Khi những mỏm cao nhất của cao nguyên đá chạm phải hơi lạnh đầu đông luồn trong cơn gió heo may gần như cuối cùng của mùa thu, sắc đá chợt xám xịt hơn bình thường, thì cũng là lúc những vạt tam giác mạch ở Đồng Văn bắt đầu cựa mình, chuyển sắc từ trắng sang hồng nhạt, rồi chỉ vài ngày sau sẽ phơn phớt tím. Thứ màu sắc ấy nếu đứng riêng lẻ một mình sẽ không đủ sức giữ chân người kỹ tính, bởi nó lờn lợt, nhàn nhạt, kém sắc hơn nhiều loài cỏ dại đẹp đẽ không tên tồn tại ở cao nguyên đá từ thuở sơ khai.
Nhưng, kỳ lạ thay, khi chúng đứng cạnh nhau, nối thành một vệt dài liên tiếp, điệp trùng, theo những dốc cao quanh co hay đột ngột dàn trải lấp đầy cả thung núi bằng phẳng…, thứ màu sắc ấy cố kết, bám riết với nhau thành một tấm thảm sắc màu miên man, rợn ngợp, vừa hoang hoải buồn, vừa kiêu hãnh pha chút hoang dại. Những cơn gió núi tràn qua khe tạo thành những lớp sóng tím xô đẩy, cảm giác như có chân, nếu cứ đẩy mãi, sẽ tới lúc nó xâm chiếm hết cả miền đá xám.
Tam giác mạch sinh ra như thể chỉ để dành cho xứ đá kiêu hùng làm nền, và được đá chở che. Giờ đây, nó đã trở thành “đại sứ du lịch” của Hà Giang, là “sứ giả” của cao nguyên đá.
Người tìm "chỗ đứng" cho cây tam giác mạch
Năm 2014, lần đầu tiên Hà Giang tổ chức Lễ hội hoa Tam giác mạch như là một tiếng trống khởi đầu mùa du lịch của cao nguyên đá Đồng Văn, gồm bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Cho đến tháng 10/2023 mới đây, Lễ hội hoa Tam giác mạch lần thứ 9 được tổ chức, trở thành sự kiện thường niên, và là tài sản riêng có Hà Giang sở hữu. Nó là chỉ dẫn địa lý mềm đầy thơ mộng cho du lịch bản làng - thứ mà Hà Giang mới giật mình nhận ra khoảng gần chục năm nay, đang đến độ cho “quả ngọt”.
Ít ai biết, loài cây mỏng manh này đã có mặt ở xứ đá từ rất lâu. Đồng bào vẫn trồng nó làm thứ cứu đói mùa giáp hạt, lấy hạt hoa tam giác mạch làm lương thực, làm bánh, nấu rượu…; thân cây làm thực phẩm để nuôi trâu, bò, lợn… Có nghĩa là, với người vùng cao, nó hiện hữu là một thứ phụ phẩm, có cũng được, mà không có cũng chẳng sao. Nếu thiếu đói, thiếu gạo, ngô…, nó mới được nhớ đến…
Người định hình cho cây tam giác mạch một chỗ đứng trong bản đồ du lịch của Hà Giang ngày nay phải nhắc đến ông Hoàng Văn Thịnh, Bí thư đương nhiệm của Đồng Văn bây giờ. Những người hiểu chuyện vẫn nhắc đến chuyến công tác của ông Thịnh vào cuối năm 2012, khi ông đang là Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn. Trong chuyến công tác tại xã Lũng Cú, ông tình cờ gặp một cụ bà người Mông đang thu hái một loài cây thân cỏ, hoa nhỏ li ti với sắc trắng hồng pha tím bên vạt nương Thèn Pả. Vây quanh bà cụ, một nhóm du khách đang thích thú ngắm nghía, chụp ảnh… vạt hoa.
Là người dưới xuôi, lại mới lên Đồng Văn nhận nhiệm vụ, ông Thịnh không biết đó là cây tam giác mạch. Vì không biết, ông tò mò dừng lại hỏi. Bà cụ không nói được tiếng Kinh. Ông chủ tịch huyện gọi một cán bộ địa phương ra nhờ phiên dịch giúp, và mới biết đó là cây hoa tam giác mạch, bà cụ đang cắt đem về… cho lợn.
