| Hotline: 0983.970.780

Hiệu quả chương trình IPM trên cây ăn quả tại Hưng Yên

Thứ Sáu 06/08/2021 , 09:08 (GMT+7)

Các lớp học IPM được tiến hành theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”, lấy học viên làm trung tâm, lấy đồng ruộng làm bài học, hướng dẫn ngay trên ruộng của người nông dân.

Lấy học viên làm trung tâm, lấy đồng ruộng làm bài học 

Thực hiện Quyết định 2027/QĐ-BNN-BVTV ngày 02/6/2015 của Bộ NN-PTNT về việc phê duyệt Đề án đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2015 - 2020, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Quyết định số 1836/QĐ-UBND ngày 27/6/2017 về việc phê duyệt Dự án đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) gắn với sản xuất nông sản hữu cơ trên cây trồng tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2018-2021.

Hưng Yên chú trọng phương thức đào tạo, tập huấn IPM theo hướng 'cầm tay chỉ việc', thực tế đồng ruộng. Ảnh: SNNHY.

Hưng Yên chú trọng phương thức đào tạo, tập huấn IPM theo hướng "cầm tay chỉ việc", thực tế đồng ruộng. Ảnh: SNNHY.

Mục tiêu nhằm đào tạo được đội ngũ giảng viên, kỹ thuật viên và nông dân nòng cốt nắm bắt được những kiến thức và những ứng dụng cơ bản về IPM trên các loại cây trồng chính trong tỉnh; xây dựng, giảm chi phí đầu vào của sản xuất (giống, phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật...); tăng hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường và sức khoẻ cộng đồng.

Qua 04 năm thực hiện, Dự án đã đạt những kết quả tích cực, được các cấp chính quyền ghi nhận, đánh giá cao, nông dân trong vùng hưởng ứng nhiệt tình.

- Đã tổ chức 01 lớp đào tạo giảng viên IPM cho các cán bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp với số lượng 40 người. Các giảng viên IPM có đủ điều kiện, trình độ, kinh nghiệm tổ chức các lớp huấn luyện nông dân nòng cốt.

- Đã tổ chức được 114/130 lớp huấn luyện nông dân nòng cốt (FFS) trên các loại cây trồng đạt 87,6% mục tiêu đặt ra, gồm 60/65 lớp trên cây lúa đạt 92,3%; 31/40 lớp trên cây ăn quả, đạt 77,5%; 23/25 lớp cây rau màu và cây dược liệu, đạt 92%; huấn luyện được 3.520 nông dân nòng cốt.

Bằng việc nắm bắt tâm lý của nông dân “trăm nghe không bằng một thấy; trăm thấy không bằng một làm”, mỗi lớp huấn luyện nông dân nòng cốt gắn với xây dựng 1 mô hình IPM thực hành với diện tích 0,5 - 1 ha/lớp.

Lớp học tiến hành theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”, lấy học viên làm trung tâm, lấy đồng ruộng làm bài học, hướng dẫn cụ thể ngay trên ruộng của người dân với những thí nghiệm nhỏ đơn giản, dễ làm để nông dân tự thực hành, tự kiểm tra kết quả áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và thấy được vai trò, lợi ích của thiên địch, tác hại của việc lạm dụng thuốc BVTV, phân bón hóa học đến hệ sinh thái đồng ruộng, sức khỏe con người và chất lượng nông sản.

Các vùng cây có múi tại Hưng Yên đã giảm được rất lớn về chi phí sản xuất, quản lý tốt dịch bệnh nhờ áp dụng IPM. Ảnh: SNNHY.

Các vùng cây có múi tại Hưng Yên đã giảm được rất lớn về chi phí sản xuất, quản lý tốt dịch bệnh nhờ áp dụng IPM. Ảnh: SNNHY.

Qua 4 năm thực hiện, Dự án đã triển khai thành công 114 mô hình IPM thực hành trên các loại cây trồng với tổng diện tích 87ha/97,5 ha, đạt 89,2% mục tiêu Dự án, bao gồm xây dựng 60 mô hình trên cây lúa; 31 mô hình cây ăn quả; 20 mô hình trên cây rau; 02 mô hình trên cây ngô và 01 mô hình trên cây nghệ.

Việc triển khai các lớp huấn luyện nông dân nòng cốt (FFS) và các mô hình IPM thực hành đều mang lại kết quả tốt, đã đào tạo nông dân trở thành chuyên gia trong điều tra, phát hiện sâu bệnh hại trên cây trồng, thiên địch cần bảo vệ và chủ động sử dụng các biện pháp phòng trừ hiệu quả. Đã giảm 10-15% lượng phân bón hóa học; 20-30% số lần phun thuốc BVTV và lượng thuốc BVTV; giảm 15-17% chi phí đầu tư và góp phần tăng 15-20% hiệu quả kinh tế tại mô hình và ngoài sản xuất.

