Bữa ăn chất lượng - an toàn
Bữa ăn bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng hợp lý kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với lứa tuổi có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe, sự phát triển về tầm vóc, thể lực, trí tuệ của học sinh. Học sinh được thụ hưởng bữa ăn học đường với các thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cân đối, phù hợp trong trường học không những giúp các em nâng cao sức khỏe, giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lý rối loạn dinh dưỡng như thiếu vi chất dinh dưỡng, suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm mà còn xây dựng thói quen dinh dưỡng lành mạnh.
Bên cạnh đó, các em được kết hợp vui chơi, vận động phù hợp với nhu cầu sở thích và lứa tuổi qua các hoạt động giáo dục thể chất, giáo dục ngoài giờ, các trò chơi trải nghiệm sẽ tạo môi trường gắn kết, giúp các em phát triển hài hòa thể chất, tinh thần.
Dù đã trở lại trạng thái bình thường mới, nhưng ngay từ những ngày đầu, để đón các em học sinh bước vào năm học mới 2022 - 2023, các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.HCM đã tích cực chuẩn bị chu đáo mọi công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 cũng như các dịch bệnh truyền nhiễm theo mùa, đặc biệt là khâu lên thực đơn, cân đối dinh dưỡng, đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trong từng bữa ăn của học sinh, để "mỗi ngày đến trường là một ngày vui".
Năm học này, con trai chị Lệ Quyên, ngụ quận 1 bước vào lớp 1, vì vậy vợ chồng chị khá lo lắng khi con thay đổi môi trường mới, đặc biệt là bữa ăn của con bởi bé thuộc dạng biếng ăn. “Trước khi xin trường cho con, tôi cũng tìm hiểu kỹ về các bữa ăn, quy trình lựa chọn thực phẩm của các trường. Vấn đề an toàn thực phẩm bữa ăn trong trường học xưa giờ vẫn luôn là vấn đề nóng mỗi dịp vào năm học mới. Tôi mong rằng với sự tâm huyết của trường cũng như sự kiểm soát của các cơ quan ban ngành, bữa ăn của các cháu sẽ ngày càng cải thiện tốt hơn và luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”, chị Quyên nói.
Trước sự kỳ vọng của các bậc phụ huynh, mong muốn con đến trường thật vui, thật thoải mái, có được những bữa ăn ngon, thời gian qua, khi tổ chức cho trẻ ăn bán trú, các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn TP.HCM đã triển khai đầy đủ các nội dung về an toàn vệ sinh thực phẩm trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của ngành giáo dục cũng như ngành y tế, đặc biệt, việc đảm bảo chất lượng cũng như khẩu phần dinh dưỡng cho trẻ.
Bà Đỗ Ngọc Chi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) cho biết, để chuẩn bị đón các em học sinh bước vào năm học mới, công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 lên hàng đầu, không chủ quan dù dịch đã ổn. Song song đó, nhà trường chú trọng lựa chọn đối tác, nhà cung ứng thực phẩm đầy đủ chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, các tiêu chuẩn theo quy định cũng như kiểm tra chặt chẽ từ cái khâu tiết phẩm cho đến khâu sơ chế, lưu mẫu và phân chia thức ăn đến cho các con.
“Trường cố gắng tận dụng khoảng không gian ngoài sân có mái che, khu vực tầng trệt để tối đa việc giữ khoảng cách cho các con trong khi ngồi ăn thật thoải mái. Ngoài ra, trường cũng bố trí các lớp ăn lệch giờ để đảm bảo an toàn cho các con tốt nhất có thể. Thuận lợi của trường là từ khi bắt đầu thực hiện chương giáo dục phổ thông 2018 sĩ số bình quân hiện tại ở trường khá là lý tưởng, khoảng 37 học sinh/lớp nên việc bố trí các con ăn, ngủ không quá áp lực", bà Chi cho hay.
Cũng theo bà Chi, không phải ngày nào trường cũng đi kiểm tra bếp ăn, mà thay vào đó, mỗi tuần sẽ giao cho 1 người đảm nhận bếp chính, họ sẽ chịu trách nhiệm tất cả trong một tuần, sau đó luân phiên. Ngoài ra, còn có Ban chấp hành Công đoàn, phối hợp với Ban nhân dân, Ban cha mẹ phụ huynh cũng sẽ có những ngày kiểm tra đột xuất. “Trên tinh thần là tạo tâm lý thoải mái nhất cho các cô phụ trách bếp làm việc với cái tâm, tất cả đảm bảo tốt nhất cho các con.
Để đảm bảo chất lượng bữa ăn cho 1.477 học sinh, trường bám sát thực đơn dinh dưỡng của Ajinomotor, tuy nhiên không áp dụng cứng nhắc mà chủ động lựa chọn làm sao để bữa ăn phù hợp với học sinh của trường, để trẻ đủ chất, đủ lượng, thực đơn được thay đổi món liên tục để các con cảm thấy là ăn được ngon miệng và mình vẫn đảm bảo đầy đủ chức”, bà Chi nói.
