| Hotline: 0983.970.780

Hiệu ứng lan tỏa từ loạt bài 'Nông nghiệp trách nhiệm'

Thứ Sáu 16/07/2021 , 10:00 (GMT+7)

Rất nhiều người, kể cả đã nghỉ hưu vẫn theo dõi từng bài viết và gửi ý kiến tâm huyết về cho báo Nông nghiệp Việt Nam về loạt bài 'Nông nghiệp trách nhiệm'.

Ông Vương Đắc Hùng - Phó Giám đốc NN-PTNT tỉnh Hòa Bình:

“Tôi đang về quê, qua khu hợp tác xã ngày xưa, liên tưởng đến loạt bài viết Bí quyết những huyện ít dùng thuốc trừ sâu của báo Nông nghiệp Việt Nam đang đăng, thật xúc động!

Năm 1981, dịch rầy nâu gây cháy trên diện rộng, nhà tôi có 5 sào, sáng và chiều đến kho thuốc cán bộ hợp tác xã lấy thuốc Bassa cho vào bình và lấy thêm đi phun cả xóm, cả làng, cả xã, cả vùng nhưng rồi cháy rầy diện rộng, vẫn thất thu.

Cho đến năm 1982 có giống CR203 ra đời đã khắc chế được dịch này. Cùng với khoán 10 nạn thiếu đói bắt đầu giảm dần và khi một loạt tiến bộ khoa học kỹ thuật trong đó có Chương trình Quản lý Dịch hại tổng hợp IPM, giống lúa lai thì nạn thiếu đói không còn. Bắt đầu một thời kỳ mới cho kỷ nguyên xuất khẩu gạo.

Đọc loạt bài về sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp qua các thời kỳ trên xin được cảm ơn nhà báo Dương Đình Tường đã công phu sưu tầm các tài liệu, gặp các nhân chứng lịch sử để vẽ nên một bức tranh sử dụng thuốc BVTV đáng sợ.

Ai đã lớn lên từ nông thôn đều biết việc này, chương trình IPM do FAO tài trợ đã giúp nông dân và cán bộ quản lý nông nghiệp các cấp tạo nên một cuộc cách mạng về sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, biết sử dụng thiên địch để cân bằng sinh thái...

Nhưng hiện vẫn còn việc lạm dụng thuốc BVTV trên cây ăn quả có múi, lạm dụng chất bảo quản, phụ gia thực phẩm, rất mong chuyên mục "Nông nghiệp trách nhiệm" của báo Nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục có các bài viết để giúp bạn đọc, người tiêu dùng có được nhiều thông tin bổ ích. Điều đó sẽ góp phần phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp gắn với sinh thái và bảo vệ môi trường”.

Lúa hữu cơ ở xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: Tư liệu.

Lúa hữu cơ ở xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: Tư liệu.

TS Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Viện trưởng Viện Bảo vệ Thực vật:

“Tại một số vùng chuyên canh tình hình sử dụng thuốc BVTV vô cùng nhộn nhịp, chủng loại và hãng thuốc không biết đâu mà lần. Nông dân trồng cây nhưng chính họ cũng không nắm rõ bệnh gì, phòng trừ lúc nào. Nên khi có bệnh thì vái tứ phương và ra đại lý mua thuốc về trộn với hy vọng sẽ khỏi. Hậu quả là dư lượng để lại trên nông sản và môi trường đất, nước bị ảnh hưởng. Chương trình IPM là rất đúng và những người làm bảo vệ thực vật vẫn đề cao IPM trong hướng dẫn: biện pháp giống, canh tác, sinh học và hóa học.

Nay nông dân dùng hóa học vẫn không giải quyết được dịch bệnh nên họ cũng đã nhận ra và có ứng dụng sinh học, canh tác nhưng chưa được nhiều. Với lúa thì dễ hơn vì đối tượng dịch bệnh ít, ngắn ngày nhưng cây ăn quả cây lâu năm thì khó khăn hơn vì dịch bệnh tích lũy nên IPM từ lúc trồng chứ không chỉ khi cho thu hoạch.

Và người hướng dẫn IPM cũng cần có chuyên môn sâu về cây trồng đó (trồng trọt, canh tác, đối tượng dịch hại, thời điểm dễ bị nhiễm) mới giúp người dân phòng trừ sớm và bảo vệ vườn, bảo vệ năng suất được. Do biến đổi khí hậu, nhiều đối tượng sinh vật hại trước đây là thứ yếu nay đã thành chủ yếu.

Cần rà soát lại chủng loại thuốc BVTV đăng ký. Không phải loại hoạt chất ra khỏi danh mục mà loại cả thuốc vì thuốc không có tác dụng phòng trừ, hoặc hiệu quả thấp chỉ tốn tiền của dân thôi. Cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn. Lượng rác thải từ vỏ bao bì thuốc BVTV chiếm khoảng 10% lượng thuốc sử dụng cũng cần phải xây dựng kế hoạch thu gom, xử lý cẩn thận”. 

