9 bậc cầu thang níu chân du khách
Xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình đẹp nổi tiếng ở xứ Tuyên bởi những ngôi nhà sàn cổ của bản người Tày. Những ngôi nhà sàn tiễn những người già nằm xuống, đón biết bao tiếng khóc chào đời của đám trẻ nhỏ. Với người Tày, ngôi nhà sàn thân thuộc giống như khói bếp, giống như bữa cơm chiều với ăm ắp nỗi niềm thương nhớ.
Mấy đời người, tấm phản trong ngôi nhà sàn của Hỏa Văn Ba đã bóng lên, 9 bậc cầu thang bước lên ngôi nhà sàn cũng đón biết bao bước chân. Ba là ông chủ của Homestay 99 ngọn núi. Ba có ngôi nhà sàn cổ to và đẹp nhất nhì ở bản Nà Tông. Ngôi nhà ấy là của bố anh để lại.
Để có được những cột nhà sàn to một người ôm không hết, đời cha, đời ông của Ba mất nhiều hôm rút rìu ra khỏi vách nứa cạnh bếp than hồng; mất nhiều bao củ sắn, củ mài nhờ những người đàn ông sức vóc như con trâu mộng mới mang được từ rừng già về. Mỗi thế hệ của gia đình Ba lại bồi đắp để ngôi nhà thêm kiên cố.
Đến đời bố của Ba, những kẽ hở nơi vách tạm gió hoang đã không còn lùa vào. Nhưng để thành ngôi nhà sàn đón được khách ở qua đêm và "móc tiền trong ví dúi vào tay chủ nhà", Ba phải tạm gác việc ruộng, việc nương nhiều ngày để cùng thợ sơn lại chỗ khô nẻ cũ mòn của những thân cột, những mảnh ván ghép sàn nhà, làm lại khuôn viên…
Vào khoảng năm 2014, chính quyền huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang chọn xã Thượng Lâm để xây dựng làng văn hóa du lịch, Hỏa Văn Ba là người tiên phong làm du lịch. Anh làm du lịch bắt đầu từ đôi bàn tay xù xì thô ráp chỉ biết nắm vào cái cày cái cuốc, vào bùn đất những mong ngày đủ bữa no bụng cho cả nhà. Và từ du lịch, bàn tay ấy đã được nắm vào những đồng tiền của từng đoàn khách lạ. Ba mừng lắm.
Mỗi ngày, khách đến làng thêm đông. Chỉ mình nhà Ba làm du lịch chẳng khác nào bếp lửa thiếu củi, chẳng khác nào ngôi nhà sàn thiếu 9 bậc cầu thang. Ba tìm đến nhờ người trong làng để bàn chuyện.
Nhưng chuyện không dễ dàng như anh nghĩ. Nhiều gia đình, nhất là người già đang vui vẻ nói cười, khi nghe anh nhắc đến chuyện làm du lịch và cho người lạ đến ở cùng thì họ bỗng nổi khùng lên. Họ bảo anh đưa người lạ về nhà ở cùng, con ma rừng, ma núi bắt phạt ốm đau, mất mùa thì một mình nhà anh thôi. Đừng làm liên lụy đến người làng. Người già nói đau lắm!
Sau lần ấy, anh chẳng dám đến nhà ai trong làng vận động nữa. Ba không trách người già. Bởi họ sẽ không thể làm cái điều mà trong đầu họ chưa khi nào nghĩ đến. Khái niệm du lịch nông thôn, kiếm tiền từ du lịch quá lạ lẫm với người làng.
Nhưng mối lo của người già trong làng mỗi ngày lại thêm vơi đi như bao thóc ở góc nhà sàn ngày giáp hạt. Nhất là khi có sự đồng hành vào cuộc của chính quyền huyện, xã. Cán bộ đến từng nhà tuyên truyền rồi cầm tay chỉ việc… Cứ như thế, khách đến với làng mỗi ngày thêm đông như chồi non trên cây rừng gặp mưa xuân. Làng không thấy thần linh trách phạt mà chỉ thấy túi tiền của nhiều người làng dày lên bởi đón được khách về nhà ngủ qua đêm. Bán được nhiều rượu, nhiều nông sản, các nhà có thêm tiền mua được nhiều con trâu, con lợn tăng gia sản xuất.
