| Hotline: 0983.970.780

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang:

Hậu Giang sẽ có những định hướng, mục tiêu riêng

Thứ Tư 21/09/2022 , 15:16 (GMT+7)

Xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Hậu Giang có những định hướng, mục tiêu riêng và cốt lỗi là tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân.

1. Ông Trương Cảnh Tuyên

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Ảnh: CTV.

Thưa ông, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng NNPTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Chương trình xây dựng NTM không thể “mặc đồng phục” ở tất cả các địa phương mà cần dựa trên các giá trị truyền thống, từ đó đa dạng về ý tưởng quy hoạch, kiến trúc cảnh quan nông thôn. Xin ông cho biết tỉnh Hậu Giang đã hưởng ứng quan điểm trên như thế nào trong xây dựng NTM trong địa bàn tỉnh để tránh chạy theo xu hướng tránh sự xung đột giữa đô thị hóa và các giá trị làng quê?

Đến thời điểm hiện tại, tất cả văn bản của Trung ương về Chương trình NTM đã tương đối hoàn thiện, đủ điều kiện tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó tỉnh Hậu Giang đã cụ thể hóa các văn bản để phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, nhìn chung các nội dung đã triển khai xây dựng nông thôn mới tại địa phương cũng thực hiện theo bộ khung của Trung ương đề ra. Tuy nhiên, trong giai đoạn đã qua và thời gian tới tỉnh luôn định hướng xây dựng nông thôn mới là quyết liệt thực hiện các tiêu chí phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tỉnh Hậu Giang, với trên 70% người dân sinh sống tại nông thôn và sống chủ yếu bằng nghề nông nên việc phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp luôn được quan tâm hàng đầu trong xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh việc ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp tỉnh đã triển khai thực hiện các chương trình, dự án, đề án, kế hoạch.

Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững. Chương trình OCOP, tổ chức xúc tiến đầu tư kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp… giúp phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, liên kết theo chuỗi giá trị và gắn với thị trường, nhất là tập trung cho các nông sản chủ lực gồm lúa, mít, chanh không hạt, bưởi, khóm, mãng cầu, heo, lươn, cá thát lát và cá tra.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Tăng dần diện tích sản xuất theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp thông minh, bảo vệ môi trường. Từ đó góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng đời sống của người dân nông thôn (thu nhập của người dân nông thôn tăng từ 10 triệu đồng/năm 2010 lên 41.2 triệu/năm 2021.

Như vậy, trong xây dựng nông thôn mới Hậu Giang sẽ có những định hướng, mục tiêu riêng và vấn đề cốt lỗi cần thực hiện là tập trung đến phát triển sản xuất (chủ yếu sản xuất nông nghiệp) để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Thưa ông, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021-2025. Xin ông cho biết tỉnh Hậu Giang triển khai thực hiện chương trình này và kết quả đạt được như thế nào?

Ngày 2/8/2022, Thủ tướng đã ký ban hành Quyết định số 924/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025. Đây là 1 trong 6 chương trình chuyên đề của chương trình NTM, tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình và sẽ ban hành trong thời gian tới.

2. Người dân ở thị xã Long Mỹ chăm chút cây xanh, tạo mĩ quan cho xóm ấp.

Người dân thị xã Long Mỹ chăm chút cây xanh, tạo mĩ quan xóm ấp. Ảnh CTV.

Trong thời gian qua, tỉnh đang rất quyết tâm chỉ đạo triển khai chuyển đổi số trên tất cả các ngành, lĩnh vực để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó tập trung phát triển kinh tế số, xã hội số. Nhu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin vào dịch vụ, sản phẩm, chuyển đổi số của Hậu Giang rất lớn trên tất cả các ngành, lĩnh vực, nhất là các ngành  như: nông nghiệp, chế biến, lao động việc làm, xây dựng, văn hóa và du lịch,…

Tỉnh đã ban hành một loạt các kế hoạch về chuyển đổi số: Phát triển kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021 - 2023 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Kế hoạch thực hiện Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năm 2022 và Kế hoạch giai đoạn 2022-2025…