Khi ấy, tiết trời cũng đang cuối thu. Vạt nương tam giác mạch ở Thèn Pả đang nở rộ, rực rỡ giữa miền cao nguyên đá xám. Nhận thấy loài hoa này sẽ có thể là điểm nhấn để thu hút cho du lịch Đồng Văn nếu được trồng đại trà, có quy hoạch, có ý đồ…, về lâu dài, nó sẽ góp phần xóa đói, giảm nghèo cho bà con. Ông Thịnh nhen nhóm một dự định!
Ông giao thí điểm một xã triển khai tổ chức gieo trồng tập trung, giao Phòng Nông nghiệp nghiên cứu, khảo sát, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây, huyện bố trí kinh phí và giống hỗ trợ cho dân. Kết quả: Sau thời gian trồng thí điểm, được con người để tâm chăm sóc, cây lên xanh tốt, hiệu ứng của một thảm tam giác mạch tập trung liền nhau với sắc hoa biến đổi theo mỗi ngày, khi mới nở hoa có màu trắng tinh khiết, sau chuyển sang phớt hồng, rồi chuyển sang tím đỏ. Bức họa mới mẻ của núi rừng có tên hoa tam giác mạch tô vẽ.
Giữa năm 2014, ông Thịnh đề xuất mở rộng diện tích cây tam giác mạch cho mùa tới, và thai nghén tổ chức lễ hội quảng bá, thu hút du lịch cho cao nguyên đá mang tên một loài hoa. Ngoài ra, sẽ tạo một “hệ sinh thái” xung quanh cây tam giác mạch: là điểm để khách chụp ảnh, check-in, là nguyên liệu làm ra những sản phẩm đặc trưng như bánh tam giác mạch, rượu, mật ong hoa tam giác mạch… Cả huyện đồng loạt triển khai. Những vệt tam giác mạch trồng dọc hai bên đường quốc lộ 4C, đoạn đi qua các xã trọng điểm về du lịch như Sủng Là, Sà Phìn, Phố Cáo, Phố Bảng, Lũng Cú, thị trấn Đồng Văn… Cuối năm 2014, như kế hoạch, Hà Giang lần đầu mở Lễ hội du lịch mang tên một loài hoa: Lễ hội hoa Tam giác mạch, cho đến tận bây giờ…
Lời đáp câu hỏi "trồng cây gì, nuôi con gì"...
Năm 1991, nhà văn Nguyên Ngọc có chuyến trở lại Hà Giang sau hơn 30 năm, từ thời điểm những năm 1960 khi ông có những chuyến điền dã dài ngày ở vùng Tây Bắc, trong đó nhà văn dành nhiều thời gian nhất ở mảnh đất Hà Giang, và phần nhiều trong những ngày tháng ở Hà Giang, ông chủ yếu ở Đồng Văn, Mèo Vạc. Trong giai đoạn này, những truyện ngắn về vùng cao của Nguyên Ngọc được ra đời, phản ánh cuộc sống, tư tưởng, tình cảm đi theo cách mạng của các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc…
Cuộc hội ngộ sau hơn ba thập kỷ ấy, những rưng rưng ông ghi lại hết trong bài bút ký “Trở lại Mèo Vạc”. Trước đó, ông đã viết “Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng”. Hai bút ký ở hai thời điểm khác nhau, nhưng dường như không có khoảng cách thời gian, mà nó giống như hai phần của một truyện ngắn: “Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng” là Phần 1, còn “Trở lại Mèo Vạc” là Phần 2.
Phần 1 là tiền đề, phần 2 giúp người đọc hiểu rõ hơn, thẩm thấu rõ hơn. Xuyên suốt cả hai phần là Thào Mỹ - một điển hình của người con gái vùng cao nguyên đá, có những nỗi thống khổ như cô Mỵ đất Hồng Ngài của nhà văn Tô Hoài, nhưng cuối cùng, các cô đều vùng dậy, đứng lên, trưởng thành theo tiếng gọi Cách mạng…
Nhưng hãy không nói về hai bài Bút ký vừa nêu tên của ông Nguyên Ngọc nữa. Điều tôi muốn nhắc tới, ấy là hình ảnh liên quan tới loài cây giờ đây đã là biểu tượng của ngành du lịch 4 huyện cao nguyên đá Đồng Văn: cây Tam giác mạch.