Những người già thấy cái bụng của Hỏa Văn Ba tốt với xóm làng. Họ không xin lỗi, nhưng đến ngày vui của làng, gặp anh, họ đều kéo vào mời một chén rượu ngô thật đầy.
Rực rỡ thổ cẩm của bản Tày
Lẫn trong sương sớm, chị Ngô Thị Phin, thôn Bản Chợ, xã Thượng Lâm đã đến nhà các hội viên phụ nữ trong làng mình và các làng lân cận giục chị em làm thổ cẩm, để kịp mang đi bày bán dịp hội xuân; kịp làm bán cho các bà, các mẹ trong làng và cả cho khách phương xa đặt mua.
Chị Phin vốn là cô giáo mầm non, nhưng vì bạo bệnh cả một thời gian dài, đôi tay chị không thể điều khiển chiếc xe đạp để đến bản cao dạy chữ cho đám trẻ. Chị đành dang dở nghề dạy học và bước vào hành trình vun đắp khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống của quê hương.
Nhưng từ suy nghĩ đến làm thực tiễn khó và vất vả hơn cách chị biết làm ra một tấm thổ cẩm hoa văn tinh xảo. Bởi ở hầu hết các bản làng, từ lâu, chiếc khung cửi đã nằm lại nơi góc nhà làm bạn với mạng nhện, mối mọt. Với nhiều phụ nữ bản Tày, cách dệt thổ cẩm chỉ còn trong ý nghĩ của họ.
Không thể để thổ cẩm chỉ còn ở lác đác trong đầu của người già trong làng, chỉ sống động trong đôi tay của các bà, các mẹ. Phải để nghề dệt thổ cẩm chui được vào đầu đám trẻ, như một phần văn hóa, hồn cốt của làng. Bởi thế, sau khi gượng dậy được từ lần tai biến, việc khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của quê mình như những cơn gió núi cuồn cuộn lên trong đầu chị Phin. Năm 2011, tổ dệt thổ cẩm được chị Phin thành lập.
Để biết cách làm ra các sản phẩm theo nhu cầu thị trường và kết nối tiêu thụ, chị Phin đã đi một chuyến du lịch xem các nơi dệt thổ cẩm gắn với làng du lịch họ bán như thế nào. Nhiều người nhìn thấy được nhiệt huyết của người phụ nữ dân tộc thiểu số vùng cao đã truyền kinh nghiệm làm dịch vụ du lịch, trong đó đặc biệt là việc phải biết thổi hồn quê hương vào những hộ gia đình ở thôn bản. Bởi nếu muốn giữ được bản sắc và lan truyền thì người quê mình phải biết yêu văn hóa quê mình trước đã.
Sau chuyến đi ấy, chị trở về tỉ tê với người làng rằng, từ bao đời nay, tấm thổ cẩm vẫn sống thân thuộc với người Tày ở Thượng Lâm. Nhưng vì cuộc sống hiện đại, nhiều gia đình đã để nó bị chở đi theo những chuyến hàng của người xuôi mà để quên mất nét xưa, hồn cũ. Hoa văn của núi rừng quê hương được làm từ bàn tay khối óc, rất giỏi của ông bà tổ tiên sáng tạo, sao ta lại làm cho nó mai một. Giống như hoa cây phay mọc bạt ngàn trên rừng, tồn tại trên hoa văn của tất cả các sản phẩm thổ cẩm. Loài cây phay gắn bó với bản làng, từ khi mỗi đứa trẻ sinh ra, đến khi trở về với đất được người ta dùng làm áo quan… chưa khi nào bỏ người làng thì người làng cũng không thể để nghề dệt của mình bị mai một.
Cùng nhau nghĩ cho quê hương
Món nợ của gia đình chị Triệu Thị Xướng đã lên đến 700 triệu đồng, bởi chị mua 3 chiếc thuyền chở khách du lịch, sửa lại khuôn viên nhà sàn. Không như trước kia, chỉ quanh năm lam lũ với ruộng đồng, Nhà nước bảo cho vay tiền triệu chị đã thấy hoa mắt, run tay vì có làm đến mỏi lưng, chùn gối cũng không thể trả hết. Bây giờ, chị không còn lo lắng mà lại thấy vui.
