủy quyền công nhận lưu hành giống cây trồng). Như vậy, ở đây giữa quyền và nghĩa vụ không tương thích.
Bên cạnh đó, việc ủy quyền đối với giống cây trồng không có bằng bảo hộ thì có thu phí hay không thu phí (gọi là lệ phí hay là phí), hay là để các doanh nghiệp tự do trao đổi với nhau. Ngoài ra, nếu một đơn vị là tác giả giống ủy quyền cho một chủ thể khác đăng ký gia hạn công nhận lưu hành thì cũng cần làm rõ là cả 2 chủ thể cùng có quyền lợi trong việc ủy quyền đó theo quy định hay mỗi chủ thể có quyền lợi khác nhau.
Nhùng nhằng công nhận đặc cách
Ông Mai Thanh Giang, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thái Bình băn khoăn: Trên cơ sở quy định tại Khoản 2 Điều 13 của Luật Trồng trọt, thời gian qua, HTX Bảo tồn và Phát triển mít dai vàng Hà Giang, xã Hà Giang (Đông Hưng, Thái Bình) đã làm thủ tục tự công bố lưu hành cho giống mít dai vàng bản địa. Khi gửi văn bản lên Cục Trồng trọt, Cục đã có có văn bản phản hồi gửi Sở NN-PTNT Thái Bình và HTX.
Văn bản nêu rõ, mít dai vàng bản địa đã tồn tại lâu dài trong sản xuất tại Thái Bình, giống mít này chưa có quyết định công nhận giống cũng như chưa có tên trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Do vậy, HTX liên hệ với Sở NN-PTNT nghiên cứu thực hiện thủ tục công nhận lưu hành đặc cách theo quy định tại Khoản 1 Điều 16.
Theo ông Giang, nếu theo văn bản của Cục Trồng trọt thì giống mít dai vàng này chưa có trong danh mục giống cây trồng, nếu công nhận đặc cách thì chủ của giống có thể hiểu là Sở NN-PTNT Thái Bình. Vậy, các đơn vị có được sản xuất kinh doanh không?
Bên cạnh đó, khi đăng ký vào danh mục giống cây trồng thì sẽ có nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh. Câu hỏi đặt ra là trong trường hợp có đơn vị sản xuất, kinh doanh giống kém chất lượng làm ảnh hưởng tới sản xuất thì cơ quan chức năng làm công tác thanh, kiểm tra sẽ tìm đến chủ sở hữu để xử phạt. Do đó, trong việc công nhận đặc cách, nếu chủ sở hữu là Sở NN-PTNT thì quyền và trách nhiệm sẽ như thế nào, điều này cần được quy định rõ ràng hơn.
Không nên đeo thêm “tròng” vào cổ nông dân
Ông Hà Huy Hoàng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Giống cây trồng Bắc Giang cho rằng, việc gia hạn công nhận lưu hành giống vô hình trung đã đưa những giống vốn đang được "phóng thích" ngoài xã hội trở thành độc quyền. Các đơn vị không gia hạn thì không được sản xuất, kinh doanh hoặc phải được sự đồng ý, cho phép của chủ thể đã tiến hành công nhận gia hạn lưu hành lại.
Việc này dẫn tới tình trạng doanh nghiệp lâu nay vẫn sản xuất, kinh doanh một giống, hiện đã có giống đóng bao, chuẩn bị đưa vào sản xuất, tuy nhiên, đơn vị tiến hành gia hạn công nhận lưu hành lại giống không đồng ý cho doanh nghiệp đó kinh doanh thì hệ lụy sẽ rất lớn. Bản thân doanh nghiệp và cả người dân đều phải chịu thiệt thòi. Doanh nghiệp bị đình trệ hoạt động, trường hợp muốn sản xuất, kinh doanh thì phải đạt được thỏa thuận về phí với đơn vị đã thực hiện gia hạn công nhận lưu hành (việc này đã xảy ra với số tiền không nhỏ).
Lúc này, doanh nghiệp sẽ phải bán tăng giá giống lên để bù vào chi phí. Như vậy, người chịu thiệt lớn nhất là nông dân, trong khi những năm trở lại đây, nông dân đã phải chịu cảnh “một cổ nhiều tròng” khi giá các loại vật tư đầu vào tăng cao, nếu giờ giá giống cũng tăng thì nguy cơ người dân bỏ ruộng là rất cao.
Hiện vụ mùa 2023 đang đến gần, nếu chưa đạt được thỏa thuận đối với đơn vị gia hạn công nhận lưu hành lại giống thì những đơn vị đang có giống khi kinh doanh sẽ không có giấy tờ hợp lệ. Khi đưa về các địa phương, cơ quan chức năng thanh, kiểm tra nếu chiếu theo quy định để xử phạt thì sẽ thiệt thòi cho doanh nghiệp. Do đó, kiến nghị Cục Trồng trọt có văn bản hướng dẫn cụ thể để tháo gỡ cho các doanh nghiệp trong khi mọi việc vẫn còn đang nhập nhằng.
Không có giống xã hội hóa, phải nghiêm chỉnh thực thi Luật
Bà Trần Thị Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giống cây trồng Quảng Ninh cho rằng, Luật Trồng trọt là công cụ hữu hiệu giúp các doanh nghiệp giống tham gia cuộc chơi khi hội nhập quốc tế. Tác giả giống ngoài quyền thì phải có nghĩa vụ, chịu trách nhiệm về chất lượng của giống đó.
Các đơn vị khác có thể sản xuất giống nhưng không thể đủ các tính trạng như giống ban đầu của tác giả tạo nên. Do đó, Luật Trồng trọt giúp khẳng định chân lý, nếu sản xuất giống chuẩn chỉ, duy trì được các tính trạng thì chắc chắn giống đó sẽ tồn tại bền vững trong sản xuất.
Theo bà Hồng, người tạo ra giống thì phải có công, nhưng song hành với đó phải duy trì trách nhiệm với sản xuất, xã hội là duy trì các tính trạng của giống. Do đó, cùng một giống mà mỗi nơi chọn tạo một kiểu thì không được. Cách làm như trước đây là khai thác tự do đã không còn phù hợp, nên các doanh nghiệp cần phải tiên phong đi đầu để thay đổi việc này.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt khẳng định, không có văn bản nào quy định có giống xã hội hóa. Trước đây, khi văn bản quy phạm pháp luật chưa rõ ràng, các doanh nghiệp tự do khai thác, sử dụng giống. Tuy nhiên, đã đến lúc các chủ thể phải ý thức được giống đó từ đâu mà có, ai là người chọn tạo, họ đã phải bỏ công sức, chi phí như thế nào để tạo ra giống. Chúng ta phải tôn trọng điều này.
“Tôn trọng quyền tác giả giống nhưng không cho phép đơn vị, cá nhân nào độc quyền giống. Các doanh nghiệp cần có cái nhìn tổng thể về vai trò của mình với xã hội, người dân, cộng đồng doanh nghiệp chứ không nhìn nhận vấn đề dưới góc độ quyền lợi của riêng mình”, ông Nguyễn Như Cường nhấn mạnh.