| Hotline: 0983.970.780

Hộ đê bằng hương ước

Thứ Năm 16/06/2011 , 11:00 (GMT+7)

Đến nay, hương ước bảo vệ đê điều đã được cụ thể hóa trong nội quy bảo vệ sản xuất của HTX với các điều lệ về công tác bảo vệ, tu bổ đê tại xã Vinh Hà (huyện Phú Vang, tỉnh TT- Huế).

Là một vùng đất lấy việc trồng cây lúa, nuôi trồng thủy sản làm kinh tế chủ lực, từ xa xưa các bậc tiên hiền khai phá vùng đất bên đầm Cầu Hai, xã Vinh Hà (huyện Phú Vang, tỉnh TT- Huế) đã chú trọng công tác giữ đê điều, bảo vệ mùa màng.

Giữ đê như giữ nóc nhà

Ngồi trò chuyện cùng lão nông Phạm Đợt (70 tuổi, thôn 5, xã Vinh Hà), chúng tôi được nghe những câu chuyện đầy ý nghĩa đã đi vào hương ước của làng, góp phần vào giáo dục bao thế hệ người dân Vinh Hà về ý thức bảo vệ đê điều.

Nhìn ra phía con đê vững chãi bao bọc lấy thửa ruộng trước mặt làng, ông kể: Vào thời phong kiến, có Quan Tiên chỉ nhìn thấy làng Hà Trung nay là xã Vinh Hà là vùng đất “địa linh” của cây lúa, đã xuất tiền của, huy động trai tráng trong làng đắp đê Bàu Ô lấn ra phá Cầu Hai để tạo ruộng cho dân cày. Cứ năm này qua tháng nọ, từng lớp đất được dân phu là con em của làng đắp dày lên, nện chặt dùng cọc tre làm móng giữ.

 Từ vùng đất nhỏ bé, không đủ cho dân làng cày cấy, thoáng chốc dưới bàn tay cần cù, sáng tạo của thôn dân Hà Trung, gần 2.000 ha đất sản xuất nông nghiệp đã thành hình. Cứ qua mỗi mùa lúa, những trận lụt liên tiếp nơi vùng đất trũng đã cho người dân nơi đây sớm ý thức về công cuộc bảo vệ, giữ đê như chính giữ nóc nhà của mình.

Khi con đê lấn phá hình thành, để bảo vệ tuyến đê lâu dài phục vụ sản xuất lương thực cho làng, ông đã cùng dân Hà Trung thống nhất họp bàn, thảo ra hương ước. Nếu hộ gia đình nào để trâu, bò dẫm đạp hoặc thả rông ăn cỏ trên đê làm đê sụp lở thì hộ dân đó phải chịu trách nhiệm bằng cách mổ chính con trâu, bò, chuẩn bị nếp gạo, rượu ngon để nộp phạt cho làng.

Là người đề ra hương ước với sự thống nhất của dân làng, nhưng để hương ước đó được thực hiện một cách nghiêm minh, Quan Tiên chỉ ý thức rằng mình phải làm gương trước cho bà con mới được. Ông ngầm sai gia nhân nhà mình đánh trâu lên ăn cỏ trên triền đê Bàu Ô, khi tuần đê đi kiểm tra và phát hiện về báo lại cho Quan Tiên chỉ, ông vờ quát lớn: “Hộ nhà ai to gan thế, dám cho trâu lên dẫm trên đê, phải tìm cho được trâu của ai?”.

 Viên tuần đê nghe sợ dựng tóc gáy nhưng rồi phải thưa: “Dạ trâu của Quan Tiên chỉ ạ.” Ông liền hạ giọng: “Thế ra rứa à! Công pháp bất vị thân, dân làng cứ làm theo hương ước, bắt trâu làm thịt, phần tôi, xin nộp phạt theo lệ của làng, việc sai phạm của gia nhân, tui sẽ hành xử theo gia quy để răn dạy chúng”. Sau bữa tiệc rượu no say, dân làng mới biết rằng đó là trâu của Quan Tiên chỉ.