Nhưng để nuôi dưỡng được quyết tâm ấy cũng không dễ dàng. Nhớ lại những ngày đầu, nghe theo cán bộ, chị hăng hái làm du lịch homestay. Cũng sửa lại ngôi nhà sàn, làm lại khuôn viên. Thế nhưng vay cả cục tiền lớn mà chẳng thấy khách mang những đồng tiền nhỏ về, chị như ngồi trên đống lửa. Lại thêm việc nhiều người làng không đồng tình ủng hộ. Khách đến họ không đuổi, nhưng cứ thả chó rông làm khách không dám đi bộ ngắm làng…
Những khó khăn ấy mỗi ngày thêm cao như ngọn núi, chắn mất hi vọng của chị. Chị tìm đến cán bộ huyện kể khó. Cán bộ nhìn chị cười bảo, bao đời nay người bản Tày vẫn lối nghĩ ấy, ngày một, ngày hai sao thay đổi được. Cách duy nhất thay đổi ý nghĩ của họ là phải kết nối để có tập thể biết cách nghĩ cho nhau và cùng nhau tiến bộ. Chị đã tìm đến những người như anh Hỏa Văn Ba, chị Ngô Thị Phin… liên kết nhau lại thành các tổ hợp tác cùng làm du lịch, ai cũng mừng rỡ đồng ý.
Mấy năm nay, mỗi dịp lễ hội ngày xuân, hay vào dịp cuối tuần, khách đã đến chật cứng ngôi nhà của Xướng và các nhà lân cận trong làng. Nhà chị có chỗ ăn nghỉ thì nhà anh Hỏa Văn Phủ có chỗ tắm bằng thuốc lá cây rừng của người Tày, người Dao; nhà của anh Hỏa Văn Ba có vườn rau xanh, có vườn cam hữu cơ, có đội then, đội cọi; nhà anh Nguyễn Việt Hòa có cá tầm, cá dầm xanh, anh vũ…
Do được đào tạo khá bài bản về nghiệp vụ du lịch và tiếp đón khách, nên mỗi khi làng có khách, các hộ biết kết nối với nhau, người lo cỗ bàn, người lo chăn ga, gối đệm, san sẻ hộ nhau tiếp khách chu đáo. Họ đã không còn thuê người ngoài như trước kia. Bởi thuê người làm, chị Xướng và bà con sợ đón tiếp khách không chu đáo, thân tình, khách không hài lòng thì làng sẽ buồn lắm. Vườn rau trồng ngoài vườn, con lợn thả trên đồi… sẽ chẳng có ai ăn cùng xóm làng.
Cứ theo cách ấy, từ một, hai nhà làm du lịch, đến nay, bản người Tày ở Thượng Lâm đã có mấy làng làm du lịch homestay. Mùa xuân qua nối vào mùa xuân nay, năm nào du khách cũng nườm nượp đến và ở lại ngôi nhà sàn của người bản Tày.
Có những người khách ghé thăm làng vào mùa hè năm trước đã hẹn đến xuân mới sẽ trở lại cùng bản Tày đón xuân. Cùng bà con dự hội khâu còn, ăn xôi ngũ sắc, xem hội Lồng tồng, đi thuyền trên lòng hồ mênh mông… Bà con vẫn mong chờ lời hẹn ước ấy, để được đón những người khách thân thuộc như đón người thân, người bạn quý của xóm làng, trong một ngày xuân rực rỡ.
Hiện nay, huyện Lâm Bình có 45 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch homestay, tập trung ở xã Thượng Lâm và thị trấn Lăng Can. Huyện có 4 chuyến xe khách từ thành phố Tuyên Quang lên trung tâm huyện, 1 bến thủy ở xã Thượng Lâm. Hệ thống xử lý rác thải, nước thải còn đơn giản, chủ yếu bằng phương pháp thủ công và tập trung chủ yếu vùng trung tâm, chưa có trung tâm cứu hộ, bảo tàng...
Do đó, trong thời gian tới, huyện Lâm Bình sẽ tiếp tục chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để tương xứng với tiềm năng, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch địa phương.