| Hotline: 0983.970.780

Hạt đường, cây mía & lá phiếu

Thứ Sáu 10/05/2019 , 09:05 (GMT+7)

“Tôi biết đang có những khoản tiền đến hạn phải trả, tôi đảm bảo từng xu của các bạn sẽ được thanh toán”, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cam kết khi đến bang Uttar Pradesh vận động tranh cử cho đảng Bharatiya Janata Party (BJP) của ông.

Đây được xem là lời hứa lấy lòng cử tri ấn tượng nhất của ông Modi khi đến thủ phủ mía đường của quốc gia sản xuất đường lớn nhất thế giới hiện nay.

Nông dân trồng mía Ấn Độ

Lời hứa đem đến hiệu quả tức thì, khi các cuộc biểu tình phong tỏa các tuyến đường sắt huyết mạch đến Uttar Pradesh tự giải tán. Nhưng nó chưa giải quyết được ngay thực trạng khá tồi tệ là hàng trăm nhà máy đường đang ngày một sa sút về tài chính cùng những khoản nợ lên đến nhiều tỷ USD với 50 triệu người trồng mía gần một năm qua.

Niti Ayog - cơ quan tư vấn thuộc Chính phủ Ấn Độ nhận định tình hình đã đến mức báo động. Hơn 12 triệu tấn đường đang chất đống trong kho nhà máy, bế tắc đầu ra khi giá thành sản xuất trong nước cao hơn cả giá bán trên thị trường quốc tế.
 

Quyền lực của đường

Mía đường là ngành kinh doanh quan trọng ở Ấn Độ. Trong mùa vụ kéo dài từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 4 năm nay, 525 nhà máy trên cả nước đã sản xuất hơn 30 triệu tấn đường - mức sản lượng đưa Ấn Độ vượt qua Brazil trở thành quốc gia sản xuất đường lớn nhất thế giới.

Hơn 50 triệu nông dân trong ngành mía đường được xem là “ngân hàng phiếu bầu” tin cậy và quan trọng của các chính trị gia. Hai “bang mía đường” lớn nhất Ấn Độ là Uttar Pradesh và Maharashtra - sản xuất 60% sản lượng đường toàn quốc - hiện có 128 nghị sĩ Quốc hội. Trong cuộc bầu cử đang vào giai đoạn nước rút - kéo dài nhất thế giới, 39 ngày từ 11/4 đến 19/5 - giới quan sát đánh giá là ít nhất 150 ghế nghị sĩ hạ viện gồm 545 đại biểu sẽ được quyết định bởi giá đường và giá trưng thu mía.

Bởi thế, thật không ngoa khi Ủy viên ngành mía đường Shekhar Gaikwad của nghị viện bang Maharashtra nhận xét: Đường có thể là loại nông sản được chính trị hóa nhất trên thế giới.

Chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu đến năm 2022 tăng được gấp đôi mức thu nhập của nông dân so với mức năm 2016 là 9.000 rupee. Hiện tại, mỗi năm, mỗi hộ có dưới 2ha đang nhận trợ cấp 6.000 rupee bằng nhiều hình thức để đạt mục tiêu đó. Năm 2017, tăng trưởng thu nhập của hộ nông dân đạt 14%, sang năm 2018 chỉ còn 2%. Theo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ấn Độ, hạn hán, thiên tai và thiết bị lạc hậu đã “ám ảnh” nền sản xuất nông nghiệp trong nhiều năm liên tục gần đây.

Chính phủ Ấn Độ giữ quyền định giá bán đường và thu mua mía, quy hoạch diện tích trồng mía, chỉ định hạn ngạch xuất khẩu và điều phối các chính sách trợ cấp cho nông dân. Chính phủ cũng chỉ đạo hệ thống ngân hàng nhà nước triển khai các khoản vay ưu đãi cho nông dân trồng mía và nhà máy đường, bởi vậy, thường là khi các nhà máy có khó khăn về tài chính thì sẽ có nguồn tín dụng ưu đãi “bơm” cho họ để duy trì ổn định sản xuất.

Các chính sách này giúp ích cho cả nhà máy và nông dân. “Tôi có thu nhập khoảng 7.000 rupee mỗi tháng từ trồng mía, nó không nhiều vì tính ra tương đương 100 USD nhưng là khoản thu nhập ổn định”, nông dân Sanjay Anna Kole nói. Anh là thế hệ thứ tư trong gia đình chỉ sống nhờ trồng mía ở huyện Kolhapur (bang Maharashtra), hiện sở hữu 4ha mía.
 

