Gia đình ông Nguyễn Văn Vui ở thôn Trung Hiệp (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) đang thực hiện cùng lúc 2 mô hình rau và hoa với tổng diện tích 1,2ha. Trong đó, ông này trồng 2 sào hoa cát tường trong nhà kính công nghệ cao và số còn lại trồng cải bó xôi, cà chua ngoài trời.
Diện tích canh tác lớn nhưng việc chăm sóc cây trồng đối với ông không quá vất vả. Việc tưới nước, bón phân đều đã được thực hiện thông qua hệ thống tưới tiết kiệm thông minh. Nông dân 50 tuổi này thổ lộ: “Ngày xưa làm 1 sào vườn nhưng hai vợ chồng cũng rất vất vả chăm bón. Giờ có công nghệ nên một mình tôi cũng kham được cả héc ta”.
Đến bên luống hoa cát tường mới xuống giống, ông Vui cầm ống nhựa đen bằng ngón tay lên và xem thời gian trên điện thoại rồi nói: “Khoảng 1 phút nữa là nó tưới”. Đúng như lời ông nói, 1 phút sau, hệ thống máy bơm tự khởi động và nước từ đường ống màu đen nằm dọc dài trên luống cây bắt đầu rỉ ra, ngấm xuống đất.
Đến hộp điện tử ở gần nơi đặt máy bơm, ông Vui vừa bấm phím vừa chia sẻ: “Đối với hoa cát tường trong nhà kính thế này, tôi đang áp dụng chế độ tưới nhiều lần trong ngày. Sớm nhất là 6h sáng và muộn nhất là 16h chiều. Chỉ cần cài đặt, hẹn thời gian là đến giờ máy tự chạy”, ông Vui thổ lộ.
Trên diện tích 1,2ha, gia đình ông Vui đang trồng cà chua, hoa cát tường, súp lơ, cải cầu vồng… Trong số đó, diện tích nhà kính công nghệ cao được ông luân canh giữa rau cao cấp, hoa. Dòng sản phẩm này được thực hành theo tiêu chuẩn VietGAP và cung cấp chủ yếu cho một công ty chuyên đóng hàng xuất khẩu sang Nhật Bản. Ông chia sẻ, mỗi năm, rau từ các vườn đạt khoảng 70 tấn hàng chất lượng cao để bán cho công ty này.
Theo ông Vui, nhờ hệ thống tưới tiết kiệm nên gia đình ông không phải vất vả như trước đây. Việc bón phân cũng được thực hiện thông qua hệ thống này. Cách làm truyền thống mà vợ chồng ông từng trải là xới đất bón NPK rồi vùi lấp và tưới phun lên bề mặt. Việc này vừa mất nhiều thời gian, phải thuê nhân công làm việc nên chi phí cao. Hơn nữa, lượng phân bón đặt xuống vườn thường cây hấp thụ không hết hoặc bị nước tưới bề mặt rửa trôi... thành ra lãng phí.
Thông qua hệ thống tưới tiết kiệm, lượng phân bón được bão hòa trong nước theo tỉ lệ được truyền đến tận gốc cây. Tại đây, cây hấp thụ nhanh, hấp thụ hết nên hiệu quả cao. “Tưới nhỏ giọt tiết kiệm khoảng 40% lượng nước so với tưới bét phun trên cao và tiết kiệm 60% lượng nước so với tưới phun bề mặt như trước đây. Điều quan trọng nhất là tưới hệ thống này vừa tiết kiệm nước, tiết kiệm công sức, chi phí làm vườn lại vừa có thể bón phân. Đặc biệt là độ ẩm đất được duy trì, cây sinh trưởng nhanh”, ông Nguyễn Văn Vui nói.
Hiện nay, gia đình ông Vui đang lên kế hoạch để lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho toàn bộ diện tích vườn. Theo chủ vườn, kinh phí lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt không quá cao, chỉ ở vào khoảng 10 triệu đồng/sào (1.000m2). Cùng với việc lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, ông Vui đang tìm hiểu để hướng đến lắp đặt hệ thống kết nối IOT để có thể điều hành tưới, chăm bón trên điện thoại thông minh.
“Làm vườn với hệ thống hiện đại nên rau, hoa được bảo bảo dưỡng chất, sinh trường nhanh. Cũng nhờ vào việc chăm bón khoa học nên chất lượng rau, hoa cao hơn hẳn. Do vậy, bán nông sản dễ dàng và bán được giá cao”, nông dân 50 tuổi thổ lộ.
Thực hiện chăm sóc theo quy trình VietGAP và liên kết với hợp tác xã rau, hoa ở địa phương nên nông sản của gia đình ông Vui luôn có đầu ra ổn định. Với khoảng trên 1ha rau, hoa các loại, gia đình ông Vui có nguồn thu nhập hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng mỗi năm.