| Hotline: 0983.970.780

Hình thành vùng nuôi chim yến tập trung tại 20 xã, phường

Thứ Tư 09/10/2024 , 16:32 (GMT+7)

TP.HCM Việc hình thành vùng nuôi chim yến tập trung, ổn định trên địa bàn TP.HCM sẽ giúp đảm bảo an toàn dịch bệnh, môi trường sinh thái, bảo vệ cảnh quan đô thị.

Hiện, nhu cầu tiêu thụ tổ yến tại Trung Quốc là rất lớn, mở ra cơ hội cho ngành yến TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Hiện, nhu cầu tiêu thụ tổ yến tại Trung Quốc là rất lớn, mở ra cơ hội cho ngành yến TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Theo Sở NN-PTNT TP.HCM, từ năm 2006, trên địa bàn huyện Cần Giờ đã có một số nhà đầu tư trong nước đầu tư xây dựng nhà nuôi chim yến.

Đến năm 2008, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương triển khai đề án thí điểm nuôi chim yến trong nhà tại xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, với quy mô xây dựng tối đa 10 nhà nuôi, diện tích xây dựng 200 m2/nhà.

Năm 2022, TP.HCM có 774 nhà yến tại 18 quận, huyện, tập trung chủ yếu tại Cần Giờ, Nhà Bè. Hiện, số lượng nhà yến giảm còn 735 nhưng phần lớn không đăng ký với chính quyền địa phương, gây ra nhiều vấn đề môi trường, tiếng ồn ảnh hưởng đến đời sống, nhất là tại các quận nội thành, trong khu dân cư tập trung.

Các nhà nuôi yến không được cấp phép xây dựng hoặc được cấp phép xây dựng nhà ở nhưng cải tạo, cơi nới thành nhà nuôi chim yến. Bên cạnh đó, việc phát loa dẫn dụ và tiếng kêu của chim yến tại các nhà yến trong nội thành, khu dân cư tập trung gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng, không có các biện pháp bảo vệ môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên chim yến.

Tuy nhiên, TP.HCM lại có điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi chim yến khi có địa hình tương đối bằng phẳng, khí hậu ôn hòa với nền nhiệt độ cao và tương đối ổn định trong năm.

"Nghề nuôi chim yến tạo ra những hiệu ứng tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, làm gia tăng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp của thành phố, góp phần khống chế côn trùng gây hại cho cây trồng, vật nuôi, giúp nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học, trồng rừng, bảo vệ thiên nhiên, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân tại địa phương", ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM cho hay.

Mặt khác, việc phát triển nghề nuôi yến sẽ thúc đẩy phát triển ngành du lịch sinh thái, đặc biệt là tại huyện Cần Giờ. Qua đó, hình thành làng nghề nuôi chim yến thu hút khách du lịch, gắn kết giữa nuôi chim yến với nuôi trồng thủy sản hoặc kết hợp tạo dựng môi trường sinh thái để khai thác dịch vụ du lịch tổng hợp, góp phần tăng thêm nhiều giá trị từ đất đai, mô hình, thu hút thêm nhiều lao động tại địa phương.

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT TP.HCM, việc xác định vùng nuôi chim yến phải phù hợp với tập tính sinh sống hoang dã và phát triển của chim yến. Trong đó, bao gồm các yếu tố hướng chim bay, môi trường có nhiều sông, rạch, rừng tự nhiên để cung cấp nguồn thức ăn sinh vật phù du cho chim yến và hiệu quả kinh tế của các nhà yến hiện hữu trên địa bàn thành phố.

Cần Giờ là một trong những địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển vùng nuôi chim yến. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Cần Giờ là một trong những địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển vùng nuôi chim yến. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tại kỳ họp thứ 18, khóa X HĐND TP.HCM đã thông qua Nghị quyết về quy định vùng nuôi chim yến trên địa bàn TP HCM. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, xác định rõ các khu vực được phép nuôi chim yến.

Trong đó, xác định 20 xã, phường của 3 huyện và thành phố Thủ Đức thỏa mãn các điều kiện phát triển nuôi chim yến ổn định.

Bao gồm phường Long Phước (thành phố Thủ Đức); xã An Thới Đông, xã Bình Khánh, xã Lý Nhơn và xã Tam Thôn Hiệp (huyện Cần Giờ); xã An Nhơn Tây, xã An Phú, xã Bình Mỹ, xã Hòa Phú, xã Nhuận Đức, xã Phú Hòa Đông, xã Phú Mỹ Hưng, xã Thái Mỹ và xã Trung An (huyện Củ Chi); xã Đông Thạnh, xã Nhị Bình, xã Tân Hiệp, xã Thới Tam Thôn, xã Xuân Thới Sơn và xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn).

Theo ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM, việc hình thành vùng nuôi chim yến tập trung, ổn định trên địa bàn thành phố sẽ giúp đảm bảo an toàn dịch bệnh, môi trường sinh thái, bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường từ những hoạt động dẫn dụ, gây nuôi chim yến, bảo vệ và phát triển cảnh quan đô thị.

Ngoài ra, giúp khai thác hiệu quả các vùng sinh thái có điều kiện môi trường tự nhiên phù hợp cho chim yến sinh sống và phát triển (tại các khu vực ít dân cư tập trung, có nhiều rừng cây, có diện tích mặt nước lớn). Từ đó, góp phần phát triển nghề nuôi chim yến bền vững, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Bên cạnh đó, đảm bảo phát triển nghề nuôi chim yến trong nhà có hiệu quả và bền vững, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân tại địa phương, từng bước nâng cao mức thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện thành công chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn thành phố.

Theo Sở NN-PTNT TP.HCM, qua kết quả khảo sát trên 148 hộ nuôi yến (150 nhà yến) tại một số quận/huyện trên địa bàn thành phố, số lượng cặp yến bình quân là 572 cặp/nhà yến. Sản lượng bình quân mỗi nhà yến đạt 1,51 kg/tháng. Ước tính sản lượng tổ yến bình quân trên địa bàn thành phố khoảng 14 tấn/năm.

Bình quân mỗi năm, TP.HCM lấy 350 mẫu tại nhà yến, cơ sở sơ chế tổ yến không phát hiện các trường hợp dương tính với virus cúm gia cầm trên yến. Đến đầu năm 2022, TP.HCM đã được Cục Thú y thẩm định công nhận là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh cúm gia cầm

Xem thêm
260ha diện tích nuôi cá tra bị thiệt hại do dịch bệnh

An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long là 3 địa phương ghi nhận thiệt hại do dịch bệnh xuất hiện trên các ao nuôi cá tra, chủ yếu là bệnh gan thận mủ, xuất huyết.

Từ cây dược liệu, lão nông giúp cả làng thoát nghèo

BẮC GIANG Trồng cây dược liệu rồi cung cấp cho các công ty dược phẩm trong cả nước, ông Thân Văn Sách trú tại thị xã Việt Yên đã giúp người dân vươn lên thoát nghèo.

Công nghệ chỉnh sửa gen, xu hướng của nông nghiệp toàn cầu

Việc ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gen trong nông nghiệp chắc chắn là xu hướng đáng chú ý của nông nghiệp toàn cầu trong tương lai.

Bình luận mới nhất