| Hotline: 0983.970.780

Hiệu quả mô hình trồng bắp lai thích ứng biến đổi khí hậu

Thứ Năm 24/09/2020 , 08:45 (GMT+7)

Trước những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, mô hình canh tác bắp lai CSA trên diện tích đất lúa không chủ động nước là giải pháp thích hợp ở Quảng Nam.

Những năm qua, cứ vào vụ hè thu là người dân ở tỉnh Quảng Nam nói chung và huyện Đại Lộc nói riêng lại đối mặt với tình trạng thiếu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, với cây lúa, nhiều diện tích ở huyện này thường xuyên bị khô hạn nên người dân chấp nhận bỏ hoang hoặc sản xuất theo kiểu “nhờ trời”.

Thôn Mỹ Nam (xã Đại Tân, huyện Đại Lộc) nằm ở cuối kênh thủy lợi của xã nên việc lấy đủ nước tưới cho sản xuất lúa của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Trước tình hình này, từ đầu năm nay, một số hộ nông dân tại đây đã mạnh dạn chuyển đổi từ cây lúa sang cây bắp lai và áp dụng phương thức sản xuất theo mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu (CSA).

Đây là mô hình được sự tài trợ của Hợp phần 3, Dự án WB7 do Ban Quản lý dự án đầu tư, xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư.

Người dân tham gia mô hình trồng bắp lai trên đất lúa không chủ động nước ở xã Đại Tân được dự án hỗ trợ 100% giống. Đây là giống bắp lai có năng suất cao, thích ứng rộng, đặc biệt là khả năng chịu hạn rất tốt. Cây bắp lai có thể trồng trên nhiều chân đất nhưng thích hợp nhất vẫn là thịt nhẹ, cát pha, đất phù sa được bồi đắp hằng năm, đất đủ ẩm.

Với sự hướng dẫn kỹ thuật của Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Đại Lộc, mô hình cây bắp lai CSA đã giúp người nông dân địa phương khắc phục được hai yếu tố là ít sử dụng nước tưới và phân bón.

Cây bắp lai theo mô hình nông nghiệp thông minh CSA trên đất lúa không chủ động nước mang lại hiệu quả cho người dân ở Quảng Nam. Ảnh: L.K.

Cây bắp lai theo mô hình nông nghiệp thông minh CSA trên đất lúa không chủ động nước mang lại hiệu quả cho người dân ở Quảng Nam. Ảnh: L.K.

Sau thời gian canh tác giống bắp lai theo mô hình nông nghiệp thông minh, bà Phạm Thị Bảy (xã Đại Tân, huyện Đại Lộc) cho biết, nhu cầu phân bón cho cây bắp cần cân đối, đúng lúc, đúng kỹ thuật, như thế mới có thể phát huy được hết tiềm năng về năng suất.

“Trước hết cần bón đủ phân hữu cơ đã hoai mục như phân chuồng, phân xanh, nếu thiếu hoặc không có loại phân này thì thay thế bằng phân hữu cơ vi sinh. Toàn bộ phân hữu cơ (hoặc phân hữu cơ vi sinh), phân lân, vôi bột nên trộn đều, rồi ủ vài ngày trước khi bón để tăng hiệu quả sử dụng phân. Hạn chế sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe người sản xuất mà góp phần quan trọng hạn chế ô nhiễm môi trường”, bà Bảy nói.

Không những vậy, trong quá trình thực hiện mô hình, người nông dân còn biết thêm được cách phân tích các chỉ tiêu sinh trưởng cây bắp. Với việc gieo trồng mật độ dày sẽ tận dụng triệt để dinh dưỡng trong đất. Đồng thời ruộng mô hình bón phân đầy đủ và cân đối, kết hợp chăm sóc đúng quy trình kĩ thuật, nên cây phát triển nhanh và khỏe hơn.

“Thực tế cho thấy năng suất ruộng mô hình CSA nhân rộng trên cây bắp bình quân đạt 7 tấn/ha. So với sản xuất cây lúa và các cây hoa màu khác thì hiệu quả kinh tế rất khả quan. Qua so sánh với các ruộng đại trà thì ruộng bắp mô hình cũng có năng suất cao hơn từ 5 – 10%”, ông Huỳnh Bốn (xã Đại Tân, huyện Đại Lộc) chia sẻ.

Trước những hiệu quả mang lại của mô hình bắp lai CSA vụ sản xuất vừa qua, ông Huỳnh Công Sơn, Phó Giám đốc Hợp tác xã Đại Tân cho rằng, những cây trồng cạn như bắp lai này thích hợp với nhiều chân ruộng cũng như các bãi bồi dọc sông Vu Gia ở địa phương.

Do biến đổi khí hậu và thời tiết khô hạn nhiều diện tích ruộng của huyện thiếu nước, trồng lúa năng suất thấp và huyện chủ trương chuyển qua cây trồng cạn như trồng bắp, đậu xanh để phục vụ phát triển chăn nuôi và nhiều mục đích khác. Việc tiếp tục nhân rộng mô hình CSA trên cây bắp giúp nông dân tăng thu nhập trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

“Khi nông dân có thêm kiến thức, kỹ thuật phát triển các cây trồng cạn thì quá trình sản xuất sẽ cho năng suất cao. Các loại cây này cũng giải quyết được thức ăn tại chỗ cho chăn nuôi. Như vậy, cùng lúc trồng trọt và chăn nuôi đều phát triển. Bài toán kinh tế này rất hiệu quả, cần được các cấp ngành ủng hộ, nhân rộng”, ông Sơn nói.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.