“Trở lại Mèo Vạc”, trong cuộc trò chuyện với Phó chủ tịch huyện Mèo Vạc (năm 1991) - ông Lì Mí Pó, Nguyên Ngọc đã nhắc tới tên cây hoa tam giác mạch. Ông Pó, lãnh đạo của một huyện vùng cao, cũng là người bản địa đau đáu nỗi lo miếng cơm, manh áo cho người dân mùa giáp hạt; còn Nguyên Ngọc - người nặng tình với vùng Tây Bắc, đang bộn bề những nỗi niềm cố nhân của hơn 30 năm trước, câu chuyện của hai người cuối cùng rốt cuộc vẫn xoay về vấn đề thực tế: trồng cây gì, nuôi con gì!
“Ba mươi năm trước (giai đoạn những năm 1960 - PV), người H'mông chuyên trồng loại cây đắt giá nhất, kỳ ảo nhất, say đắm nhất trên đời này: cây thuốc phiện. Bây giờ thuốc phiện bị cấm rồi. Thay bằng cây ngô. Trồng ngô ở đây, thì chết đói.
Trồng thuốc phiện - thì hư hỏng. Hư hỏng cả xã hội.
Làm sao?”
…“Câu chuyện của anh (Lì Mí Pó - PV), tất nhiên, xoắn chặt vào việc làm ăn. Vẫn câu hỏi cháy bỏng ấy: trồng cây gì?
… Ngô và một ít lúa. Năng suất ngô 9 tạ/héc-ta, lúa 2,4 tấn/héc-ta. Thử trồng ngô hai vụ nhưng thất bại, anh ạ, vì thiếu cường độ ánh sáng.
Anh nhìn ra ngoài. Đã gần 10 giờ sáng. Mà bốn bề vẫn còn mù mịt sương.
- Đành quay lại một vụ, thu hoạch khoảng tháng năm tháng sáu, phụ thuộc có mưa sớm mới cày được. Tháng chín, tháng mười giá lạnh, cờ ngô bị khô trắng. Năm nay do mưa nhiều, lũ trôi cây, phân gio. Dân không có tiền mua phân đạm. Hiện nay ba bốn mươi phần trăm số hộ đói. Không có ngô ăn, chỉ trông chờ tam giác mạch, nhưng tam giác mạch sẽ làm chua đất, xấu ngô” - (trích: Trở lại Mèo Vạc - Nguyên Ngọc).
Vậy là, ngót nửa thế kỷ trước, cây tam giác mạch đã có mặt trong đời sống của mười mấy đồng bào dân tộc ít người bám rễ trên vùng cao nguyên đá. Nó đã được người ta nhắm tới là cây cứu đói mùa giáp hạt, là thức ăn cho cả người và vật nuôi. Nhưng, nó chưa tìm được vị trí thực sự của mình, bởi thời điểm Nguyên Ngọc trở lại Mèo Vạc, những năm 1990 - miếng ăn, cái đói vẫn là gánh nặng, nhất là với vùng phên dậu cực Bắc Hà Giang. Chưa ai nghĩ tới du lịch. Mà có lẽ, khái niệm “du lịch” còn chưa hình thành trong suy nghĩ chứ nói gì đến việc phát triển du lịch làm thứ “cứu đói, xóa nghèo” cho cao nguyên đá như bây giờ!
Và, một lý do khác khiến Phó chủ tịch huyện Mèo Vạc thuở ấy không mấy mặn mà với cây tam giác mạch, một lý do rất cảm tính: “Tam giác mạch sẽ làm đất chua, xấu ngô”.
Đấy, ngay từ trong suy nghĩ của một vị lãnh đạo tử tế, trách nhiệm như ông Lì Mí Pó vẫn chưa vượt qua định kiến, cây ngô vẫn là cây chủ lực không thể thay thế. Nó đồng nghĩa với việc sẽ không bao giờ “có cửa” cho thứ cây hàng thứ yếu, chỉ được nhớ đến là cây thế thân cứu đói lúc giáp hạt, hay làm thức ăn cho gia súc mang tên Tam giác mạch.
Ông Lì Mí Pó không có lỗi. Đó là rào cản, tầm nhìn mang tính giai đoạn, thời điểm. Cả nước thời kỳ ấy, các địa phương đều có những khốn khó riêng, tỉnh nào cũng loay hoay trong câu chuyện “trồng cây gì, nuôi con gì” để xóa nghèo, làm giàu, đâu riêng Mèo Vạc, Hà Giang?
Ngay cả thời nay, thế hệ lãnh đạo trẻ tuổi, tân tiến sau ông Lì Mí Pó hơn 3 thập kỷ, cho tới mãi năm 2012 mới đưa ra được một sáng kiến có tên gọi “Tuyên bố Panhou” - hiểu nôm na là một “Nghị quyết” về xây dựng làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới bằng 10 tiêu chí; làm du lịch bản làng bằng chính những văn hóa riêng có của địa phương, bằng ngôi nhà sàn, ngôi nhà đất, cuộc sống bản địa, môi trường trong lành, bằng ruộng bậc thang và cao nguyên đá...
