Đang ngồi ở văn phòng, ông Lê Văn Ba (Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp An Phú, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) mở phần mềm điều hành vườn trên điện thoại di động rồi kiểm tra các thông số về độ ẩm, chế độ bón phân, tưới nước cho cây. Dùng ngón tay chạm vào ô tưới nước, ông nói: “Hệ thống tưới cho vườn cà chua beef đã hoạt động. Nó chạy đủ thời gian, tưới đủ nước là sẽ tự động ngưng nên rất yên tâm”.
HTX An Phú đang liên kết với 47 hộ dân sản xuất rau và tổng diện tích ở vào khoảng 40ha. Đây cũng là hợp tác xã điển hình trong việc sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao. Theo Giám đốc HTX An Phú, hiện nay, diện tích rau, củ của HTX đều được thực hiện theo quy trình nông nghiệp sạch với tiêu chuẩn VietGAP. Phần lớn được trồng với giá thể xơ dừa trong nhà kính và áp dụng các công nghệ hiện đại chăm sóc.
“Khách hàng, người dân đến thăm vườn và có thể hái cà chua, dưa leo, rau... ăn tại chỗ mà không sợ ngộ độc. Tất cả đều rất sạch sẽ”, ông Lê Văn Ba nói và cho biết thêm, vì được trồng trong nhà kính với công nghệ cao nên sâu bệnh hại cây trồng được kiểm soát tốt. Cây trồng cũng tránh được những sự tác động bất lợi của thời tiết.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, địa phương hiện có khoảng 65 nghìn héc ta rau và phân bổ chủ yếu ở TP Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương... Trong đó có khoảng 15 nghìn héc ta rau công nghệ cao và đáp ứng các yêu cầu của thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Đối với giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thì trung bình đạt từ 300-400 triệu đồng mỗi ha/năm.
Hiện nay, HTX An Phú đang áp dụng các công nghệ thông minh 4.0 như mô hình quản lý nông trại bằng di động, kết nối Internet vạn vật IOT. Các hệ số về độ ẩm, nhiệt độ, độ pH của vườn cây được theo dõi một cách khoa học, bài bản. Ngoài ra, HTX còn áp dụng các phần mềm theo dõi chỉ số thuốc bảo vệ thực vật cho từng loại cây trồng, từng giai đoạn để quản lý chặt chẽ và hiệu quả việc sử dụng thuốc.
“Thị trường đang có sự thay đổi rất lớn nên chúng tôi phải thay đổi cách sản xuất. Ngoài áp dụng công nghệ vào trồng trọt, hợp tác xã cũng đầu tư vốn vào hoàn thiện khâu sơ chế, chế biến. Thực hiện đăng ký mã truy xuất nguồn gốc để người tiêu dùng nắm bắt được thông tin sản phẩm, yên tâm sử dụng”, ông Ba thổ lộ.
Với tổng diện tích khoảng 40ha, mỗi năm, HTX An Phú đạt hàng nghìn tấn HTX để sơ chế, chế biến. Hiện các sản phẩm từ HTX đã có mặt ở nhiều cửa hàng tiện ích trong lẫn ngoài tỉnh và các hệ thống siêu thị trên toàn quốc.
Để nâng cao giá trị sản phẩm, HTX An Phú cũng đầu tư hàng tỷ đồng vào hạng mục máy chế biến. Sản phẩm được đa dạng hóa, phân bổ đều ra thị trường nên nguồn nông sản của các thành viên, nông hộ liên kết cũng được HTX thu mua với giá cao hơn thị trường từ 10-30%.
“HTX đang xây dựng khu trồng rau, củ, quả theo công nghệ cao với diện tích 20ha. Đồng thời đang làm việc với nhiều doanh nghiệp nước ngoài để hướng đến xuất khẩu trong thời gian tới”, Giám đốc Hợp tác xã An Phú Lê Văn Ba chia sẻ.