+ Chi phí đầu tư sản xuất lúa khi ứng dụng IPM trung bình giảm 1.150.000 đ/ha tiền phân bón hóa học; 1.250.000 đ/ha chi phí mua và phun thuốc BVTV; hiệu quả kinh tế tăng 3.500.000 đ/ha.

+ Chi phí đầu tư sản xuất cây ăn quả (cam, nhãn, vải, chuối...) khi ứng dụng IPM trung bình giảm 3.000.000 đ/ha tiền phân bón hóa học; 5.000.000 đ/ha chi phí mua và phun thuốc BVTV; hiệu quả kinh tế tăng 15.000.000đ/ha.

+ Chi phí đầu tư sản xuất cây rau màu, dược liệu khi ứng dụng IPM trung bình giảm 2.000.000 đ/ha tiền phân bón hóa học; 2.000.000 đ/ha chi phí mua và phun thuốc BVTV; hiệu quả kinh tế tăng 7.000.000 đ/ha.

Căn cứ kết quả các mô hình IPM thực hành để mở rộng diện tích ứng dụng IPM, Sở NN-PTNT Hưng Yên hỗ trợ nông dân có nhu cầu ứng dụng IPM vào sản xuất tại các địa phương thông qua 02 hoạt động chính là cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn áp dụng IPM trên cây trồng cho các hộ nông dân tham gia ứng dụng IPM vào sản xuất và hỗ trợ một phần vật tư cho 01 vụ sản xuất đối với những diện tích ứng dụng IPM vào sản xuất.

Đến nay, ước tính diện tích cây trồng ứng dụng IPM vào sản xuất đạt gần 7.000 ha, trong đó tỉnh hỗ trợ vật tư 1.700 ha, còn lại nông dân tự áp dụng (số liệu dựa trên diện tích cây trồng được Sở NN-PTNT hỗ trợ vật tư và tính lũy kế theo thời gian).

Chuyển biến rõ rệt về hiệu quả, tư duy sản xuất

Kết quả, các mô hình IPM đã được đông đảo nông dân ngoài mô hình (chưa được tham gia trực tiếp mô hình) làm theo và ứng dụng ngày một rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp tại các địa phương. Từ đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả chung sản xuất nông nghiệp tại địa phương, đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng trồng trọt của tỉnh những năm qua.

Một lớp đào tạo, tập huấn IPM cho nông dân tại Hưng Yên. Ảnh: SNNHY.

Một lớp đào tạo, tập huấn IPM cho nông dân tại Hưng Yên. Ảnh: SNNHY.

Đặc biệt, tại các vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực của tỉnh, sau khi được tổ chức các lớp FFS và mô hình IPM đã có những thay đổi hết sức rõ rệt:

- Tại vùng sản xuất vải lai chín sớm (các xã Tam Đa, Minh Tiến, Tiên Tiến... của huyện Phù Cừ) trước khi áp dụng IPM nông dân phòng trừ sâu đục quả vải theo kinh nghiệm, phun theo định kỳ 5-7 ngày/lần nhưng hiện tượng sâu đục quả vải vẫn gây hại khiến chất lượng quả vải và giá cả không cao, thương lái ép giá.

Sau khi được tham gia lớp FFS, trực tiếp làm (tham quan) mô hình IPM, nông dân trong vùng đã biết cách điều tra, phát hiện và cách phòng trừ các đối tượng sâu bệnh gây hại trên quả vải đặc biệt là bệnh sương mai, sâu đục quả, nên không còn tình trạng phun thuốc định kỳ. Từ đó hạn chế số lần phun thuốc, chủng loại thuốc BVTV và đặc biệt là tình trạng sâu đục quả vải hạn chế đến 85% so với trước, mẫu mã đẹp, không bị thương lại ép giá...

- Tại vùng sản xuất nhãn của xã Hàm Tử (Khoái Châu), các xã Hồng Nam, Tân Hưng, Phương Chiểu....(TP Hưng Yên) trước khi áp dụng IPM, người dân phun thuốc theo kinh nghiệm, theo hàng xóm, số lượng thuốc dùng 1 lần từ 3-5 loại thuốc, thậm chí đến 7 loại thuốc với tâm lý phun phòng. Rất nhiều vườn nhãn vì lý do dư lượng thuốc BVTV trên sản phẩm nên không được các doanh nghiệp trong và ngoài nước ký hợp đồng.

Những nông dân được đào tạo, cấp chứng chỉ là những hạt nhân lan tỏa IPM ra cộng đồng. Ảnh: SNNHY.

Những nông dân được đào tạo, cấp chứng chỉ là những hạt nhân lan tỏa IPM ra cộng đồng. Ảnh: SNNHY.

Tuy nhiên sau khi được học và áp dụng IPM tại Hưng Yên, địa phương đã thành lập nhiều Hợp tác xã (HTX) về nhãn, được các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước (Nhật, Mỹ...) ký hợp đồng tiêu thụ.