“Tuyên bố Panhou” là một trong những chủ trương đặt viên gạch đầu tiên làm nền móng để du lịch bản làng ở Hà Giang thành hình, trải qua những ngày chập chững, sơ khai cho tới khi hiện hữu thành cơ đồ như hiện nay, với bộ khung là những làng văn hóa du lịch điển hình Nặm Đăm (Quản Bạ); thôn Chì (Quang Bình); Phương Độ (thành phố Hà Giang)..., sau này là những cái tên khác: Pả Vi, Lũng Cẩm, Lao Xa, Sủng Là, Sà Phìn…
Đây cũng là dấu ấn đáng kể nhất của ông Triệu Tài Vinh thời gian ông làm Bí thư Tỉnh ủy mang về cho quê hương Hà Giang mình, bên cạnh những “lùm xùm” không đáng có, bởi sự thực chất, hiệu quả của Tuyên bố Panhou do ông khởi xướng.
Câu chuyện về loài cây “sứ giả du lịch” vùng cao nguyên đá - cây tam giác mạch, kể từ khi Chủ tịch huyện Đồng Văn khởi xướng ý tưởng cho tới ngày hôm nay, đang là câu trả lời cho câu hỏi mà Lì Mí Pó và Nguyên Ngọc băn khoăn đi tìm hơn 30 năm trước.
Tôi không chứng kiến buổi chiều cuối năm 2012 của ông Hoàng Văn Thịnh với bà cụ người Mông, để rồi 2 năm sau Hà Giang đưa loài cây “cho lợn ăn” thành “sứ giả” du lịch Cao nguyên đá. Nhưng, chỉ có thể nói đó là một buổi chiều hữu duyên và đầy may mắn.
May mắn vì Đồng Văn có vị lãnh đạo có tâm, có trách nhiệm, chịu khó để ý, quan sát, phát hiện đúng lúc, đúng thời điểm cây tam giác mạch, và nhờ đó, cây tam giác mạch mới may mắn “có chỗ đứng” như hiện nay, được quy hoạch, quan tâm, được đầu tư, hỗ trợ ngân sách hằng năm cho người dân trồng có mục đích. Để đem lại sự may mắn ấy, đó là tình yêu, trách nhiệm với mảnh đất cực Bắc, giống như hơn 30 năm trước, một người yêu Hà Giang như nhà văn Nguyên Ngọc day dứt khôn nguôi ngày “Trở lại Mèo Vạc”…
Kế sách cho một loài hoa
Bây giờ, cây tam giác mạch đã không thể thiếu trong cuộc sống của đồng bào vùng cao Hà Giang, càng không thể thiếu trong phát triển du lịch của cao nguyên đá. Cữ tháng 10 hằng năm, Lễ hội hoa Tam giác mạch được UBND tỉnh tổ chức như một sự kiện lớn của mùa du lịch cuối năm. Tam giác mạch trở thành thứ cây chủ đạo, là linh hồn du lịch vùng cao nguyên đá dịp cuối thu, đầu đông, kéo dài cho đến hết tháng Ba năm sau, đi qua mùa hoa đào, hoa mận…
Có lẽ, chính loài cây ấy cũng không ngờ có một ngày, nó lại có “chỗ đứng” vững chắc trên cao nguyên đá.
Vàng Dỉ Xoáng, Chủ tịch xã Sủng Là - một trong những xã đẹp nhất, giàu tiềm năng du lịch nhất của huyện Đồng Văn, cho biết: một hec-ta hoa tam giác mạch mỗi vụ mang lại thu nhập khoảng 15 triệu đồng cho người trồng, đó là tiền bán hạt, làm bánh, rượu và mật ong tam giác mạch. Ngoài ra, người dân có tiền mỗi ngày từ việc bán vé cho khách vào check-in, chụp ảnh cùng hoa.