Những hệ lụy

Chính sách bảo hộ và trợ cấp cũng sản sinh ra mặt trái. Việc hỗ trợ tài chính rộng rãi làm xói mòn khả năng cạnh tranh của các nhà máy, khi giá thu mua mía vượt cả giá đường họ bán ra.

So với 3 quốc gia mía đường lớn khác trên thế giới là Thái Lan, Brazil, Australia, Ấn Độ đang định giá thu mua mía cao hơn cả. Về chi phí sản xuất đường, Ấn Độ cũng vượt Brazil.

Bên cạnh đó, sự can dự của giới chính trị gia trực tiếp vào hệ thống trồng mía - sản xuất đường đặt ra nhiều vấn đề. Thực tế này xuất hiện và tồn tại ở Ấn Độ từ những năm 1950 đến nay, khi các chính trị gia hoặc sở hữu hoặc nắm quyền kiểm soát các nhà máy đường và việc họ thắng cử gắn liền với quan hệ với các hợp tác xã nông nghiệp mía đường.

Tại bang Maharashtra, một nửa số Bộ trưởng cấp bang đồng thời là ông chủ các nhà máy đường. Số liệu của Sandip Sukhtankar - Phó giáo sư Kinh tế học Đại học Virginia (Mỹ) cho thấy, Maharashtra có 183 nhà máy đường thì 101 ông chủ liên tục tham gia tranh cử nghị viện và chính quyền bang trong giai đoạn 1993 - 2005.

Một nhà máy đường Ấn Độ

Sukhtankar còn phát hiện ra rằng, giá thu mua mía của các nhà máy có ông chủ “chính trị gia” lên xuống theo chu kỳ bầu cử mà không liên quan đến sản lượng hay năng suất; đồng thời việc cho thuê mướn đất hay nới lỏng điều kiện liên quan đến tài chính thường xảy ra trước kỳ bầu cử. “Có những nguồn lợi từ ngành mía đường được trích riêng cho mục đích chính trị, ai và từ bên nào cũng muốn được can dự vào mối quan hệ này”, giáo sư Sukhtankar nhận định.

Nhưng khi mối quan hệ xảy ra chuyện thì điều không hay sẽ bùng phát. Hồi tháng Giêng, tòa thị chính thành phố Pune bị nông dân trồng mía vây kín. Họ đến đòi gặp Thị trưởng Shekhar Gaikwad giải quyết việc các nhà máy đường nợ tiền mua mía không chịu trả đúng hạn. Các cuộc đàm phán với nông dân kéo dài 13 tiếng. Một trong những yêu cầu của nông dân là bắt giữ một Bộ trưởng bang Maharashtra đồng thời là chủ của 3 nhà máy đường. Giải pháp được thống nhất là chính quyền sẽ phong tỏa đường trong kho các nhà máy, bán và lấy tiền trả cho nông dân. “Trước lúc đó, văn phòng tôi bị họ ném đá liên tục”, Thị trưởng Gaikwad nhớ lại.

Các nhà máy đường thường trực thuộc các hợp tác xã, tổ chức kinh tế mà nông dân vừa có tư cách thành viên gánh trách nhiệm bán mía vừa có cổ phần bằng hình thức góp vốn là đất.

Theo số liệu của Chính phủ Ấn Độ, khoảng 50 triệu nông dân sống dựa vào cây mía và nhiều triệu người khác ở nông thôn can dự gián tiếp vào ngành kinh tế mía đường khi làm công nhân tại các nhà máy đường và bao thầu khâu vận tải.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Nga mở cửa triển lãm khí tài quân sự hạng nặng giữa lòng Moscow

Triển lãm trưng bày các loại khí tài quân sự hạng nặng của phương Tây bị quân Nga thu giữ trong cuộc xung đột Ukraine đã được khai mạc tại Moscow hôm 1/5.

Hàng nghìn người Trung Quốc mua phải vàng giả trên mạng

Giá vàng tăng vọt trong thời gian qua đã gây ra một cơn sốt vàng thỏi, cùng với đó là số vụ lừa đảo bán vàng giả ở Trung Quốc.