Điển hình như HTX nhãn Miền Thiết trước khi tham gia IPM sản lượng tiêu thụ chỉ đạt 50-70 tấn/năm nhưng từ năm 2018 được áp dụng IPM sản lượng tăng lên 150-200 tấn/năm (gấp 2-3 lần). HTX Tiên Châu Phố Hiến khi chưa áp dụng IPM sản lượng tiêu thụ trung bình hàng năm chỉ đạt 30-50 tấn/năm nhưng từ năm 2020 sau khi được áp dụng IPM thì sản lượng tiêu thụ năm 2021 ước tính đạt 100-150 tấn.

Bên cạnh những kết quả có thể nhìn thấy trên, việc áp dụng IPM giúp sức khoẻ người dân được cải thiện hơn do giảm số lần bón phân, tưới nước và phun thuốc BVTV; đã làm thay đổi nhận thức của người dân, hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững; người nông dân là chuyên gia trên đồng ruộng sau khi được huấn luyện, áp dụng biện pháp IPM; là tuyên truyền viên cho cả cộng đồng cùng thực hiện và nhân rộng.

- Tại các vùng sản xuất cây có múi các xã Quảng Châu, Lam Sơn (TP Hưng Yên), Đồng Thanh (Kim Động...) trước khi áp dụng IPM tình trạng cây bị chết do bệnh thối rễ, quả rụng do nấm..., nhiều vườn bị nông dân nhổ bỏ chuyển sang cây trồng khác.

Sau khi triển khai các lớp FFS và mô hình IPM tại các địa phương trên, nông dân đã sử dụng nấm đối kháng Trichoderma trong việc phòng trừ bệnh thối rễ trên cam, quýt, bả pheromone trong phòng trừ ruồi đục quả, biết cách điều tra, phát hiện và phòng trừ các đối tượng gây hại như nhện đỏ, bệnh loét vi khuẩn...

- Tại các vùng trồng chuối gồm các xã Hùng Cường, Phú Cường (TP Hưng Yên), Tân Dân (Khoái Châu)... trước khi áp dụng IPM nông dân sử dụng thuốc BVTV theo kinh nghiệm, số lượng thuốc trong mỗi lần phun 3-5 loại; số lần phun theo định kỳ với phương châm phòng là chính (không bị sâu hại, bệnh hại cũng phun).

Các vùng cây ăn quả chủ lực của Hưng Yên đã có những chuyển biến hết sức tích cực sau khi nông dân được tập huấn, đào tạo về IPM. Ảnh: SNNHY.

Các vùng cây ăn quả chủ lực của Hưng Yên đã có những chuyển biến hết sức tích cực sau khi nông dân được tập huấn, đào tạo về IPM. Ảnh: SNNHY.

 Sau khi được học và áp dụng IPM nông dân đã nắm được các nguyên tắc sử dụng thuốc BVTV (04 đúng), sử dụng chế phẩm Trichoderma trong chăm sóc cây và ủ thân cây chuối đã thu hoạch thành phân bón cung cấp lại đồng ruộng...

Việc tăng cường sử dụng các sản phẩm hữu cơ, chế phẩm nấm Trichoderma... đã góp phần cải tạo đất, tăng độ tơi xốp, hệ sinh thái đất được cải thiện...

Bên cạnh đó, còn một số tồn tại hạn chế. Một số mục tiêu của Dự án chưa được thực hiện hoặc thực hiện với quy mô nhỏ so với kế hoạch do kinh phí bị cắt giảm, kinh phí được cấp chỉ đạt 68,9%.

Ngoài ra, nhiều nhân lực nông nghiệp trẻ chuyển sang làm công nhân, dịch vụ…, ít quan tâm đến sản xuất nông nghiệp.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên một số nội dung của Dự án thực hiện rất khó khăn (cán bộ hướng dẫn phải chia nhỏ lớp học thành nhiều nhóm thực hiện các thời gian khác nhau đảm bảo dãn cách) gây ảnh hưởng đến hiệu quả của Dự án.

Xác định IPM là nền tảng để phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững và là cơ sở xây dựng những vùng sản xuất an toàn đạt các tiêu chuẩn GAP; là cơ sở để xây dựng và quản lý mã số vùng trồng… nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật của các thị trường trong và ngoài nước.

Từ đó, Bộ NN-PTNT đã ban hành Chỉ thị 8141/CT-BNN-BVTV ngày 24/11/2020 về việc tiếp tục triển khai chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên các cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao và có tiềm năng xuất khẩu.

Sở NN-PTNT Hưng Yên đang xây dựng kế hoạch tiếp tục thực hiện Dự án Đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) gắn với sản xuất nông sản hữu cơ trên cây trồng chủ lực của tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2022-2026.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 3] Phát triển trang trại, gia trại

Bắc Kạn Chăn nuôi ở Bắc Kạn chuyển dần từ nông hộ nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, gia trại, huy động doanh nghiệp có tiềm lực xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.