Điều này đang là một thực tế. Những vạt tam giác mạch xuất hiện bắt đầu từ Phố Cáo, rồi đến Pác Sum, bị ngắt lưng chừng ở Yên Minh do vùng đất này độc đạo những rừng thông, sa mộc... kỳ vĩ, hoang sơ, xanh ngút tầm mắt. Chạm đến đất Đồng Văn thì rõ ràng một thủ phủ của tam giác mạch hiện ra, với những rừng hoa nối dài dọc quốc lộ 4C, những thung lũng ăm ắp tam giác mạch rung rinh trong gió đủ để làm ướt át bất kỳ trái tim chai cằn nào vô tình đi qua mùa hoa đẹp nhất, cho tới những điểm nhấn du lịch ở Mèo Vạc - huyện xa ngái, chót cùng của cao nguyên đá.
Ở mỗi mảnh nương tam giác mạch sẽ có một đồng bào người Mông hiền lành, ít nói trực ở đó để bán vé check-in vườn hoa do chính họ vỡ đất, gieo hạt từ tháng 8 dương lịch, 2 tháng sau, cây ra hoa, và mùa hoa rộ là khi những cơn gió heo may cuối thu bị hơi lạnh đầu đông lấn lướt. Mỗi lượt check-in 10 - 20 ngàn đồng/người, khách chụp bao nhiêu ảnh - tùy thích; một nhóm khách dăm ba người, một ngày có cả chục nhóm khách. Cây tam giác mạch trả ơn người trồng hoa bằng “tiền tươi, thóc thật”. Ở vùng cao, đó là một thành quả rất lớn. Cây tam giác mạch giống như cây cải mèo, đã chọn cao nguyên đá làm chỗ đặt chân, chỉ vãi hạt trên mảnh nương đã vỡ đất sẽ bén rễ rất nhanh và ở lại rất lâu, từ bao nhiêu năm trên xứ đá.
Đồng Văn đã khéo léo và khôn ngoan hơn rất nhiều: để mùa hoa tam giác mạch kéo dài, nối dài nhiều tháng, giúp mùa du lịch dài thêm ra, ngành chức năng của Đồng Văn chủ trương chia thành các trà xuống giống gối nhau, để mùa hoa kéo dài, tháng nào cũng là mùa Tam giác mạch nở rộ trên khắp vùng cao nguyên đá.
Năm 2023, bốn huyện vùng cao nguyên đá gieo trồng hơn 333ha cây tam giác mạch, trong đó có hơn 127ha được gieo trồng để phục vụ Lễ hội hoa Tam giác mạch diễn ra vào 28/10 vừa qua.
Huyện Đồng Văn đã đưa cây hoa tam giác mạch vào trong Nghị quyết, giúp nó trở thành loài cây chủ lực trong phát triển kinh tế hộ gia đình, và bài toán lâu dài, bền vững hơn, đó là loài cây “hút” khách du lịch, giúp ngành du lịch tăng trưởng từ đó xóa đói, giảm nghèo. Mỗi năm, huyện bố trí hỗ trợ kinh phí để đồng bào yên tâm gieo trồng, khiến những con đường lên cao nguyên đá đẹp lung linh như miền cổ tích…
Mùa hoa tam giác mạch năm nay, Đồng Văn có hơn 250ha phủ kín tam giác mạch, được chia làm 3 trà, bắt đầu gieo trồng từ tháng 8 đến hết tháng 10, đủ để những lứa hoa kéo dài trọn vẹn 3 tháng. Các vựa hoa Tam giác mạch trải dài trên các xã Vần Chải, Sủng Là, Phố Cáo, Ma Lé, Lũng Cú và thị trấn Đồng Văn. Loài hoa nhỏ bé, đầy thân phận mươi năm trước, giờ đã vụt trở thành “đại sứ du lịch” của vùng cao nguyên đá, đang góp phần làm đổi thay cuộc sống của người dân xứ đá mỗi ngày…
Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn Phạm Đức Nam cho biết: Để chuẩn bị cho lễ hội hoa, các ngành chức năng tích cực vận động bà con đăng ký trồng theo chỉ tiêu, kế hoạch. Cán bộ nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật, huyện hỗ trợ kinh phí 6 triệu đồng/ha trồng tại những vùng trọng điểm. Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn thiết kế, tạo hình để những cánh đồng hoa thêm sinh động, có dấu ấn riêng, khi là một vạt nương mô phỏng thửa ruộng tam giác mạch hình mâm xôi, hay một trái tim khổng lồ bằng cây tự nhiên, nổi bật giữa vùng đá xám…
Vậy mới biết, khi chúng ta gieo mầm bằng tình yêu, sẽ có ngày đá cũng nở thành hoa, như loài cây tam giác mạch bé nhỏ, rung rinh giờ đây đang là những “thiên thần” mời giục khách tìm đường về cao nguyên đá!