Quản lý 4 trường mầm non tư thục trên địa bàn TP.HCM (Trường Mần Non Thiên Ân 3 cơ sở 1 &2, Trường Mần non Hương Nắng Hồng, Trường Mầm non 19/5), bà Nguyễn Thị Hồng Quỳnh cho biết, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong mỗi bữa ăn cho các bé là công tác được trường chú trọng và đảm bảo xuyên suốt trong nhiều năm qua.
“Điều bắt buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt là từ khâu chọn nguồn cung cấp thực phẩm, tiếp phẩm ngay từ ban đầu. Lựa chọn những công ty thực phẩm, công ty cung cấp nước uống, sữa uy tín, có hồ sơ năng lực rõ ràng, đạt chuẩn về an toàn thực phẩm để ký hợp đồng cung cấp.
Bếp ăn luôn đạt theo đúng chuẩn quy định bếp 1 chiều, từ khâu tiếp phẩm, sơ chế, cắt thái, nấu và chia phần ăn, tất cả đều được phân từng khu vực rõ ràng. Bếp ăn đầy đủ dụng cụ, chất liệu an toàn. Giáo viên, nhân viên, cấp dưỡng, phục vụ tập huấn thường xuyên về an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tổ chức đa dạng các kiểu ăn cho bé như tổ chức bữa ăn gia đình, ăn từng khay riêng, ăn buffet,…”, bà Quỳnh cho hay.
Là một đơn vị hoạt động trên 20 năm trong lĩnh vực sản xuất suất ăn công nghiệp, cung cấp khoảng 40.000 suất ăn/ngày, với 1 điểm cung cấp suất ăn sẵn tại Bình Tân và 20 điểm có bếp ăn tập thể tại các trường học có bán trú và công nhân, nhân viên văn phòng trong các khu công nghiệp - khu chế xuất lớn tại TP.HCM cùng các tỉnh lân cận, bà Nguyễn Thị Nụ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Suất ăn công nghiệp Tú Anh cho biết, đơn vị đặt yếu tố đảm bảo an toàn thực phẩm cho toàn bộ suất ăn lên hàng đầu.
“Chúng tôi thiết kế bếp ăn và quy trình chế biến tuân thủ theo nguyên tắc 1 chiều, đảm bảo công tác giám sát các mối nguy trong quá trình sản xuất, chế biến món ăn. Nguồn nguyên liệu thực phẩm được nhập từ các nhà cung cấp uy tín, đảm bảo chất lượng và có hợp đồng trách nhiệm rõ ràng; hệ thống bảo quản thực phẩm tuân thủ nghiêm ngặt từ khâu kiểm tra chất lượng đầu vào cho đến khâu sơ chế, chế biến, lưu mẫu đến chia phần đều được giám sát chặt chẽ và lưu giữ hồ sơ trong quá trình thực hiện.
Ngoài ra, chúng tôi cũng trang bị phòng kiểm nghiệm nhanh với các bộ kit kiểm tra nhanh được các cơ quan chức năng cấp phép sử dụng nhằm kiểm tra các nguyên liệu thực phẩm sử dụng tại công ty”, bà Nụ cho biết.
Xử phạt nghiêm
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban Quản lý An Toàn thực phẩm TP.HCM, Nghị định 115 của Chính phủ quy định rõ các mức xử phạt vi phạm hành chính về ATTP, tạo tính răn đe trong xã hội.
Những vi phạm có thể bị xử phạt như nơi chế biến, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; Sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay; Không bảo đảm ngăn ngừa nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến trong bố trí bếp ăn;
Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước; Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn; Thiết bị, phương tiện vận chuyển, bảo quản suất ăn sẵn, thực phẩm dùng ngay không bảo đảm vệ sinh; gây ô nhiễm đối với thực phẩm;
Sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm. Sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà đang bị mắc bệnh: tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp...
Trong đó, mức phạt tiền tối đa về ATTP là 100 triệu đồng/cá nhân và 200 triệu đồng/tổ chức, ngoài ra còn có mức phạt bổ sung như đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động chế biến, sản xuất, cung cấp thực phẩm,... tuỳ theo mức độ vi phạm.
Bà Lan cho biết thêm, năm học mới 2022-2023, Ban tiếp tục phối hợp Sở GD-ĐT TP.HCM để quản lý an toàn thực phẩm trong bếp ăn, căng tin trường học. Tiếp tục tổ chức tập huấn tuyên truyền cho cán bộ trường, đồng thời Ban tổ chức các đoàn đi kiểm tra điều kiện các bếp ăn và quy trình chế biến. Hiện nay công tác này đang được triển khai trên toàn hệ thống các trường với phương châm phòng hơn là chống, ko để xảy ra ngộ độc thực phẩm, đặc biệt trong trường học.
Nhiều năm qua, Sở GD-ĐT TP.HCM ký kết với Ban Quản lý ATTP TP.HCM và triển khai Kế hoạch liên tịch về bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố và từng bước nâng cao chất lượng nguồn thực phẩm đầu vào được cung cấp từ các cơ sở nằm trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn của Thành phố hoặc đạt các chứng nhận HACCP, ISO 22000:2005, VietGAP, GlobalGAP,... cung cấp cho các cơ sở dịch vụ ăn uống trong các cơ sở giáo dục.