Trong chuyển đổi số đối với lĩnh vực nông thôn mới tỉnh sẽ ưu tiên thực hiện các nội dung: Thiết kế xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu số của Chương trình NTM. Ứng dụng trực tuyến phục vụ công tác lập kế hoạch và báo cáo kết quả thực hiện Chương trình xây dựng NTM các cấp. Ứng dụng CĐS hỗ trợ chương trình OCOP. Ứng dụng CĐS phát triển du lịch cộng đồng. Thí điểm mô hình xã/ấp thông minh tại các địa phương. Đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý về CĐS trong chương trình NTM.

Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân như doanh nghiệp, hộ sản xuất và kinh tế tập thể thực hiện. Thưa ông, đến nay Chương trình OCOP của tỉnh Hậu Giang đã đạt được những kết quả như thế nào. Mục tiêu đặt ra đến năm 2025 toàn tỉnh có bao nhiêu sản phẩm đạt 3, 4, 5 sao và các nhóm giải pháp để đạt được mục tiêu đó?

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) đã đạt được những kết quả nhất định: Giá trị sản xuất tăng về số lượng và chất lượng, lợi nhuận tăng từ 10% - 15% phát huy được thế mạnh sản phẩm địa phương, nâng cao thu nhập cho người sản xuất và giải quyết một lượng lớn lao động nhàn rỗi tại địa phương. Đến nay, tỉnh đã công nhận 105 sản phẩm đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trong đó có 48 sản phẩm 4 sao; 57 sản phẩm 3 sao với 49 chủ thể đăng ký tham gia với 6 Công ty; 11 HTX; 32 cơ sở, hộ kinh doanh. Có 2 sản phẩm thăng hạng từ 4 sao lên đủ điều kiện dự thi sản phẩm OCOP 5 sao của Trung ương.

Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh phấn đấu có ít nhất 160 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 08 sản phẩm OCOP đạt 5 sao. Củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng. Ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn.

Để đạt được mục tiêu trên tỉnh đã đề ra một số giải pháp như sau: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các tổ chức kinh tế khu vực nông thôn, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết sản xuất. Đa dạng hóa các hình thức truyền thông, qua các Cổng thông tin điện tử (website), truyền thông mạng xã hội, tạp chí, bản tin, chuyên đề, tài liệu (sổ tay, cẩm nang...). Khuyến khích, hỗ trợ xây dựng các gói combo quà tặng, quà lưu niệm sản phẩm OCOP, gắn với lịch sử văn hóa, dân tộc và địa phương.

Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các chủ thể tham gia Chương trình OCOP về trang thiết bị, máy móc để hoàn thiện, nâng cấp, cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm.  Tổ chức bộ máy và đào tạo nguồn nhân lực cho đội ngũ quản lý chương trình các cấp, đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực về quản trị, marketing cho các bộ quản lý, điều hành của các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở/hộ sản xuất.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, hoàn thiện công nghệ chế biến cho các doanh nghiệp, cơ sở nhỏ và vừa, đặc biệt là các sản phẩm OCOP đã được công nhận đạt sao. Rà soát, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản phẩm OCOP đáp ứng các quy định của thị trường trong nước và xuất khẩu. Xây dựng nhóm tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất và hoạt động giám sát, đánh giá sản phẩm OCOP.

Thúc đẩy áp dụng các giải pháp về bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận) cho sản phẩm OCOP. Đặc biệt là các sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Tăng cường công tác huy động nguồn lực để triển khai thực hiện chương trình. Tăng cường vai trò của cộng đồng trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với bảo tồn sản phẩm làng nghề, làng nghề truyền thống, các giá trị văn hóa, kỹ năng truyền thống.

Xin cảm ơn ông.

Xem thêm
Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Có gì ở 'Lễ hội nông sản'?

TP.HCM 60 gian hàng nông sản, sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao của các tỉnh thành trên cả nước quy tụ tại sự kiện 'Kết nối sản phẩm OCOP thường kỳ tại TP.HCM'.