Người dân bảo: “Trâu của quan vi phạm hương ước làng cũng bị phạt, nói gì đến trâu của dân”. Từ đó, qua câu chuyện giết thịt trâu của quan, người dân càng ý thức được việc giữ gìn đê điều, thực hiện nghiêm minh hương ước của làng. Trải qua hàng trăm năm, hương ước giữ đê đã thấm vào ý thức hệ của người dân làng Hà Trung.

Theo ngày tháng đã định, cứ nghe ba hồi trống, nam phụ lão ấu trong làng, người mang cuốc xẻng, dao rựa ra chặt cây, nạo vét kênh mương, đắp lại đê điều cho thông thoáng, nhờ thế cho đến ngày nay, Vinh Hà vẫn giữ được nhiều tuyến đê trọng yếu, phục vụ tích cực cho sản xuất nông nghiệp của làng.

Tiếp nối truyền thống

Đến nay, hương ước bảo vệ đê điều đã được cụ thể hóa trong nội quy bảo vệ sản xuất của HTX với các điều lệ về công tác bảo vệ, tu bổ đê. Ông Phan Ngọc Thiền, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Hà, cho biết trong những năm qua, nhờ sự nỗ lực của người dân, chính quyền xã thông qua chương trình kiên cố hóa đê bao của huyện, tỉnh, hệ thống đê Tây Phá - Cầu Hai, đê nội đồng, đê bao vùng với tổng chiều dài gần 24km đã được đầu tư xây mới, nâng cấp với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng.

Trong sản xuất nông ngư nghiệp, Vinh Hà vốn lấy cây lúa và nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản làm kinh tế mũi nhọn. Nhờ đầu tư hoàn thiện hệ thống đê bao, trạm bơm, hệ thống kênh mương, nhân dân ngày càng quan tâm đến áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng nhiều giống lúa xác nhận, thực hiện phân bón cân đối nên đã đưa năng suất lúa bình quân lên 54 tạ/ha, nâng sản lượng lương thực đạt 4.943,5 tấn thóc, tăng 1.890 tấn.

"Làng Hà Trung vốn mang trong mình bề dày truyền thống hàng trăm năm tuổi với lớp trầm tích văn hóa qua những câu chuyện giữ đê đã được dân làng đưa vào hương ước, lệ làng. Qua thời gian, nó đã trở thành món ăn, động lực tinh thần vô giá, tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của Vinh Hà hôm nay", ông Phan Ngọc Thiền- Phó Chủ tịch UBND xã.

Về sản xuất ngư nghiệp chủ yếu là đánh bắt thủy sản trên sông đầm phá. Toàn xã có 120 thuyền máy với công suất 10-22CV, sản lượng khai thác năm 2010 đạt 180 tấn. Về công tác nuôi trồng thủy sản, đến nay toàn xã đã thả nuôi với diện tích khoảng 400 ha với gần 500 hộ dân tham gia nuôi trồng bao gồm tôm và các loại cá có giá trị xuất khẩu, sản lượng thu được gần 200 tấn.

Bên cạnh đó, trong những năm qua, cơ sở vật chất về giáo dục đã có những chuyển biến tích cực, hiện có 3 trường cấp 1, 2, 3 tạo điều kiện cho con em nông thôn đến lớp ngày một đông hơn; đặc biệt trường mẫu giáo mầm non đang được khởi công xây dựng tại thôn 4 với tổng kinh phí đầu tư hơn 2 tỷ đồng. Hệ thống giao thông nông thôn đã được đầu tư phủ khắp các thôn, làng của xã Vinh Hà, tỷ lệ hộ dân dùng điện, nước sạch chiếm trên 90%.

 Đặc biệt, thông qua Dự án hạ tầng cơ sở nông thôn dựa vào cộng đồng, Dự án bãi ngang đã đầu tư xây dựng tuyến đường bê tông liên thôn từ thôn 4 về thôn 5 và thôn 3 trị giá 1 tỷ đồng; xây dựng và nâng cấp đê bao Bàu Ô với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng...

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai nữ sinh tử vong do đuối nước

2 nữ sinh không may bị trượt chân ngã xuống hồ, đuối nước. Do khu vực hồ nước xa khu dân cư nên khi người dân phát hiện 2 em đã tử vong.