Mùa bưởi ở xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mùa bưởi ở xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Chu Công Tiện - Giảng viên IPM, nguyên Trạm phó Trạm Bảo vệ Thực vật huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây cũ:

“Đầu những năm 90 của thế kỷ trước huyện tôi có một số lớp về Quản lý dịch hại tổng hợp IPM được hỗ trợ kinh phí. Thấy nông dân thích quá tôi mới đến gặp một số cán bộ chủ chốt của các xã để thuyết phục họ đi học bởi nghĩ lãnh đạo có chuyển biến về nhận thức về IPM rồi mới đến toàn dân được. Từ đi học các lớp này, lãnh đạo xã họ hiểu, say mê IPM nên hô hào các hợp tác xã cùng với UBND xã tự bỏ kinh phí ra để hỗ trợ cho nông dân đi học IPM.

Chi phí cho một lớp học IPM gần 30 buổi hồi đó không nhiều, vào khoảng 4-5 triệu gì đó. Nông dân được đi học là thấy sướng rồi, chẳng cần gì cả, chỉ hỗ trợ họ các dụng cụ học tập như giấy, bút, các tờ giấy khổ lớn để vẽ tranh sinh thái, những thứ để làm nhà nuôi côn trùng mà thôi… Nhiều nông dân mong đi học IPM lắm.

Đầu tiên là giáo viên của huyện về hướng dẫn sau đó các học viên giỏi khi được qua 1-2 lớp huấn luyện thì trở thành giảng viên để chính họ, nông dân lại huấn luyện nông dân. Ngoài các lớp được hỗ trợ kinh phí thì khoảng trên 1/3 số xã của huyện hồi ấy đã mở các lớp IPM bằng kinh phí tự mình bỏ ra trong đó 60-70% nông dân của các xã được qua đào tạo, huấn luyện. Mọi thứ rất sôi nổi, giúp cho Ứng Hòa đứng đầu tỉnh Hà Tây cũ về IPM. Đầu tiên phải nói đến phương pháp, sau nữa là phải kể đến sự nhiệt tình bởi thấy được việc đi học của nông dân có lợi lắm, thiết thực cho quê hương lắm!

Hiệu quả IPM đến bây giờ dân vẫn thích bởi lẽ: Trên cơ sở những kiến thức học được, biện pháp canh tác của họ đã thay đổi. Cấy thưa, ít dảnh, lúa lai chỉ cấy 1 dảnh, lúa thuần từ trung bình cấy 5-6 dảnh thì chỉ cấy có 2-3 dảnh, số giống giảm đi một nửa.

Tập quán bón phân từ nhiều, lai rai sang vừa phải, bón sớm và bón tập trung. Trên cơ sở đó cây lúa sẽ khỏe, giảm được sâu bệnh, hạn chế được việc phun thuốc. Nhiều xã trước khi học 2-3 lần phun thuốc/vụ giờ từ cấy đến khi thu hoạch hầu như không mất một giọt thuốc BVTV. Quê tôi xã Trung Tú và gần đó như các xã Đồng Tân, Kim Đường, Đại Cường, Phương Tú… hầu như không có bình phun, không phun thuốc sâu nữa”. 

Rau hữu cơ ở xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.

Rau hữu cơ ở xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Hoàng Văn Hiểu - nhân viên Trồng trọt BVTV xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa:

“Tôi vẫn phát biểu trong các hội nghị ngành nông nghiệp hoặc kỳ họp Hội đồng Nhân dân xã về công tác BVTV từ khi được tham gia lớp IPM 1997 tại xã lúc đó do thầy Tiện, thầy Dũng về giảng. Sau đó ông Nguyễn Duy Hồng (giảng viên IPM thế hệ đầu tiên, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Tây cũ) về trao đổi tại hội trường lớn của huyện chủ đề về công tác BVTV khoảng năm 1998 - 2000.

Tôi vẫn nhớ nguyên văn lời của ông Hồng rằng:" Các đối tượng sinh vật hại trên lúa hiện nay đáng ngại nhất là con chuột rồi đến ốc bươu vàng, ngoài ra không sợ bất cứ đối tượng nào nếu thực hiện nghiêm túc chương trình phòng trừ tổng hợp IPM".

Trong suốt quá trình công tác gắn bó với ngành nông nghiệp từ năm 1997 đến nay tôi thấy đúng vậy. Nhà tôi nhận về khu đa canh 3,5 mẫu đất, không dùng thuốc BVTV kể cả thuốc chuột, bà con cấy thì mình đi sạ thẳng. Trước đây tôi sạ cả 2 vụ lúa vẫn tốt bình thường (kể cả thuốc trừ cỏ tôi cũng không dùng luôn). Có điều người làm khoa học thì rất tôn trọng quy luật tự nhiên và rất khái tính. Các cơ chế đi kèm nếu lãnh đạo thủ lĩnh các đơn vị nào xuất thân từ ngành nông nghiệp bà con nông dân sẽ là người được hưởng lợi nhiều”.  

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Phân biệt rõ giữa thương lái và 'cò lúa'

CẦN THƠ Doanh nghiệp mua lúa qua thương lái, nông dân bán lúa cho thương lái để lấy tiền mặt. Vì vậy, cần xem thương lái là đối tác đồng hành trong chuỗi lúa gạo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.