Những người Trung Quốc chọn cách về quê ăn Tết bằng xe máy. Ảnh: China Daily. |
Hành trình 3.100 km từ trường cấp ba về nhà dù dài vẫn không đủ sức khiến Sonam Wenjam, 17 tuổi, cảm thấy mệt mỏi hay chán nản bởi Tết là ngày đoàn tụ quan trọng nhất năm. Sonam Wenjam đến từ vùng Tây Tạng, phía tây bắc tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc, theo Xinhua.
Hôm 1/2, Sonam Wenjam đặt chân tới thành phố Tây Ninh, thủ phủ tỉnh Thanh Hải, sau 48 tiếng ngồi tàu từ thành phố Thẩm Dương, thủ phủ tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc. Cậu theo học trường trung học Tường Vũ Thẩm Dương đã được ba năm.
Từ Tây Ninh, Sonam Wenjam cùng các học sinh khác lại tiếp tục bắt xe buýt và mất khoảng 10 tiếng nữa để về tới nhà ở khu tự trị Ngọc Thụ Tây Tạng, cách đó khoảng 800 km. “Em nhớ mẹ nhất. Em vẫn nhớ như in cái ngày bố mẹ tiễn em ra bến xe cách đây ba năm. Lòng em trĩu nặng vì trường xa nhà quá, xa cả bố mẹ nữa”, Sonam Wenjam chia sẻ. “Giờ đây, em không thấy buồn nữa mà cảm thấy tự tin hơn hẳn. Đó là một trải nghiệm cần thiết để bản thân lớn lên”.
Tổng cộng 156 học sinh đã bắt các chuyến xe buýt để về quê hôm 1/2, ông Kumjo Doje, phó giám đốc cảnh sát giao thông Ngọc Thụ, cho hay. Sonam Wenjam và những học sinh trên đều tham gia một chương trình đưa thanh thiếu niên từ những vùng xa xôi hẻo lánh tại các tỉnh như Thanh Hải, khu tự trị Tây Tạng và khu tự trị Tân Cương đến học tập ở các trường tại miền trung, đông và nam Trung Quốc. Chương trình trên do chính phủ tài trợ hoàn toàn.
Năm nay, dự kiến 2.195 học sinh Ngọc Thụ đang học tập tại các tỉnh khác sẽ về quê ăn Tết, song đây chỉ là một nửa của số học sinh đã tham gia chương trình tài trợ của chính phủ. “Không phải tất cả học sinh đều tham gia hành trình ‘Xuân vận’, khi mà hệ thống giao thông phải chịu rất nhiều áp lực”, ông Kumjo Doje nói và thêm rằng cảnh sát Ngọc Thụ sẽ tăng cường nhân lực bảo vệ những chuyến xe buýt để đảm bảo an toàn cho học sinh. “Các tài xế xe buýt đều là những người giàu kinh nghiệm và quen thuộc điều kiện cầu đường. Một phần ba quãng đường từ Tây Ninh về Ngọc Thụ đều đóng băng. Xe cảnh sát sẽ đi trước xe buýt để dẫn đường”, Kumjo cho biết. “Chúng tôi đã làm công việc này 8 năm và năm nay, có 15 nhóm học sinh cần hộ tống”. Giáo viên cũng đi cùng chuyến xe với học sinh về nhà.
Tay xách nách mang, lỉnh kỉnh hành lý, đồ đạc là hình ảnh thường thấy ở những người tham gia hành trình “Xuân vận” ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Sonam Wenjam được tài trợ mọi chi phí khi đi học ở Thẩm Dương nhưng cha mẹ vẫn gửi cho em khoảng 1.000 tệ (158 USD) tiền tiêu vặt mỗi tháng. Tiền tiết kiệm Sonam Wenjam dùng để mua áo khoác và áo len làm quà cho gia đình. “Vài ngày nữa sẽ đến năm mới của người Tây Tạng rồi”, em háo hức nói.
Tại thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, vào một buổi sáng nắng nhưng lạnh cắt da cắt thịt hôm 1/2, ông Ma De, 48 tuổi, cũng chuẩn bị bắt đầu hành trình về quê ăn Tết, đoàn tụ gia đình. Ma mất khoảng 10 tiếng để đi từ Phật Sơn, nơi ông làm việc tại một nhà máy sản xuất phần cứng suốt 8 năm qua, đến thành phố Nam Ninh thuộc khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. “Rất khó để mua vé tàu”, Ma nói. “Tôi đã về nhà bằng xe máy vào dịp Tết như thế này được vài năm rồi”.
Ma là một trong hàng trăm công nhân xa quê làm việc tại đồng bằng Châu Giang quyết định chọn cách đi xe máy về quê ở các tỉnh Hồ Nam, Quý Châu, Phúc Kiến cũng như Quảng Tây. Theo cơ quan giao thông địa phương, có tới hơn 10.000 công nhân chọn xe máy làm phương tiện di chuyển về quê từ Quảng Đông trong năm nay.
“Thật may mắn, trời không mưa”, Ma vui vẻ thốt lên.
Nhiệt độ đã tụt sâu ở khu vực phía nam Trung Quốc những tuần gần đây và thời tiết lạnh giá được dự báo còn kéo dài. Tuy nhiên, sự hào phóng, rộng lượng của các nhà hảo tâm đã khiến những tài xế lái xe máy về quê cảm thấy ấm lòng hơn. Họ được các mạnh thường quân tài trợ tiền xăng xe và vận chuyển hành lý miễn phí.
Công ty xăng dầu Sinopec Quảng Đông đã phối hợp cùng một số công ty khác để tổ chức chương trình cung cấp nhiên liệu miễn phí cùng những dịch vụ gia tăng cho 10.000 tài xế đầu tiên về quê. “Chúng giúp giảm thiểu chi phí đáng kể cho hành trình”, Ma nói. Ông đã gửi hành lý về nhà trước qua dịch vụ vận chuyển không mất tiền của Bưu điện Trung Quốc, nhờ vậy, đồ đạc cũng bớt lỉnh kỉnh, việc lái xe trở nên thoải mái hơn. Tuy nhiên, theo ông Chen Chengmin, tổng giám đốc công ty Sinopec Quảng Đông, số lượng người lái xe máy về quê vài năm trở lại đây đã giảm. Nguyên nhân xuất phát từ thực tế là “thu nhập của công nhân tăng cao. Một số người chọn cách mua vé tàu cao tốc về quê, số khác thậm chí mua cả ôtô”, Chen cho biết.
Cảnh đông đúc tại một ga tàu Trung Quốc vào ngày bắt đầu cuộc “Xuân vận” hôm 1/2. Ảnh: Reuters. |